Saussure không phải là người duy nhất tạo ra một hình hệ (paradigm) mới của thời đại cho khoa học nhân văn. Cùng với ông còn có nhà logic học tri thức luận A. Naville, các nhà xã hội học A. Durkheim, nhà phân tâm học S. Freud, Trường Gestaltpsychologie của thành Viên, phái nhân học cấu trúc luận của C. Lévy-Strauss, đại diện cho những trào lưu ít nhiều có liên quan đến việc đặt lại vấn đề đối tượng loại biệt của khoa học nhân văn, đến nhãn quan chống nguyên tử luận và khách quan chủ nghĩa cơ giới, trong đó có cả những khuynh hướng thực chứng luận như trong ngôn ngữ học hành vi luận của những năm 30–40.
Cái hình ảnh ẩn dụ ví ngôn ngữ với bàn cờ cũng gây nên những ngộ nhận khiến nhiều độc giả hiểu không đúng lí thuyết ngôn ngữ học của Saussure. Saussure quan niệm rằng người bản ngữ, cũng giống như người ghé vào xem một ván cờ đang đánh dở, hoàn toàn không biết trước đó hai người đang đánh cờ đã đi những nước gì. Và anh ta tuyệt nhiên không cần biết, vì mọi sự đều có mặt trên bàn cờ lúc anh ta đến. Nếu là người biết đánh cờ, anh ta hoàn toàn hiểu tình hình hiện tại của thế cờ. Nếu là người cao cờ, anh ta còn nghĩ ra được những nước đi còn hay hơn cả người đã đánh từ đầu ván. Cái quan trọng không phải là những nước cờ đã đi. Cái quan trọng là những mối quan hệ giữa các quân cờ đang ở cái thế hiện tại.
Cho nên trong vốn tri thức của người bản ngữ về tiếng mẹ đẻ, một tri thức tuyệt đối và toàn diện, không có và không cần có chút hiểu biết nào về lịch sử của thứ tiếng này. Không hề có cái mà Saussure gọi là ngôn ngữ học lịch đại. Nguồn gốc của các từ ngữ, cái gọi là nguyên học, dĩ nhiên là hoàn toàn vắng mặt trong vốn tri thức này. Nói cách khác, nó tuyệt nhiên không phải là chuyện ngôn ngữ học. May ra người bản ngữ, nếu không học lịch sử tiếng mẹ đẻ, chỉ biết đến “từ nguyên học dân gian” – một thứ tri thức thường sai lệch, nhưng lại hoàn toàn có thể có tính hiện thực trong vốn tri thức của người bản ngữ bình thường. Và đó chính là cái lí do chính đáng của sự phân biệt giữa “ngoại lai đồng đại” trong quan niệm của J. Vachek – một đại diện tiêu biểu của Trường Prague.
Theo tác giả này, việc người bản ngữ nhờ đọc sách mà biết là trong tiếng mẹ đẻ có những từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài (“ngoại lai lịch đại” – diachronic foreignisms) không quan trọng bằng cái ấn tượng (nhiều khi sai lầm nếu xét theo quan điểm của nhà sử học ngôn ngữ) khiến cho họ cảm thấy một từ ngữ nào đấy có nguồn gốc ngoại quốc (“ngoại lai đồng đại” – synchronic foreignisms), chẳng qua vì nó chứa đựng những yếu tố hay những kiểu kết hợp (ngữ âm hay ngữ pháp chẳng hạn) có vẻ xa lạ với tiếng mẹ đẻ(5).
Tuy vậy, cũng chính các đại diện của trường Prague, vốn khá trung thành với lí thuyết đại cương của Saussure về ngôn ngữ, đưa ra một quan niệm “động” về bình diện đồng đại. Họ chứng minh rằng ngay những hiện tượng chuyển biến ngữ âm, mà Saussure coi là những hiện tượng cá biệt và dường như ngẫu nhiên, cũng có tính quy luật, vì có nguyên do trong những sự mất cân bằng xuất hiện trong toàn hệ thống ngay khi có một sự chuyển biến ngữ âm nào đó xảy ra (ngay khi một trong hai đối thủ đánh cờ đi nước đầu tiên khiến cho đối phương bắt đầu bị uy hiếp). Chính họ đưa ra khái niệm “hiện tượng chuyển biến có tính chất trị liệu” (“therapeutic sound change”) – một thuật ngữ mang đậm màu sắc mục đích luận (teleologic) thường được coi là duy tâm, nhưng cho đến nay vẫn còn là cách tốt nhất (nếu không phải là duy nhất) để cắt nghĩa các hiện tượng chuyển biến ngữ âm.
