2. Giai đoạn tiền Việt-Mường (proto Việt-Mường)
Sau giai đoạn Mon-Khmer, lịch sử tiếng Việt chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn tiền Việt-Mường. Đây là thời kì, theo cách hiểu của chúng tôi, tiếng Việt cùng với tất cả các cá thể ngôn ngữ thuộc nhóm Việt-Mường hiện nay tách ra khỏi khối Mon-Khmer để có một lịch sử riêng. Lúc này phần còn lại của khối Mon-Khmer ấy (hiện nay là các ngôn ngữ của những nhóm như Katu, Bana, Khmú v.v…) có một lịch sử riêng, khác với lịch sử của các cá thể ngôn ngữ thuộc nhóm Việt-Mường hiện nay. Đối với chúng tôi, giai đoạn tiền Việt-Mường có thể coi là giai đoạn phát triển đầu tiên trong lịch sử tiếng Việt và do đó cũng có thể coi nó có tư cách là ngôn ngữ chung hay tiền ngôn ngữ (ngôn ngữ mẹ, ngôn ngữ cơ sở) của cả nhóm Việt-Mường. Vì thế, trong quá trình phát triển của tiếng Việt, giai đoạn này là quãng thời gian đầu tiên, khởi nguồn của một quá trình phát triển riêng biệt. Điều này cũng có nghĩa là, khi xem xét sự biến đổi của một hiện tượng ngôn ngữ nào đó của lịch sử tiếng Việt, đây chính là mốc đầu tiên của quá trình biến đổi ấy.
2.1. Tính chất và thời gian tương đối.
Người ta ước tính, giai đoạn tiền Việt-Mường này bắt đầu sau khi khối ngôn ngữ Mon-Khmer có sự khác biệt nội bộ tới mức tạo thành những nhóm ngôn ngữ riêng lẻ, trong đó có nhóm ngôn ngữ Việt-Mường. Quá trình tiền Việt-Mường này kéo dài ± 1000 năm, từ khoảng năm 1000 trước Công nguyên (CN) cho đến những thế kỉ đầu sau CN. Đây là cả một quãng thời gian khá dài, là thời gian để các bộ tộc, bộ lạc nói các ngôn ngữ Mon-Khmer phía đông hoàn tất việc chia tách và định hình thành những nhóm riêng lẻ khác nhau như nhóm Việt-Mường.
Tương ứng với thời gian lịch sử giả định nói trên, có thể nói đây là thời kì tiếng Việt có một quá trình phát triển khá ổn định từ trước CN đến sau CN. Bởi vì, đây chính là quãng thời gian những cư dân nói ngôn ngữ Việt-Mường là cư dân chủ thể của một nền văn hoá Đông Sơn rực rỡ. Người ta sẽ có lí khi nghĩ rằng một “nhà nước” Văn Lang phát triển không thể không có một ngôn ngữ thống nhất trong một sự đa dạng, đủ tư cách là công cụ giao tiếp chính giữa các bộ phận dân cư khác nhau trong một “nhà nước” bộ tộc thống nhất. Nền văn hoá Đông Sơn hay nền văn minh sông Hồng – sông Mã – sông Cả ấy phát triển được là nhờ sức sáng tạo của những con người trực tiếp vật lộn với thiên nhiên vốn rất đa dạng. Và ngôn ngữ, với tư cách là công cụ giao tiếp trong xã hội ấy, phải là một yếu tố không thể thiếu được để tạo nên sức mạnh thống nhất của cả một cộng đồng cư dân khác nhau trong một “địa vực” cụ thể. Đó sẽ là lí do để người ta có thể đồng ý nói đến một "ngôn ngữ thống nhất" cho vùng văn hoá Đông Sơn hay nền văn minh sông Hồng – sông Mã – sông Cả thuộc miền Bắc Việt Nam hiện nay.
