2.3. Vấn đề quốc ngữ hoá dãy phụ âm ngạc trong tiếng Hán quan thoại Tây Nam
Dãy phụ âm ngạc trong tiếng Hán gồm có các âm /tɕ, tɕh, ɕ, j, ɲ/. Nếu so sánh với tiếng Việt thì trong dãy phụ âm này chỉ có âm /ɲ/ là có sự tương ứng với nhau. Do vậy, con chữ (nh) sẽ được dung ghi lại âm đọc /ɲ/ trong các địa danh gốc Hán.
Đối với các phụ âm tắc xát /tɕ/ và phụ âm tắc xát, bật hơi /tɕh/ chọn giải pháp tương tự như các phụ âm có cùng phương thức cấu âm, nhưng khác vị trí cấu âm /ts/ và /tsh/. Phụ âm / tɕ/ do hai con chữ (ch), (tr) thể hiện, còn con chữ (s) sẽ dung để ghi phụ âm /tɕh/. Còn phụ âm xát /ɕ/ lại không nhất quán trong việc chọn giữa hai con chữ (x) và (s) để hiển thị. Chính điều này đã gây ra có sự lẫn lộn khi phiên chuyển.
Trường hợp bán nguyên âm /j/ cũng tương tự như đối với trường hợp âm /w/. Mặc dù không cho đây là các phụ âm, nhưng khi chuyển sang tiếng Việt thì hệ thống chữ quốc ngữ đã phải dùng các con chữ phụ âm để ghi âm đọc này. Trong tư liệu của chúng tôi, hai con chữ (d) và (gi) cùng đảm chiệm chức năng ghi các địa danh gốc Hán có xuất hiện âm /j/.
Tương ứng | Chữ Hán | Chữ Việt | Con chữ thể hiện | |
---|---|---|---|---|
Hán | Việt | |||
/ɲ/ | /ɲ/ | 牛場 /ɲiəu tshaŋ/ 黄泥坡 /xuaŋ ɲi pho/ |
Nhiều Sáng /ɲieu ʂaŋ/ Hoàng Nhì Phố /hwaŋ ɲi fo/ |
nh |
/tɕ/ | /c/ /ʈ / |
崖腳 /ŋai tɕyo/ 馬傢 /ma tɕia/ |
Ngải Chồ /ŋaj co/ Má Tra /ma ʈa/ |
ch tr |
/tɕh/ | /ʂ/ | 大清唐 /ta tɕhin thaŋ/ | Tả Sìn Thàng /ta ʂin thaŋ/ | s |
/ɕ/ | /ʂ/ /s/ |
下鄉 /ɕia ɕiaŋ/ 下寨 /ɕia tsai/ |
Sả Séng /ʂa ʂɛŋ/ Xà Chải /sa caj/ |
s x |
/j/ | /z/ | 大銀崖 /ta jin ŋai/ 楊傢 /jaŋ tɕia/ |
Tả Dín Ngài /ta zin ŋaj/ Giàng Tra /zaŋ ʈa/ |
d gi |
2.4. Vấn đề quốc ngữ hoá dãy phụ âm gốc lưỡi trong tiếng Hán quan thoại Tây Nam
Dãy phụ âm gốc lưỡi trong tiếng Hán gồm có các âm / k, kh, x, ŋ/. Trong số các phụ âm này có hai phụ âm /k/ và /ŋ/ có giá trị ngữ âm học tương ứng trong cả hai ngôn ngữ. Chính vì vậy chúng không có sự thay đổi và ngoại lệ nào khi dung các con chữ (c, k, q) và /ng/ để ghi lại các âm đọc theo tiếng Hán quan thoại Tây Nam.
Âm / kh/ trong tiếng Hán là một phụ âm tắc bật hơi và không có âm nào trong tiếng Việt có đầy đủ giá trị ngữ âm giống phụ âm này. Vì vậy, giải pháp đã lựa chọn là tìm âm gần nhất với những đặc trưng của phụ âm này. Trong tiếng Việt, âm xát, vô thanh /X/(1) (kh) nhiều khi được biết đến một biến thể khác là một âm tắc, bật hơi /kh/. Nhìn chung vị trí cấu âm của hai âm này trong tiếng Việt và tiếng Hán là giống nhau. Chính vì vậy phụ âm /X/ của tiếng Việt đã đảm nhiệm việc phiên chuyển phụ âm/ kh/ của tiếng Hán.
Trong tiếng Hán, phụ âm xát, hữu thanh /x/ có vị trí cấu âm sâu hơn so với phụ âm /X/ trong tiếng Việt. Do vậy, việc lựa chọn phụ âm /h/ trong tiếng Việt để biểu thị âm /x/ trong tiếng Hán được xem như là một giải pháp thích hợp nhất.
