• Dẫn nhập • Phát ngôn • Hành động tạo lời • Lực ngôn trung • Nhận định, hỏi và cầu khiến
8.0. Dẫn nhập
Đến đây, chúng ta chưa thật sự khai thác sự khác biệt về mặt thuật ngữ, đã được nêu ra trong chương 1, giữa ‘câu’ và ‘phát ngôn’. Chúng ta cũng chưa làm rõ sự khác biệt có liên quan giữa cái mà Saussure gọi là ‘ngôn ngữ’ và ‘lời nói’, còn Chomsky thì gọi là ‘ngữ năng’ và ‘ngữ thi’, vốn là những khái niệm, như chúng ta đã thấy trong chương 1, cần được trình bày lại, với tư cách là những sự lưỡng phân không tương đương với nhau trong khuôn khổ tam phân hệ thống-quá trình-thành phẩm, nếu như chúng ta muốn tránh những ngộ nhận được gán cho sự phân biệt các thuật ngữ này trong hầu hết các sách giáo khoa.
Phần lớn những nghiên cứu trong nghĩa học hình thức (trong chừng mực nó được áp dụng để phân tích ngôn ngữ tự nhiên) đã dựa trên quan điểm cho rằng ngôn ngữ là tập hợp các câu, và các câu được dùng chủ yếu là, nếu không nói chỉ duy nhất, nhằm vào mục đích miêu tả. Do đó, nghĩa học hình thức thường không quan tâm đến sự khác biệt giữa ngữ nghĩa của câu và nội dung mệnh đề (tức nội dung miêu tả). Đây rõ ràng là một quan điểm rất hạn hẹp về bản chất ngôn ngữ (như chúng ta đã thấy ở chương 6) và về ngữ nghĩa của câu. Quan điểm này đã bị chỉ trích rất nhiều.
Một trong những người chỉ trích có ảnh hưởng nhất trong những năm gần đây là nhà triết học J.L Austin (1911–60) ở Đại học Oxford, người có những tư trưởng được tranh luận rất nhiều, không chỉ trong giới triết học mà còn cả trong giới ngôn ngữ học (và những đại biểu của nhiều ngành khoa học khác). Trong chương này, chúng ta sẽ sử dụng cái được gọi là lí thuyết hành động ngôn từ của Austin như là xuất phát điểm để phân tích nghĩa của phát ngôn trong các chương 9 và 10 tiếp theo.
Đọc tiếp: 8.1.
Phát ngôn