Như vậy, tiếng tiền Việt-Mường (hay nói một cách khác là giai đoạn tiền Việt-Mường trong lịch sử phát triển của tiếng Việt) có một thời gian phát triển ước tính khá dài. Trong suốt thời gian dài ấy, tuy là một ngôn ngữ được coi là thống nhất nhưng bản thân nó cũng đã hàm chứa những khác biệt để tạo tiền đề cho sự chia tách về sau. Tình trạng nói trên giúp cho chúng ta hiểu vì sao trong tái lập những dạng thức ngôn ngữ thuộc thời kì này, rất có thể có những dạng thức trùng nhau hoặc thậm chí nối tiếp nhau. Trong một tình trạng như vậy, hoàn toàn có thể có những hiện tượng ngôn ngữ xuất hiện ở đầu giai đoạn phát triển rồi sau đó mất đi ở cuối giai đoạn phát triển và cũng hoàn toàn có thể nói đến những hiện tượng ngôn ngữ chỉ mới thuần tuý xuất hiện ở giữa hay ở cuối giai đoạn phát triển ấy để lưu lại cho đến ngày nay.
2.2. Những đặc điểm chính về ngôn ngữ.
Như chúng tôi đã trình bày và phân tích ở trên, giai đoạn tiền Việt-Mường là thời kì bản lề, là cột mốc đầu tiên trong lịch sử phát triển của tiếng Việt. Vì thế, về nguyên tắc những đặc điểm ngôn ngữ có mặt ở thời kì này sẽ là những dấu hiệu ban đầu, được thể hiện đầy đủ trong một quá trình phát triển lịch sử ngôn ngữ. Tuy nhiên, cũng có thể có những hiện tượng còn chưa thấy có mặt ở thời kì này nhưng về sau vẫn xuất hiện ở những ngôn ngữ thành phần của nhóm. Do đó, ở thời điểm hiện nay, ngôn ngữ thành phần của nhóm ngôn ngữ vừa có những nét đã từng có mặt ở tiền ngôn ngữ, vừa có những nét chưa xuất hiện ở thời kì đó. Chính sự không đồng nhất như vậy sẽ cung cấp cho chúng ta những hiện tượng, những dấu hiệu để từ đó quan sát sự phát triển của ngôn ngữ. Trong tình hình nghiên cứu hiện nay, chúng ta có thể nói về những đặc điểm ngôn ngữ sau đây của tiếng tiền Việt-Mường.
2.2.1. Những vấn đề về từ vựng.
Trong tiếng tiền Việt-Mường người ta nhận thấy có đủ cả ba thành phần từ vựng cơ bản. Thứ nhất, đó là thành phần từ vựng chung của họ Nam Á. Thứ hai, đó là thành phần từ vựng của nhánh ngôn ngữ Mon-Khmer. Cuối cùng, rất có thể đó là thành phần từ vựng của tiểu nhánh Đông Mon-Khmer. Sự khác biệt giữa ba bộ phận này đã được phân tích ở tiểu mục 2.1.2, mục 2.1, phần II, chương 3. Điều này có nghĩa là khi tiếng Việt đang ở giai đoạn tiền Việt-Mường, người ta vẫn nhận thấy trong nó mang đầy đủ các lớp từ vựng phản ánh những biến đổi lịch sử trước đây, từ khởi thuỷ cho đến khi nó hình thành khối ngôn ngữ Mon-Khmer để sau đó tách thành nhóm Việt-Mường riêng biệt. Nói một cách khác, ở giai đoạn tiền Việt-Mường, ngôn ngữ đã bảo lưu khá đầy đủ vốn từ vựng cơ bản có từ cội nguồn của nó.
