• Từ chính tả • Từ từ điển • Từ ngữ âm • Từ khuất chiết • Từ hoàn chỉnh
… “Dựa vào hình vị, đó là một bước ngoặt mới, bước ngoặt mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử loại hình học”.
Trong lúc Skalička đang cố gắng để xây dựng lí thuyết của mình, thì đồng thời cũng đã bắt đầu xuất hiện những thí nghiệm, những tìm tòi đi theo hướng khác. Sau hơn một thế kỉ xây dựng ngành loại hình học, người ta đã bắt đầu thấy rõ rằng xây dựng bảng phân loại trên cơ sở dựa vào từ là một việc làm đầy khó khăn, bế tắc. Khái niệm "từ" là một khái niệm chỉ rút ra từ các ngôn ngữ Ấn Âu, thuộc vào một loại hình duy nhất là loại hình khuất chiết. Mà ngay trong các ngôn ngữ này cũng đã có những trường hợp, những đơn vị được truyền thống gọi là "từ" nhưng vẫn không có đầy đủ các đòi hỏi đã đề ra ở tiêu chuẩn. Chẳng hạn ở tiếng Đức, trường hợp động từ có tiền tố, nhiều khi trong câu nói, chúng bị rã ra, căn tố và biến tố thì nằm ở vị trí vị ngữ, tiền tố thì đưa xuống cuối câu, đặt sau cả những thành phần phụ của mệnh đề, ví dụ: anrufen = kêu gọi
Ich rufe . . . . . . . . an = Tôi kêu gọi
Trường hợp động từ tiếng Đức đó đã không còn giữ được đặc điểm gọi là "tính hoàn chỉnh về mặt dạng thức", mà từ phải có. Từ ghép tiếng Đức cũng mất tính hoàn chỉnh đó. Hơn thế nữa, nó còn không có cả đặc điểm gọi là "tính thành ngữ". Đây thường là những từ ghép được tạo ra trong khi nói, và không được ghi vào từ điển. Hiện tượng chen hư từ vào giữa các căn tố ở đây rất thường thấy. So sánh
Atomwaffe = Vũ khí hạt nhân
Antom-und Wasserstoff – Waffe = Vũ khí hạt nhân và khinh khí
Quang cảnh trên đây không phải chỉ có ở tiếng Đức. Ngay trong từ đơn tiếng Nga ta cũng có thể gặp những trường hợp như thế:
никто = Không ai
нп у кого = Không ai (có)
ни о ком = Không về ai
Các tiêu chuẩn "tính hoàn chỉnh về mặt dạng thức" và "tính thành ngữ" của từ, khi đi vào các ngôn ngữ đơn lập và hỗn nhập (hiểu theo truyền thống) lại càng không dễ áp dụng. Các tổ hợp hỗn nhập ở tiếng E-ven, ở tiếng Chu-kốt, cũng như ở các tiếng khác trong cùng nhóm đều được coi là từ hoàn chỉnh nhưng chúng lại được cấu tạo ra trong lời nói theo lối từ tổ, và có khả năng tách ra được về mặt từ vựng ngữ nghĩa. Còn ở tiếng Hán và các tiếng Đông Nam Á, thì mãi đến nay cũng chưa ai giải quyết được một cách dễ dàng và có sức thuyết phục việc phân định ranh giới của từ, phân biệt được từ với các tổ hợp từ, nhất là các tổ
hợp cố định.
Đứng trước tình hình đó càng ngày càng có nhiều nhà ngôn ngữ học đi đến ý nghĩ cho rằng "từ nói chung", là cái không thể có. "Từ" là một khái niệm rất đa nghĩa, mỗi nhà nghiên cứu hiểu một cách, mặc dầu giữa các nội dung hiểu khác nhau đó không phải là không có những mối liên quan nhất định. Nói đến từ, người ta có thể hiểu:
1. Đó là từ trên mặt chữ viết (= từ chính tả), tức là cái đơn vị nằm ở giữa hai khoảng trống. Ở trong địa hạt dịch máy, người ta đã dùng định nghĩa này. Ở trong các địa hạt khác của ngành ngôn ngữ học, người ta không định nghĩa như vậy, nhưng người ta cũng đã hiểu từ là cái đơn vị phải viết rời ra khỏi các từ khác. Cách hiểu này không áp dụng được cho tiếng Hán và tiếng Việt: ở tiếng Hán người ta dùng lối chữ vuông, mỗi khối là một "chữ"; ở tiếng Việt tuy dùng chữ cái Latinh nhưng người ta cũng viết rời ra thành từng âm tiết một. Hơn nữa – mà đây là điểm chính – chuyện viết rời hay viết liền, đó không phải là chuyện chỉ liên quan đến đặc điểm của từ ở trong ngôn ngữ, mà còn liên quan đến những nhân tố nằm ngoài ngôn ngữ. Với thời gian, người ta có thể thay đổi. Chẳng hạn, trong lối viết Latinh hoá được Trung Quốc chấp nhận hiện nay, người ta chủ trương viết khác với chủ trương lưu hành trong khoảng những năm 30, và ngay thời kì này cũng đã có đến hai lối viết Latinh hoá khác nhau, có quy tắc khác nhau ở điểm viết rời hay viết liền.
2. Cũng có thể hiểu từ với nội dung là một đơn vị từ điển (từ từ điển): đây là một cái đơn vị được các nhà từ điển học tách ra để xếp vào từ điển. Cách hiểu này nặng về mặt ngữ nghĩa và không có cơ sở về mặt dạng thức. Trong từ điển người ta có thể đưa vào cả những tổ hợp gồm nhiều từ chính tả ( ví dụ анти – / = phản /; ультра – … / = siêu … /). Có thể nói rằng đặc điểm của từ – hiểu theo nội dung này – là tính thành ngữ của nó.
