• Dẫn nhập • Dạng thức và biểu thức • Đồng âm và đa nghĩa: lưỡng nghĩa từ vựng và lưỡng nghĩa ngữ pháp • Đồng nghĩa • Từ-dạng thức thực và từ-dạng thức hư • Nghĩa từ vựng và nghĩa ngữ pháp
2.2. Đồng âm và đa nghĩa: lưỡng nghĩa từ vựng và lưỡng nghĩa ngữ pháp
Cái mà truyền thống miêu tả là đồng âm (homonymy) đã được minh hoạ trong Chương 1 thông qua những ví dụ không kém tính truyền thống về ‘bank1’ và ‘bank2’, từ đầu tiên có nghĩa là “tổ chức tài chính” và từ thứ hai có nghĩa “bờ dốc của một con sông”. Các ví dụ này là thoả đáng. Song cách định nghĩa truyền thống về đồng âm, nói một cách không chút cường điệu, thì là không chính xác.
Đồng âm được truyền thống định nghĩa là những từ khác nhau có cùng dạng thức. Ta có thể nhuận sắc ngay cho định nghĩa này, nhờ những gì đã được nói trong mục đi trước, bằng cách thay ‘từ’ bằng ‘từ vị’. Song định nghĩa vẫn còn khiếm khuyết ở chỗ nó không tính đến cái sự thể rằng trong nhiều ngôn ngữ, phần lớn từ vị không phải có một, mà là một số dạng thức. Nó cũng không nói gì về sự tương đương ngữ pháp.
Do đó, ta hãy bắt đầu bằng cách xác lập khái niệm đồng âm tuyệt đối (absolute homonymy). Những từ đồng âm tuyệt đối sẽ thoả mãn ba điều kiện sau đây (ngoài điều kiện bắt buộc tối thiểu cho mọi kiểu đồng âm là giống nhau ít nhất ở một dạng thức):
(i) chúng không có quan hệ gì về nghĩa;
(ii) tất cả các dạng thức đều đồng nhất;
(iii) các dạng thức đồng nhất đều tương đương về ngữ pháp.
Đồng âm tuyệt đối khá phổ biến: so sánh ‘bank1’, ‘bank2’; ‘sole1’ (“gan bàn chân hoặc đế giày”), ‘sole2’ (“một loại cá”); v.v.
Song cũng có nhiều loại khác mà tôi sẽ gọi là đồng âm không hoàn toàn (partial homonymy), tức những trường hợp mà: (a) có sự giống nhau (tối thiểu) về một dạng thức; (b) một
hoặc hai, chứ không phải tất cả ba điều kiện trên đây, được thoả mãn. Chẳng hạn, các động từ ‘find’ và ‘found’ cùng chung nhau dạng thức found, song không chung nhau các dạng finds, finding hoặc founds, founding v.v.; còn found với tư cách là một dạng thức của ‘found’ thì không tương đương về ngữ pháp với found trong tư cách là một dạng thức của ‘found’. Trong trường hợp này, cũng như nói chung trong tiếng Anh, việc không thoả mãn (ii) có liên quan đến việc không thoả mãn (iii). Tuy nhiên, điều quan trọng là nhận ra rằng hai điều kiện cuối cùng của hiện tượng đồng âm tuyệt đối được nêu rõ trong đoạn văn trên đây là phụ thuộc nhau xét về phương diện lô-gic. Chúng thường được mặc nhận mà không hề thảo luận trong cách trình bày của truyền thống về chủ đề này.
Việc lưu ý đến cái điều kiện tương đương về ngữ pháp và cái thực tế rằng đây là vấn đề của mức độ có tầm quan trọng đặc biệt. Mặc dù found với tư cách là một dạng thức của ‘found’ thì không tương đương về ngữ pháp với found trong tư cách là một dạng thức của ‘found’, song trong cả hai trường hợp, nó là một dạng thức ngoại động từ. Hệ quả là, có một số ngữ cảnh trong đó found có thể được phân tích, về mặt ngữ pháp, hoặc như một dạng thức của ‘found’ hoặc như một dạng thức của ‘find’. Ví dụ (xin xem (3) trong mục 2.1):
(6) They found hospitals and charitable institutions
có thể được phân tích như là một câu ở thời hiện tại chứa một dạng thức của động từ ‘found’ (‘thành lập’) hoặc, phân tích theo một lối khác, như là một phát ngôn ở thời quá khứ chứa một dạng thức của ‘find’ (‘tìm thấy’). Việc ‘found’ và ‘find’ là những động từ ngoại động – và là tương đương về ngữ pháp ở mức độ này (có điều không hoàn toàn) – cũng có nghĩa là cả hai đều chấp nhận một danh ngữ như ‘hospitals and charitable institutions’ làm bổ ngữ trực tiếp của chúng. Và bởi ‘hospitals and charitable institutions’ không chỉ khả chấp về mặt ngữ pháp mà còn khả chấp về mặt ngữ nghĩa với tư cách là bổ ngữ trực tiếp của cả hai động từ, nên phát ngôn (6) là phát ngôn lưỡng nghĩa.