Một sự chuyển biến làm mất thế cân bằng trong hệ thống thường tạo ra một nhu cầu tự nhiên nhằm lập lại thế cân bằng vốn có bằng một sự chuyển biến khác có tính chất “trị liệu”. Rồi sự chuyển biến này, đến lượt nó, lại có thể gây nên một sự mất cân bằng khác cần được “trị liệu”, và cứ thế mãi cho đến khi ngôn ngữ kia chết hẳn và vĩnh viễn không còn chuyển biến nữa.
Những minh hoạ có thể dùng cho lí thuyết này có thể dễ dàng tìm thấy trong lịch sử của bất kì ngôn ngữ nào.
N. Chomsky, người có chí hướng đẩy lùi Saussure cùng với cấu trúc luận vào dĩ vãng và thay thế hệ hình cũ, mà ông cho là đã lỗi thời, của nó qua một cuộc cách mạng thứ hai, tôn vinh chủ nghĩa hình thức của Ngữ pháp Tạo sinh (Generative Grammar) và Cải biến (Transformational) cũng có hoài bão giải thích các sự kiện ngôn ngữ bằng bình diện lịch đại. Sau đây là một trong những luận chứng có đủ sức thuyết phục, lấy từ một sự kiện ngôn ngữ do chính ông dẫn ra.
Trong tiếng Anh, có hai tù hoàn toàn đồng âm với nhau là rite (nghi lễ) và right (đúng hay quyền ). Nhưng trong cấc từ phái sinh, ta thấy rite được phái sinh thành ritual [‘ritjuəl] còn right thì lại được phái sinh thành righteous [‘raitʃəs]. Làm sao cắt nghĩa được sự khác nhau giữa hai hình thái phái sinh này, nhất là giữa hai nguyên âm của căn tố, vốn cùng là [rait]? Chomsky cho rằng cách duy nhất có thể giải quyết được vấn đề này là viện đến nguồn gốc lịch sử của hai từ căn đồng âm, vốn hoàn toàn khác nhau: một bên có căn tố [ri:t] của tiếng Roman một bên lại là căn tố [rixt] của tiếng German. Vậy một cách phiên âm hình-âm-vị học – cách phiên âm duy nhất được Chomsky thừa nhận là hợp lí(6) – tất nhiên đòi hỏi việc tái lập sự có mặt của một phụ âm /x/ sau nguyên âm /i/ và trước phụ âm /t/, mặc dầu trong tiếng Anh hiện đại phụ âm /x/ không những không có mặt trong từ này, mà cũng tuyệt nhiên không hề có mặt trong hệ thống phụ âm của ngôn ngữ này, dù chỉ với tư cách biến thế [O] của một âm vị nào đó.
Trên kia tôi có nói rằng cách giải quyết vấn đề ‘RITE – RIGHT’ của Chomsky “có đủ sức thuyết phục” – đó là xét trên quan điểm của người đọc bình thường không đi theo Saussure một cách nhất quán. Còn đối với chính Saussure thì không thể nói như thế được. Vì người bản ngữ tuyệt nhiên không thể nào hình dung được sự có mặt của một âm /x/ trong từ righteous hay ở bất cứ chỗ nào khác, vì một lí do đơn giản là trong tiếng mẹ đẻ của họ không hề có âm này(7).
