…1… Về tên gọi …2… Thời gian tương đối …3… Những đặc điểm về ngôn ngữ …4… Những dự đoán về mặt văn hoá …5… Bức tranh ngữ âm …6… Nhận xét chung
2.1. Về tên gọi
Tiền ngôn ngữ là một khái niệm dùng để chỉ ngôn ngữ gốc của các ngôn ngữ hiện tại. Cách gọi tiền Việt-Mường có nghĩa đây là ngôn ngữ được coi là ngôn ngữ cơ sở hay là ngôn ngữ chung cho cả nhóm ngôn ngữ Việt-Mường (thuộc nhánh Mon-Khmer), trong đó tiếng Việt là một ngôn ngữ thành viên.
Như vậy, để xác định lịch sử phát triển của tiếng Việt hay của một ngôn ngữ Việt-Mường khác, các nhà nghiên cứu thường bắt đầu từ thời điểm này, tức là thời điểm tiền Việt-Mường.
2.2. Về thời gian tương đối của giai đoạn tiền Việt-Mường
Theo kết quả nghiên cứu hiện nay, người ta ước lượng giai đoạn tiền Việt-Mường của tiếng Việt là tiếng nói sau giai đoạn Mon-Khmer và kéo dài cho đến thế kỉ thứ nhất và thứ hai sau công nguyên. Do đó, quãng thời gian tương đối mà người ta nói đến của giai đoạn Việt-Mường là ít nhất vào khoảng trên 2000 năm. Nếu đứng trên bình diện văn hoá, đây là giai đoạn tương ứng với giai đoạn văn hoá Đông Sơn, văn minh sông Hồng, đặc biệt là văn minh lúa nước và đây cũng là giai đoạn phát triển rực rỡ của đồ đồng và bắt đầu có sự xuất hiện của đồ sắt. Còn về mặt nhà nước, đây là giai đoạn tương ứng với thời kì Hùng Vương – nhà nước đầu tiên của người Việt. Có thể nói sự xuất hiện của nhà nước và sự phát triển của nền văn minh lúa nước đã có những ảnh hưởng quan trọng trong việc phát triển tiếng Việt cũng như củng cố vị trí của nó trong cộng đồng cư dân Việt.
2.3. Những đặc điểm về ngôn ngữ
Tiếng Việt ở giai đoạn tiền Việt-Mường tuy là một ngôn ngữ thống nhất nhưng tự bản thân nó đã có sự phân biệt. Tuy nhiên, sự phân biệt này chỉ mang tính chất phương ngữ mà thôi.
Sự khác nhau có tính phương ngữ này là cơ sở để về sau hình thành các ngôn ngữ khác nhau trong nhóm Việt-Mường. Như vậy, các ngôn ngữ khác nhau trong nhóm Việt-Mường chính là hệ quả của sự khác nhau ban đầu này và do yếu tố địa lí chi phối.
Ở giai đoạn tiền Việt-Mường, tiếng Việt vẫn là một ngôn ngữ chưa có thanh điệu. Bởi vì vừa tách khỏi nhánh Mon-Khmer nên tiếng tiền Việt-Mường vẫn còn lưu giữ đặc điểm không có thanh điệu của các ngôn ngữ Mon-Khmer thuộc họ Nam Á. Và cho đến hiện nay, tiếng Arem trong nhóm Việt-Mường hiện tại cũng là một ngôn ngữ không có thanh điệu.
Ở thời kì tiền Việt-Mường, tiếng Việt là một ngôn ngữ mà vốn từ vựng của nó về cơ bản là thuần Mon-Khmer và nó đã có ít nhiều tiếp xúc với các ngôn ngữ thuộc họ Nam Đảo và Thái-Kadai. Riêng đối với họ Hán-Tạng thì các ngôn ngữ tiền Việt-Mường dường như chưa có sự tiếp xúc.
Do hai khả năng vừa phân tích trên, nhiều nhà nghiên cứu dự đoán ở giai đoạn tiền Việt-Mường, tiếng Việt vẫn còn sử dụng phương thức phụ tố trong cấu tạo từ để tạo thành từ mới. Điều đó chứng tỏ tiếng tiền Việt-Mường còn lưu giữ đầy đủ đặc điểm của Mon-Khmer. Sự phân biệt giữa tiếng tiền Việt-Mường với các ngôn ngữ Mon-Khmer có chăng chỉ là sự ảnh hưởng của các ngôn ngữ Thái. Vì vậy, có thể nói, các ngôn ngữ Thái là tác nhân làm cho khối Mon-Khmer tách riêng ra một nhóm ở phía đông của nhánh và đó là tiền thân của tiền Việt-Mường.