Điều nói trên, theo chúng tôi, được thể hiện ở chỗ chúng ta thấy có rất nhiều từ tiếng Việt tương ứng với những từ thuộc lớp từ vựng Nam Á hiện còn lưu giữ ở tất cả các nhánh của họ Nam Á. Ví dụ, Việt: bốn – Môn: pon – Pear: phon… (thuộc nhánh Mon-Khmer); Katu: poan – Mrabri (Khamú): pon;… (thuộc tiểu nhánh Đông Mon-Khmer); Nicôbar: foơn (nhánh Nicobar); Mundari: upur (thuộc nhánh Munđa). Chúng ta cũng thấy trong từ vựng tiếng Việt có những từ thuộc lớp từ vẫn còn được lưu giữ ở các ngôn ngữ Mon-Khmer khác. Ví dụ, Việt: trái – Bru: palai – Bana: plej – Khmer: ple – Palaung: ple v.v… Và chúng ta cũng thấy có những từ thuộc lớp từ Mon-Khmer chỉ lưu giữ ở các ngôn ngữ thuộc tiểu nhánh Đông Mon-Khmer. Ví dụ như Việt: rú (rừng), Katu: bru v.v…
Tuy nhiên, theo một số kết quả nghiên cứu hiện nay, chúng ta có quyền nói rằng tiếng tiền Việt-Mường cũng đã có những tiếp xúc với các ngôn ngữ thuộc họ Nam Đảo. Chứng cớ của sự tiếp xúc này là những vay mượn từ vựng lẫn nhau giữa chúng. Bởi vì, trong vốn từ của tiếng Việt và một vài ngôn ngữ Việt-Mường khác chúng ta thấy có những từ thuộc vào lớp rất cổ xưa tương ứng với họ ngôn ngữ này. Về trường hợp vay mượn lẫn nhau với các ngôn ngữ Nam Đảo, A.G. Haudricourt từ lâu đã viết rằng "Vấn đề tế nhị được đặt ra cho các nhà so sánh ngôn ngữ Nam Á là lọc ra trong các ngôn ngữ bao quanh tiếng Chăm như các tiếng Maa, Mnong, Bahnar những từ đã được vay mượn qua những thiên niên kỉ thống trị của người Chăm. Những từ mượn ấy hoặc có gốc gác tiếng Sanskrit, nhưng mà như vậy, người ta có thể gặp chúng trong tiếng Mon, tiếng Khmer và cả trong những phương ngữ đã chịu ảnh hưởng của tiếng Mon, tiếng Khmer; hoặc có gốc ở tiếng Indonesia, nhưng nếu muốn chắc chắn về nguồn gốc Indonesien của chúng, thì không thể chỉ tìm thấy chúng ở Java và Sumatra, bởi vì các ngôn ngữ Indonesien ở những vùng đó đã vay mượn những từ Nam Á"[1].
Quả thực, chúng ta có thể nhận thấy điều này trên cơ sở những tương ứng từ vựng cơ bản giữa một vài ngôn ngữ Nam Đảo và một số ngôn ngữ Việt-Mường thuộc tiểu nhóm song tiết. Ví dụ, Việt: trăng (tháng/sáng) – Rục: pơlơang – Mã Liềng: pơliàn – Mường: tlăng – Chăm: bilan… nhưng Arem: ngrah; Khạ Phọng: tara’ – Kơho: kơn’hai – Chao Bon: ntú?. Trường hợp từ "trăng" dẫn ra ở trên cho thấy trong nội bộ nhóm ngôn ngữ một bên các tiếng Việt, Mường, Rục, Mã Liềng tương ứng với tiếng Chăm. Trong khi đó một bên khác gồm các tiếng Arem, Khạ Phọng lại tương ứng với tiếng Kơho và có thể cả tiếng Chao Bon, tức là những ngôn ngữ Mon-Khmer thực sự. Sự khác biệt như thế trong nhóm Việt-Mường chỉ có thể có một cách giải thích khả dĩ hơn là do chúng đã có những vay mượn lẫn nhau từ một vài ngôn ngữ có nguồn gốc khác nhau.
Qua cách nhìn nhận như ở trên, chúng ta có thể nói một cách tóm tắt rằng ở vào giai đoạn tiền Việt-Mường, tiếng Việt một mặt đã lưu giữ tốt lớp từ cội nguồn, mặt khác do có sự tiếp xúc lẫn nhau với những ngôn ngữ Nam Đảo đã thu nhận một số từ của các ngôn ngữ này. Theo chúng tôi, chính tính chất nhập nhằng khiến người ta khó xác định ngôn ngữ nào vay mượn của ngôn ngữ nào, như A.G. Haudricourt từng nói, đã minh chứng cho việc vay mượn từ cổ xưa như vậy. Trong tương lai, khi tuần tuý xem xét từ vựng lịch sử tiếng Việt, chắc chắn đây sẽ là một vấn đề thú vị nhưng cũng sẽ đầy rẫy khó khăn.
