Chắc khi viết lời chú thích đóng ngoặc đơn này trong một bài báo giới thiệu môn ngữ dụng học, tác giả bài báo cũng không mảy may ngờ rằng mình đã sáng lập ra một ngành ngôn ngữ học hoàn toàn mới. Thế nhưng pragmatic linguistics là ngành gì? Cứ nguyên văn mà dịch, thì ta sẽ có “ngôn ngữ học thực dụng”. Nhưng ta đã có ngôn ngữ học ứng dụng (applied linguistics) rồi mà! Hay đây là một thứ ngôn ngữ học chuyên nhằm mục đích kinh doanh? Thật ra “ngữ dụng học” (hay “dụng pháp ngôn ngữ”) là thuật ngữ mà nhiều người dùng để dịch Linguistic Pragmatics chứ không phải như tác giả đoán nhầm. Phỏng đoán ra một thuật ngữ ngoại quốc mà mình chưa có dịp gặp trên nguyên bản nhiều khi cũng nguy hiểm.
Những cuộc phát minh, sáng tạo tương tự không phải là thứ của hiếm khó tìm. Có những tác giả còn tưởng tượng ra được những thứ hiện tượng ngôn ngữ mà người bình thường khó lòng tưởng tượng nổi, chẳng hạn như âm hai môi–răng (bilabia–dental sound – hai thuật ngữ Việt và Anh đều là của tác giả; chúng tôi sao đúng cả chính tả trong nguyên bản).
Đọc đi đọc lại hai thuật ngữ này, chúng tôi đã lấy hết sức bình sinh để tưởng tượng xem một con người (kể cả người làm trò xiếc uốn dẻo) làm thế nào để cấu tạo được một âm như thế, và cũng đã tự mình mắm môi mắm lợi thử thực hiện cho được cái âm kì diệu ấy, mà không sao thực hiện hay tưởng tượng được.
Cũng chính tác giả nói trên còn sáng tạo ra thuật ngữ tiếng Anh “dỏm” là “language analytic” (analytic language) và “isolated language” (isolating language).
Một tác giả khác cho rằng “cấu tạo từ’ mà gọi là word fornation như các tác giả Anh, Mĩ vẫn gọi là “không đạt” (theo ông, lẽ ra phải nói word construction mới là thuật ngữ ngôn ngữ học tiếng Anh chuẩn). Đó cũng là một phát minh lớn. Chỉ tiếc là tác giả không giảng giải cho người đọc hiểu tại sao constructions, vốn quen dùng để chỉ những sự kết hợp từ ngữ do người nói thực hiện theo ý mình, lại phải được dùng thay cho formation, vốn chỉ một sự kết hợp đã hoàn tất trong lịch sử để trở thành một đơn vị ngôn ngữ cho sẵn mà người nói đành phải chấp nhận y nguyên. Khi mà lần đầu tiên một người bản ngữ nào đó bịa ra một kiểu kết hợp chưa có trong từ vựng, thì đó là một cách tân chưa có thể gọi là một từ, nghĩa là một thành phần của vốn từ vựng. Đến khi nó đã được chấp nhận vào lời ăn tiếng nói của một số người bản ngữ đủ đông đúc để có thể đưa vào từ điển, thì từ đó trở đi chỉ còn có thể nói đến word formation.
Phần lớn các nhà ngôn ngữ học đều rất nể tri thức của người bản ngữ về tiếng mẹ đẻ của họ. Họ biết rằng không thể có một người ngoại quốc nào, dù có học suốt đời, lại biết được một thứ ngoại ngữ như người bản ngữ, trừ khi từ bé đã là người song ngữ. Nhưng cũng có những người như tác giả trên đây, có lẽ vì đã học thư ngoại ngữ hữu quan sâu hơn cả người bản ngữ, nên thấy cần nêu những cách dùng tiếng mẹ đẻ “không đạt” của họ”. Chúng tôi xin thành khẩn thú nhận rằng chúng tôi không dám tin điều đó.
Rất có thể sở dĩ những ngữ đoạn như xe đạp, chó con, đậu nành cho thấy một tính cú pháp hiển nhiên như vậy mà vẫn được coi là “từ đa tiết” cũng chính là do một cách tư duy tương tự như vậy.
Theo Sái Phu. Viết nhịu – lapsus calami: Dọn vườn ngôn ngữ học. Nxb Trẻ, 2005, trang 14.