• Từ cổ • Từ lịch sử • Từ mới
I. Tích cực và tiêu cực ở đây được hiểu là từ ngữ có đóng vai trò tích cực trong đời sống giao tiếp hay không, tức là chúng có thường xuyên được sử dụng hay không.
1. Trong thực tế, có rất nhiều từ ngữ luôn luôn được mọi người sử dụng ở mọi nơi, mọi lúc. Nghĩa là chúng thường xuyên xuất hiện trong giao tiếp (ở dạng này hay dạng khác, nói hay viết, độc thoại hay đối thoại…). Chúng thuộc lớp từ tích cực vì được sử dụng "một cách tích cực".
2. Ngược lại, có những từ ngữ rất ít được sử dụng, hoặc chỉ sử dụng trong bối cảnh giao tiếp nào đó (vì không phải là quen thuộc với đa số người trong xã hội). Chúng thuộc lớp từ tiêu cực vì chỉ được sử dụng "một cách tiêu cực". Ví dụ, trong tiếng Việtm, các từ: am, lệ (sợ), thái thú, suất đội… là những từ tiêu cực; còn: nhà, người, đi, đẹp… là những từ tích cực.
II. Mỗi địa phương, mỗi tầng lớp xã hội, mỗi lứa tuổi, giới tính, mỗi nghề nghiệp và ngay cả mỗi cá nhân… đều có từ vựng tích cực và tiêu cực của riêng mình, bởi vì việc tích luỹ, xây dựng và sử dụng từ ngữ ở các đối tượng đó không thể đồng đều, như nhau được, và do rất nhiều nhân tố tác động, ảnh hưởng.
1. Ở đây, chúng ta nói đến từ ngữ tích cực của cả cộng đồng dân tộc trong bối cảnh toàn xã hội; còn từ ngữ tích cực của các đối tượng có tính chất bộ phận như đã nói trên, sẽ được nghiên cứu riêng, do những yếu cầu riêng.
2. Lớp từ ngữ tích cực là thành phần cơ bản, trụ cột của từ vựng. Chứng cớ là: để dạy tiếng cho người nước ngoài, người ta thường biên soạn những từ điển tối thiểu, bao gồm những từ ngữ hay được dùng nhất để cung cấp cho họ. Từ điển này sẽ góp phần giúp họ nhanh chóng nắm bắt được những từ ngữ thường được dùng một cách tích cực nhất và nhanh chóng đi vào đời sống giao tiếp chung với người bản ngữ.
Khi phương pháp thông kê, nghiên cứu định lượng được áp dụng vào từ vựng học, người ta nhận xét rằng từ vựng tích cực bao gồm những từ ngữ có tần số xuất hiện cao (hay được sử dụng, sử dụng một cách tích cực) và độ phân bố lớn (được sử dụng rộng rãi trong nhiều hoàn cảnh và loại hình giao tiếp). Trên cơ sở lí thuyết như vậy, người ta đã tiến hành xây dựng các lại từ điển tần số (từ điển tần số chung và từ điển tần số cho từng lĩnh vực) để phục vụ cho việc dạy và học tiếng. Ví dụ như từ điển tần số tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Tiệp, tiếng Đức, tiếng Việt…
III. Như trên đã nói, lớp từ tiêu cực bao gồm những từ ngữ ít được sử dụng trong ngôn ngữ chung. Vậy những thuật ngữ khoa học, kĩ thuật thuộc các lĩnh vực chuyên môn hẹp và sâu, những từ địa phương không có khả năng phổ biến; đặc biệt là những từ đã cổ, đã lỗi thời, hoặc vừa mới nảy sinh chưa được xã hội biết đến và sử dụng đều thuộc lớp từ này.
Có ba bộ phận của lớp từ tiêu cực cần xét kĩ là từ cổ, từ lịch sử và từ mới.
Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 226–228.