2. Các giai đoạn phát triển của lịch sử tiếng Việt
Các giai đoạn phát triển lịch sử của tiếng Việt được phân định dưới đây, xin nhắc lại một lần nữa, là sự phân định đồng thời thông qua việc tập hợp những dấu hiện của ba cách làm việc mà chúng tôi đã sơ bộ miêu tả ở mục 1, trong đó cơ sở của cách thứ nhất sẽ được áp dụng một cách nhất quán. Vì thế, mỗi giai đoạn được xác định sẽ được nhận diện qua những tiêu chí là thời gian tương đối, một vài đặc điểm chính về ngôn ngữ trong đó nổi bật là nét ngữ âm, và những nét quan trọng về xã hội của dân tộc tương ứng với thời gian lịch sử ấy. Tên gọi của một vài giai đoạn có thể trùng với tên gọi cũ đã có theo những cách phân định riêng rẽ nhưng nội dung của nó chắc chắn sẽ phong phú hơn.
2.1. Thứ nhất, giai đoạn tiền Việt-Mường (proto Việt-Mường) trong lịch sử tiếng Việt, TVM
Đây là thời kì tiếng Việt cùng với tất cả các ngôn ngữ thuộc nhóm Việt-Mường hiện nay đang là một ngôn ngữ chung và nó được coi là vừa tách ra khỏi khối Đông Mon-Khmer để có một lịch sử riêng, khác với những ngôn ngữ khác thuộc nhánh Mon-Khmer. Giai đoạn này có thể coi là giai đoạn phát triển đầu tiên trong lịch sử tiếng Việt, tức là nó có tư cách là ngôn ngữ chung, ngôn ngữ mẹ hay tiền ngôn ngữ của cả nhóm Việt-Mường hiện nay. Nói khác đi, giai đoạn TVM là thời gian đầu tiên trong lịch sử tiếng Việt với tư cách là một cá thể ngôn ngữ của họ Nam Á.
Theo ước tính, thời gian tương đối của giai đoạn TVM bắt đầu khi khối ngôn ngữ Đông Mon-Khmer có sự khác biệt nội bộ để tạo thành những nhóm riêng lẻ, có thể từ hàng nghìn năm trước Công nguyên (Cn), đến những thế kỉ đầu Cn. Về mặt xã hội ngôn ngữ, giai đoạn TVM tương ứng với thời kì nó được những cư dân chủ thể của giai đoạn văn minh/văn hoá Đông Sơn sử dụng, nhưng địa bàn ngôn ngữ này có thể chỉ giới hạn trong lãnh thổ Đại Việt vào thời kì độc lập sau này. Vì giai đoạn TVM về sau phân chia thành những ngôn ngữ Việt-Mường khác nhau nên nó có sự khác biệt mang tính phương ngữ rõ rệt.
Nét đặc trưng ngôn ngữ chính của giai đoạn TVM là như sau. Trước hết, nó lưu giữ đầy đủ thành phần từ vựng cội nguồn Nam Á, Mon-Khmer và Đông Mon-Khmer. Điều này thể hiện rất rõ khi so sánh những từ cơ bản của nhóm Việt-Mường với các ngôn ngữ Nam Á. Tuy nhiên, cũng đã có dấu hiện ở giai đoạn này chứng tỏ có sự tiếp xúc với những ngôn ngữ Nam Đảo. Sau đó là tính đồng thời lưu giữ dạng thức cấu tạo từ đơn tiết và song tiết, trong đó dạng thứ hai có số lượng nhiều hơn. Cuối cùng, như đã được chứng minh, tiếng TVM chưa có thanh điệu, nó vẫn giữ thế đối lập vô thanh/hữu thanh trong các âm đầu xát lẫn tắc và thế đối lập tắc/xát/mũi ở cuối âm tiết.
