Cuối cùng, cũng cần nói về một trường hợp mà Saussure trực tiếp phản lại những nguyên lí do chính ông nói lên một cách dứt khoát và hoàn toàn hiển ngôn.
Đó là trong khi nhấn mạnh rằng “ngôn ngữ là một hình thức chứ không phải là một chất liệu”, ông lại coi “Nguyên lí Tuyến tính của Năng biểu” như một trong hai nguyên lí cơ bản chi phối toàn bộ cơ chế của dấu hiệu ngôn ngữ (nguyên lí thứ hai là tính võ đoán của dấu hiệu ngôn ngữ).
Saussure chủ trương rằng dòng ngữ lưu phải được cắt ra từng khúc ta mới phân tích ra được các đơn vị ngôn ngữ học. Trong những đoạn ghi chép của sinh viên, ta thấy có những câu như: “Tuyến âm thanh phải được cắt ra như cắt bằng kéo. Chính nhờ đó mà các đơn vị ngôn ngữ được khẳng định: kích thước ngôn ngữ chỉ có thể đo trên một chiều duy nhất [đó là chiều dài thời gian], vì những sự khu biệt về chất chỉ có thể được thể hiện lần lượt, cái trước cái sau mà thôi… Tất cả chỉ trải dài trên một tuyến, cũng giống như trong âm nhạc vậy”(12).
Không thể tưởng tượng ra một nhận định nào mâu thuẫn một cách chối chang với tinh thần của chính tác giả đến như vậy. Ngay các nhà âm nhạc học cũng đã thấy rõ rằng chiều thời gian chỉ là một cái khung chất liệu cho âm nhạc mà thôi, vì tuy âm nhạc chính là “sự khải thị của thời gian”, song trên bình diện mĩ học, âm nhạc lệ thuộc rất nhiều vào cấu trúc của chính nó, và một giai điệu không thể coi như chỉ là một chuỗi âm thanh kế tiếp trong thời gian, vì “âm thanh tồn tại đồng thời với kỉ niệm của nó, và kỉ niệm của một âm thanh vẫn còn là một âm thanh”(13).
Mối mâu thuẫn nội tại hiển nhiên này trong cuốn Giáo trìnhđã làm cho E. Buyssens kinh ngạc khi nhận thấy chính Saussure “lẫn lộn ngôn ngữ với lời nói”(14), và R. Jakobson phải nhận xét rằng Saussure: thừa hưởng y nguyên thái độ phủ định của phái Tân ngữ pháp đối với trục đồng thời (l’axe de la simultanéité), coi “tuyến tính của năng biểu” như một định đề. Việc tìm lối biện minh cho “nguyên lí cơ bản” này bằng cách nói rằng hai âm vị không thể xuất hiện đồng thời là một lối biện luận luẩn quẩn, vì đó lại chính là nguyên văn cách định nghĩa âm vị(15).
Dĩ nhiên Saussure, dù muốn dù không, cũng phải thừa nhận rằng trục kết hợp (axe syntagmatique) không phải chỉ có những mối quan hệ tuyến tính (cái trước cái sau). Giữa một hình vị được thể hiện bằng một nguyên âm và một hình vị được thể hiện bằng một sự chuyển biến âm sắc (umlaut), giữa một câu và một ngữ điệu, sự kết hợp đều có tính đồng thời. Trục kết hợp là trục của những quan hệ in praesentia. Nó không hề bao gồm trật tự kế tiếp trong thời gian như một điều kiện tiên quyết.
Sự thiếu nhất quán này đã đưa đến những sự ngộ nhận thô thiển đến cùng cực. Thậm chí ở nước ta còn có những tác giả gọi trục kết hợp là “trục tuyến tính”, làm như thể trong ngôn ngữ chỉ có thể có sự kết hợptheo trật tự thời gian mà thôi.
Nhưng tác hại lớn nhất của sự ngộ nhận của Saussure chính là trong lĩnh vực âm vị học, nơi mà tuyến tính luậnđể lộ bộ mặt khó coi nhất của nó dưới dạng chiết đoạn luận (segmentalism), khiến cho ngành học này, ngành được coi là tiên tiến nhất và đáng tự hào nhất của ngôn ngữ học và của cả các khoa học nhân văn nói chung nữa, trở thành điển hình của chủ nghĩa chất liệu mà Sassure vốn coi là chướng ngại vật lớn nhất trên con đường tìm hiểu bản chất của ngôn ngữ. Với nguyên lí tuyến tính của năng biểu, Saussure đã mở rộng cửa cho chiết đoạn luận và biến ngành âm vị học thành một lí thuyết có tác dụng gò mô hình âm vị học của tất cả các ngôn ngữ của nhân loại thành những bản sao nguyên vẹn của loại hình âm vị học chiết đoạn luận Âu châu, trong đó một âm vị chỉ có thể là một âm tố đoạn tính (segmental speech sound), cái đơn vị không có chút tính hiện thực nào mà họ đã quá quen viết bằng một chữ cái(16).
Là những người có diễm phúc thừa hưởng một di sản vô giá do Ferdinand de Saussure để lại, các thế hệ đi sau phải hiểu hết ý nghĩa của nó, nhất là biết cách nắn lại những chỗ thiếu nhất quán mà người Thầy, trong khi vất vả dò lối đi trên một con đường gần như không có vết chân người, đã có lúc vấp váp và phản lại chính lời dạy của mình. Bổn phận của các thế hệ đi sau đối với Thầy xưa nay đều phải như thế.