2.2.2. Về mặt cấu tạo từ
Ở bình diện này, nét nổi bật của giai đoạn tiền Việt Mường là dường như ngôn ngữ đã từ bỏ các phương thức phụ tố cấu tạo từ vốn có của các ngôn ngữ Mon-Khmer. Chứng cớ chứng minh cho đặc điểm này thể hiện ở chỗ hầu hết các ngôn ngữ thuộc nhóm Việt-Mường hiện nay đã không còn lưu giữ vết tích hoặc nếu có lưu giữ thì rất mờ nhạt phương thức phụ tố cấu tạo từ. Trong khi đó, các ngôn ngữ Mon-Khmer như Khmú, Katu, Bru-Vân Kiều v.v… bên cạnh thì hiện nay vẫn còn hình ảnh khá rõ nét của hiện tượng này. Chúng ta có thể nêu lên những ví dụ như sau. Tiếng Bru của nhóm Katu vẫn sử dụng trung tố r trong cấu tạo từ: katp (đậy) – kartp (cái nắp); sapo (lợp) – sarpo (mái nhà); vah (chèo) – sarvah (cái chèo) v.v… Còn tiếng Khmú lại giữ được tới ba trung tố để cấu tạo từ như chúng ta, qua cứ liệu của M. Ferlus, đã từng phân tích ở tiểu mục 2.2.2, mục 2.2, phần II, chương 2.
Ở vấn đề cấu tạo từ, nét nổi bật thứ hai thường được nhiều người nhắc đến là trong tiếng tiền Việt-Mường có sự hiện diện của từ ngữ âm song tiết kiểu CvCVC. Hơn nữa, trong từ ngữ âm song tiết kiểu như trên, các âm tiết cuối (âm tiết thứ hai) luôn luôn được nhấn mạnh và là phần chính của từ. Có lẽ chính vì điều này mà tiếng tiền Việt-Mường là ngôn ngữ có từ song tiết không đích thực (như các ngôn ngữ Mon-Khmer khác) rõ ràng nhất. Theo số liệu của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, ở thời kì này “số lượng từ thực sự đơn tiết chỉ chiếm khoảng 37%, còn 63% còn lại thì bao gồm từ song tiết và từ có tổ hợp phụ âm đầu”[2]. Từ song tiết ở đây là những từ gồm một âm tiết gọi là tiền âm tiết (présyllabe) và một âm tiết chính (âm tiết cuối, âm tiết thứ hai). Trong số các tiền âm tiết có một loại chỉ gồm một nguyên âm (thường là nguyên âm *a) và một loại khác là một âm tiết mở Cv (chiếm 2/3 số lượng tiền âm tiết trong tiếng Rục chẳng hạn). Âm tiết mở này thường gồm một nguyên âm trung lập *ơ, không có giá trị âm vị học, và một phụ âm (thường là phụ âm vô thanh [p, t, ch, k, s] , trong đó [k] là phụ âm phổ biến hơn cả). Các phụ âm lỏng hoặc hữu thanh tham gia tiền âm tiết không nhiều hoặc thậm chí có thể nói là rất ít. Người ta có thể thấy hình ảnh các từ song tiết không đích thực này trong một số ngôn ngữ của nhóm Việt-Mường như tiếng Arem, tiếng Rục, tiếng Mày, tiếng Mã Liềng, tiếng Sách v.v… Ví dụ, Rục: tơkach – Việt: cát; Rục: kơtam – Việt: dam/đam (cua đồng); Rục: aká – Việt: cá v.v…