Tính lưỡng nghĩa của (6) một phần mang tính từ vựng và một phần mang tính ngữ pháp. Nó là lưỡng nghĩa từ vựng trong chừng mực tính lưỡng nghĩa của nó phụ thuộc vào một sự khác biệt trong nghĩa từ vựng của hai từ vị đồng âm không hoàn toàn là ‘found’ và ‘find’. Nó là lưỡng nghĩa ngữ pháp trong chừng mực tính lưỡng nghĩa của nó phụ thuộc vào sự không tương đương về ngữ pháp (quan yếu về nghĩa) của found, được hiểu như là một dạng thức của ‘found’, và của found được hiểu như là một dạng thức của ‘find’.
Đối với nhà ngữ nghĩa học, lí do tại sao sự lưu ý về tương đương ngữ pháp lại có vai trò quan trọng chính là, nói chung, điều này quyết định hiện tượng đồng âm (hoàn toàn hoặc không hoàn toàn, tuỳ theo trường hợp) có gây ra hiện tượng lưỡng nghĩa không. Nếu have được chèn vào trước found trong (6), tạo ra:
(7) They have found hospitals and charitable institutions
thì tính lưỡng nghĩa biến mất. Tác dụng của việc đặt dạng thức have trước dạng thức found là thay đổi đặc trưng hình thái-cú pháp của found: dựa trên
giả định rằng (7) quả thực hoàn toàn đúng ngữ pháp trong tiếng Anh, found bây giờ phải được hiểu như là quá khứ phân từ. Dạng quá khứ phân từ của ‘find’ ngẫu nhiên đồng nhất về hình thức với dạng thời quá khứ của ‘find’ (về ngữ âm lẫn chính tả). Dạng quá khứ phân từ của ‘found’, mặt khác, lại đồng nhất về hình thức với dạng thời quá khứ của nó: founded. (Về mặt này, ‘found’ giống với phần lớn các động từ khác trong tiếng Anh; còn ‘find’, trái lại, thuộc về một tiểu lớp cụ thể của những gì được truyền thống miêu tả như là động từ bất quy tắc, hay động từ không theo quy tắc.
Tính lưỡng nghĩa thấy trong (6) cũng biến mất nếu they được thay bằng he hay she:
(8) He/she found hospitals and charitable institutions.
Nguyên do bây giờ là, trong tiếng Anh, trong khi có sự đồng nhất về hình thức (ngoại lệ đối với động từ ‘be’) giữa dạng thức số ít và số nhiều trong tất cả dạng thức động từ ở thời quá khứ đơn giản, thì cái được truyền thống gọi là dạng thức ngôi thứ ba số ít và số nhiều lại khác nhau về hình thức ở thời hiện tại đơn giản, thức trực thuyết (ở tất cả động từ không phải là động từ tình thái kiểu như ‘may’ hoặc ‘can’); so sánh: finds với find, founds với found. Hệ quả là, trong (8) found phải được hiểu như là một dạng thức của ‘find’ và do vậy là một dạng thức thời quá khứ. Trái ngược với (6), một đằng là:
(9) He/she founds hospitals and other charitable institutions.
và đằng khác là:
(10) He/she founded hospitals and charitable institutions.
