• Dẫn nhập • Dạng thức và biểu thức • Đồng âm và đa nghĩa: lưỡng nghĩa từ vựng và lưỡng nghĩa ngữ pháp • Đồng nghĩa • Từ-dạng thức thực và từ-dạng thức hư • Nghĩa từ vựng và nghĩa ngữ pháp
2.1. Dạng thức và biểu thức
Một trong những giả định đã được làm rõ trong Chương 1 là nghĩa của câu phụ thuộc một phần vào nghĩa của các từ tạo nên câu (mục 1.6). Bây giờ, giả định này cần được cân nhắc kĩ hơn. Ta đã có nhận xét rằng thuật ngữ ‘từ’ vốn lưỡng nghĩa: từ có thể được xem xét hoặc với tư cách dạng thức, hoặc với tư cách biểu thức (mục 1.5). Thế thì, ta hãy bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi: với nghĩa nào của ‘từ’ thì câu quả thật là được tạo nên bởi từ.
Trên thực tế, có đến hai sự phân biệt khá khác nhau được tính đến, khi ta nêu câu hỏi này. Điều quan trọng là không lẫn lộn cái này với cái kia. Thứ nhất là sự phân biệt mà nhà triết học Mĩ C.S Peirce (1839–1914) nêu ra giữa từ với tư cách là hiện dạng (tokens) và từ với tư cách là điển dạng (types). Dễ dàng giải thích điều này qua một ví dụ đơn giản. Xét câu sau đây:
(1)‘He who laughs last laughs longest’
(Anh ta, người cười cuối cùng, cười lâu nhất)
Theo một quan điểm, có thể cho rằng câu này gồm sáu từ: nó có độ dài là sáu từ. Tuy nhiên, theo một quan điểm khác, có thể cho rằng nó chỉ gồm năm từ, bởi lẽ hai trong số các từ- từ thứ ba và thứ năm (laughs)- là đồng nhất, chúng là những hiện dạng (hoặc trường hợp cá biệt (instances)) thuộc về cùng một điển dạng. Trình bày như vậy, việc nắm bắt khái niệm điển dạng/hiện dạng là không khó. Nói chung, trong đời sống hàng ngày, lúc nào cũng có thể biết được khi nào thuật ngữ ‘từ’ được hiểu với nghĩa này chứ không phải nghĩa kia, xét theo sự phân biệt của Peirce.
Tuy nhiên, có một sự phân biệt thứ hai được tính đến, là sự phân biệt quan trọng hơn đối với những quan tâm bây giờ của ta. Sự phân biệt này cũng có thể được giải thích thông qua một ví dụ đơn giản. Có bao nhiêu từ trong câu sau đây:
(2) ‘If he is right and I am wrong, we are both in trouble’?
(Nếu anh ta đúng và tôi sai thì cả hai chúng tôi gặp rắc rối?)
Một lần nữa, có đến hai câu trả lời đúng cho câu hỏi này. Song việc này không liên quan gì đến sự phân biệt điển dạng/hiện dạng (mặc dù đôi khi nó cũng bị nhầm lẫn trong những công trình đại cương về nghĩa học). Nó dựa trên sự khác biệt giữa từ với tư cách là dạng thức (forms) và từ với tư cách là biểu thức (expressions). Có mười ba dạng thức trong câu đang xét và mỗi dạng thức trong số này cụ thể hoá (instantiates) (là ví dụ, hoặc hiện dạng của) một điển dạng khác biệt. Tuy nhiên, từ quan điểm này, ba trong số các từ- is, am và are– sẽ được truyền thống xem là ba dạng thức khác nhau của cùng một từ. Do đó, theo một cái nghĩa của ‘từ’, câu (2) gồm mười ba từ; còn theo một cái nghĩa khác của thuật ngữ, cũng phổ biến và cũng đúng không kém, nó chỉ gồm mười một từ. Ta hãy diễn đạt sự khác biệt về nghĩa này của thuật ngữ ‘từ’ bằng cách nói rằng câu trên đây gồm mười ba từ-dạng thức (word-forms) và mười một từ-biểu thức (word-expressions). Chính từ-biểu thức, chứ không phải từ-dạng thức, là được liệt kê và định nghĩa trong từ điển quy ước. Và chúng được liệt kê, như ta đã thấy trong Chương 1, theo thứ tự bảng chữ cái ở dạng trích dẫn (citation-forms) của chúng, tức là dạng thường được dẫn như là mục từ (headword) trong danh mục của từ điển (mục 1.5).
