Giới thiệu
• Trước 1945
• Sau 1945 đến trước 1990
• Sau 1945 đến trước 1990 (tiếp theo)
• Từ 1990 đến nay
• Tài liệu tham khảo
Bước sang những năm 90, lĩnh vực nghiên cứu cú pháp tiếng Việt sôi động hẳn với việc công bố cuốn “Tiếng Việt- Sơ thảo ngữ pháp chức năng, Quyển 1” của Cao Xuân Hạo. Sau khi cuốn sách ra đời, đã có nhiều cuộc thảo luận được tổ chức xoay quanh chủ đề Ngữ pháp Chức năng và tiếng Việt. Phải thừa nhận rằng, cuốn sách của Cao Xuân Hạo đã mang lại một luồng gió mới cho cả nền ngôn ngữ học nước nhà và hiện nay, những vấn đề mà cuốn sách đặt ra vẫn đang còn là thời sự. Vì vậy, đánh giá cho hết những đóng góp mà cuốn sách mang lại là một công việc rất khó khăn. Tuy nhiên, khoảng cách 10 năm cũng có thể xem là tạm đủ để nêu lên những đóng góp cũng như những gợi mở của cuốn sách.
Cái mới mà “Sơ thảo” (tức “Tiếng Việt- Sơ thảo ngữ pháp chức năng, Quyển 1” của Cao Xuân Hạo) mang lại là một tinh thần chống chủ nghĩa “Dĩ Âu vi trung” trong nghiên cứu câu tiếng Việt. Tác giả “Sơ thảo” cho rằng, gần như tất cả những miêu tả ngữ pháp trong nhà trường lâu nay chỉ là một sự rập khuôn máy móc ngữ pháp của tiếng Châu Âu, mà điển hình nhất là việc gán cho cấu trúc chủ vị cái cương vị là cấu trúc cú pháp cơ bản của câu tiếng Việt. Theo tác giả, cấu trúc chủ vị, như vẫn thường được hiểu, chỉ thích hợp cho việc miêu tả các thứ tiếng Châu Âu. Còn đối với một thứ tiếng như tiếng Việt, cái cấu trúc cú pháp cơ bản ấy là một cấu trúc khác: cấu trúc Sở đề-Sở thuyết. Hai thành tố của cấu trúc này tương ứng với hai thành phần của một hành động nhận định hay hành động mệnh đề. Trong tiếng Việt, ranh giới của Sở đề (gọi tắt là Đề) và Sở thuyết (gọi tắt là Thuyết) được đánh dấu bằng khả năng thêm các tác tử thì, là, mà. Cấu trúc của câu trần thuật được “chia hết” cho hai thành phần Đề, Thuyết và câu có thể có một bậc Đề Thuyết hoặc có từ hai bậc Đề Thuyết trở lên. Chẳng hạn, câu “Tôi dạo này ở nhà con cái đứa thì đi học đứa thì đi làm, phải thổi cơm lấy mà ăn” có đến 5 bậc cấu trúc Đề Thuyết như sau (1991, trang 174):
Cao Xuân Hạo cho rằng cách tiếp cận chức năng là thích hợp nhất để miêu tả ngữ pháp tiếng Việt. Cách tiếp cận chức năng nhìn thấy sự thống hợp của ba bình diện nghiên cứu câu là kết học, nghĩa học và dụng học, tuy nhiên đòi hỏi người nghiên cứu phải biết phân biệt ba bình diện nghiên cứu này một cách tách bạch, không được lẫn lộn những sự kiện của bình diện này sang bình diện khác (đây, theo tác giả, vốn là một trong nhược điểm phổ biến ở các tác giả đi trước, chẳng hạn tình trạng dùng các đặc điểm nghĩa học để gán nhãn các thành phần cấu trúc của câu, vốn thuộc bình diện kết học).