Cùng với những đặc điểm nói trên, theo nhận xét của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, còn có một điều quan trọng nữa là tiếng tiền Việt-Mường lại có tình trạng song tiết hoá những từ đơn Mon-Khmer. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã viết rằng “có những từ thời proto Môn Khmer đơn tiết, ở các proto tiểu chi khác cũng bảo lưu tính đơn tiết, nhưng sang proto Việt-Chứt, proto Katu lại trở thành song tiết”[3]. Như vậy, cách đặt vấn đề của giáo sư cho chúng ta biết rằng ở giai đoạn tiền Việt Mường tiếng Việt có xu hướng song tiết hoá những từ đơn Mon-Khmer. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn còn cho biết rằng hiện tượng này cũng có ở cả nhóm Katu, là nhóm cùng với nhóm Việt-Mường nằm ở tiểu nhánh Đông Mon-Khmer của họ Nam Á. Ví dụ như:
Việt | proto Việt-Mường | Rục | (Mã Liềng) | proto Katu | (Bru) | proto Mon-Khmer | proto Wa |
---|---|---|---|---|---|---|---|
cá | *aka | *aká | *paka | *ka | *ka | ||
chó | *acho | achó | (chó) | *cho | (acho) | *chua | *cho |
Tình trạng thứ hai này cho phép chúng ta đoán định xu thế song tiết tác động ở giai đoạn tiền Việt-Mường là khá mạnh.
2.2.3. Về mặt ngữ âm
Chúng ta dựa trên kết quả của một số nghiên cứu về ngữ âm lịch sử tiếng Việt để nói về ngữ âm của giai đoạn tiền Việt-Mường như sau.
Thứ nhất, đặc điểm nổi bật quan trọng ở bình diện này là tiếng tiền Việt-Mường chưa có hệ thống thanh điệu, giống như tất cả các ngôn ngữ Mon-Khmer khác. Nói khác đi, tiếng Việt ở giai đoạn tiền Việt-Mường là một ngôn ngữ chưa có hệ thống thanh điệu một cách chân chính. Lúc này, vai trò khu biệt ý nghĩa của các từ trong ngôn ngữ đều do những đơn vị đoạn tính của âm tiết đảm nhận.
Thứ hai, về hệ thống ngữ âm, người ta có thể nói tới một danh sách phụ âm và nguyên âm tiền Việt-Mường sau đây.
– Đối với trường hợp tiền âm tiết, trong tiếng tiền Việt-Mường thường chỉ gặp các phụ âm vô thanh *p-, *t-, *ch-, *k-, *s- và thỉnh thoảng mới là phụ âm lỏng hoặc phụ âm hữu thanh. Về nguyên âm ở kiểu âm tiết này, người ta cũng thấy có hai loại khác nhau. Một loại với đại đa số là nguyên âm *a, ít hơn nữa là nguyên âm *i là những nguyên âm tự nó làm thành tiền âm tiết (tức tiền âm tiết không có phụ âm đầu); ở những tiền âm tiết mở kiểu Cv, thường chúng ta chỉ thấy có nguyên âm trung lập *ơ. Về nguyên tắc, cả phụ âm lẫn nguyên âm ở tiền âm tiết không mang giá trị âm vị học nên các từ ngữ âm hai âm tiết này không phải là những từ song tiết đích thực mà chúng chỉ thể hiện giá trị phát âm mà thôi. Như vậy, các yếu tố làm nên tiền âm tiết chỉ bó hẹp trong một bộ phận nhất định của hệ thống ngữ âm của tiếng tiền Việt-Mường.