Sự lưỡng nghĩa do đồng âm tuyệt đối không thể bị loại trừ bằng cách vận dụng môi trường ngữ pháp theo kiểu này. Song, rất có thể hiện tượng đồng âm không hoàn toàn của hai từ vị hiếm khi khi hoặc không bao giờ gây ra sự lưỡng nghĩa: sự lưỡng nghĩa được ngăn chặn trước, có thể nói như vậy, nếu những dạng thức chung không thể xuất hiện trong cùng một môi trường ngữ pháp. Ví dụ, hiện tượng đồng âm không hoàn toàn của tính từ ‘last1’ (như trong ‘last week’ (‘tuần trước’)) và động từ ‘last2’ (như trong ‘Bricks last a long time’ (‘Bricks đủ dùng cho một thời gian dài’)) hiếm khi gây ra sự lưỡng nghĩa. Cái dạng thức chung nhau duy nhất của chúng, last, hầu như luôn luôn dễ dàng được xác định là dạng thức của từ này hay từ kia nhờ dựa vào môi trường ngữ pháp mà nó xuất hiện.
Ta sẽ trở lại vấn đề lưỡng nghĩa trong chương sau. Khi đó, ta sẽ thấy rằng kiểu lưỡng nghĩa ngữ pháp (kết hợp với lưỡng nghĩa từ vựng) vừa được minh hoạ bằng ví dụ ở đây gắn với khái niệm truyền thống về đồng âm chỉ là một kiểu lưỡng nghĩa ngữ pháp. Nó được nêu ra ở điểm này bởi lẽ nhiều công trình trình bày khái quát về đồng âm, cả truyền thống lẫn hiện đại, đã không chú ý đến sự phức tạp và tính đa dạng của các môi trường ngữ pháp, vốn phải được thoả mãn để cho hiện tượng đồng âm hoàn toàn có thể gây ra sự lưỡng nghĩa.
Nhiều sự trình bày về đồng âm cũng không chỉ ra được rằng đồng âm không hoàn toàn không nhất thiết phải liên quan đến sự đồng nhất hoặc về dạng trích dẫn hoặc về dạng cơ bản của các từ vị được xét. Ví dụ, danh từ ‘rung’ (thanh ngang của cái thang) và động từ ‘ring’ (reo) là đồng âm không hoàn toàn:
(11) A rung of the ladder was broken;
(Một cái thanh ngang của cái thang đã gãy)
(12) The bell was rung at midnight.
(Chuông reo vào lúc nửa đêm)
Lí do vì sao kiểu đồng âm không hoàn toàn này thường không được thừa nhận trong những xử lí thông thường, truyền thống hay hiện đại, là: cách xử lí truyền thống thì tập trung vào dạng trích dẫn, trong khi những nhà nghiên cứu hiện đại lại thường giới hạn sự thảo luận về đồng âm của họ chỉ ở dạng cơ bản. Tất nhiên, tình cờ mà trong tiếng Anh, các dạng trích dẫn lại trùng với dạng cơ bản trong tất cả những từ vị chuẩn mực về hình thái học. Song thực tế không được như vậy ở tất cả các ngôn ngữ, trong chừng mực các dạng thức trích dẫn mang tính ngôn ngữ thường ngày, truyền thống, của từ vị được quan tâm. Đối với ngữ nghĩa học, câu hỏi được nêu ra là liệu và là ở mức độ nào thì hiện tượng đồng âm gây ra sự lưỡng nghĩa. Xét từ quan điểm này, chẳng có gì đặc biệt hoặc về dạng trích dẫn hoặc về dạng cơ bản.
Bây giờ ta hãy chuyển sang hiện tượng đa nghĩa (polysemy). Trong khi đồng âm (bất luận là đồng âm hoàn toàn hay không hoàn toàn) là một mối quan hệ nằm giữa hai hoặc hơn hai
từ vị khác biệt nhau, thì đa nghĩa (“nhiều nghĩa”) lại là đặc trưng của một từ vị đơn nhất. Đây chính là sự phân biệt được truyền thống nêu ra. Song những ai nêu ra sự phân biệt này cũng sẽ thừa nhận rằng sự khác biệt giữa đồng âm và đa nghĩa không phải bao giờ cũng rạch ròi trong những trường hợp cụ thể. Đối với tiếng Anh, người ta đã cho thấy rằng trong phần lớn trường hợp, người bản ngữ dễ nhất trí với nhau về vấn đề cái gì được coi là từ này và cái gì được coi là từ khác. Song cũng có rất nhiều trường hợp mà người bản ngữ sẽ do dự hoặc không nhất trí với nhau. Thế thì, cái gì là sự khác biệt về lí thuyết giữa đồng âm và đa nghĩa.