Cuốn sách của Cao Xuân Hạo cũng nêu lên hoặc đặt lại một loạt vấn đề cơ bản trong nghiên cứu cú pháp: câu là gì, câu và các đơn vị của ngôn ngữ, cấu trúc chủ vị và cấu trúc Đề Thuyết trong ngôn ngữ học hiện thời, cấu trúc nghĩa của câu, những vấn đề về dụng pháp… Về cách giải quyết các vấn đề cụ thể, có thể đồng ý hoặc không đồng ý với tác giả. Tuy nhiên, trong nghiên cứu cú pháp hiện đại, người nghiên cứu ngày nay không thể không bàn đến những vấn đề mà Cao Xuân Hạo đã nêu ra trong Sơ thảo (và trong những bài viết khác về sau). Sự cân đối và giản dị trong giải pháp dùng cấu trúc Đề Thuyết để miêu tả câu tiếng Việt là một trong những ưu điểm của tác giả.
Quan điểm của Cao Xuân Hạo có được sự ủng hộ từ một số nghiên cứu trong ngôn ngữ học quốc tế. Chúng tôi thấy cần dẫn ra đây một số nghiên cứu mà chúng tôi cho là rất quan trọng để có thể hiểu được đóng góp của Cao Xuân Hạo đối với ngữ pháp tiếng Việt.
Trước hết, đó là nghiên cứu của Keenan nhằm xác lập một định nghĩa phổ quát về chủ ngữ. Trong bài báo "Tiến tới một định nghĩa phổ quát cho chủ ngữ" (1976), tác giả khảo sát chủ ngữ của các câu cơ bản (được lấy từ nhiều ngôn ngữ khác nhau), từ đó đưa ra một danh sách gồm 30 thuộc tính đặc trưng của chủ ngữ, gồm có các thuộc tính liên quan đến tính độc lập, các thuộc tính liên quan đến hình thái, các thuộc tính liên quan đến vai nghĩa, các thuộc tính liên quan đến sự khống chế trực tiếp (tức liên quan đến cấp bậc trong câu). Các thuộc tính này được xem là tiêu chí để xác định chủ ngữ. Danh ngữ nào thoả mãn càng nhiều thuộc tính thì càng "ra vẻ là chủ ngữ". Trong thực tế, không một danh ngữ nào trong các ngôn ngữ trên thế giới có thể thoả mãn đầy đủ 30 thuộc tính này để có thể được xem là một chủ ngữ "lí tưởng". Vì vậy, ý định xây dựng một định nghĩa chủ ngữ phổ quát (tức có thể áp dụng cho tất cả các ngôn ngữ) của Keenan rõ ràng là thất bại: chỉ có thể định nghĩa chủ ngữ cho/của từng ngôn ngữ, tức không thể có một khái niệm chủ ngữ phổ quát mà chỉ có khái niệm "chủ ngữ của" (subject of) áp dụng cho từng ngôn ngữ riêng biệt.
Trong thực tế, danh ngữ trong các ngôn ngữ khác nhau thì thoả mãn một số lượng không giống nhau các thuộc tính trên đây. Và đây chính là cơ sở để Li và Thompson nêu ra một cách phân loại loại hình học mới: các ngôn ngữ thiên chủ ngữ (subject-prominent) hay thiên chủ đề (topic-prominent) (1976). Các ngôn ngữ thiên chủ đề chính là những ngôn ngữ mà
trong đó, các danh ngữ đáp ứng một số lượng quá ít ỏi các thuộc tính được dùng làm tiêu chí xác định chủ ngữ phổ quát trên đây, tức chúng ít "ra vẻ là chủ ngữ". Tiếng Hán, tiếng Lisu, tiếng Lahu… có thể được dẫn ra như là những ngôn ngữ thiên chủ đề như vậy. Li và Thompson cho rằng: "Khái niệm Chủ đề (topic) phải được tính đến khi xây dựng một miêu tả ngữ pháp thích đáng cho các ngôn ngữ này, và kiểu câu Đề Thuyết (topic-comment) phải được xem là thuộc vào những kiểu câu cơ sở của ngôn ngữ" (1976, tr 483).
Áp dụng những kết quả trên đây vào nghiên cứu tiếng Việt, Dyvik (1984) đã thấy được vai trò của tiểu từ thì với tư cách là một tác tử phân giới Đề Thuyết. Một câu như "Cuộc hoả hoạn ấy thì sáng nay các lính chữa lửa đến sớm" được Dyvik phân tích như sau:
Divik cho rằng "tiếng Việt có thể được xem là ngôn ngữ thiên chủ đề" (1984, 63). Tuy nhiên, bởi khả năng tiếng Việt có thể có cấu trúc bị động, tác giả cho rằng cách phân tích này bị không thực sự chiếm ưu thế tuyệt đối và có thể nghĩ đến mầm mống của một cấu trúc chủ vị song song, tách biệt với cấu trúc Đề Thuyết (1984, 63).
