Tạp chí Ngôn ngữ số 3+4(1979) đã dành toàn bộ dung lượng của mình để đăng một số nội dung quan trọng của các hội nghị về vấn đề chuẩn mực hoá chính tả và thuật ngữ khoa học (tổ chức trong các năm 1978 và 1979). Trong các bài viết và quan điểm về cải tiến chính tả, có khá nhiều đoạn nhắc tới vấn đề sử dụng Y/I và cả về vấn đề vị trí đặt dấu thanh điệu. Dưới đây là các trích đoạn đó*.
1. Tác giả Nguyễn Hưng
Căn cứ trên sự phân tích âm vị học tiếng Việt của chúng tôi, đồng thời muốn tôn trọng nguyên tắc không gây xáo trộn có thể làm cho những thế hệ sau bị cắt đứt với dòng văn học dân tộc, chúng tôi đề nghị chỉ quy định lại những ký hiệu chính tả ghi âm không hợp lý và tuỳ tiện. Những ký hiệu ghi âm khác xin giữ y nguyên
Bảng ký hiệu đề nghị
Âm vị | Chính tả hiện hành | Chính tả đề nghị |
---|---|---|
/i/ | ý, ký | í, kí |
/wi/ | uý, tuý | uí, tuí |
/ie/ | ia, khuya, yêu | iê, khuiêu, iêu |
/wε/ | oe, loe | ue, lue |
/εu/ | eo, leo | eu, leu |
// | ưa, lừa | ươ, lừơ |
/wa/ | oa, loá | ua, luá |
/au/ | ao, láo | au, láu |
/wă-/ | oăn, thoăn | uăn, thuăn |
/ăi/ | áy, náy | ắy, nắy |
/ău/ | láu, sau | lắu, său |
/uo/ | úa, lúa | úô, lúô |
/k/ | ca, kê | ka, kê |
/kw/ | quê, qua | kuê, kua |
/g/ | ghi, ghê, ghe | gi, gê, ge |
/ŋ/ | nghi, nghê, nghe | ngi, ngê, nge |
/z/ | gì, già | zì, zà |
(Trang 93–94)
2. Tác giả Trương Văn Trình
Theo lối viết hiện tại, nguyên âm /i/ vừa viết bằng i, vừa viết bằng y và bán nguyên âm /y/ cũng vậy, tức là hai chữ i và y vừa dùng để viết nguyên âm, vừa dùng để viết bán nguyên âm. Chúng tôi đề nghị thống nhất lối viết, chỉ dùng một chữ để viết nguyên âm, một chữ để viết bán nguyên âm.
Ta có mười vần có bán nguyên âm /y/, thì tám vần bán nguyên âm viết i: ai, oi, ôi, ơi, ui, ưi, uôi, ươi. Chỉ có hai vần bán nguyên âm viết y: ay (chính ra là ăy), ây.
Chúng tôi đề nghị dùng i để viết bán nguyên âm và hay vần ay, ây sẽ thay bằng ăi, âi.
Dùng i để viết bán nguyên âm, ta sẽ dùng y để viết nguyên âm. Như vậy thì /wi, wê, wiw/ hiện nay viết uym, uya, uyu sẽ không thay đổi. Nhưng những vần có /i/ mà hiện nay viết bằng i, hay là vừa viết bằng i, vừa viết bằng y sẽ được nhất luật viết y, và ta sẽ viết my mắt, khyêm tốn, cái myệng, kyêu ngạo, cũng như viết châu Mỹ, cái yếm, con yểng, yêu dấu.
(Trang 106–107)
3. Tác giả Vũ Bá Hùng
1- Về vấn đề cái tiến chính tả.
Có thể nói về cơ bản, chữ quốc ngữ là một hệ thống chữ ghi âm giản tiện và tương đối hợp lý. Cái gọi là những trường hợp thiếu nhất quán trong cách viết ở diện âm vị và ở diện âm tiết, như báo cáo nhận xét, phần lớn đều chịu sự tác động của những qui tắc văn tự ngữ âm học rõ ràng nhất. Ví dụ: ba chữ cái C, K, Q; hai tổ hợp chữ cái ng, ngh; chữ cái g và tổ hợp chữ cái gh đều nằm trong thế kết hợp phân bố bổ sung. Theo chúng tôi, đó chính là hạt nhân hợp lý của những trường hợp bị coi là thiếu nhất quán. Những trường hợp đó vẫn là hợp lý và chấp nhận được vì chúng có quy tắc. Cho nên chúng ta hãy để nguyên và chưa nên đụng chạm tới.