Saussure cắt đồng đại và lịch đại ra làm hai lát quá phân lập đối với nhau. Hình như ông quên mất rằng một đời người bản ngữ có thấy trải qua mấy “ngữ trạng” (états de langue – thuật ngữ của chính ông) khác nhau, nếu xét về phương diện từ vựng như đa số các nhà ngữ học không được học với ông vẫn làm. Thật ra, nếu phân chia “ngữ trạng” theo quan điểm từ vựng, chứ không theo quan điểm ngữ pháp vốn là bình diện của những sự kiện có tính “hệ thống” chặt chẽ nhất, ông sẽ thấy rằng một thế hệ người bản ngữ có thể chứng kiến vài ba “ngữ trạng” khác nhau với những vốn từ khác nhau đến mức đủ để họ có thể nhận thức được sự phân biệt giữa những lớp từ “hiện đại” mà thế hệ của bản thân họ đang dùng, và những lớp “từ mới đặt” mà chỉ có thế hệ vị thành niên bắt đầu dùng.
Nhưng ngay cả ở đây nữa, những tri thức do ông truyền giảng lần đầu cũng giúp người làm ngôn ngữ học tránh được những sự ngộ nhận tày trời. Ở nước ta khá nhiều nhà ngữ học không hiểu rằng khi định nghĩa “từ ngữ cổ” (archaïsmes) “là những từ ngữ biểu thị những sự vật không còn tồn tại trong thời đại ta nữa, như “khủng long, vua, chúa, quan lại, ngai vàng, ông trạng, bà mai ” v.v., họ không giây phút nào dè rằng mình đang nói những chuyện không có chút gì dính dáng đến ngôn ngữ học. Trong những từ ngữ mà họ kể ra trên đây, không có từ ngữ nào “cổ” cả, vì đó là những từ ngữ rất thông dụng trong tiếng Việt hiện đại (của thế kỉ XXI) mà người Việt đang dùng hàng ngày. Chỉ có những từ ngữ nào không còn được người Việt trưởng thành dùng nữa vì đã được thay bằng những từ ngữ khác thông dụng hơn, và chỉ có các ông già bà cả còn dùng, thì mới bị họ cảm thấy “cổ”. Đó là những từ ngữ như nhà dây thép (bây giờ là nhà bưu điện ), kho bạc (bây giờ là ngân khố hay ngân hàng ), thảo hài (bây giờ là giày cỏ ), tiềm thuỷ đình (bây giờ là tàu ngầm ), thiếp (bây giờ là em ). Những từ ngữ cổ này chính là nhờ sự đối lập với những từ ngữ “không cổ” mà có được cái giá trị phong cách học đặc thù của nó, một phong vị riêng có phần khó tả (trong sách của Saussure hai chữ giá trị (valeur) có một ý nghĩa cực kì quan trọng, phản ánh rất chính xác quan niệm về cấu trúc ngôn ngữ của ông(8).
Ngay như các từ ngữ thường gọi là “Hán Việt”, ngoài cái nghĩa biểu hiện của nó ra, cũng có một phong vị riêng mà cả từ ngữ “thuần Việt” (từ ngữ “Nôm”) lẫn từ ngữ thuần Hán (như khi được người Hán dùng trong tiếng nói thường ngày của họ) đều không có. Một từ ngữ như phụ nữ hay thảo hài trong tiếng Hán không bao giờ có cái phong vị đặc thù như khi được dùng trong tiếng Việt. Cái phong vị ấy là nhờ cái thế đối lập với “từ ngữ thuần Việt” mà có được. Chính đây là một bằng chứng không có cách gì chối cãi cho thấy rõ rằng những từ ngữ đó đã gia nhập hoàn toàn vào vốn từ vựng chính thống của tiếng Việt, về nghĩa biểu hiện cũng như về phong cách học, vì trong tiếng Việt nó đã có được một giá trị hoàn toàn khác: giá trị của mọt từ thuần Việt.
