3. Giai đoạn Việt-Mường cổ (pré Việt-Mường)
3.1. Tính chất và thời gian tương đối
Tiếp theo thời kì tiền Việt-Mường là thời kì tiếng Việt chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn Việt-Mường cổ (pré Việt-Mường). Người ta có thể giải thích đây là quãng thời gian khối tiền Việt-Mường do có sự khác biệt nội bộ trước đây đã dẫn tới sự chia tách ra thành một bên là một bộ phận về sau này trở thành các ngôn ngữ như Arem, Rục, Mã Liềng, Thà Vựng v.v… hiện nay (thường được gọi là các ngôn ngữ song tiết) và một bên khác là tiếng Việt-Mường cổ (pré Việt-Mường). Về sau nữa, ở cuối giai đoạn lịch sử này, trong nội bộ ngôn ngữ Việt-Mường cổ lại có thêm một sự khác biệt. Sự khác biệt dẫn đến việc chia tách một bên là tiếng Việt Mường chung và bên kia là tiếng Cuối còn lại. Như vậy, giai đoạn Việt-Mường cổ chính là quãng thời gian nằm giữa hai sự phân hoá: sự phân hoá khối tiền Việt-Mường để có được tiếng Việt-Mường cổ và khởi đầu của sự phân hoá tiếp theo của chính tiếng Việt-Mường cổ này để tạo ra tiếng Việt-Mường chung.
Về mặt lịch sử, người ta ước chừng giai đoạn phát triển thứ hai của tiếng Việt diễn ra từ thế kỉ I–II cho đến khoảng thế kỉ VIII–IX. Vào quãng thời gian này lịch sử dân tộc ta, như mọi người đều biết, thuộc vào thời kì khó khăn nhất: nước Việt Nam lúc bấy giờ bị đô hộ của phong kiến phương Bắc. Trong trạng thái khó khăn chung ấy, tiếng Việt ở những vùng khác nhau sẽ chịu những áp lực đô hộ khác nhau. Một bộ phận, có lẽ là phần lãnh thổ miền núi và phía Nam, do điều kiện khách quan không hoặc ít chịu tác động của chính sách đồng hoá nên phát triển theo một hướng vẫn duy trì các đặc điểm trội của tiếng tiền Việt-Mường vốn kế thừa từ ngôn ngữ Mon-Khmer trước kia. Một bộ phận khác, có lẽ là phần lãnh thổ phía Bắc và vùng đồng bằng đi lại thuận tiện, do đã chịu ảnh hưởng của chính sách đô hộ khá ngặt nghèo hơn nên đã phát triển theo một hướng khác. Tuy nhiên nhờ những giá trị bền vững đã được hình thành và định hình từ thời tiền Việt-Mường, mặc dù bị một chính sách đồng hoá nặng nề, tiếng Việt vẫn có sức sống mãnh liệt, đảm bảo làm công cụ giao tiếp của dân tộc Việt Nam độc lập, tự chủ sau này. Có lẽ sự chia tách khối tiền Việt-Mường thành những bộ phận khác nhau như ngày nay là do sự tác động đồng thời của cả yếu tố địa lí, cả yếu tố thời gian, cả bản thân ngôn ngữ và cả sự tác động của hoàn cảnh lịch sử đất nước lúc đó.
3.2. Những đặc điểm chính về ngôn ngữ
Ở thời kì này, có thể nói rằng lịch sử tiếng Việt là lịch sử của tiểu nhóm ngôn ngữ phát triển theo hướng đơn tiết. Hướng chủ đạo của nó như vậy là do nó đã có những tiếp xúc láng giềng khá sâu sắc với các ngôn ngữ Thái và sau đó đã chịu ảnh hưởng, lúc ban đầu thì mờ nhạt nhưng về sau thì khá đậm nét, của tiếng Hán. Chúng tôi gọi tên giai đoạn này là giai đoạn Việt-Mường cổ của tiếng Việt hay tiếng Việt ở giai đoạn Việt-Mường cổ. Và nó cũng có thể được gọi theo tên gọi khác là tiếng Việt-Mường cổ. Bản thân nó, nhờ những đặc điểm ngôn ngữ được chúng tôi mô tả sau đây, làm nên những khác biệt so với bộ phận còn lại (tức là tiểu nhóm song tiết) trong tiếng tiền Việt-Mường trước kia để hình thành một cá thể ngôn ngữ riêng trong nhóm.