3. Lại cũng có thể hiểu từ với nội dung là một đơn vị ngữ âm (từ ngữ âm). Đây là một tập hợp hình vị được tác riêng ra vì một cơ sở ngữ âm nhất định: vì có một trọng âm chung, vì có hiện tượng hài hoà ở nguyên âm hay vì có một sự biến âm nào đấy ở chỗ ranh giới (phụ âm vô thanh hoá ở cuối từ tiếng Nga, thanh điệu khinh hoá ở tiếng Hán v.v…). Từ ngữ âm là một khái niệm rất mơ hồ: ở những ngôn ngữ khác nhau nó có thể có những đặc điểm ngữ âm khác nhau; và ngay ở trong một ngôn ngữ ranh giới của nó cũng có thể thay đổi tuỳ thuộc vào chỗ ta chọn đặc điểm ngữ âm nào để làm tiêu chuẩn. Một ví dụ trong tiếng Nga: смог ли он (= nó có thể không?). Nếu dựa vào chỗ có một trọng âm chung thì đây là một từ; còn nếu dựa vào chỗ -/г/ ở cuối смог bị vô thanh hoá và /о/ trong он không bị biến chất (rút ngắn) do đọc lướt nhẹ thì phải tách смог và он thành những từ ngữ âm riêng, và смог ли он là một từ tổ.
Ở tiếng Pháp – theo Л.В. Щерба – mỗi nhóm từ tạo thành chỉnh thể về mặt ngữ nghĩa thì khi nói đều chỉ có chung một trọng âm. Như vậy, ở đây, cái đơn vị thường được gọi là từ rất khó xác định được về mặt ngữ âm.
4. Từ khuất chiết: gọi là từ, người ta thường cũng có thể hiểu là một chỉnh thể gồm hai bộ phận, một bộ phận mang ý nghĩa vật chất (= thân từ), và một bộ phận mang ý ngữ pháp, dùng để chỉ rõ mối quan hệ giữa từ này và từ khác ở trong mệnh đề (= biến tố). Từ khuất chiết là đơn vị chỉ thấy ở một số ngôn ngữ hiện đại: ngôn ngữ khuất chiết – tổng hợp. Nhưng ngay ở các ngôn ngữ này vấn đề cũng không đơn giản vì còn phải tính đến cái khái niệm gọi là "hình vị zéro" và phải tính đến các trường hợp tuy không tách được thành 2 bộ phận như trên nhưng cũng vẫn phải chấp nhận là từ, bởi vì không thể gắn chúng vào những đơn vị bên cạnh (mà những đơn vị này thì đã chắc chắn được xác định là từ).
Cách hiểu từ khuất chiết rất khó áp dụng vào các ngôn ngữ chắp dính (như tiếng Thổ nhĩ kì) và các ngôn ngữ khuất chiết phân tích (như tiếng Anh): ở tiếng Thổ nhĩ kì không có hiện tượng "hình vị zéro", ở tiếng Anh một số bộ phận mang ý nghĩa ngữ pháp lại tách riêng ra, ví dụ: a wall → a stone wall.
Cách hiểu này cũng không áp dụng được vào các tiếng đơn lập như tiếng Hán và tiếng
Việt.
5. Cuối cùng, khi nói "từ" người ta cũng có thể hiểu đó là một khối hoàn chỉnh gồm những hình vị gắn chặt với nhau, không thể đảo lên đảo xuống được, và cũng không thể đem tách ra được (= từ hoàn chỉnh).
Cách hiểu này thường chỉ đem áp dụng cho các ngôn ngữ đơn lập. Ở tiếng Nga cách hiểu đó thường trùng với từ khuất chiết. Ở tiếng Đức nó lại mâu thuẫn với từ chính tả. Nói chung, ở tất cả mọi ngôn ngữ, cách hiểu này đều gặp phải một điều khó khăn: các tổ hợp cố định, có thành ngữ tính, đều có tính hoàn chỉnh không khác gì từ
Chúng ta đã kể qua 5 cách hiểu khác nhau tuy có liên quan với nhau về từ. Tất cả 5 định nghĩa đó đều đúng, vì chúng đều phản ánh những thực tế khách quan có thực trong ngôn ngữ loài người. Nhưng 5 định nghĩa đó lại không thật ăn khớp với nhau, thậm chí có khi mâu thuẫn với nhau. Do đó, chúng ta cần phải tách riêng 5 cách hiểu đó, phân biệt chúng với nhau một cách rành mạch, cũng như chúng ta đã từng tách âm với chữ cái, tách ngôn ngữ với văn tự v.v…
Nhưng nêu lên 5 cách hiểu khác nhau về từ, nêu lên sự khó khăn khi đi tìm một định nghĩa phổ quát cho từ nói chung thì tức cũng đã là công nhận một điều: ở loại hình học, thật khó mà có thể dựa vào từ, coi đó như là một xuất phát điểm đáng tin cậy, có thể dựa vào đấy để phân loại và mô tả các loại hình ngôn ngữ khác nhau của loài người. Không phải ngẫu nhiên mà đến khoảng những năm 60 vừa rồi nhiều người đã bắt đầu chuyển sang một hướng mới, thử dựa vào hình vị thay cho dựa vào từ. Hình vị là một đơn vị có ở trong tất cả mọi ngôn ngữ, và có cách hiểu cũng tương đối thống nhất: đó là đơn vị nhỏ nhất có mang ý nghĩa. Dựa vào hình vị, đó là một bước ngoặt mới, bước ngoặt mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử lại hình học.
* Theo N. V. Xtankevich. Loại hình các ngôn ngữ. trang 72–77.