5. Dấu phẩy
5.1. Dấu phẩy được dùng để chỉ ranh giới bộ phận nòng cốt với thành phần ngoài nòng cốt của câu đơn và câu ghép.
Thành phần ngoài nòng cốt có thể là các thành phần than gọi, chuyển tiếp, chú thích, tình huống, khởi ý.
Ví dụ:
Mẹ ơi, có khách đấy!
Cuối cùng, Mỹ đã thua to.
Tôi trở về thành phố Hồ Chí Minh, thành phố thân yêu của tôi.
Thong thả, anh ấy bước ra.
Bài hát ấy, tôi nghe nhiều lần.
Đáng chú ý là:
– Khi thành phần tình huống đặt ở đầu câu, dấu phẩy có thể được lược bớt, nếu thành phần đó là một danh ngữ có cấu tạo đơn giản dùng để chỉ thời gian, nơi chốn.
Ví dụ:
Lúc ấy Mai cũng về tới bản Đảy.
(Tô Hoài)
– Khi thành phần ấy là do động từ hay tính từ đảm nhiệm và đặt ở cuối câu thì rất cần dấu phẩy giữa nó và nòng cốt.
Ví dụ:
Lời trăn trối mang hồn người sắp chết
Vọng qua vách, trang nghiêm và thống nhất.(Nguyễn Dân Trung)
5.2. Dấu phẩy dùng để chỉ ranh giới giữa các yếu tố trong liên hợp, nhất là liên hợp qua lại.
Ví dụ:
Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp lâu dài và gian khổ, song nhất định thắng lợi.
(Hồ Chí Minh)
Đáng chú ý là:
– Giữa các yếu tố của một liên hợp song song, khi đã dùng kết từ thì thường lược bớt dấu phẩy.
Ví dụ:
Đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động cần phải xung phong gương mẫu trong sản xuất và công tác.
-Giữa các yếu tố của một liên hợp song song có tính chất ổn định hoá, dấu phẩy cũng thường được lược bớt.
Ví dụ:
Hầm chông hố chông trong ruộng lúa tựa như được nước lụt che, thằng giặc chẳng biết đâu mà mò.
(Anh Đức)
5.3. Dấu phẩy dùng để chỉ ranh giới giữa các vế trong câu ghép (song song hay qua lại).
Ví dụ:
Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi.
(Hồ Chí Minh)
Đáng chú ý là:
Khi có dùng kết từ trong câu ghép song song hay qua lại thì có thể lược bớt dấu phẩy giữa các vế.
Ví dụ:
Chú Hai đã đi làm phu cao su ở Hớn Quản, lại ra làm thợ mỏ ở Đông Dương và chú còn đi những chân trời góc bể đâu khác.
(Tô Hoài)
Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ.
(Hồ Chí Minh)
5.4. Dấu phẩy có thể dùng để chỉ ranh giới giữa phần đề và phần thuyết trong những trường hợp sau đây:
5.4.1. Khi phần đề làm thành một đoạn khá dài.
Ví dụ:
Một trong những công việc cần phải thực hiện cấp tốc lúc này, là nâng cao dân trí.
(Hồ Chí Minh)
5.4.2. Khi lược bớt động từ là trong câu luận.
Ví dụ:
Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữa đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động. Tre, anh hùng chiến đấu.
(Thép Mới)
5.4.3. Khi phần thuyết được đặt trước phần đề
Ví dụ:
Trong lịch sử có hai loại chiến tranh: chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa. Chính nghĩa, những cuộc chiến tranh chống bọn áp bức, bọn xâm lược, giành tự do, độc lập. Phi nghĩa, những cuộc chiến tranh xâm lược hoặc bình định cốt chiếm nước ngoài hoặc cướp tự do, hạnh phúc của một số người.
(Trường Chinh)
Ngoài những trường hợp vừa kể thì giữa phần đề và phần thuyết của nòng cốt câu đơn, nói chung, không dùng dấu phẩy.
5.5. Dấu phẩy còn dùng vì lẽ nhịp điệu trong câu, nhất là khi nhịp điệu có tác dụng biểu cảm.
Ví dụ:
Bộ tư lệnh: những lớp tóc hoa râm
Những mái đầu trắng xoá
Vẫn có Bác, ung dung, trông xuống, dịu dàng.(Tố Hữu)
5.6. Khi đọc, phải ngắt đoạn ở dấu phẩy. Nói chung, quãng ngắt ở dấu phẩy tương đối ngắn, so với những dấu đã nói trên.
6. Dấu chấm phẩy
6.1. Dấu chấm phẩy thường dùng để chỉ ranh giới giữa các vế trong câu ghép song song, nhất là khi giữa các vế có sự đối xứng về nghĩa, về cả hình thức.
Ví dụ:
Chị Thuận nấu cơm cho anh em ăn, làm người chị nuôi tần tảo; chị chăm sóc anh em ốm và bị thương, làm người hộ lí dịu dàng, ân cần…
(Nguyễn Trung Thành)
Trong câu ghép song song mà vế sau có tác dụng bổ sung cho vế trước, cũng có thể dùng dấu chấm phẩy giữa hai vế.
Ví dụ:
Sáng tạo là vấn đề rất quan trọng; không sáng tạo không làm cách mạng được
(Lê Duẩn)
6.2. Dấu chấm phẩy cũng có thể dùng để chỉ ranh giới giữa các yếu tố trong một liên hợp song song bao gồm những ngữ.
Ví dụ:
Phải thực hiện bằng được chủ trương hoàn chỉnh các hệ thống thuỷ nông; đẩy mạnh tốc độ cơ giới hoá nông nghiệp; đẩy mạnh cải tạo giống gia súc và cây trồng nhằm thực hiện thâm canh trên toàn bộ diện tích trồng trọt
(Báo Nhân dân)
6.3. Khi đọc, phải ngắt đoạn ở dấu chấm phẩy; quãng ngắt dài hơn, so với dấu phẩy, nhưng ngắn hơn, so với dấu chấm.
Theo Trung tâm KHXH&NV Quốc gia. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb Khoa học Xã hội, 2002, trang 282–287
Thảo luận trên Diễn đàn: http://ngonngu.net/diendan/viewtopic.php?t=281
Trở lại: Phần 2: Dấu chấm, Dấu hỏi, Dấu cảm, Dấu lửng
Đọc tiếp: Phần 4: Dấu hai chấm, Dấu ngang, Dấu ngoặc đơn, Dấu ngoặc kép.