3.2.1. Về vấn đề đặc điểm từ vựng trong vốn từ của ngôn ngữ.
Như đã sơ bộ giải thích ở trên, lúc này tiếng Việt-Mường cổ đã có sự vay mượn từ các ngôn ngữ Thái-Kađai (Tai-Kadai) và tiếng Hán. Trong khi đó, các ngôn ngữ song tiết còn lại của nhóm Việt-Mường, về đại thể, vẫn duy trì vốn từ cội nguồn Mon-Khmer xưa kia của mình. Tuy nhiên, để cho vấn đề thêm rõ ràng trước hết chúng ta sẽ xem xét và phân tích tính chất của những từ vay mượn từ những ngôn ngữ Thái.
Có lẽ những từ vay mượn lẫn nhau từ các ngôn ngữ Thái-Kađai (Tai-Kadai) và tiếng Hán là những từ không phải thuộc lớp cơ bản nhất giống như lớp từ tương ứng với các ngôn ngữ Mon-Khmer. Tuy nhiên, trong chừng mực nhất định, chúng cũng là những từ chỉ những khái niệm cơ bản trong vốn từ của một ngôn ngữ. Ví dụ:
Việt | Mường | Cuối | Thái |
---|---|---|---|
đường/đàng | tàng | tiàng | táng |
(chó) má | (chỏ) mả | ma | |
(cỏ) nhả | cỏ | nhả |
Thế nhưng, trong những trường hợp vừa dẫn ra ở trên, người ta có thể cho rằng từ đường/đàng của tiếng Việt là gốc Mon-Khmer vì thấy trong tiếng Rục có dạng thức tơàng, còn hai từ còn lại má và nhả có thể là sự vay mượn về sau này. Đối với chúng tôi, chính tình trạng khác biệt nói trên cho phép nghĩ rằng những vay mượn lẫn nhau giữa Việt-Mường và Thái xảy ra vào giai đoạn lịch sử này. Bởi vì, sự có mặt trong những tiếng tiền Việt-Mường khác một từ tương ứng với sá ("đường sá") của tiếng Việt (ví đụ, Arem: ?ura’ – Khạ Phọng: kurà: – Nyah Kur: trớw) đã chứng nhận tương đương đàng (Việt) – táng (Thái) khó có thể có từ thời tiền Việt-Mường được. Đối với hai trường hợp còn lại, vì tính chất ngữ nghĩa cơ bản của từ và tính đều đặn của chúng cả với tiếng Việt và cả với tiếng Mường nên khả năng vay mượn trước Việt-Mường chung là hợp lí hơn hay có thể chấp nhận được.
Còn về những từ gốc Hán vay mượn vào thời kì này, chúng thường được các nhà nghiên cứu gọi là những từ Hán Việt cổ hay cổ Hán Việt. Có một điều cần chú ý là những từ vay mượn tiếng Hán vào thời kì này cũng dường như là những từ khá cơ bản trong vốn từ của tiếng Việt. Chẳng hạn đó là những từ như đầu, mả, mùa, mùi, buồng, bến, buồm v.v… Người ta biết rất rõ những từ này phải được vay mượn trước thời Việt-Mường chung, có thể từ thời Việt-Mường cổ hay thậm chí sớm hơn, vì chúng có những dạng thức tương ứng với mộ, vụ, vị, phòng,… Hán Việt sau này. Và những từ nói trên được sử dụng trong tiếng Việt hiện nay như là một từ đơn độc lập, một đặc trưng mà các yếu tố Hán Việt du nhập về sau này không thể có được.
Như vậy, do tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với các ngôn ngữ khác nhau thuộc những họ khác trong vùng Đông Nam Á văn hoá, một bộ phận của tiếng tiền Việt-Mường, một mặt vẫn lưu giữ những từ có nguồn gốc Mon-Khmer và vay mượn từ Nam Đảo trước đây, mặt khác đã bắt đầu con đường du nhập những từ không phải cùng gốc với Mon-Khmer và tạo thành một bộ phận riêng: từ vựng tiếng Việt-Mường cổ. Trong khi đó phần còn lại vẫn lưu giữ vốn từ của Mon-Khmer và vay mượn từ Nam Đảo trước đây, lại có thể mượn thêm những từ Mon-Khmer mới sau này hoặc những ngôn ngữ thuộc họ khác ở về phía Nam. Nội bộ tiếng tiền Việt-Mường bị phân hoá về mặt từ vựng là như thế.
Ở đây có một vấn đề khá tế nhị trong những tương ứng từ vựng giữa tiếng Việt-Mường cổ với những ngôn ngữ Thái và Hán. Có khả năng tiếng Việt-Mường cổ và tiếng Thái cùng vay mượn từ tiếng Hán như hai thực thể riêng lẻ khác nhau. Cũng có khả năng tiếng Việt-Mường cổ vay mượn từ tiếng Hán thông qua các ngôn ngũ Thái và ngược lại. Khi có điều kiện khảo sát riêng nguồn gốc từ vựng lịch sử của tiếng Việt, đây chắc chắn sẽ là một vấn đề tốn nhiều công nhiều sức mới có thể làm sáng tỏ được.
3.2.2. Về mặt cấu tạo từ
Có thể nói, thời kì này chính là giai đoạn mà các ngôn ngữ của cả nhóm Việt-Mường đã bắt đầu “trở thành những ngôn ngữ đơn tiết, có âm tiết tính cao độ” [1]. Trong tình hình như vậy, ở đây có một sự khác biệt và đồng thời là một dấu hiệu rất đáng chú ý cho phép người ta phân biệt một bên là tiếng Việt-Mường cổ và bên kia là phần về sau tạo thành những ngôn ngữ thuộc tiểu nhóm Việt-Mường song tiết còn lại. Nói một cách khác, chính hoạt động âm tiết hoá của tiếng tiền Việt-Mường xảy ra theo hai xu hướng khác nhau đã góp phần phân chia nó thành những bộ phận khác nhau.
Chúng ta biết rằng hiện tượng âm tiết hoá là hiện tượng ngôn ngữ hoặc bỏ đi những yếu tố nằm ngoài âm tiết điển hình, hoặc âm tiết hoá những gì chưa đủ tư cách âm tiết như tổ hợp phụ âm thành âm tiết chân chính. Nói một cách cụ thể hơn, đó là hiện tượng âm tiết hoá do rụng đi phần "thừa" và hiện tượng âm tiết hoá bằng cách thêm vào phần còn "thiếu". Trường hợp đầu thường xảy ra theo hướng từ ngữ âm song tiết rụng đi tiền âm tiết và chỉ còn giữ lại âm tiết chính theo kiểu CvCVC → CVC. Ví dụ:
Rục: karôt → Việt: lốt (“da, bên ngoài”)
Rục: pusính → Việt: (con) rắn
Rục: rơngơ:h → Việt: (nằm) ngửa, (nằm) ngả ngửa
Mã Liềng: kơgớm → Việt: sấm (trời)
Mã Liềng: kàtô:ng → Việt: (mưa) giông
Mã Liềng: kajó: → Việt: gió
Còn trường hợp sau là hiện tượng trong ngôn ngữ có một yếu tố trong tổ hợp phụ âm lại trở thành âm tiết theo kiểu CCVC → CvCVC → CVC. Chẳng hạn như:
Khmú: ksăng → Rục: kasăng (Sách: kasăng) → Việt: răng
Hai xu hướng đơn tiết như trên tuy có cách xử lí khác nhau nhưng đều đưa đến kết quả là các từ ngữ âm được phát âm theo từng "âm tiết".
Trong giai đoạn Việt-Mường cổ này, ở các ngôn ngữ tiền Việt-Mường song tiết mặc dù có chịu ảnh hưởng ít nhiều của xu thế âm tiết hoá chung cho cả nhóm nhưng cách xử lí vẫn nghiêng về xu hướng thứ hai, tức là hướng âm tiết hoá một yếu tố trong tổ hợp phụ âm. Vì thế tiểu nhóm này một mặt vẫn lưu giữ các song tiết không điển hình kiểu CvCVC, mặt khác còn âm tiết hoá các từ ngữ âm có tổ hợp phụ âm kiểu CCVC thành CvCVC. Trong khi đó, ở phía các ngôn ngữ thuộc Việt-Mường cổ, chúng đi vào hướng âm tiết hoá thứ nhất: hướng rụng đi các tiền âm tiết kiểu CvCVC → CVC. Như vậy, những sự cách tân về mặt cấu tạo từ như chúng ta vừa phân tích ở trên có tác dụng làm tách biệt khối ngôn ngữ tiền Việt-Mường trước đây thành một bên là tiếng Việt-Mường cổ có xu hướng đơn tiết triệt để và một bên là một ngôn ngữ chung của tất cả các tiếng thuộc tiểu nhóm song tiết Việt-Mường hiện nay.
Về mặt cấu tạo từ, còn có một vấn đề nữa cũng cần phải chú ý. Trong tiếng Việt-Mường cổ, có cơ sở để bước đầu khẳng định, việc dùng phụ tố cấu tạo từ như các ngôn ngữ Mon-Khmer trước đây đã gần như không được lưu giữ. Cho đến hiện nay, trong các ngôn ngữ Việt-Mường là hậu duệ của tiếng Việt-Mường cổ, chúng ta chưa tìm thấy hiện tượng ngữ pháp này. Như vậy, có cơ sở để chúng ta biết chắc chắn rằng vào giai đoạn phát triển thứ hai trong lịch sử tiếng Việt, vấn đề phụ tố cấu tạo từ vốn có từ thời Mon-Khmer trước đây hầu như không còn hoạt động nữa.