– Về tổ hợp phụ âm, trong tiếng tiền Việt-Mường chỉ thấy những dạng thức có hai yếu tố, trong đó yếu tố thứ hai có thể trùng với âm đầu của âm tiết chính. Như vậy, rất có thể tổ hợp phụ âm ở giai đoạn này có phần đơn giản hoặc đơn điệu và nó chính là hệ quả, là chứng cớ rõ ràng biểu hiện tình trạng ngừng hoạt động của hệ thống phụ tố cấu tạo từ (chủ yếu là dưới dạng trung tố) của thời kì Mon-Khmer trong tiếng tiền Việt-Mường. Nếu thể hiện tổ hợp phụ âm thành C1C2 (trong đó C2 là phụ âm của âm tiết chính), tình hình tổ hợp phụ âm là như sau: Yếu tố C1 thường là phụ âm vô thanh (gần 90%), trong đó những phụ âm có tần số xuất hiện cao là *k-, *t-, *p-, *ch-, sau đó là hai âm sát *s-, *h- và đôi khi cũng có âm không vô thanh mà đáng kể nhất là *m-. Yếu tố C2 là âm đầu âm tiết chính nên về nguyên tắc có thể là phụ âm bất kì nào nhưng thường gặp nhất là âm -*r-, -*l- và hầu như ít gặp là âm tắc hữu thanh[4].
– Đối với trường hợp ở âm tiết chính và ở từ đơn âm, trong tiếng tiền Việt-Mường, dựa trên kết quả nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn hay của M. Ferlus, chúng ta có thể nói đến những hệ thống sau đây.
Trước hết, đó là hệ thống phụ âm đầu gồm:
Vị trí | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
---|---|---|---|---|---|
Phụ âm tắc bật hơi | *ph | *th | *kh | ||
Phụ âm tắc vô thanh | *p | *t | *ch | *k | *? |
Phụ âm tắc hữu thanh | *b | *đ | *j | *g | |
Phụ âm tiền mũi | *?b | *?đ | *?j | *?g | |
Phụ âm mũi | *m | *n | *nh | *ng | |
Phụ âm bên và rung | *w | *r | |||
*l | |||||
Các âm xát vô thanh | *s | *s’ | *h | ||
Các âm xát hữu thanh | *z | *j |
Điều đáng chú ý thứ nhất là ở giai đoạn tiền Việt-Mường này, như danh sách được chúng tôi đề nghị ở trên, tiếng Việt có sự đối lập đều đặn giữa cặp vô thanh và hữu thanh ở cả trường hợp âm tắc lẫn trường hợp âm xát. Đây là sự đối lập rất đáng được chú ý trong hệ thống phụ âm của ngôn ngữ ở giai đoạn lịch sử này. Điều đáng chú ý thứ hai là cũng ở vào giai đoạn này, chúng tôi đã đề nghị có một dãy ba âm bật hơi. Đối với hiện tượng thứ nhất, lí do để tái lập như vậy là căn cứ vào nguyên tắc hình thành thanh điệu của tiếng Viêt và cách xử lí xát hoá âm tắc giữa sau này. Còn đối với hiện tượng thứ hai việc tái lập như thế được sự ủng hộ đều đặn trong các nhôn ngữ Việt-Mường.
Sau đó là hệ thống vần tiền Việt-Mường bao gồm sự kết hợp giữa nguyên âm với âm cuối. Nhưng để tiện lợi cho việc theo dõi vấn đề, chúng tôi xin tách biệt một bên là danh sách âm cuối và một bên là danh sách nguyên âm như sau:
Danh sách âm cuối gồm:
Vị trí | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
---|---|---|---|---|---|
Các phụ âm cuối tắc | *p | *t | *ch | *k | |
Các phụ âm cuối mũi | *m | *n | *nh | *ng | |
Các phụ âm cuối khác | *w | *r | *j | ||
*s | *h |
Danh sách nguyên âm gồm:
*i: | *i | *ư | *u: | *u | ||
*ê: | *ê | *ơ: | *ơ | *ô: | *ô | |
*e: | *e | *a: | *a | *o: | *o | |
*iê | *iơ |
(trong đó có *ie, *iơ là hai âm đôi).
2.3. Tiểu kết
Tóm lại, tiếng tiền Việt-Mường (hay còn gọi là tiếng Việt ở giai đoạn tiền Việt-Mường), ngôn ngữ cơ sở của tiếng Việt, về cơ bản vẫn lưu giữ những đặc điểm quan trọng của nhánh ngôn ngữ Mon-Khmer. Điều đó thể hiện ở chỗ:
- Nó, về đại thể, vẫn duy trì vốn từ vựng gốc chung có từ Nam Á và Mon-Khmer. Tuy nhiên, ở giai đoạn này trong một mức độ nào đấy, tiếng tiền Việt-Mường đã có sự tiếp xúc cơ bản dẫn đến vay mượn lẫn nhau với các ngôn ngữ Nam Đảo.
