1. Dấu chấm
1.1. Dấu chấm dùng ở cuối câu tường thuật.
Ví dụ:
Dòng sông lào xào vỗ sóng. Gió chạy loạt soạt trong cỏ, trăng đã lên cao, đêm đã khuya lắm.
(Nguyễn Đình Thi)
1.2. Khi đọc, phải ngắt đoạn ở dấu chấm. Dấu chấm là chỗ có quãng ngắt tương đối dài hơn, so với dấu phẩy, dấu chấm phẩy.
2. Dấu hỏi
2.1. Dấu hỏi dùng ở cuối câu nghi vấn.
2.1.1. Thường gặp là trường hợp dấu hỏi dùng trong đoạn văn đối thoại, có người hỏi, có người đáp.
Ví dụ:
– Anh ốm, sao lại đi làm?
– Ốm xoàng thôi.
2.1.2. Có trường hợp tự đặt ra câu hỏi và tự trả lời, trong lời đối thoại nghệ thuật.
– Chông ai chết trong tố cộng?
– Chồng tôi.
– Con ai chết trong dinh điền?
– Con tôi.(Tế Hanh)
2.1.3. Có trường hợp, một vế của câu ghép được cấu tạo theo kiểu câu nghi vấn nhưng không phải để hỏi mà để nêu lên tiền đề; trong trường hợp này không dùng dấu hỏi.
Ví dụ:
Văn học nghệ thuật là gì, xưa nay người ta định nghĩa nhiều rồi.
(Phạm Văn Đồng)
2.2. Khi đọc, phải ngắt đoạn ở dấu hỏi, và nói chung, có lên giọng.
2.3. Dấu hỏi có thể đặt trong dấu ngoặc đơn (?) để biểu thị thái độ hoài nghi đối với một lời trích thuật. Nếu dấu chấm (hay tương đương) ngắt câu ở cùng chỗ, thì dấu này đặt sau dấu chấm.
Ví dụ:
Bọn xâm lược Mĩ làm ra vẻ ngạc nhiên. Chúng chối biến rằng chúng không hề biết gì. (?)
(Báo Nhân dân)
3. Dấu cảm
3.1. Dấu cảm dùng:
– Ở cuối câu cảm xúc.
Ví dụ:
Hỡi anh
Người đồng chí quang vinh!(Sóng Hồng)
– Hay ở cuối câu cầu khiến.
Ví dụ:
Hãy yêu quý thanh niên! Hãy trân trọng và tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ!
(Tạp chí Học tập)
3.2. Khi đọc, phải ngắt đoạn ở dấu cảm và có thể hoặc lên hoặc xuống giọng, tuỳ hoàn cảnh.
3.3. Dấu cảm có thể đặt trong dấu ngoặc đơn: (!), để biểu thị thái độ mỉa mai; hay dùng kết hợp với dấu hỏi rồi đặt trong dấu ngoặc đơn: (!?), để biểu thị thái độ vừa mỉa mai, vừa hoài nghi.
Những dấu này cũng thường đặt sau dấu chấm, nếu có dấm chấm (hay tương đương) ngắt câu ở cùng chỗ.
Ví dụ:
Y còn đòi các nước sản xuất dầu mỏ "hợp tác" với Mĩ để giải quyết cả vấn đề dầu mỏ lẫn vấn đề lương thực (!)
(Báo Nhân dân)
AFP đưa tin theo cách ỡm ờ của AFP.
“…họ là 80 người sức lực khá tốt nhưng hơi gầy…” (!?)(Nguyễn Tuân)
4. Dấu lửng
4.1. Dấu lửng dùng ở cuối câu (hay giữa câu, hay có khi ở đầu câu) để biểu thị rằng người viết đã không diễn đạt hết ý.
Ví dụ:
Lũ làng đi rửa tay thật sạch rồi cầm lên từng thứ, coi đi coi lại, coi Bok Hồ đi làm rẫy, coi cái áo Bok Hồ mặc…
(Nguyên Ngọc)
4.2. Dấu lửng còn được dùng:
4.2.1. Để biểu thị bằng lời nói bị đứt quãng vì xúc động, hay vì lí do khác.
Ví dụ:
Sâm đè tay lên ngực, hít lấy mấy hơi mới nói được:
– Quên… rút chốt…(Phan Tứ)
4.2.2. Để biểu thị một chỗ ngắt đoạn dài giọng với ý châm biếm, hài hước.
Ví dụ:
Giơ tay hàng tuốt quân ta
Té ra công sự chỉ là công… toi(Tú Mỡ)
4.2.3. Để ghi lại một chỗ kéo dài của âm thanh.
Ví dụ:
Ù… ù… ù…
Tầm một lượt(Võ Huy Tâm)
4.3. Khi đọc, phải tuỳ trường hợp mà ngắt đoạn. Nói chung, ở dấu lửng, sự ngắt đoạn kéo dài…
4.4. Hiện nay có cách dùng dấu lửng trong ngoặc đơn: (…), để chỉ ra rằng người trích dẫn có lược bớt câu văn trích dẫn.
Theo Trung tâm KHXH&NV Quốc gia. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb Khoa học Xã hội, 2002, trang 278–282
Thảo luận trên Diễn đàn: http://ngonngu.net/diendan/viewtopic.php?t=281
Trở lại: Phần 1
Đọc tiếp: Phần 3: Dấu phẩy, Dấu chấm phẩy