3.2.3. Về mặt ngữ âm
Thứ nhất, ở bình diện này, sự khác biệt rõ nét giữa tiếng Việt-Mường cổ với tiếng tiền Việt-Mường trước đây là việc bắt đầu quá trình hình thành thanh điệu. Nói một cách khác, ở giai đoạn Việt-Mường cổ, nói chung, tiếng Việt đã bắt đầu là một ngôn ngữ có thanh điệu thực thụ. Theo cách lí giải của A.G. Haudricourt đã được chúng tôi trình bày ở chương 2, tiếng Việt-Mường cổ lúc này là ngôn ngữ có ba thanh. Lí do xuất hiện ba thanh này là ở những âm tiết tiền Việt-Mường có kết thúc bằng âm tắc [?] và các âm xát [s, h] khi chuyển sang giai đoạn Việt-Mường cổ chúng đã không còn lưu giữ những yếu tố đoạn tính này nữa. Sự sắp xếp lại cách kết thúc âm tiết ấy khiến cho thế đối lập thanh điệu ra đời. Sự kiện này, chúng ta có quyền nghĩ rằng, đương nhiên phải manh nha ở tiếng tiền Việt-Mường, nhưng chính nhờ sự khác biệt trong nội bộ của nó thời ấy mà tạo thành những xu hướng xử lí khác nhau về sau.
Theo chúng tôi có thể hình dung những xu hướng xử lí khác nhau ấy như sau. Nếu như quá trình biến đổi này xảy ra khá triệt để trong một bộ phận về sau là tiếng Việt-Mường cổ, tức là hiện tượng rụng đi âm cuối tắc [?] và các âm xát [s, h] để có đối lập ba thanh xảy ra một cách nhất loạt, thì ở các phương ngữ về sau là những ngôn ngữ thuộc tiểu nhóm song tiết quá trình này lại có tính chất nửa vời, không triệt để. Chứng cớ của tình trạng này là ở tiếng Việt-Mường cổ, đã có đầy đủ ba thanh để sau này chuyển thành hệ thống sáu thanh hoàn chỉnh. Còn trong các ngôn ngữ thuộc tiểu nhóm song tiết được lưu lại cho tới hiện nay, tiếng Arem là ngôn ngữ chưa có thanh điệu, các tiếng Rục, Mày, Sách… vẫn còn lưu giữ âm cuối [h, s] nên lúc ấy chỉ có hai thanh để hiện nay là những ngôn ngữ có số lượng 4 thanh điển hình khiến nó thiếu đi cái cặp thanh điệu tương ứng với cặp thanh hỏi và ngã của tiếng Việt. Người ta có thể nhận thấy điều đó qua việc lưu giữ cho đến hiện nay trong các ngôn ngữ này âm cuối xát họng [h]. Sau đây là một vài ví dụ thể hiện điều đó:
Việt: cỏ – Rục: koh
Việt: mũi – Rục: mu:h
Việt: (con) đỉa – Rục: lătăh
Trong một chừng mực nào đấy, chúng tôi nghĩ rằng chính cách xử lí không triệt để này đã là nguyên nhân gây nên những phức tạp về số lượng thanh điệu trong các thổ ngữ và ngôn ngữ Việt-Mường hiện nay.
Điều thứ hai rất quan trọng nằm ở địa hạt ngữ âm là, do xu hướng rụng đi tiền âm tiết, tiếng Việt-Mường cổ đã xuất hiện một loạt âm đầu xát. Cơ chế của hiện tượng nói trên được M. Ferlus mô tả như sau. Trong lịch sử tiếng Việt ở thời kì này, có hai kiểu âm đầu là âm đầu và âm giữa, trong đó âm đầu là những phụ âm đầu của những từ ngữ âm đơn tiết CVC, còn âm giữa là phụ âm đầu của âm tiết chính trong từ ngữ âm song tiết CvCVC. Nói cách khác, âm giữa chính là C2 trong cấu tạo C1vC2VC3 và chúng xát hoá do các tiền âm tiết Cv của thời kì tiền Việt-Mường rụng đi[2]. Như vậy, theo lí giải của M. Ferlus, vào giai đoạn Việt-Mường cổ của lịch sử, trong tiếng Việt đã bắt đầu xuất hiện dãy âm xát về sau được ghi là "v, d, gi, g/gh" và cả "r" theo cách ghi của chữ Quốc ngữ hiện nay. Theo sự chuyển đổi này, âm [v] tiếng Việt là hệ quả của cặp âm tắc môi [*p], [*b]; âm "d/gi" tiếng Việt là hệ quả của cặp âm tắc đầu lưỡi [*t], [*d]; âm "gi/d" tiếng Việt là hệ quả của cặp âm tắc giữa lưỡi [*ch], [*j’]; âm "g/gh" tiếng Việt là hệ quả của cặp âm tắc gốc lưỡi [*k], [*g]; còn âm "r" là hệ quả của cặp âm xát [*s], [*z] khi chúng là âm giữa của từ ngữ âm. Chúng ta có thể nhận thấy tình trạng ấy qua những ví dụ như:
Việt | Thà Vựng | Rục | Mã Liềng |
---|---|---|---|
vôi | kpuul | kơpul | |
vải | kpaas | kupạl | |
dọn | ktoon | ||
giông | kàtô:ng | ||
dái | katál | ||
(nói) dối | patốj | ||
giết | kachít | ||
giầu/giàu | kơchaw | ||
gáy | pka | ||
gấu | chkụ | chăkụ: | |
gang (tay) | chơkang | ||
rắn | psính | ||
răng | ksang |
Điều đáng chú ý là, trong số các nhà nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, tuy đều đồng ý với nhau là có hiện tượng xát hoá xảy ra trong lịch sử tiếng Việt, nhưng vấn đề vào thời điểm nào hiện tượng này kết thúc và hệ quả của nó ra sao thì còn có những ý kiến rất khác nhau. Do vậy, đi vào chi tiết cụ thể, đây còn là một vấn đề cần được tiếp tục khảo sát nhiều hơn nữa mới có kết luận cuối cùng.
3.3. Tiểu kết
Như vậy, từ giai đoạn tiền Việt-Mường, tức là lúc tất cả các ngôn ngữ thuộc nhóm Việt-Mường hiện nay đang là một khối thống nhất, lịch sử tiếng Việt chuyển sang giai đoạn Việt-Mường cổ. Sự chuyển đổi này, ban đầu là sự phân biệt những nhóm khác nhau trong nội bộ tiếng tiền Việt-Mường, về sau sự khác biệt trở thành những bộ phận riêng. Những đặc điểm vừa được nêu trên là những dấu hiệu chính để chúng ta phân biệt một bên là tiếng Việt-Mường cổ và bên kia là phần còn lại của tiếng tiền Việt-Mường. Chúng ta có thể tóm tắt những dấu hiệu chính ấy như sau:
- Trong vốn từ của mình, tiếng Việt-Mường cổ đã có những vay mượn lẫn nhau với các tiếng Thái và Hán.
- Ở giai đoạn này, tiếng Việt đã có xu hướng đơn tiết hoá theo cách rút gọn. Trong khi đó ngôn ngữ hầu như không còn dấu vết gì của việc sử dụng phương thức phụ tố để tạo từ mới.
- Tiếng Việt-Mường cổ là một ngôn ngữ có ba thanh điệu dựa trên thế đối lập tuyến điệu chứ chưa dựa trên thế đối lập âm vực.
- Ở giai đoạn này, tiếng Việt đã bắt đầu thấy có dãy âm xát và hiện nay chúng được ghi bằng các con chữ Quốc ngữ "v, d, gi" và "g/gh".
Thế nhưng ngay bản thân tiếng Việt-Mường cổ lúc bấy giờ cũng đã từng bước có sự khác biệt nội bộ. Và đây chính là lí do quan trọng để tiếng Việt chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn Việt-Mường chung, một giai đoạn bản lề trong lịch sử phát triển của tiếng Việt. Chuyển sang giai đoạn mới này cũng có nghĩa là đến lượt mình tiếng Việt-Mường cổ tách ra theo hai xu hướng phát triển. Một xu hướng trở thành ngôn ngữ tiền thân của tiếng Việt và tiếng Mường hiện nay và bên kia là phần còn lại của nó biến đổi theo xu hướng bảo thủ hơn mà hiện nay các nhà nghiên cứu gọi chúng là những ngôn ngữ Việt-Mường cổ.
Theo Trần Trí Dõi (2005). Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.
[1] Nguyễn Tài Cẩn (1995). Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995, trang 246.
[2] Ferlus, M. (1981). Sự biến hoá của các âm tắc giữa (obstruentes mediales) trong tiếng Việt. Ngôn ngữ, số 2 (1981), trang 22.