2.2. Thứ hai, giai đoạn Việt-Mường cổ (pré Việt-Mường), VMc
Đây là thời kì mà tiếng TVM trước đây đã có sự phân hoá để tách một phần thành những ngôn ngữ bảo thủ song tiết và phần khác là những ngôn ngữ đơn tiết trong nhóm Việt-Mường hiện nay. Giai đoạn này có thời gian tương đối từ khoảng thế kỉ I sau Cn cho đến những thế kỉ VIII-IX. Về lịch sử, nước Việt Nam lúc giờ bị đô hộ của phong kiến phương Bắc và tiếng Việt chịu tác động sâu sắc của sự đô hộ này. Cho nên về mặt xã hội ngôn ngữ, lúc này tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ bình dân và trong cộng đồng xã hội đã có sử dụng tiếng Hán và chữ Hán. Đây chính là nguyên nhân tác động rất nhiều đến sự phát triển sau này của tiếng Việt.
Có thể nói những đặc điểm chính về ngôn ngữ của giai đoạn này như sau. Thứ nhất, bên cạnh việc lưu giữ lớp từ vốn có từ giai đoạn trước, tiếng VMc đã có sự vay mượn lẫn nhau với các ngôn ngữ Thái-Kađai (Tai-Kađai) và Hán. Những từ tương ứng với tiếng Thái thuộc thời kì này cũng thuộc lớp từ cơ bản, còn những từ gốc Hán lúc này là những từ cổ Hán Việt. Thứ hai, ở giai đoạn này tiếng VMc đã chịu ảnh hưởng của xu thế đơn tiết hoá theo hướng rụng đi các tiền âm tiết theo kiểu CvCVC > CVC (C: phụ âm, v: nguyên âm lướt, V: nguyên âm). Đồng thời, phương thức cấu tạo từ bằng phụ tố hầu như không còn hoạt động trong tiếng VMc nữa. Thứ ba, về mặt ngữ âm tiếng VMc là một ngôn ngữ có ba thanh điệu và đã xuất hiện dãy âm xát trong hệ thống âm đầu. Sự xuất hiện thanh điệu ở thời kì này đã làm mất đi đặc trưng xát ở cuối âm tiết.
2.3 Thứ ba, giai đoạn Việt-Mường chung (Việt-Mường commun) VMC
Sau một thời gian phát triển, tiếng VMc đã phân hoá thành những bộ phận khác nhau. Một phần do tính biệt lập về địa lí chịu sự biến đổi ít hơn, còn phần khác dường như do chịu ảnh hưởng của tiếng Hán biến đổi nhiều hơn. Tiếng VMC trong lịch sử có thể coi là hệ quả của sự phát triển khác nhau đó.
Về mặt thời gian tương đối, tiếng VMC là giai đoạn ước chứng từ thế kỉ thứ X cho đến khoảng thế kỉ XIV. Vào thời kì này, Việt Nam là quốc gia độc lập. Về mặt xã hội ngôn ngữ, tiếng Việt trở thành ngôn ngữ toàn dân nhưng văn ngôn Hán và chữ Hán dường như vẫn giữ vai trò giáo dục, hành chính và văn học. Tuy nhiên, vào thời gian này chữ Nôm – loại chữ đầu tiên ghi âm tiếng Việt – đã xuất hiện.
Ở giai đoạn này, tiếng VMC có những đặc điểm ngôn ngữ chính sau đây. Thứ nhất, đó là hiện tượng vay mượn từ gốc Hán để hình thành lớp từ Hán Việt quan trọng sau này. Nhưng, sự vay mượn này không đồng đều ở những vùng lãnh thổ khác nhau của tiếng VMC và chính là nguyên nhân khiến nó bị phân hoá về sau. Thứ hai, tiếng VMC đã là ngôn ngữ đơn tiết (CVC) là hệ quả của một quá trình đơn tiết hoá trước đây và hầu như nó cũng không còn lưu giữ một dấu vết gì của phương thức cấu tạo từ bằng phụ tố. Thứ ba, tiếng VMC đã là một ngôn ngữ có sáu thanh điệu và cùng với nó là ngôn ngữ chỉ còn lại loạt âm đầu vô thành, tức là đã mất đi sự đối lập vô thanh/hữu thanh trong các âm đầu âm tiết và dường như hoàn toàn không còn sự đối lập tắc/xát ở cuối âm tiết. Đồng thời, trong ngôn ngữ đã xuất hiện loạt âm đầu xát. Như vậy, dường như tiếng VMC đã đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển của tiếng Việt và tiếng Mường về sau.
