Zellig Sabbetal Harris, cùng với N. Chomsky, A. Martinet là những nhà ngôn ngữ học lớn nhất đang sống hiện nay [1]. Z. Harris sinh năm 1909 tại Estoni. Theo gia đình di cư sang Mĩ, năm 1913, hồi còn rất nhỏ, ông nhập quốc tịch Mĩ năm 1921.
Z. Harris học ở đại học Yan (Mĩ), dưới sự hướng dẫn của E. Sapir và được đào tạo về ngôn ngữ Sêmit. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ ngôn ngữ học về ngữ pháp tiếng Phênic tại Đại học Penxinvania. Từ 1931, ông dạy ở trường Đại học này tới nay [1984]. Bên cạnh các công trình về các ngôn ngữ Sêmit, như Development of the Canaaite Dialects, 1939 hoặc Linguistic structure of Hebrew, 1941, ông còn nghiên cứu về ngôn ngữ của các tộc người da đỏ, như Cherokec, Hidasa, Navaho, Yokuts. Z. Harris quan tâm tới nhiều phương diện khác nhau của ngôn ngữ học, nhưng trước hết ở bình diện lí thuyết.
Chịu ảnh hưởng của E. Sapir và L. Bloomfield, nhưng ông không hoàn toàn đi theo con đường của những người thầy. Z. Harris có những đóng góp hoàn toàn mới: tìm ra phương pháp và các đặc điểm miêu tả khái quát cho cấu trúc ngôn ngữ.
Trong một bài báo quan trọng Từ hình vị đến câu nói (From morpheme to utterance, 1946), lần đầu tiên trong ngôn ngữ học, một hệ thống hình thức được xác định để phân tích hình thái. Phương pháp này của Harris được tiến hành theo ba bước, với những thao tác chặt chẽ và triệt để.
Công trình tổng hợp Các phương pháp của ngôn ngữ học cấu trúc [2] (Methods in Structural Linguistics, 1951, và in lại năm 1963 dưới tiêu đề Structural Linguistics) đã xác lập lại toàn bộ các nguyên lí của phương pháp phân bố, từ ngữ âm, hình thái, tới cú pháp. Trong công trình này, để phân cách văn bản thành những yếu tố trên các cấp độ ngôn ngữ khác nhau và để phân lớp chúng, Harris đã dùng một cách có hệ thống các quan hệ tương đương và các phép thay thế, từ đó khái quát hoá được các đặc trưng hình thức quan trọng nhất của ngôn ngữ tự nhiên và có thể nghiên cứu chúng dưới góc độ lôgic toán học. Thực chất phương pháp của Harris nhằm đi tới sự miêu tả và phân loại các yếu tố của một ngôn ngữ. Đó là điều mà về sau này N. Chomsky phản đối: nó không phải là mục đích của lí thuyết ngôn ngữ học.
Khi Z. Harris vấp phải những khó khăn trong việc miêu tả cấu trúc câu bằng cách phân tích ra thành tố trực tiếp thì, một mặt ông đưa ra khái niệm phép cải biến mà công trình tiêu biểu đầu tiên là Đồng xuất hiện và phép cải biến trong cấu trúc ngôn ngữ (Co-occurence and Transformation in Linguistic Structure, 1957), mặt khác ông nghiên cứu sự hình thức hoá ngôn ngữ bằng cấu trúc đại số. Điều này được trình bày trong quyển Các cấu trúc toán học ngôn ngữ (Mathematical Structures of Language, 1968). Ở đây, ngữ pháp Harris là một đại số phức hợp: quá trình ngẫu nhiên để phân cắt văn bản thành âm vị và kiểm nhận tự động tính chuẩn xác cú pháp của một văn bản được dựa trên một toán tử như của nhóm tự do, và các đặc trưng của phép cải biến cú pháp được coi là các quan hệ giữa các câu tạo thành các lớp tương đương trên một cấu trúc kiểu nửa nhóm tự do.
Quan niệm gần đây nhất về cấu trúc ngôn ngữ của Z. Harris được trình bày tại trường Đại học Paris Vincent vào năm 1973–1974 và được công bố trong Ghi chép về giáo trình cú pháp (Notes du cours de syntaxe, 1976). Ở đây, lần đầu tiên, Harris đưa ra một bức tranh tổng quát về quan niệm cú pháp cải biến của ông. Có bốn kiểu cải biến cơ bản là:
a) Sự rút gọn (xoá hoặc đại từ hoá)
b) Sự ghép (thao tác gắn với các từ hay các tiếp tố với từ thành các từ khác phức tạp hơn)
c) Phép hình âm vị
d) Phép giao hoán
Một trong những đặc điểm của mô hình Harris là ở chỗ tăng bộ phận siêu ngôn ngữ lên tới mức tối đa. Nhiều thuật ngữ được coi là thuộc về siêu ngôn ngữ, nhờ vậy cho phép chúng ta hợp nhất được nhiều hiện tượng ngôn ngữ khác nhau vào cùng một kiểu loại.
Hệ thống của Harris cho phép lí giải hầu như hoàn chỉnh các khái niệm trong ngôn ngữ học truyền thống, và ở chừng mực nhất định trong ngôn ngữ học cải biến tạo sinh.