Để gán nghĩa cho các từ- dạng thức tạo nên câu, ta phải xác định được chúng, không phải chỉ như là những hiện dạng, hoặc trường hợp cá biệt, của những điển dạng cụ thể, mà như là những dạng thức của những biểu thức cụ thể. Và những hiện dạng của cùng một điển dạng thì không nhất thiết là những dạng thức của cùng một biểu thức. Ví dụ, trong câu:
(3) ‘They have found it impossible to found hospitals or charitable institution of any kind without breaking the law’,
(Họ phát hiện ra rằng không thể lập bệnh viện hoặc viện từ thiện bất kì kiểu nào mà lại không vi phạm luật)
cái hiện dạng-từ thứ ba và thứ bảy là những hiện dạng của cùng một điển dạng, song không phải là những dạng thức của cùng một biểu thức.
Chính sự khác biệt giữa dạng thức và biểu thức, chứ không phải giữa dạng thức với tư cách hiện dạng và dạng thức với tư cách điển dạng, là đối tượng được nghĩ đến khi tôi chú ý đến tính lưỡng nghĩa của thuật ngữ ‘từ’. Như tôi đã đề cập, trong suốt sách này, bất kì lúc nào được dùng mà không có thêm định ngữ hạn định, thuật ngữ ‘từ’ sẽ có nghĩa là “từ-biểu thức” chứ không phải là “từ-dạng thức”.
Tuy nhiên, không phải tất cả biểu thức được liệt kê trong từ điển đều là từ. Một số trong chúng là những đơn vị mà truyền thống gọi là ngữ đoạn (phrases); và biểu thức ngữ đoạn, giống như biểu thức-từ cần phải được phân biệt về nguyên tắc với cái dạng thức hoặc những dạng thức mà chúng được coi là tương đương thông qua các quy tắc biến hình của ngôn ngữ. Ví dụ, ‘pass muster’ (được cho là xứng đáng) là một biểu thức ngữ đoạn, mà các dạng thức là pass muster, passes muster, passed muster v.v… Chính hiện dạng của các dạng thức này xuất hiện trong phát ngôn của tiếng Anh.
Các biểu thức của một ngôn ngữ rơi vào hai tập hợp. Một tập hợp, hữu hạn về số lượng, được tạo nên bởi những biểu thức đơn giản về từ vựng (lexically simply): đó là các từ vị. Đây là những biểu thức mà người ta chờ đợi được liệt kê trong một cuốn từ điển: chúng là những đơn vị trong vốn từ vựng của một ngôn ngữ, từ đó mà các thành viên của tập hợp thứ hai – những biểu thức phức hợp về từ vựng (lexically composite) – được kiến tạo thông qua các quy tắc ngữ pháp (tức quy tắc cú pháp học và hình thái học). Theo sự phân biệt này, ‘pass muster’ là một từ vị, trong khi ‘pass the examination’ (‘thi đỗ’) là một biểu thức phức hợp về từ vựng. Phần lớn từ-biểu thức, trong tất cả những ngôn ngữ có từ, là đơn giản về từ vựng. Tuy nhiên, trong nhiều ngôn ngữ, có những quy tắc sản sinh (phái sinh (derivational)) cho cái mà truyền thống gọi là phép cấu tạo từ (word-formation), cho phép người sử dụng cấu tạo nên những từ-biểu thức mới xuất phát từ những biểu thức đơn giản hơn về từ vựng đã tồn tại trước đó. Ví dụ, ‘politeness’ (‘lịch sự’) được cấu tạo từ cái biểu thức đơn giản hơn về từ vựng là ‘polite’ thông qua một quy tắc sản sinh của cấu tạo từ tiếng Anh. Mặc dù trên thực tế nhiều từ điển thông thường đã liệt kê ‘politeness’ như là một đơn vị từ vựng (tức cấp cho nó một mục riêng với mục từ và định nghĩa riêng), nhưng không nhất thiết phải làm như vậy, bởi lẽ cả nghĩa của nó lẫn đặc trưng ngữ pháp của nó (cũng như cách phát âm của nó) đều có thể hoàn toàn được đoán trước theo quy tắc.