2.4. Thứ tư, giai đoạn tiếng Việt cổ (Việt ancien), Vc
Đây là thời kì tiếng VMC đã phân hoá thành hai cá thể tiếng Việt và tiếng Mường. Do vậy, ở Việt Nam tiếng Mường là ngôn ngữ thiểu số gần gũi nhất với tiếng Việt. Người ta ước chừng giai đoạn này là khoảng thời gian từ đầu thế kỉ XIV đến cuối thế kỉ XV. Ở thời kì này, ngoài những đặc điểm xã hội ngôn ngữ vẫn lưu giữ từ thời VMC, ở tiếng Vc chữ Nôm đã vươn lên vai trò là chữ viết văn học với Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi và nó đã được ghi lại trong Annam dịch ngữ.
Đặc điểm chính về ngôn ngữ của giai đoạn này là tiếng Vc đã có một lớp từ Hán Việt ổn định, cái mà tiếng Mường không có được. Thứ nữa, tiếng Vc đã hoàn thành việc xử lí các âm tiền tắc họng thành các âm mũi. Ngoài ra nó đã phân hoá dãy âm đầu vô thanh VMC thành hai nhóm là nhóm hút vào (*p > b, *t > d) và nhóm vô thanh xưa (*c,*k). Chính lí do này đã khiến cho tiếng Vc kéo âm xát *s hoặc *s’ chuyển thành âm t hoặc th quốc ngữ hiện nay. Và có lẽ, theo cách nhìn của chúng tôi, dãy âm xát có từ trước đây đã hoàn tất ở giai đoạn này.
2.5. Giai đoạn tiếng Việt trung cổ (Việt moye), Vt
Tiếp theo giai đoạn Vc là thời kì Vt. Lúc này, những hiện tượng biến đổi ở tiếng Việt hầu như không còn liên quan đến tiếng Mường. Giai đoạn này ước tính từ cuối thế kỉ XV, đầu thế kỉ XVI đến nửa đầu thế kỉ XIX. Về mặt xã hội ngôn ngữ, nét nổi bật nhất là sự xuất hiện chữ quốc ngữ với việc ra đời cuốn từ điển Annam-Lusitan-Latin (gọi tắt là Việt-Bồ-La, VBL) năm 1651 của A. de Rhodes và sau đó là những văn bản, từ điển ghi bằng quốc ngữ. Đây là hệ quả của một sự tiếp xúc mới quan trọng của tiếng Việt với nhiều ngôn ngữ châu Âu, đặc biệt là tiếng Pháp. Thứ đến là tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ văn học, bác học với diện mạo mới hết sức phong phú. Cuối cùng, với việc mở rộng về phía Nam, tiếng Việt hoàn thiện và hình thành nên những vùng phương ngữ như nó có hiện nay. Về mặt ngôn ngữ, tiếng Vt chỉ có một hiện tượng nổi bật là nó đã thực sự đơn tiết hoá triệt để. Những ghi chép trong từ điển VBL đã chứng minh điều này.
2.6. Thứ sáu, giai đoạn tiếng Việt hiện đại, tiếng Việt hiện nay
Từ giữa thế kỉ XIX, tiếng Việt phát triển sang giai đoạn hiện đại. Có điều, sự phát triển ấy không đều ở những bộ phận khác nhau trong nội bộ ngôn ngữ. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay với trách nhiệm là tiếng nói của một dân tộc, tiếng Việt đã làm tròn vai trò là công cụ giao tiếp, công cụ tư duy để phát triển xã hội.