- Là một ngôn ngữ chưa có thanh điệu. Tình trạng này vừa là điều kiện, vừa là hệ quả để chúng ta nhận biết hai đặc điểm sau đây. Thứ nhất, trong danh sách phụ âm đầu âm tiết chính sự đối lập vô thanh và hữu thanh vẫn được duy trì. Thứ hai, trong danh sách phụ âm cuối âm tiết chính hai âm cuối xát và tắc họng còn hiện diện đầy đủ.
- Đồng thời tuy nó vừa có những từ cấu tạo đơn tiết vừa có những từ cấu tạo song tiết nhưng cả hai kiểu ấy không lưu giữ phương thức phụ tố cấu tạo từ như các ngôn ngữ thuộc những nhóm Mon-Khmer còn lại.
- Nét nổi trội của giai đoạn này là tình trạng duy trì thế đối lập dài ngắn khá đều đặn của các nguyên âm làm âm chính của âm tiết chính. Rất có thể, về sau do sắp xếp lại thế đối lập nguyên âm này mà tình trạng thanh điệu của các ngôn ngữ và thổ ngữ khác nhau trong nhóm Việt-Mường rất đa dạng và phức tạp.
- Mặt khác, nó có hiện tượng song tiết hoá các từ đơn Mon-Khmer (những từ đơn này còn lưu lại trong một vài ngôn ngữ thuộc nhóm Katu hiện nay). Đây dường như là nguyên nhân khiến cho các ngôn ngữ thuộc tiểu nhóm song tiết trong nhóm Việt-Mường ngày nay có tỉ lệ từ ngữ âm song tiết khá cao.
Chính nhờ những đặc điểm nói trên và có thể còn một vài đặc điểm khác nữa chưa biết đến, tiếng tiền Việt-Mường đã tách riêng khỏi nhánh Mon-Khmer, làm thành ngôn ngữ mẹ, ngôn ngữ tiền thân của tất cả các ngôn ngữ thuộc nhóm Việt-Mường hiện nay.
Trong nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất coi đây là mốc khởi đầu lịch sử của ngôn ngữ này. Vì thế, những khảo sát về một quá trình biến đổi nào đó đều được theo dõi chủ yếu từ giai đoạn tiền Việt-Mường cho đến hiện nay. Do chỗ giai đoạn này không có tài liệu ngữ văn để ghi chép lại nên những hiểu biết về nó đều dựa trên những nghiên cứu so sánh-lịch sử với các ngôn ngữ có họ hàng xa gần với tiếng Việt phân bố trên lãnh thổ Việt Nam và khu vực. Những dạng thức mà chúng ta vừa nêu lên ở trên về ngôn ngữ này đều là những dạng thức tái lập và chúng được gọi là dạng thức tiền Việt-Mường hay là dạng thức của tiếng Việt ở giai đoạn tiền Việt-Mường. Như vậy tiếng tiền Việt-Mường, trong quan niệm của chúng tôi, là ngôn ngữ mẹ của nhóm Việt-Mường nhưng đồng thời cũng là giai đoạn phát triển đầu tiên của lịch sử tiếng Việt. Điều này có nghĩa là những quy luật ngữ âm hành chức trong lịch sử tiếng Việt được tính từ quá trình khởi thuỷ ở giai đoạn này.
Theo Trần Trí Dõi (2005). Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.
[1] Haudricourt, A.G. (1966). Giới hạn và nối kết của ngôn ngữ Nam Á ở Đông Bắc. Ngôn ngữ, số 1 (1991), trang 33.
[2] Nguyễn Tài Cẩn (1995). Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995, trang 240
[3] Nguyễn Tài Cẩn. Sđd, trang 235.
[4] Nguyễn Tài Cẩn. Sđd, trang 240.