Phần lớn biểu thức ngữ đoạn, trái với biểu thức-từ, là những đơn vị phức hợp về từ vựng. Thực tế thì tất cả các ngôn ngữ tự nhiên hình như đều có quy tắc để cấu tạo nên một số lượng vô hạn những biểu thức ngữ đoạn phức hợp về từ vựng. Và, như ta sẽ thấy sau này, một nguyên tắc quan trọng của nghĩa học hình thức là nghĩa của tất cả những biểu thức phức hợp về từ vựng như vậy cần được xác định một cách hệ thống dựa trên cơ sở nghĩa của các biểu thức đơn giản hơn cấu thành nên chúng. Biểu thức ngữ đoạn đơn giản về từ vựng (tức những từ vị ngữ đoạn) bao gồm không chỉ những ví dụ như ‘pass muster’ được nêu trên đây (vốn không có biểu thức đồng âm phức hợp về từ vựng tương ứng, hình thành do các quy tắc sản sinh của tiếng Anh), mà còn cả những từ vị ngữ đoạn mang tính thành ngữ kiểu như ‘red herring’ (‘đánh lạc hướng’), vốn đồng nhất về hình thức với cái ngữ đoạn phức hợp về từ vựng ‘red herring’ (‘cá trích đỏ’) (được tạo nên bởi các quy tắc sản sinh của tiếng Anh) với nghĩa “cá trích mà có màu đỏ”. Nghĩa của cái ngữ đoạn đơn giản về từ vựng, mang tính thành ngữ (ta hãy gọi nó là ‘red herring1’), giống như ‘pass muster’, song khác với các ngữ đoạn phức hợp về từ vựng, phi thành ngữ tính, là ‘red herring2’ và ‘pass the examination’, thì không xác định được một cách có hệ thống (theo quy tắc) từ nghĩa của các từ vị cấu thành nên nó.
Trên thực tế, sự phân biệt vừa được nêu giữa biểu thức đơn giản về từ vựng (từ vị) và những biểu thức phức hợp về từ vựng không được rõ ràng như tôi trình bày. Ngay cả việc sự phân biệt như vậy được nêu ra ở đâu cũng phụ thuộc vào cái mô hình hay lí thuyết ngữ pháp mà nhà ngôn ngữ sử dụng. Song bất luận sự phân biệt này giữa ngữ pháp của một ngôn ngữ và từ vựng (hay vốn từ vựng) của nó được nêu ra ở điểm nào đi chăng nữa, cũng sẽ luôn luôn có trường hợp giáp ranh của những biểu thức có thể được xếp loại như là biểu thức đơn giản hoặc phức hợp về từ vựng, với mức độ hợp lí ngang nhau. Song một sự phân biệt nào đó như vậy là được nêu ra, và phải được nêu ra, trong phân tích ngữ pháp và ngữ nghĩa của ngôn ngữ tự nhiên.