Đặt trong bối cảnh về một xu hướng loại hình học mới như vậy, có thể thấy giải pháp mà Cao Xuân Hạo đề xuất về cấu trúc câu tiếng Việt vừa độc đáo nhưng lại vừa không hoàn toàn xa lạ. Tuy ở điểm này hay điểm nọ, có thể có những bàn bạc, điều chỉnh hoặc bổ sung nhưng ở thời điểm hiện nay có thể khẳng định chắc chắn một điều là cuốn sách của Cao Xuân Hạo đã thúc đẩy việc nghiên cứu cú pháp tiếng Việt chuyển sang một bước phát triển mới.
Trong một định hướng khác, vừa tiếp thu lí luận ngôn ngữ học hiện đại và Đông phương học quốc tế vừa không bài xích các khái niệm ngôn ngữ đã được dùng để miêu tả tiếng Việt trước đó, Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp đã cố gắng nêu một giải pháp nhất quán và chặt chẽ về "Thành phần câu tiếng Việt" (1998). Theo giải pháp này, các thành phần câu tiếng Việt được phân xuất và nhận diện trên cả hai bình diện nội dung và hình thức. Giải pháp này cũng cho phép thấy được tính "lập thể", đa chiều kích của câu, phân biệt nòng cốt câu (lõi câu) với các thành phần phụ, trong đó ngoài các thành phần có tính truyền thống như trạng ngữ, khởi ngữ, các tác giả còn đề xuất định ngữ câu với tư cách là thành phần phụ thể hiện thái độ hay lập trường của người nói đối với điều được nói ra, còn tình thái ngữ là chỉ báo cho kiểu mục đích phát ngôn điển hình của câu.
Nếu Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp phân xuất và nhận diện các thành phần câu tiếng Việt trên cả hai bình diện nội dung và hình thức theo một cách chung nhất, thì Ðào Thanh Lan lại chủ trương vận dụng cùng một lúc 5 tiêu chí để xác lập bộ khung cấu trúc của câu đơn tiếng Việt. Sơ đồ về đặc điểm các thành phần thuộc khung cấu trúc câu đơn sau đây phản ánh luận điểm cơ bản của tác giả:
Tên thành phần câu → Tiêu chí phân định ↓ |
Chu ngữ (Ch) |
Minh xác ngữ (Mx) |
Đề ngữ (Đ) |
Định ngữ (Đi) |
Thuyết ngữ (T) |
Bổ ngữ (B) |
Trạng ngữ (Tr) |
---|---|---|---|---|---|---|---|
1. Nghĩa tạo lập phát ngôn | nêu phạm vi để nhận định ở nòng cốt có hiệu lực | minh xác cho danh từ làm Đề | nêu chủ đề của sự nhận định | bổ sung ý nghĩa hạn định cho danh từ | nêu điều nhận định, thuyết minh (nói về) cho chủ đề | bổ sung chi tiết phụ chuyên môn cho vị từ do ngữ nghĩa của vị từ chi phối | bổ sung chi tiết phụ chung cho vị từ bất kì |
2. Nghĩa biểu thị thực tại khách quan | nêu chu cảnh về thời gian, không gian, cảnh huống, nguyên nhân, mục đích | nêu đặc trưng minh xác | nêu thực thể | nêu đặc trưng hạn định | nêu đặc trưng thông báo | nêu thực thể, nhận dịnh bôt sung cho vị từ | nêu chu cảnh về thời gian, không gian, cảnh huống, nguyên nhân, mục đích |
3. Vai trò quan hệ cú pháp | phụ cho cả nòng cốt (có thể lược bỏ) | phụ cho danh từ làm Đề | chính (không bỏ được) | phụ cho danh từ hạt nhân | chính (không bỏ được) | phụ cho vị từ | phụ cho vị từ |
4. Hình thức biểu hiện bằng vị trí | trước nòng cốt (Đ–T) | trước danh từ làm Đề | trước Thuyết | sau danh từ hạt nhân | sau Đề | sau vị từ | sau vị từ và Bổ ngữ |