Theo chúng tôi, điều bất hợp lý nhất là:
a/ Những trường hợp viết thiếu nhất quán mà không có quy tắc: viết phân biệt – i và – y; kèm theo đó viết âm đệm /w/ bằng con chữ u và o.
b/ Những trường hợp do tính bảo thủ của chữ quốcn gữ, làm cho cách viết không phản ánh được sự phát triển của ngữ âm tiếng Việt. Hiện tượng bất hợp lý này không thuộc về quy tắc nội bộ của văn tự nhưng những trường hợp trên, mặc dầu, xét về mặt đồng đại, nó cũng thiếu nhất quán mà không có quy tắc. Ví dụ: viết phân biệt d và gi. Ngoài ra, có một vài con chữ có thể được thay thế bằng con chữ khác giản tiện hơn, hợp lý hơn. Do đó, phương án cải tiến chính tả bước đầu, theo suy nghĩ của chúng tôi, phải chăng nên tập trung vào một số trường hợp cụ thể sau đây:
a/ Bỏ con chữ y, nhất loạt viết i trong tất cả các vị trí.
b/ Dùng con chữ W (v kép) thay con chữ u và o để ghi âm đệm /W/.
Hai điểm cái tiến này có liên quan chặt chẽ với nhau.
c/ Dùng con chữ z thay cho con chữ d, và gi để ghi âm /z/.
d/ Dùng con chữ f thay cho tổ hợp con chữ ph để ghi âm /f/.
đ/ Dùng con chữ d thay cho con chữ đ để ghi âm /d/.
Chúng tôi tán thành bỏ h trong các tổ hợp con chữ ngh và gh, như phương án đã đề ra.
Nhưng căn cứ vào yêu cầu, thì điểm này nên để đến bước sau và thực hiện cùng với sự cái tiến đối với ba con chữ C, K, Q.
(…)
(Trang 109–110)
4. Tác giả Vương Hữu Lễ
(…)
– Các chữ c, k, q rút gọn về một hình thức duy nhất là k. Nên để dành c cho sau này sẽ thay thế ch.
– Về chữ ghi âm đệm, có thể thống nhất hai chữ u và o vào thành một hình thức chung là w.
– Về chữ ghi âm chính, cần thay thế nhất loạt y bằng i thống nhất các lưỡng khả iê/yê/ia/ya, ươ/ưa, uô/ua vào các hình thức: iê,ươ,uô. Những chữ ghi a ghi âm /a/ cũng nên thay bằng ă, đó là trường hợp của các vần ay, au.
– Về chữ ghi âm cuối, thì thay – c bằng – k, thay – u và – o bằng – w cho thống nhất với các sửa đổi ở trên; riêng trường hợp âm cuối /j/ thì chúng tôi đang phân vân giữa – j và – y.
(…)
(Trang 112)
5. Tác giả Vương Lộc
(…)
Việc vay mượn hệ thống ngữ âm và hệ thống văn tự của nước ngoài để xây dựng chữ quốc ngữ cũng tạo ra một hạn chế của cách viết theo truyền thống. Ví dụ như cách dùng Y ở đầu âm tiết. Trong tiếng La tinh, Y và I vừa là nguyên âm, lại vừa là phụ âm. Bởi vậy để giúp các giáo sĩ lúc bấy giờ hầu hết đều thông thạo tiếng La tinh không bị lầm lẫn khi tiếp xúc với chữ quốc ngữ, những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ chủ trương dùng chữ Y Hy lạp thay cho chữ i khi nó đứng ở vị trí đầu âm tiết: iếu phải viết là yếu, nếu không có thể đọc lầm ra chữ iếu. Về điểm này A. de. Rhodes đã nói rõ như sau: "Ở đầu từ, nhất là trước một nguyên âm khác, chúng ta dùng chữ Y Hy lạp, kẻo có người coi như phụ âm".
Hạn chế của cách viết theo truyền thống còn có thể do những nguyên nhân thuần tuý ngẫu nhiên, như do thói quen của một người rồi dần dần trở thành thói quen của nhiều người. Việc dùng Y ở vị trí đầu âm tiết liền sau phụ âm là thuộc về trường hợp này. Trong cuốn từ điển của A. de Rhodes, i ở vị trí cuối từ đều viết nhất luật là i. Cuối thế kỉ XVIII, trong tài liệu chép tay của Phi li lê Bỉnh (Sách sổ sang chép các việc) mới thấy xuất hiện cách viết y thay cho i ở một trường hợp duy nhất: Lí (địa lí) viết lý. Cuối thế kỉ XIX, Génibrel đưa thêm vào cuốn Tự điển của mình một số từ nữa: kỉ và kỷ, kí và ký, li và ly, bên cạnh lí và lý đã có từ trước.
