Có hai dòng sông lớn chảy qua Đông Âu và đổ vào Hắc Hải được nhiều người trên khắp thế giới biết tên, nhờ nó đã đi vào những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Đó là sông Đanuyp với bản nhạc “Sông Đanuyp xanh” của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Áo Johann Strauss và sông Đông với bộ tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” của văn hào Nga Xô Viết Michail Aleksandrovich Sholokhov.
Người Việt Nam chúng ta biết những tác phẩm này trước tiên qua các bản dịch tiếng Pháp, do đó, tên hai con sông này cũng đến với chúng ta từ tiếng Pháp.
Trong thực tế, hai con sông nói trên không chảy qua đất Pháp, nước Pháp. Sông Đanuyp bắt nguồn từ miền Nam nước Đức, chay theo hướng Tây Bắc–Đông Nam qua các nước Áo, Hung, Nam Tư (cũ), Bungari, Rumani rồi đổi ra bờ Tây của Hắc Hải. Dòng sông mang những tên nơi chúng đi qua là: Đônan (Donau – Đức, Áo), Đunô, Đunav, Đunarca,… tên tiếng Nga là Đunai (Dunaj). Nếu chúng ta đi máy bay từ tây sang đông trên dải đất phía bắc Hắc Hải thì sẽ thấy trên lãnh thổ Ukraina sông Đneprơ, rồi sông Đônetxơ. Sông này chảy qua đất Nga, hợp với sông Đông rồi chảy ra biển Azôp để rồi hoà nước vào Hắc Hải. Chỗ sông Đông đổ nước ra biển là thành phố Nga có tên là Rôxtôp na Đônu (tiếng Nga: Росто́в-на-Дону́; chuyển tự: Rostov-na-Donu).
Cũng giống như hai con sông lớn nhất ở Đông Nam Á có tên là Mêkông và Trường Giang(1) xuất phát từ danh từ chung chỉ “sông”, tên hai cong sông Đônau (Đanuyp) với những khúc sông Đunô, Đunav, Đunarca và con sông Đôn (Đông) với một loạt sông khác trong vùng: Đônetxcơ, Đneprơ,… cũng xuất phát từ một danh từ chung chỉ “nước” [don] trong tiếng Xlavơ cổ. Từ “voda” (nước) trong tiếng Nga là mới vay mượn sau này, từ các ngôn ngữ Giecman: wasser (Đức), water (Anh). Một loạt tên sông có nguồn gốc giống nhau trên cả dải đất phía Nam châu Âu suốt từ tây sang đông: từ Đức, sang Áo, Hung, Nam Tư (cũ), Bungari, Rumani, Ukraina, Nga chứng minh rằng đây là đất cổ xưa của người Xlavơ, về sau, những người này mới di cư lên phía bắc như chúng ta thấy hiện nay.
Với công tác chuẩn hoá địa danh nước ngoài để lập bản đồ thế giới, thiết nghĩ chúng ta nên gọi lại tên hai con sông Đanuyp là Đônau và sông Đông là Đôn đúng với tên gốc Đức và Nga của hai con sông này, và đồng thời cũng đúng với tên trong nguyên bản của hai tác phẩm nghệ thuật đã lấy chúng là đề tài.
Sự đổi mới bao giờ cũng gây ra sự hụt hẫng không quen. Chắc rằng thời gian đầu sông Đônau sẽ không xanh như sông Đanuyp và sông Đôn sẽ không êm đềm như sông Đông. Mọi sự đổi mới đều phải trả giá! Nhưng “trước lạ, sau quen”. Rất mong được bạn đọc trao đổi ý kiến.
_____________
(1) Theo từ điển Từ Hải, tên ngày xưa là Giang (江), phát âm là [kông] (工).
Tham khảo: