2. Tiếng Việt ở giai đoạn dùng chữ Nôm
Sự tiếp xúc ngôn ngữ Việt – Hán đã diễn ra cả nghìn năm dưới chế độ đô hộ của phong kiến Trung Quốc, trong khuôn khổ một chính sách đồng hoá quyết liệt, tàn bạo; rồi sau đó, còn diễn ra cả nghìn năm tiếp theo, dưới chính quyền của vua quan trong nước. Suốt giai đoạn này, chữ Hán giữ vị trí rất quan trọng. Nó được dùng trong hành chính, tế lễ, học thuật, thơ văn.
Nhưng tiếng Việt, trong giai đoạn ấy, vẫn không ngừng phát triển, và đã phát triển càng ngày càng mạnh.
Nền văn học dân gian, với những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, những ca dao, tục ngữ, chứng tỏ quá trình phát triển sinh động, phong phú của tiếng Việt văn học truyền miệng. Tuy vậy, chữ viết là điều kiện cần thiết để cho một ngôn ngữ văn học có thể phát triển tới trình độ cao. Chữ viết của tiếng Việt, ở giai đoạn này, là chữ Nôm – một thứ chữ được tạo ra theo nguyên tắc và cơ sở của chữ Hán(1). Theo những tài liệu còn lại hiện được biết, có thể nghĩ rằng chữ Nôm đã xuất hiện vào khoảng các thế kỉ IX-X, nhưng đến các thế kỉ XIII-XV mới có thơ phú "quốc âm", "quốc ngữ" viết bằng chữ Nôm, của những người như Nguyễn Thuyên (Hàn Thuyên), Nguyễn Sĩ Cố, Chu An, Nguyễn Trãi.
Đáng chú ý hơn cả là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Tập thơ này là một thành công đầu trong nền văn học viết của tiếng Việt. Nhà thơ là một vị anh hùng có công đuổi giặc, cứu nước, đồng thời là một nhà văn hoá đã nhận rõ được ý nghĩa vô cùng quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển ngôn ngữ văn học dân tộc.
Từ thế kỉ XV về sau, đặc biệt là ở các thế kỉ XVIII, XIX, trào lưu văn học chữ Nôm phát triển mỗi thời một mạnh hơn, với nhiều tác phẩm hơn, những tác phẩm được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, trước thái độ tiêu cực của triều đình và tầng lớp khá đông những nhà nho quá sùng bái chữ Hán(2).
Trào lưu này đã đưa tiếng Việt đến những bước tiến rõ rệt. Kho từ vựng tăng lên, giàu có hơn. Bộ phận nền tảng của nó là những từ gốc Việt. Đó là những từ một âm tiết, như: đất, người, trăng, đẹp, vui… và những từ hai tiếng được cấu tạo theo quy tắc phối hợp âm thanh như: long lanh, ngậm ngùi… hoặc quy tắc phối hợp nghĩa, như: vuông tròn, mây gió… Nó cũng tiếp nhận và đồng hoá nhiều từ gốc Hán. Có những từ một tiếng gốc Hán đã được đưa vào tiếng Việt từ rất xưa, và được Việt hoá hoàn toàn, như: tuổi vốn là gốc ở âm của của chữ Hán "tuế"; buông gốc ở âm cổ của chữ Hán "phóng"… Ngoài ra, còn có những từ một tiếng hay hai tiếng gốc Hán đã đi vào tiếng Việt ở thời kì sau và chủ yếu theo con đường sách vở(3). Đó là những từ thi ca, như: phong, hoa, tuyết, nguyệt, tài tử, giai nhân… và những từ văn hoá, chủ yếu về đạo lí, triết lí, như: nhân, nghĩa, trung, hiếu, bạc mệnh, tang thương… Nói về cách đặt câu, cách làm thơ, thì qua trào lưu văn học chữ Nôm, rõ ràng là tiếng Việt đã đạt tới trình độ điêu luyện hơn, mà vẫn bền vững, nhuần nhuyễn tính cách Việt Nam.
Những tác phẩm như Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều… chứng tỏ rằng tính cách ấy ngày càng đậm đà và có tác dụng sâu sắc. Người Việt Nam chúng ta yêu mến, quý trọng nó là yêu mến và quý trọng bản sắc của ngôn ngữ, của văn hoá dân tộc. Tư tưởng và tình cảm này có hiệu lực đặc biệt quan trọng trong sự bồi dưỡng và phát huy tinh thần dân tộc của nhân dân Việt Nam.
__________
(1) Có những lí do nhất định cho phép nghĩ tới một thứ chữ cổ hơn của tiếng Việt, song đó còn là một giả thuyết trong phạm vi nghiên cứu… Chữ Nôm, về cơ bản, là một thứ chữ ghi âm bằng các yếu tố của chữ Hán. Ví dụ: chữ (đọc là năm) với nghĩa về thời gian gồm có chữ Hán "nam" (ghi âm) và chữ Hán "niên" (ghi nghĩa); còn chữ cũng đọc là năm với ý nghĩa về sống lượng thì gồm có chữ Hán "nam" (ghi âm) và chữ Hán "ngũ" (ghi nghĩa). Như vậy, chữ Hán "nam" là yếu tố ghi âm.
(2) Thế kỉ XVIII, triều Lê-Trịnh, sách Nôm đã có lúc bị cấm, không cho in, không cho đọc, thậm chi bị đốt đi.
(3) Những từ này thường được gọi theo thói quen là "từ Hán Việt". Chúng chưa phải là đã Việt hoá hoàn toàn, về cách phát âm cũng như cách dùng.
Theo Trung tâm KHXH&NV Quốc gia. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb Khoa học Xã hội, H., 2002, trang 15–18.
Trở lại: 1. Nguồn gốc tiếng Việt