(Trang 113–114)
6. Tác giả Hoàng Phê
(…)
c) Bên cạnh vấn đề D-/GI-, còn có vấn đề I/Y. Chữ quốc ngữ đã dùng con chữ I vừa để viết nguyên âm /i/ (trong bi, in, it,v.v…), vừa để viết bán nguyên âm /j/ (trong ai, oi, ui,v.v…). Trong tiếng Việt, bán nguyên âm /j/ chỉ xuất hiện ở vị trí cuối âm tiết, ghép sau một nguyên âm, ở vị trí này không thể có nguyên âm /i/. Như vậy, hai âm vị này không bao giờ xuất hiện ở cùng một vị trí trong cấu tạo âm tiết, cho nên, để tiết kiệm số lượng kí hiệu trong bộ kí hiệu, có thể ghi bằng cùng một kí hiệu I. Nhưng bất hợp lí ở đây là điều này đã không được áp dụng một cách nhất quán: trong một số trường hợp, lại dùng Y thay cho I, và đã hình thành các quy tắc phức tạp sau đây:
1. Nguyên âm /i/ một mình làm thành âm tiết: viết Y: Y (học), Ỷ (lại).
2. Nguyên âm /i/ ở đầu âm tiết, trong âm tiết có hai âm vị: viết I: IN, IT, INH, IU, IA (nguyên âm đôi ia (// coi như là một tổ hợp hai âm vị).
3. Nguyên âm /i/ ở đầu âm tiết, trong âm tiết có ba âm vị: viết Y: YÊU, YÊN, YÊT (thật ra, đây là tổ hợp nguyên âm đôi // với một phụ âm cuối hoặc bán nguyên âm cuối).
4. Nguyên âm /i/ ở vị trí thứ hai trong cấu tạo âm tiết, sau một phụ âm đầu: viết I: BI, TIN, TIÊU, NHIÊN.
5. Nguyên âm /i/ sau bán nguyên âm /w/: viết Y: UY, TUY, HUYNH, QUYÊN.
6. Bán nguyên âm /j/:
– Viết I: AI, OI, ÔI, ƠI, UÔI, ƯI, ƯƠI;
– trừ hai trường hợp sau đây (sau một nguyên âm ngắn) viết Y: AY, ÂY (thật ra có thể viết ĂI, ÂI).
Những người sáng chế ra chữ quốc ngữ đã lúng túng trước yêu cầu phải viết phân biệt /wi/ với /uj/. Nhưng đáng lẽ nên viết phân biệt bán nguyên âm /w/ với nguyên âm /u/, vì bán nguyên âm /w/ được sử dụng khá rộng rãi, và viết, chẳng hạn, WI, phân biệt với UI, thì họ đã chọn giải pháp viết phân biệt bán nguyên âm /j/ với nguyên âm /i/, và viết UY, UI.
Tóm lại, Y dùng thay cho I trong ba trường hợp: khi đứng một mình: Y; khi đứng ở đầu âm tiết mà theo sau lại có hai con chữ nữa: YÊU, YÊN, YÊT (nhưng viết INH, ICH, vì NH, CH coi như là những con chữ kép); và trong các tổ hợp UY, AY, ÂY.
Điều này làm rắc rối thêm là dần dần lại đã hình thành những lỗi chính tả làm thành những ngoại lệ cho các quy tắc đã quá phức tạp nói ở trên:
1. Khi đứng một mình, có thể vẫn viết I, chứ không viết Y, nhưng chỉ trong một số trường hợp, thường là với những từ gọi là thuần Việt: (sức) Ì, Ì (ạch), (trẻ) Ị (nhưng nhiều người vẫn chỉ viết (lợn) Ỷ).
