Nếu như có những nhà khoa học đi rất sâu vào
một lĩnh vực nào đấy, thì cũng có những nhà khoa học nghiên cứu rất
rộng, nhưng vẫn sâu sắc nhiều vấn đề khác nhau của một hoặc nhiều
ngành khoa học. Edward Sapir là một nhà khoa học thuộc loại thứ hai
này.
Sinh ngày 26 tháng giêng 1884, tại Đức, ông theo
gia đình di cư sang Mĩ, khi mới lên năm. Ông học tiểu học và trung
học, tại New York.
Chàng thanh niên gốc Đức-Do Thái này theo học ngữ
văn học Đức tại đại học Columbia, nhờ thế đã quan tâm tới ngôn ngữ
học, và đặc biệt là các bài giảng của nhà nghiên cứu nhân chủng học
Franz Boas (1858
– 1912) đã ảnh hưởng tới con đường khoa học tương lai của Sapir: nhân
chủng học và ngôn ngữ học là hai hướng đi chủ yếu, đồng thời của ông.
Sapir đã bỏ ra sáu năm để học các tiếng của những
bộ tộc da đỏ ở miền Tây nước Mĩ: như Yana, Paiuta,… Những công trình
khoa học đầu tiên của ông có liên quan tới vấn đề này. Ông đỗ tiến
sĩ năm 1939, với công trình về dân tộc và ngôn ngữ người da đỏ Tikeinm,
ở phía nam Ôrigôn. Năm 1910, Sapir được giao chức trưởng ban nhân
chủng học tại Nhà bảo tàng quốc gia Canada, ở Ottawa. Ông giữ chức
vụ này cho tới năm 1925, khi ông được mời về dạy ngôn ngữ học đại
cương và nhân chủng học ở trường Đại học Sicago. Tại Ottawa, ông tiếp
tục nghiên cứu về các ngôn ngữ người da đỏ, và có nhiều đóng góp về
dân tộc học.
Năm 1921, ông công bố quyển sách nổi tiếng: Ngôn
ngữ: Dẫn luận về sự nghiên cứu lời nói (Language: An Introductionto
the Study of Speech). Qua sách này, ông đã độc lập mở ra con đường
nghiên cứu ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ dân tộc. Ông độc lập với
Bloomfield, vì cuốn Language của Bloomfield mãi năm 1933 mới
công bố. Ông cũng độc lập với các trường phái ngôn ngữ học châu Âu.
Giáo trình ngôn ngữ học đại cương của F. de Saussure
được công bố trước đó không lâu lắm (1916), còn trường phái Praha
mãi năm 1926 mới thành lập.
Tại Đại học Sicago, trên cơ sở quan sát hàng loạt
ngôn ngữ người da đỏ ở Mĩ, Canada, một phần ở Mêhicô, và Trung Mĩ,
năm 1929, ông đề nghị phân các ngôn ngữ này thành sáu nhóm chính.
Năm 1931, ông là giáo sư ở Đại học Yan, lập ra khoa
nhân chủng học và làm việc ở khoa này cho tới 1937. Sapir mất ngày
4 tháng hai năm 1939, tại New Haven.
Về quan điểm ngôn ngữ học, E. Sapir cho rằng, hoạt
động ngôn từ không thể tách rời khỏi các hợp thành văn hoá của một
cộng đồng xã hội, nó là bộ phận cơ bản của nền văn hoá, mà đặc trưng
là các biểu tượng, chế ước và kinh nghiệm. Ngôn ngữ là một cấu trúc
mang dấu ấn của tư duy. Nó mang thế giới quan đặc thù của một nền
văn hoá, nó tổ chức và là điều kiện cho tư duy hoạt động. Quan điểm
đó thường được gọi là giả thuyết Sapir-Whorf. Trong số học trò của
ông, Benjamin Lee Whorf
(1897 – 1941) là người gần gũi và nổi tiếng nhất. Giả thuyết này trái
ngược với quan điểm của L. Bloomfield, vốn coi tư duy không phải là
một yếu tố thích đáng trong một lí thuyết ngôn ngữ.
Về mặt phương pháp, Sapir không thật sự đề ra một
phương pháp phân tích – miêu tả các ngôn ngữ. Nhưng ông đã đề cập
tới nhiều vấn đề khác nhau. Sapir là một trong những nhà ngôn ngữ
học đầu tiên đã thấy tính phức tạp của nghĩa, và sự đa dạng của các
dạng thức ngôn ngữ học. Ông đã nghiên cứu chúng dưới góc độ xã hội
của giao tiếp, dưới góc độ kĩ thuật của ngôn ngữ kĩ thuật (kể cả việc
xây dựng một ngôn ngữ nhân tạo đặc thù), dưới góc độ thẩm mĩ của sự
sáng tạo cá nhân, dưới góc độ văn học, dưới góc độ nhân thức và tâm
lí…
Trong Tuyển tập các bài viết về ngôn ngữ, văn
hoá và cá nhân (Selected writings in Language, Culture and Personality,
1940), nổi lên các bài viết đề cập tới âm vị học, và nhiều ý kiến
của ông trở thành kinh điển: sự phân biệt âm vị học với ngữ âm học,
sự phân loại cấu trúc các “yếu tố âm vị học chân chính” (các âm vị)
của một ngôn ngữ. Sapir rất quan tâm tới khái niệm “từ”. Theo ông,
không thể xác định một tập hợp các từ loại cho một ngôn ngữ để giải
quyết triệt để vấn đề cấu trúc ngôn ngữ của nó. Về ngữ pháp, có thể
chia các quá trình ngữ pháp cơ bản thành sáu kiểu: 1) Dùng trật tự
từ; 2) Dùng sự tổ hợp; 3) Dùng sự phụ gia; 4) Dùng sự đổi chỗ các
thực thể nguyên âm và phụ âm; 5) Dùng phép láy; 6) Dùng trọng âm.
Sapir và Bloomfield là hai đại diện xuất sắc nhất
của nền ngôn ngữ học Mĩ trong nửa đầu thế kỉ này. Hai ông đối lập
với nhau về quan điểm, phong cách và phương pháp, nhưng lại bổ sung
cho nhau. Sapir đề cao vai trò văn hoá, tư duy trong nghiên cứu ngôn
ngữ, còn Bloomfield xây dựng lí thuyết ngôn ngữ theo quan điểm hành
vi luận. Nếu coi Bloomfield là người đề xướng phương pháp cấu trúc
triệt để , thì Sapir được coi là đại diện cho một trường phái cấu
trúc điều hoà hơn. Về phong cách, nếu Bloomfield đi rất sâu vào các
vấn đề ngôn ngữ học, thì với Sapir, ngoài nghiên cứu ngôn ngữ học
và nhân chủng học, chúng ta còn gặp ông trong các hoạt động văn học,
thơ ca và âm nhạc. Ông vừa làm thơ, vừa sáng tác nhạc, lại vừa là
nhà phê bình văn học và âm nhạc; hơn thế nữa, ông cũng là một nghệ
sĩ biểu diễn.
Ngoài B. L. Whorf, trong số học trò nổi tiếng của
Sapir, có thể kể đến Kenneth Lee Pike, và Morris Swadesh.
Theo Nguyễn Đức Dân (1984). Edward Sapir . In trong Ngôn ngữ học: Khuynh hướng • Lĩnh vực • Khái niệm (tập 1). Nxb KHXH, H., 1984, trang 204.