2.4. Những dự đoán về mặt văn hoá liên quan đến nhóm Việt-Mường
Các nhà nghiên cứu về lịch sử ngôn ngữ cũng như lịch sử văn hoá thường đồng nhất tiếng Việt ở giai đoạn tiền Việt-Mường trong lịch sử tiếng Việt như là một ngôn ngữ dùng chung cho nhà nước Văn Lang của thời kì Hùng Vương. Tuy nhiên, chứng cứ để chứng minh cho sự tồn tại của ngôn ngữ thống nhất này, vì tính chất quá cổ xưa của lịch sử, không còn được giữ lại. Người ta chỉ có thể nhận biết điều này nhờ 2 hệ quả như sau:
– Ở giai đoạn lịch sử về sau, tiếng Việt với tư cách là một ngôn ngữ đã bị một ngôn ngữ khác đặt vào vị thế bị đồng hoá và thời gian ở vị thế ấy kéo dài hàng nghìn năm. Tuy nhiên, khi lịch sử không duy trì điều kiện bị đồng hoá đó, ngay lập tức tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ thống nhất trong toàn dân. Chính việc tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ thống nhất sau khi môi trường bị đồng hoá mất đi đã chứng tỏ ở giai đoạn tiền Việt-Mường tiếng Việt đã là một ngôn ngữ phát triển khá bền vững
– Khi chúng ta nói tiếng Việt ở giai đoạn tiền Việt-Mường là một ngôn ngữ thống nhất như vậy cũng có nghĩa là chúng ta nói tới tất cả các ngôn ngữ trong nhóm Việt-Mường hiện nay mà không có sự phân biệt như ở giai đoạn hiện tại: phân biệt giữa tiếng Việt với tiếng Mường; Mường – Cuối; Cuối – Arem; Rục – Sách;…
Trong nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, giai đoạn tiền Việt-Mường được coi là khởi đầu của lịch sử tiếng Việt. Do đó, tiếng tiền Việt-Mường được coi là ngôn ngữ mẹ hay ngôn ngữ cơ sở, ngôn ngữ chung mà từ đó xuất hiện tất cả các ngôn ngữ thuộc nhóm Việt-Mường hiện nay. Và để chứng minh được điều này, người ta luôn luôn đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải tái lập được dạng thức tiền Việt-Mường của tiếng Việt.
2.5. Bức tranh ngữ âm của tiếng Việt ở giai đoạn tiền Việt-Mường
(1) Trong tiếng tiền Việt-Mường, cấu trúc ngữ âm của từ gồm hai kiểu chính, đó là kiểu từ đơn tiết không thanh điệu được kí hiệu là CVC; và kiểu từ song tiết không thanh điệu, được kí hiệu là CvCVC, trong đó:
Cv | CVC |
tiền âm tiết | âm tiết chính |
→ Đây chính là cấu tạo ngữ âm ở một số ngôn ngữ hiện nay như: Mày, Rục,…
Ví dụ:
– ti ("đi") | → CVC |
– pichim ("chim") | → CvCVC |
– kơchơng ("giường", "chõng") | → CvCVC |
– kalôt ("lốt", "da") | → CvCVC |
– kuh ("củi") | → CVC |
Theo kết quả nghiên cứu hiện nay thì bức tranh về cấu trúc ngữ âm của từ trong tiếng tiền Việt-Mường nghiêng về dạng thức song tiết, theo đó, người ta cho rằng có khoảng 65–70% đơn vị từ vựng là từ song tiết, còn lại, 30–35% là đơn vị từ vựng có cấu trúc đơn tiết.
(2) Hệ thống ngữ âm của tiếng tiền Việt-Mường
– Đối với tiền âm tiết, trong tiếng tiền Việt-Mường bao giờ cũng chỉ xuất hiện phụ âm vô thanh, đó là các phụ âm: *p, *t,*ch,*k,*?,*s.
Còn lại, nguyên âm của tiền âm tiết chủ yếu là hai âm trung hoà: *a và *ơ
Ngoài ra, nguyên âm trong tiền âm tiết còn có: *i và *u
– Ở trường hợp tổ hợp phụ âm thì trong tiếng tiền Việt-Mường các tổ hợp phụ âm thường có dạng thức như sau:
+ Yếu tố thứ nhất :
> Các âm tắc: *k, *t, *p, *ch | |
> Các âm xát: *s, *h | |
> Đôi khi có cả âm mũi: *m |
+ Yếu tố thứ hai
Về nguyên tắc có thể là bất kì phụ âm nào nhưng thường gặp nhất là 2 âm lướt: *r và *l. Như vậy, tổ hợp phụ âm trong tiếng Việt-Mường là tổ hợp của 2 yếu tố nói trên.
– Đối với trường hợp âm tiết chính hoặc từ đơn tiết thì trong tiếng tiền Việt-Mường người ta có thể xác lập một hệ thống các âm sau đây:
-1- Hệ thống phụ âm đầu của âm tiết chính và từ đơn tiết trong tiếng tiền Việt-Mường
Vị trí | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
---|---|---|---|---|---|
Phụ âm tắc bật hơi | *ph | *th | *kh | ||
Phụ âm tắc vô thanh | *p | *t | *ch | *k | *? |
Phụ âm tắc hữu thanh | *b | *đ | *-j- | *g | |
Phụ âm tiền mũi | *?b | *?đ | *?-j- | *?g | |
Phụ âm mũi | *m | *n | *nh | *ng | |
Phụ âm bên và rung | *w | *r | |||
*l | |||||
Các âm xát vô thanh | *s | *s’ | *h | ||
Các âm xát hữu thanh | *z | *j |
So sánh: Giai đoạn Việt-Mường chung
Quan sát danh sách hệ thống phụ âm đầu trong âm tiết chính và từ đơn tiết tiếng Việt-Mường chúng ta có thể thấy:
+ Số lượng: nhiều hơn so với hiện nay.