Tương ứng | Chữ Hán | Chữ Việt | Con chữ thể hiện | |
---|---|---|---|---|
Hán | Việt | |||
/k/ | /k/ | 大水溝 /ta suei kəu/ | Tả Suối Câu /ta ʂuoj kɤˇu/ | c q |
冬瓜 /toŋ kua/ | Tông Qua /toŋ kwa/ | |||
/ŋ/ | /ŋ/ | 崖脚 /ŋai tɕyo/ | Ngải Chồ /ŋaj co/ | ng |
平安 /phin ŋan/ | Phìn Ngan /fin ŋan/ | |||
/kh/ | /X/ | 老口 /nau khəu/ | Làu Khấu /lau Xɤˇu/ | kh |
大丫口 /ta ja khəu/ | Tả Gia Khâu /ta za Xɤˇu/ | |||
/x/ | /h/ | 干河 /kan xo/ | Cán Hồ /kan ho/ | h |
老猴崇 /nau xəu tshoŋ/ | La Hờ Súng /la hɤ ʂuŋ/ |
3. Kết luận
Qua việc khảo sát quá trình quốc ngữ hoá hệ thống phụ âm đầu trong các địa danh gốc Hán quan thoại Tây Nam ở các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam, chúng tôi rút ra một vài kết luận sơ bộ như sau:
Ban đầu đây là những địa danh hoàn toàn theo âm đọc Hán và để có những địa danh ghi bằng chữ quốc ngữ như hiện nay thì những địa danh này đã phải trải qua một quá trình quốc ngữ hoá (dùng chữ quốc ngữ để ghi lại các địa danh theo âm đọc Hán). Về những mốc thời gian cụ thể xuất hiện những địa danh dưới dạng chữ quốc ngữ cần phải nghiên cứu thêm. Nhưng chúng ta dễ nhận thấy quá trình quốc ngữ hoá xảy ra do nhu cầu cần ghi chép lại những địa danh này phục vụ công tác bản đồ, phân chia địa giới hành chính, hay trên các loại văn bản khác nhau. Với những mục đích và thời gian phiên chuyển khác nhau, nên có khá nhiều địa danh tồn tại với những biến thể con chữ không đồng nhất
Nhìn chung, khi phiên chuyển sang chữ quốc ngữ, các phụ âm đầu trong các địa danh gốc Hán thường lựa chọn một con chữ biểu thị một âm tương ứng trong tiếng Việt. Nếu trường hợp không có sự tương ứng thì có xu hướng lựa chọn một hoặc con chữ biểu thị một phụ âm có đặc trưng tương cận nhất. Xét toàn bộ hệ thống phụ âm đầu của tiếng Hán quan thoại Tây Nam, ngoại trừ phụ âm /z/ chưa thấy có trong tư liệu của chúng tôi, còn lại các trường hợp khác đều xuất hiện. Chúng tôi có thể tổng kết quy luật chuyển đổi từ những phụ âm gốc Hán sang chữ quốc ngữ như sau:
p (p) | ph (ph) | m (m) | f (ph) | v (v) | w (v) |
t (t) | th (th) | n (n, l) | |||
ts ( ch, tr) | tsh (s) | s (s) | |||
tɕ (ch, tr) | tɕh (s) | ɳ (nh) | ɕ (s, x) | j (d,gi) | |
k (c,q) | kh (kh) | ŋ (ng) | x (h) | ||
Ø ( ) |
Việc xem xét vấn đề quốc ngữ hoá các địa danh gốc Hán sẽ là một hướng nghiên cứu gợi mở. Kết quả nghiên cứu một mặt sẽ cho chúng ta thấy quy luật phiên chuyển từ âm đọc Hán sang chữ quốc ngữ, mặt khác sẽ góp phần trực tiếp vào việc chuẩn hoá địa danh gốc Hán quan thoại Tây Nam ở các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam.
____________
(1) Trong tiếng Việt âm tắc bật hơi /X/ phân biệt với âm xát, hữu thanh /x/ trong tiếng Hán.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
- Nguyễn Tài Cẩn (2001). Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Hoàng Thị Châu (1964). Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông. Thông báo khoa học Văn học – Ngôn ngữ (1964-1965), tập 2. Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 94-106.
- Hoàng Thị Châu (2004). Phương ngữ học tiếng Việt. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Trần Trí Dõi (2001). Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội. Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
- Hầu Hàn Giang, Mạch Vĩ Lương (chủ biên) (2002). Từ điển Hán -Việt. Nhà in Thương vụ, Bắc Kinh.
- Nghiêm Thuý Hằng (2001). Tiếng Hán. In trong “Các ngôn ngữ phương Đông” (tr. 289-411). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Nguyễn Văn Hiệu. Văn hoá dân tộc Mông-Dao ở Lào Cai được phản ánh qua ngữ nghĩa của các địa danh hành chính gốc Hán. Hán Nôm số 2/2006.
- Nguyễn Văn Hiệu. Những địa danh gốc Hán ở một số vùng dân tộc Mông-Dao ở Việt Nam (trên cú liệu địa danh hành chính tỉnh Lào Cai). Ngôn ngữ, số 11/2005.
- Lê Trung Hoa (2002). Các phương pháp cơ bản trong việc nghiên cứu địa danh. Ngôn ngữ, số 7/2002.
- Từ Thu Mai (2004). Nghiên cứu địa danh Quảng Trị. Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội.
- Hoàng Tất Thắng (2003). Địa danh Đà Nẵng từ cách tiếp cận ngôn ngữ học. Ngôn ngữ, số 2/2003.
- Đoàn Thiện Thuật (1999). Ngữ âm tiếng Việt. Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội.
- Nguyễn Kiên Trường (1996). Những đặc điểm chính của địa danh Hải Phòng (trong vài nét đối sánh với địa danh Việt Nam). Luận án phó tiến sĩ Khoa học Ngữ văn. Đại học KHXH&NV Hà Nội.
- Wenzi Gaige Chubanshe. Hanyu Fangyan Gaiyao. Beijing, 1982 (tiếng Hán).
Theo Tạp chí Hán Nôm, số 2 (81) 2007, trang 16–22.