Từ vị và nghĩa từ vựng sẽ là trọng tâm chú ý của ta trong chương này và hai chương tiếp theo. Song các dạng thức, trong chừng mực chúng là dạng thức của những từ vị cụ thể, cũng là mối quan tâm của người nghiên cứu ngữ nghĩa. Những dạng thức của cùng một từ vị nói chung là, có điều không tất yếu, khác biệt với nhau về nghĩa: chúng chia sẻ với nhau cùng một nghĩa từ vựng (lexical meaning), song khác nhau về nghĩa ngữ pháp (grammatical meaning). Ví dụ, các dạng thức girl và girls có cùng một nghĩa từ vựng (hoặc cùng nhiều nghĩa từ vựng); song chúng khác nhau về nghĩa ngữ pháp ở chỗ một đằng là dạng số ít (của danh từ thuộc về một tiểu lớp cụ thể), một đằng là dạng số nhiều (của danh từ thuộc về một tiểu lớp cụ thể); và sự khác biệt giữa những dạng thức số ít và dạng thức số nhiều, hoặc, lấy ví dụ khác, sự khác biệt giữa dạng thức thời quá khứ, thời hiện tại và thời tương lai của động từ, là sự khác biệt quan yếu về nghĩa: nó ảnh hưởng đến nghĩa của câu. Nghĩa của một câu, nó sẽ được nhắc lại, bị quy định một phần bởi nghĩa của các từ (tức là các từ vị) có mặt trong câu và một phần bởi nghĩa ngữ pháp của câu.
Như ta sẽ thấy trong Phần 3, mối liên hệ giữa nghĩa từ vựng và nghĩa ngữ pháp thay đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác: cái được mã hoá bằng con đường từ vựng (được từ vựng hoá (lexicalized)) trong một ngôn ngữ này có thể được mã hoá bằng con đường ngữ pháp (được ngữ pháp hoá (grammaticalized)) trong ngôn ngữ khác. Quá trình ngữ pháp hoá nghĩa, như ta cũng sẽ thấy sau này, không đơn giản, hoặc chủ yếu, chỉ là vấn đề biến tố (ngay cả trong những ngôn ngữ, không giống như tiếng Anh, có một hệ thống biến tố phong phú). Quan trọng hơn rất nhiều, là những khác biệt về cú pháp giữa một kết cấu ngữ pháp này so với một kết cấu cú pháp khác.
Tuy nhiên, tại điểm này, có thể nhận thấy một điều rằng, khi các từ-dạng thức được xem xét không chỉ với tư cách dạng thức mà là với tư cách dạng thức mang nghĩa ngữ pháp, thì xuất hiện một cái nghĩa khác của cả thuật ngữ ‘dạng thức’ lẫn thuật ngữ ‘từ’. Ví dụ, xem xét các câu sau đây:
(4) ‘That sheep over there belongs to the farmer next door’
(Con cừu ở đàng kia ấy là của người nông dân nhà bên cạnh)
(5) ‘Those sheep over there belong to the farmer next door’.
(Những con cừu ở đàng kia ấy là của người nông dân nhà bên cạnh)
Phải chăng cái từ-dạng thức thứ hai của câu (4) đồng nhất với cái từ-dạng thức thứ hai của câu (5)? Bản thân sự phân biệt mà ta vừa nêu ra giữa dạng thức và biểu thức không đủ để trả lời câu hỏi trong trường hợp như vậy. Ta hãy giả thiết ngay rằng hai cái từ-dạng thức này đồng nhất về cả dạng ngữ âm (trong ngôn ngữ nói) và dạng chính tả (trong ngôn ngữ viết) của chúng: chúng đồng nhất về hình thức (formally identical). Song chúng không đồng nhất về ngữ pháp (grammatically identical). Do đó, việc ta cho rằng cái từ-dạng thức thứ hai của câu (4) có đồng nhất với cái từ-dạng thức thứ hai của câu (5) không sẽ phụ thuộc vào việc, khi nêu câu hỏi này, ta chỉ quan tâm đến sự đồng nhất dạng thức – tức đồng nhất về ngữ âm hoặc chính tả, tuỳ từng trường hợp – hay quan tâm cả sự đồng nhất về hình thức lẫn sự đồng nhất về ngữ pháp. Hai cái từ-dạng thức xuất hiện ở vị trí thứ hai của câu (4) và (5) là hai dạng thức đồng nhất về hình thức, song khác biệt về ngữ pháp, của cùng một từ vị. Chính xác hơn, chúng là những dạng thức khác biệt nhau về phương diện biến hình, hay hình-cú pháp (morphosyntactically) của cùng một từ vị. Cách thức theo đó hiện tượng này được các nhà ngữ pháp xử lí sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào cái mô hình ngữ pháp mà họ chấp nhận.