2. Riêng /kwi/ có thể viết QUY hoặc QUI, và /kwit/ thường chỉ viết QUIT, không viết QUYT.
3. Điều đặc biệt là chỉ riêng với mấy âm tiết hi, ki, li, mi, ti (và trong một thời kì cả si), tuỳ từng từ, tuỳ từng hình vị mà nguyên âm /i/ được viết bằng I hay Y: LI (bì), LI TI, nhưng (biệt) LY, LY (rượu); HỈ (mũi), nhưng lại (báo) HỶ. Đây là kết quả của một thói quen không rõ từ đâu, bắt đầu hình thành từ cuối thế kỉ XIX. Đầu thế kỉ này, người ta đã có nhận xét về "cái thói quen dùng Y thay cho I trong một số trường hợp" này, và cho đó là một "sự thay thế hoàn toàn không có lí do". Thật vậy, trong Từ điển A. de Rhodes, thế kỉ XVII, nguyên âm /i/ trong những âm tiết này cũng chỉ viết I, không hề viết Y. Trong từ điển Taberd (1838), thấy xuất hiện cách viết LY, nhưng chỉ trong mấy từ: (họ) Lý, hương lý, đạo lý; trong Từ điển Legrand de la Liraye (1868)m bên cạnh LY còn thấy thêm KY: ký, kỳ, kỷ. Dần dần, không phải chỉ có LY, KY bên cạnh LI, KI, mà còn có thêm HY, MY, TY, và cả SY (một dạo nhiều người quen viết (bác) SỸ), bên cạnh HI, MI, TI, SI. Điều này tạo ra một bất hợp lí hoàn toàn không có quy tắc, và một sự lộn xộn thấy rõ khi so sánh, chẳng hạn, cách viết một số từ trong bốn quyển từ điển tiếng Việt xuất bản trong vòng ba mươi năm lại đây (Từ điển Việt Nam phổ thông của Đào Văn Tập, viết tắt ĐVT; Từ-điển Việt-Nam của Thanh Nghị: TN; Việt-Nam Tự-Điển của Lê Văn Đức: LVĐ; và Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên: VT):
ĐVT | TN | LVĐ | VT |
---|---|---|---|
KÌ cọ | KỲ cọ | KÌ/KỲ cọ | KỲ cọ |
KÌ kèo | KÌ kèo | KÌ/ kèo | KỲ kèo |
HY sinh | HY sinh | HI/HY sinh | HI sinh |
MỴ dân | MỊ dân | MỊ dân | MỊ dân |
Những lối viết như HY (sinh), LÝ (luận), MỸ (thuật) là kết quả của một sự sửa đổi chính tả tự phát, tuỳ tiện, không dựa trên cơ sở khoa học, mà cũng không xuất phát từ một yêu cầu thực tiễn nào cả, chỉ có tác dụng phá hoại nguyên tắc chính tả cơ bản của chữ quốc ngữ, nhưng lại đã dần dần được xã hội thừa nhận.
(…)
(Trang 10–11)
Trong phần trích dẫn này, chúng tôi sửa lại cách viết "i/y" theo quan điểm của ngonngu.net.
7. Tác giả Lê Văn Lý
(…)
Trong bản báo cáo của bạn HOÀNG PHÊ về phương hướng giải quyết một số vấn đề cụ thể, tôi đồng ý với tác giả, tuy có trường hợp dùng i thay cho y trong chữ quốc ngữ hiện nay, có lẽ phải quy định lại cho rõ ràng hơn. Dùng i thay thế cho y trong li biệt thay vì ly biệt hay là mĩ thuật thay cho mỹ thuật, thì không có chi khó khăn và người ta dễ chấp nhận. Nhưng vấn đề i và y trong chữ quốc ngữ còn có nhiều mặt phức tạp. Viết uy như hiện nay không phải là hợp lí. Nhưng thay y bằng i, thì "uy" sẽ lẫn với "ui".
Vấn đề sẽ đơn giản, nếu ta viết hai từ "uỷ" và "ủi" của tiếng Việt hiện nay theo nguyên tắc ngữ âm:
uỷ: [wỉ]: chữ u trong uỷ không phải là âm vị /u/, nó sẽ được mô tả bằng /w/ – dấu thần âm hoá hay chúm môi – và y là âm vị /i/.
ủi: i trong ủi không phải là âm vị /i/, nó là bán nguyên âm i được mô tả bằng /j/.
Còn theo kiểu viết chữ quốc ngữ hiện nay, thì khó giải quyết. Hơn nữa, nếu ta thay thế y bằng i trong từ "hay", thì sẽ lẫn với con số "hai" (2). Cũng theo nguyên tắc ngữ âm, hai từ "hai" và "hay" của chữ quốc ngữ hiện nay sẽ được phiên âm như sau:
hai: [haj]: a ở đây là a dài (/a/), i chỉ là bán nguyên âm /j/, chứ không phải là /i/ dài.
hay: [hăj]: a ở đây là ă ngắn (/ă/), y cũng là bán nguyên âm /j/, chứ không phải là y ngắn [??? – PTL]
Một bất trắc nữa trong quan hệ thay thế y bằng i, là trong từ "quyết", ta có phải viết "quiết" không?
Mấy tỉ dụ trên cho ta thấy một số khuyết điểm trong cách phiên âm của hệ thống chữ quốc ngữ hiện nay (…).
(Trang 90–91)
Trong phần trích dẫn này, chúng tôi sửa lại cách viết "i/y" theo quan điểm của ngonngu.net.
* Trong quá trình trích dẫn, chúng tôi cố gắng viết đúng cách ghi Y/I của bản in (trừ trường hợp các ví dụ và một số trường hợp cụ thể khác có ghi chú kèm theo). Còn với vị trí đặt dấu thanh điệu, do khó theo dõi nên, trừ trường hợp các ví dụ, chúng tôi sẽ thống nhất ghi lại theo quan điểm của ngonngu.net.