Chính nhờ những suy nghĩ sâu sắc về khái niệm giá trị trong ngôn ngữ mà Saussure đã hiểu ra được cái cơ chế đưa đến sự hình thành của mối quan hệ giữa năng biểu và sở biểu được xác lập qua một quá trình ước định không tự giác khá kì diệu mà C.S. Peirce gọi là semiosis (“sự thiết hiệu ”), và vạch rõ sự ngộ nhận khá phổ biến trong giới ngôn ngữ đi trước ông, mà có người gọi là the nomenclature fallacy – tức sự ngộ nhận tưởng rằng vũ trụ đã được chia sẵn ra thành từng sự vật riêng rẽ, và con người chỉ còn có việc đặt cho mối cái một tên gọi là ta có được một hệ thống từ vựng. Chính ông đã nói lên được cái tình hình mù mịt của thế giới khách quan (hay, nói cho đúng hơn, của cách con người nhận thức nó trước khi biết dùng ngôn ngữ), và chính sự ra đời của ngôn ngữ đã phân chia thế giới ra thành những khái niệm tương ứng với những cách đặt tên bằng những “âm hình” khác nhau. Chính vì vậy mà việc đặt tên cho sự vật cũng là việc khái niệm hoá thế giới (conceptualisation), tức phân chia thế giới ra thành những khái niệm ngay khi đặt ra những cái tên ấy. Và cũng chính vì vậy mà ít khi có sự tương ứng một đối một trong vốn từ vựng của hai thứ tiếng khác nhau. Việc quan sát sự không tương ứng một cách hết sức đa dạng giữa các hệ thống từ vựng mà các cách khái niệm hoá thế giới đã đưa Saussure đến chỗ kết luận rằng mối quan hệ giữa năng biểu và sở biểu là hoàn toàn võ đoán.
Không phải Saussure không biết đến các từ mô phỏng (“tượng thanh” và “tượng hình”) hay đến các thán từ, vốn là những tiếng kêu thường không tự giác có nguyên do gần như hoàn toàn tự nhiên. Nhưng số lượng của những từ ấy quá ít ỏi so với số lượng các đơn vị từ vựng phù hợp với nguyên lí chung, và ngay trong những từ mô phỏng tự nhiên một cách trung thành nhất và những thán từ thốt ra một cách vô thức nhất cũng không phải có một phần võ đoán nhất định(9) , vả lại ông cũng có đủ lí do để nghĩ rằng chính tính hệ thống của ngôn ngữ và của các hệ thống dấu hiệu nói chung đều nhất thiết yêu cầu một quan hệ “không có nguyên do” như vậy.
Nhưng trong mọi cộng đồng ngôn ngữ, người bản ngữ thường có xu hướng nghĩ rằng (hay có cảm giác là) các từ ngữ ít nhiều đều có tính mô phỏng (có tính hình hiệu – iconicity , theo thuật ngữ của C.S. Peirce). Âm thanh của các từ ngữ thường dễ gợi lên trong lòng họ những ấn tượng, những cảm giác, những hình ảnh (thị giác hay thính giác) khá rõ khiến cho họ có xu hướng nghĩ rằng cái tên mà tiếng mẹ đẻ của họ đặt cho vật này hay vật kia không những hoàn toàn có lí mà còn là duy nhất có lí, lại rất gợi cảm, và trong thơ ca, những ấn tượng này có thể được nhân lên gấp bội(10).
Vậy thì liệu cái xu hướng tâm lí này của người bản ngữ có nằm trong lĩnh vực đối tượng của ngôn ngữ học không? Câu trả lời của Saussure (và một số lớn các nhà ngữ học châu Âu) là “không”, nhưng câu trả lời của R. Jakobson – người đã quan tâm đặc biệt đến chức năng thi ca của ngôn ngữ – và một số lớn các nhà ngôn ngữ học Mĩ lại là “có”. Những sách vở viết về tính hình hiệu (iconicity) của ngôn ngữ được xuất bản ở Mĩ trong vài mươi năm trở lại đây đã khá nhiều, khá hay và khá bổ ích. Về khía cạnh này, hình như xu hướng tin vào cảm thức chủ quan của người bản ngữ ở các tác giả Mĩ mạnh hơn ở Saussure và các tác giả châu Âu(11). Dù sao đây cũng là một vấn đề cần được suy ngẫm thêm một khi chính Saussure khẳng định quan điểm của người bản ngữ như một nhân tố quyết định.
________________
(5) Trong thời kì “sơ tán” (1965–1970), chúng tôi có hỏi thử các em trước tuổi đi học xem chúng có cảm nhận những từ ngữ mà chúng thường dùng xem từ ngữ nào là từ ngữ Việt Nam và từ ngữ nào là từ ngữ “Liên Xô”. Sau đây là một vài kết quả: đèn pin, pa-tê, noãn sào, xi-nê, lồ ô là tiếng Liên Xô, còn cà phê, lập lắc, búp bê, dưa hấu, đèn cù là tiếng Việt Nam.