Hai tiêu chí thường được dẫn ra liên quan đến vấn đề này đã được đề cập trong Chương 1: đó là tiêu chí từ nguyên (lai nguyên lịch sử của từ) và tính có liên hệ về nghĩa. Nói chung, tiêu chí từ nguyên ủng hộ cho cái trực cảm nguyên sơ của người bản ngữ về những từ vị cụ thể. Ví dụ, phần lớn người bản ngữ nói tiếng Anh sẽ có thể phân loại ‘bat1’ (“động vật có lông với cánh có màng”) và ‘bat2’ (“dụng cụ để đánh quả bóng trong một số trò chơi”) như là hai từ vị khác nhau; và hai từ này quả thật khác nhau về nguồn gốc lịch sử, ‘bat1’ phái sinh từ một biến thể khu vực của từ tiếng Anh Trung đại ‘bakke’, còn ‘bat2’ thì phái sinh từ tiếng Anh Cổ ‘batt’ có nghĩa “dùi cui, gậy tày”.
Nói rằng từ nguyên học thường ủng hộ trực cảm của người bản ngữ thì không có nghĩa nói rằng nó luôn luôn đúng. Đôi khi có chuyện những từ vị mà người nói bình thường của ngôn ngữ cho là không liên quan gì về nghĩa lại xuất xứ từ cùng một nguồn gốc. Những từ đồng âm ‘sole1’ (“gan bàn chân hoặc đế giày”) và ‘sole2’ (“một loại cá”), mà tôi đã dẫn trên đây, làm một cặp ví dụ hay được trích dẫn; và có những ví dụ khác, ít ấn tượng hơn, được tìm thấy trong các sách giáo khoa. Kém phổ biến hơn, là trường hợp ngược lại, khi mà những ý nghĩa không liên quan gì về mặt lịch sử lại được người bản ngữ cảm nhận là có cùng kiểu liên hệ như các nghĩa phân biệt nhau của một từ vị đa nghĩa đơn nhất. Song, có một số ví dụ về những hiện tượng, xét từ quan điểm lịch sử, là rõ ràng đồng âm hiện đang được thế hệ sau tái thuyết giải như là đa nghĩa. Nó nằm trong phạm vi của cái mà nhà ngôn ngữ học thường dẫn ra như là từ nguyên học dân gian (popular etymology).
Ví dụ, ngày nay, một số người nói tưởng rằng ‘shock1’ như trong ‘shock of corn’ (râu ngô) cũng chính là ‘shock2’ trong ‘shock of hair’ (mớ tóc bù xù). Song về mặt lịch sử, chúng có nguồn gốc khác nhau.
Thế thì, cả hai loại đều có ngoại lệ. Tuy nhiên, sự khái quát hoá mà tôi vừa nêu chắc chắn là đúng đắn: trong phần lớn trường hợp, từ nguyên học ủng hộ cái trực cảm của người bản ngữ bình thường về sự phân biệt giữa đồng âm và đa nghĩa. Và ta sẽ thấy ngay sau đây rằng có những lí do chính đáng giải thích tại sao lại như vậy. Một trong những tác nhân chính có hiệu lực trong sự thay đổi ngữ nghĩa là sự mở rộng theo lối ẩn dụ, như khi ‘foot’ có nghĩa là “phần dưới cùng của chân” thì cũng có nghĩa “phần thấp nhất của quả đồi hay ngọn núi”. Và chính sự mở rộng nghĩa theo ẩn dụ với tư cách một quá trình đồng đại là vấn đề gây tranh cãi khi người ta dẫn ra các nghĩa có liên quan với nhau của một từ vị đa nghĩa. Tất nhiên, về vấn đề này còn có những kiểu liên hệ về ý nghĩa khác. Song sáng tạo ẩn dụ (trong cái nghĩa rộng nhất của thuật ngữ ‘ẩn dụ’) là bộ phận thuộc thẩm năng ngôn ngữ của mỗi người. Nói cho cùng, không thể nào vạch ra một sự phân biệt dứt khoát giữa sự mở rộng hay chuyển di ngữ nghĩa tự phát, do những người nói cá biệt thực hiện trong những tình huống cụ thể, với việc họ dùng các nghĩa của một từ vị được mở rộng và chuyển di, đã được thể chế hoá, tồn tại trước đó, được tìm thấy trong từ điển. Điều này có những gợi ý quan trọng để lí thuyết ngôn ngữ học thoát ra khỏi được cái vấn đề mang tính truyền thống, và có lẽ là không giải quyết được, về việc phân biệt đa nghĩa với đồng âm.
Đọc tiếp: 2.3. Đồng
nghĩa