Ở giai đoạn này, tiếng Việt có hai đặc điểm xã hội quan trọng. Thứ nhất là sự tiếp xúc sâu đậm với ngôn ngữ, văn học và văn hoá Pháp, hệ quả của việc Pháp đô hộ Việt Nam. Sự tiếp xúc này là một nhân tố thúc đẩy nó phát triển mạnh mẽ. Thứ hai là từ năm 1945, với sự ra đời của nước Việt Nam độc lập, tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức của nhà nước. Vai trò xã hội mới này của ngôn ngữ vừa đòi hỏi, vừa tạo điều kiện để nó phát triển. Nhìn ở hai đặc điểm xã hội quan trọng đó, một vài nhà nghiên cứu đề nghị tách giai đoạn này thành tiếng Việt hiện đại và tiếng Việt đương đại. Nhưng nếu coi trọng tính nhất quán về ngữ âm, làm như vậy là không cần thiết.
Sự phát triển nội tại của tiếng Việt ở giai đoạn này, như đã nói ở trên cũng có sự khác nhau. Nhìn về mặt lịch sử, ngữ âm là bộ phận phát triển nhanh nhất. Ngôn ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du đạt đến độ điêu luyện tinh vi về ngữ âm đã nói rõ điều đó. Những năm đầu thế kỉ XX, với sự thành công của nhiều trào lưu sáng tác văn học, ngữ pháp tiếng Việt phát triển một cách hoàn chỉnh. Cuối cùng, với sự xuất hiện và cung cấp đầy đủ một hệ thống thuật ngữ cho mọi mặt của đời sống xã hội, tiếng Việt hoàn thiện ở tất cả các bình diện cấu trúc ngữ nghĩa của nó. Rõ ràng, ở thời điểm hiện nay, tiếng Việt hoàn toàn đáp ứng đầy đủ đòi hỏi của xã hội với tư cách là công cụ giao tiếp, phương tiện tư duy của dân tộc.
Như vậy, trong những giai đoạn lịch sử phát triển của tiếng Việt, ba giai đoạn đầu lịch sử tiếng Việt là lịch sử nhóm Việt-Mường. Chỉ ở ba giai đoạn sau lịch sử tiếng Việt mới là lịch sử của một cá thể ngôn ngữ. Đây là một đặc điểm hết sức tế nhị trong việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
- Ferlus M. (1981). Sự biến hoá của các âm tắc giữa (obstruentes mediales) trong tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 2 (1981).
- Ferlus M. (1994). Quelques particularités du Cuôi Chăm, une langue Viet-mương du Nghệ An (Vietnam). Neuvièmes Journées de Linguisitique de l’Asie Orientale CRLAO (CNRS -EHESS), 5–6 Mai 1994.
- Gregerson K.J. (1969). A Study of Middle Vietnamese Phonology. BSEI, 44(2).
- Haudricourt A.G. (1953). Vị trí của tiếng Việt trong các ngôn ngữ Nam Á. Ngôn ngữ, số 1 (1991).
- Haudricourt A.G. (1954). Về nguồn gốc các thanh của tiếng Việt. Ngôn ngữ, số 1 (1991).
- Maspero H. (1912). Étude sur la phonétique historique de la langue annamite: Les initiales. BEFEO, XII, N01.
- Nguyễn Phú Phong (2004). Nhóm ngôn ngữ Việt-Mường. Diễn đàn, số 136/1.2004
- Nguyễn Tài Cẩn (1978). Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội; (2000), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
- Nguyễn Tài Cẩn (1995). Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Nguyễn Tài Cẩn (1998). Thử phân kì lịch sử 12 thế kỉ của tiếng Việt. Ngôn ngữ, số 6.
- Phan Ngọc – Phạm Đức Dương (1983). Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á. Viện Đông Nam Á xuất bản, Hà Nội
- Rhodes A. de (1651). Từ điển Annam-Lusitan-Latin. Nxb Khoa học Xã hội, 1991.
- Sokolovskaja N.K. (1976). Opyt rekonstrukcija phonologichskoj sistemy Vietmuongskovo jazyka (Thử tái lập hệ thống âm vị tiếng Việt-Mường). K.N (Luận án phó tiến sĩ), Moskva.
- Trần Trí Dõi (1999, 2000). Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
- Trần Trí Dõi (2001). Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội. Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
- Trần Trí Dõi (2004). Lịch sử tiếng Việt (Tập bài giảng). Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.