(6) Chomsky vốn kiên quyết phủ nhận sự tồn tại khách quan và tính hiện thực tâm lí của một bình diện âm vị học độc lập (autonomous phonology). Theo ông, chỉ có hình-âm-vị học (morpho-(pho)nology) làm thành một bình diện thực sự quan yếu của ngôn ngữ. Quan niệm này, xét trên nhiều phương diện, nhất là khi chú ý đến cách làm ăn a priori của âm vị học tuyến tính, là hoàn toàn có lí.
(7) Trong trường hợp này, trên quan điểm của người bản ngữ (không biết đến bình diện lịch đại) chỉ còn cách viện đến một giải pháp có phần ad hoc, nói rằng trong điều kiện /i:/ mang trọng âm, có những từ vị dùng biến thể [ai] và có những vị từ khác dùng biến thể [i:] (cf. politeness và police).
(8) Cf. trong nguyên bản của Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương, ta có: “Trong ngô ngữ chỉ có những sự phân biệt mà thôi. Hơn nữa, một sự phân biệt nói chung thường là phân biệt giữa những yếu tố tích cực; nhưng trong ngôn ngữ thì chỉ có những sự phân biệt thuần tuý mà thôi, không có cái gì làm thành vế tích cực cả” (tr. 221).
(9) Một từ như mèo trong tiếng Việt rõ ràng là một từ mô phỏng tiếng kêu của con mèo. Nhưng nếu nó chỉ bắt chước cho giống tiếng mèo kêu mà thôi thì người Việt sẽ tha hồ chọn giữa bốn năm tiếng meo, méo, mẻo, mẽo, mẹo (hay ngoao, miêu, mão ) để đặt tên cho con mèo; đằng này, tiếng Việt (chuẩn) chọn đúng tiếng mèo và chỉ một tiếng ấy mà thôi; ai nói khác đi thì người nghe sẽ không hiểu được nữa, hay ít nhất là cảm thấy rất lạ tai. Sự lựa chọn này hoàn toàn võ đoán. Và ngay các thán từ cũng không hề y hệ như nhau trong mọi thứ tiếng.
(10) Cf. R. Jakobson. À la recherche de l’ssence du langage.
(11) Viết đến đây, tôi thấy không thể không nhắc đến những nhận xét của một tác giả suốt đời quan sát cặn kẽ từng chi tiết trong lời ăn tiếng nói của người Việt với lòng mong ước trở thành người Việt thực sự: LM. Léopold Cadière. Trong tập công trình hoàn thành bản thảo đầu tiên vào năm 1900, và trong suốt một thời gian dài hơn 50 năm vẫn còn tiếp tục chỉnh lí, bổ sung, nhưng tác giả vẫn chưa đặt được một cái tên chính thức, và 3 năm sau khi ông mất mới được những thân hữu đem xuất bản dưới đầu đề Syntaxe de la langue Vietnamienne (1958), Cadière có nói về một đặc trưng ngữ pháp mà nếu dùng thuật ngữ của Peirce ta có thể gọi là Temporal Iconicity (“Tính hình hiệu thời gian”), nội dung đại khái: Người Việt tuân theo tập quán “việc gì có trước thì nói trước, việc gì đến sau thì nói sau”. Chẳng hạn họ nói Mẹ đi chợ về; Con đi học về; Tôi ở Mĩ sang; Họ bắt ốc ngoài ruộng về luộc ăn; Nó từ trong buồng bước ra… chứ không nói: *Mẹ về từ chợ; *Con về từ trường học; *Tôi sang từ Mĩ; *Họ ăn ốc luộc bắt về từ ruộng; *Nó bước ra từ trong buồng… như ta vẫn thường thấy trong cách nói của người phương Tây, mặc dầu những câu đánh dấu hoa thị đều không có vẻ gì là sai ngữ pháp.
Theo “Lời nói đầu” Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương (bản dịch của Cao Xuân Hạo). Nxb Khoa học Xã hội, 2005.