+ Về vị trí cấu âm: có tối đa 5 vị trí cấu âm
+ Trong tiếng tiền Việt-Mường, hệ thống phụ âm đầu vẫn còn lưu giữ đầy đủ nét đối lập hữu thanh – vô thanh ở cả trường hợp phụ âm tắc lẫn phụ âm xát.
+ Ở giai đoạn tiền Việt-Mường, tiếng Việt vẫn còn lưu giữ lại sự phân biệt của dãy phụ âm tiền mũi với dãy phụ âm mũi.
+ Ở giai đoạn này, loạt âm tắc bật hơi vẫn còn được lưu giữ lại tương đối đầy đủ ở 3 vị trí cấu âm khác nhau.
-2- Hệ thống âm cuối trong tiếng tiền Việt-Mường
Trong tình hình nghiên cứu hiện nay, người ta đề nghị xác lập một danh sách các phụ âm cuối trong tiếng tiền Việt-Mường như sau:
Vị trí | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
---|---|---|---|---|---|
Các phụ âm cuối tắc | *p | *t | *ch | *k | |
Các phụ âm cuối mũi | *m | *n | *nh | *ng | |
Các phụ âm cuối khác | *w | *r | *j | ||
*s | *h |
*Nhận xét:
+ Về số lượng: nhiều hơn hiện nay (quan điểm âm vị học: 8; quan điểm ngữ âm học: 10)
+ Có sự đối lập giữa các phương thức: tắc – xát – bên – rung.
+ Có 5 vị trí cấu âm (hiện nay chỉ có 3 theo quan điểm âm vị học, hoặc 4 theo quan điểm ngữ âm học)
-3- Danh sách nguyên âm trong tiếng tiền Việt-Mường
*i: | *i | *ư | *u: | *u | ||
*ê: | *ê | *ơ: | *ơ | *ô: | *ô | |
*e: | *e | *a: | *a | *o: | *o | |
*iê | *iơ |
*Nhận xét:
+ Số lượng: nhiều hơn hiện nay (19>16)
+ Về cơ bản, các nguyên âm đơn giữ thế đối lập dài-ngắn đều đặn.
+ Số lượng nguyên âm đôi ít hơn và khác về chất so với tiếng Việt hiện đại:
^ hiện đại: 3 hàng
^ tiền Việt-Mường: 2 hàng đầu (trước – giữa)
+ Từ các nhận xét trên, chúng ta nhận biết rằng việc sắp xếp lại nội bộ hệ thống nguyên âm từ giai đoạn này đến giai đoạn tiếng Việt hiện đại không theo một quy tắc tương ứng đều đặn mà có sự chia tách hoặc sự hội nhập phức tạp.
– 4 – Trong tiếng tiền Việt-Mường không xuất hiện âm đệm như ở tiếng Việt hiện đại
Khác với hiện nay, âm tiết lí tưởng của tiếng Việt giai đoạn tiền Việt-Mường chỉ có 3 thành phần:
ÂM ĐẦU – ÂM CHÍNH – ÂM CUỐI
2.6. Nhận xét chung về hệ thống ngữ âm tiếng tiền Việt-Mường
Ở giai đoạn tiền Việt-Mường, tiếng Việt về cơ bản vẫn lưu giữ những đặc điểm quan trọng nhất của nhánh ngôn ngữ Mon-Khmer trong họ Nam Á:
– Vẫn duy trì vốn từ vựng gốc Nam Á và vốn từ vựng gốc Mon-Khmer. Sự vay mượn có chăng chỉ là sự vay mượn giữa các ngôn ngữ Nam Á và các ngôn ngữ Nam Đảo, và cũng có thể bắt đầu sự vay mượn từ họ Thái.
– Tiếng tiền Việt-Mường là một ngôn ngữ chưa có thanh điệu – một đặc trưng quan trọng của các ngôn ngữ Mon-Khmer.
– Tiếng tiền Việt-Mường đồng thời vẫn duy trì dạng thức từ song tiết và vẫn sử dụng phụ tố cấu tạo từ để tạo từ mới.
Ngoài ra, ở giai đoạn này, các ngôn ngữ tiền Việt-Mường có xu thế song tiết hoá nhiều hơn so với các ngôn ngữ còn lại trong nhánh Mon-Khmer.
* Trong việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, giai đoạn tiền Việt-Mường là một giai đoạn rất quan trọng và được coi là mốc khởi đầu của lịch sử tiếng Việt. Do đó, các khảo sát về sự biến đổi của tiếng Việt đều được bắt đầu từ giai đoạn tiền Việt-Mường cho đến nay.
Và, dạng thức tiền Việt-Mường đôi khi được hiểu là ngôn ngữ mẹ để từ đó sinh ra tất cả các ngôn ngữ thuộc nhóm Việt-Mường hiện nay.