Sau rốt, không thể không nhắc đến một điểm mà không phải không có người coi là một khiếm khuyết đáng trách cứ của Saussure. Đó là việc ông chỉ quan tâm đến ngôn ngữ (la langue) mà không nói gì về lời nói (la parole). Việc này chính Saussure chủ trương một cách hiển ngôn. Đối với ông, đối tượng chủ yếu của ngôn ngữ học là Ngôn ngữ, nhưng ông cũng hình dung được trong tương lai một ngành ngôn ngữ học của lời nói. Dù sao ông quan niệm cái đối tượng này một cách không hẳn là chính xác, vì ông có thiên hướng cói đó như một hiện tượng thuộc lĩnh vực của từng cá nhân, chứ không thấy đó cũng chính là một thiết chế xã hội hoạt động trong sự giao tiếp và tương tác giữa người với người, và cũng sử dụng chính cái hệ thống dấu hiệu cấu trúc hoá mà ông cũng gọi là “ngôn ngữ” như mọi người. Cũng có thể ông chưa có thì giờ làm hay chưa muốn làm chính vì hình dung được cái tính đa dạng hầu như vô cùng tận của nó. Dù sao, đến những năm đầu thập kỉ 1960, “ngôn ngữ học của lời nói” dưới nhãn hiệu dụng pháp ngôn ngữ (linguistic pragmatics) hay “ngữ dụng học”(17) cũng đã ra đời với cuốn sách đọc đáo của J.L. Austin và Lí thuyết Hành động ngôn từ (hay hành động bằng lời – Speech act Theory) của ông; chỉ tiếc là ở nước ta không ít người tưởng đâu đó là một thứ khoa học khác, dành cho những người không ưa ngôn ngữ muốn giải nghệ để chuyển sang một khoa học hoàn toàn mới và hoàn toàn độc lập, có thể miễn cho họ cả quá trình học ngôn ngữ học chính danh với những môn phiền phức như ngữ pháp, ngữ âm, ngữ nghĩa mà họ thấy quá vô bổ và vô vị, khô khan và rắc rối, và nhất là tốn quá nhiều công sức quý giá của người học. Thật ra, muốn hiểu dụng pháp ngôn ngữ không thể nào không học thật kĩ lí thuyết ngôn ngữ học “của ngôn ngữ” do F. de Saussure sáng lập./.
________________
(12) Cf. R. Godel. Les sources manuscrites du Cours de Linguistique générale de F. de Saussure. Genève 1957, p.311. Tuy vậy, trong một văn bản khác do chính tay Saussure viết, ta lại đọc thấy: Trong ngôn ngữ, yếu tố và đặc trưng chỉ là một […:] không thể có sự phân biệt nào giữa cái gì làm nên đặc trưng của một đơn vị và cái gì cấu tạo nên đơn vị ấy. (Aphorisme XII. Notes inédites. Cahiers Ferdinand de Saussure 13, 49-71, 1954. Câu “cách ngôn” này trực tiếp cải chính nhận định của L. Hlemslev khi ông chủ trương khu biệt chức năng biểu trình (exposant) với chức năng cấu thành (constituant) vốn là cơ sở của sự phân biệt giữa tính “chiết đoạn” và tính “siêu đoạn” sau này.
(13) Cf. Gisèle Brelet. Le temps musical. P.U.F. Paris 1949, p.486. Xt. Cao Xuân Hạo 1985, sđd, p.274, có trích đăng trong Cao Xuân Hạo 1989, Tiếng Việt: Mấy vấn đề ngữ âm – ngữ pháp – ngữ nghĩa, p. 46ss.
(14) E. Buyssens. Les six linguistiques de F. de Saussure. Revue des langues vivantes, N0 1, p.15-23.
(15) R. Jakobson. Essais de linguistique générale. Paris 1962, p.105ss.
(16) Tuy vậy, chính Saussure là người đầu tiên, và cho đến nay vẫn là người duy nhất ở phương Tây, đã từng băn khoăn về vấn đề tính đồng nhất giữa các phụ âm và bán nguyên âm nổ ra (explosives) với các phụ âm và bán nguyên âm bập vào (implosives) (x. Giáo trình, tr. 94-112) – một tính đồng nhất mà ngoài Saussure ra tất cả các tác giả người châu Âu đều coi là hoàn toàn đương nhiên trong tất cả các ngôn ngữ của nhân loại, nên không bao giờ thấy cần chứng minh gì bằng bất cứ biện pháp âm vị học nào. Lệ ngoại duy nhất mà tôi được biết là Cheng R.L., Phonological Units and the Japanese Syllabary. Lisse 1975 (cũng xin lưu ý rằng Cheng là người gốc Hán). Xt. Cao Xuân Hạo 1985, Sđd, trong đó có chứng minh rằng trong tiếng Việt, sự khác nhau giữa một phụ âm đầu (<) như t của ta và phụ âm cuối (>) như t của át trong âm tiết tiếng Việt làm thành một thế đối lập âm vị học quan yếu, và lẽ ra phải được phiên âm bằng hai kí tự hoàn toàn khác nhau.
Theo “Lời nói đầu” Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương (bản dịch của Cao Xuân Hạo). Nxb Khoa học Xã hội, 2005.