Những gì vừa được nói trong mục này về sự phân biệt của Peirce về điển dạng/hiện dạng, về các nghĩa khác biệt mà thuật ngữ ‘từ’ được dùng theo lối chuyên môn lẫn phi chuyên môn trong ngôn ngữ học, về sự khác biệt giữa dạng thức và biểu thức, về nghĩa từ vựng và nghĩa ngữ pháp đã là tạm đủ vào lúc này. Thoạt nhìn, trong mục này, có vẻ như tôi đã tỏ ra thông thái rởm một cách không cần thiết trong việc đặt quy định và mở rộng cái siêu ngôn ngữ thường ngày. Không phải như vậy. Dù ta có dùng thuật ngữ nào để nêu ra những sự phân biệt vừa được nêu ra ở đây đi chăng nữa, bản thân những sự phân biệt này nhất định cũng phải được nêu ra nếu ta muốn tránh sự nhầm lẫn và tình trạng lập lờ vốn gần như là phần tất yếu gắn với cái mà tôi đã dẫn ra trong Lời nói đầu như là sự đơn giản giả hiệu của cái gọi là tiếng Anh bình dị.
Tất cả những luận điểm tôi nêu ra có thể được phát triển chi tiết hơn, và cần được phát triển trong một sự trình bày đầy đủ hơn về những gì thường được dẫn ra (có điều không chính xác) như là nghĩa của từ. Chúng cũng cần được lập thức hơi khác đi, liên quan đến những lí thuyết cụ thể về ngữ âm, cú pháp và hình thái. Tôi đã cố tình chọn một quan điểm thiên truyền thống về cấu trúc ngữ pháp và từ vựng của ngôn ngữ. Có hai lí do khiến tôi làm như vậy. Lí do thứ nhất, quan điểm này chính là quan điểm được phản ánh trong các từ điển có uy tín được dùng rộng rãi nhất, trong các sách ngữ pháp tham khảo của tiếng Anh cũng như những ngôn ngữ khác, và cũng là quan điểm được dạy hoặc được mặc nhận trong hầu hết nhà trường: do đó, nó có thể được giả định như là quan điểm quen thuộc đối với hầu hết độc giả của cuốn sách này (ngay cả khi họ không nắm vững tất cả hệ thuật ngữ chuyên môn). Lí do thứ hai, mặc dù nhiều kiểu nhuận sắc và hạn định khác nhau đã được đưa ra cho quan điểm truyền thống nhờ vào những phát triển trong ngữ pháp học hiện đại, cái gọi là ngữ pháp truyền thống (với những nhuận sắc và hạn định tất yếu mà tôi đã dẫn ra) vẫn phục vụ tốt hơn bất kì thứ ngữ pháp đang hiện hành nào khác với tư cách là một hệ thống chuẩn, ổn định mà những hệ thống ganh đua khác có thể được chuyển dịch sang nó và li khai từ nó. Những sinh viên đã có một căn bản nào đó về ngữ pháp học hiện đại sẽ thấy giá trị giáo học pháp trong việc thực hiện bài tập chuyển đổi từ một hệ thống siêu ngôn ngữ này sang hệ thống một siêu ngôn ngữ khác khi ta theo dõi hết chương này và các chương tiếp theo.