5. Hình thức | – Dt (Danh từ thời gian) – Dk (Danh từ không gian) – gt + Ds (Giới từ + Danh từ sự vật) |
– V (vị từ) – là + D (danh từ) – như + D (danh từ) – cú (Đ–T) |
– D – cú |
– V – D – là + D – như + D – cú |
– V (câu tả) – là + D (câu thuận) – như + D (câu so sánh) – Cú (khi Đề là D) |
– Danh – Cú |
– Dt – Dk – gt + Ds |
(Ðào Thanh Lan (2002), tr. 253)
Theo chúng tôi, sử dụng nhiều tiêu chí là một giải pháp thường gặp khi nhà nghiên cứu gặp phải những vấn đề phức tạp, ở đó tính chất trung gian của một số đối tượng khiến cho việc áp dụng một hoặc hai tiêu chí gặp khó khăn. Có điều, người nghiên cứu phải đảm bảo được rằng những tiêu chí ấy chỉ bổ sung chứ không loại trừ hoặc mâu thuẫn nhau. Kinh nghiệm dùng kết hợp các tiêu chí (tiêu chí về nghĩa từ vựng và tiêu chí về đặc điểm ngữ pháp) trong việc phân định từ loại là một bài học: trong rất nhiều trường hợp, tiêu chí sau mâu thuẫn với tiêu chí trước. Frawley (1992) cho rằng quan niệm có thể dùng ý nghĩa từ vựng (dù là ý nghĩa từ vựng khái quát), kết hợp với đặc điểm ngữ pháp để làm tiêu chí phân định từ loại chỉ là một ảo tưởng, chính các đặc điểm ngữ pháp mới có tiếng nói quyết định. Lê Hoàng (2005) đã rất đúng khi cho rằng “một từ tiếng Nga действиe có từ căn là действ mang ý nghĩa từ vựng chỉ hành động, nhưng nhờ có hình thái giống những danh từ chỉ sự vật khác mà được gọi là danh từ. Ngược lại, những từ trong tiếng Anh như (to) water, (to) lawn, tuy có từ căn water, lawn mang ý nghĩa từ vựng chỉ sự vật, nhưng có hệ hình giống như những động từ chỉ hành động (hoặc trạng thái) khác nên được gọi là động từ” (Lê Hoàng 2005). Ðó là chưa tính đến trường hợp một đối tượng có thể chỉ đáp ứng một số tiêu chí mà thôi chứ không đáp ứng toàn bộ các tiêu chí (chẳng hạn 2 trên tổng số 5 tiêu chí, 3 trên tổng số 5 tiêu chí…), khi đó đối tượng sẽ được gọi tên như thế nào ? Sự phát triển của lí thuyết Ðiển mẫu (Prototype), bắt đầu trong nghiên cứu từ vựng, sau đó mở rộng cho cả ngữ pháp, là sự phê phán đối với việc áp dụng các tiêu chí cần và đủ để gán định nhãn hiệu cho đối tượng. Càng ngày, người ta thấy cần khẳng định sự tồn tại của những trường hợp không điển hình (không điển mẫu) bên cạnh những trường hợp điển hình (điển mẫu).
Trong cảm hứng phê phán các khuynh hướng hình thức cùng những nghi vấn về tính phổ quát của những khái niệm lâu nay vẫn được dùng để miêu tả ngữ pháp tiếng Việt cũng như các ngôn ngữ đơn lập khác, Lê Hoàng (2002b) đã chủ trương xây dựng một thứ ngữ pháp ngữ nghĩa, mà tác giả cho là thích hợp với việc miêu tả tiếng Việt. Gọi W là từ, L là thành tố có tính từ vựng và G là thành tố có tính ngữ pháp, tác giả cho rằng trong tiếng Việt, xác định từ là một việc nan giải, mà nếu có xác định được đi chăng nữa thì thực từ cũng chỉ có mô hình W=L, do đó “quy tắc cú pháp tuy vẫn có thể xây dựng dựa vào thuộc tính của (L) (khả năng kết hợp chẳng hạn), nhưng không thể dựa vào yếu tố nội tại (G) được. Thay cho yếu tố (G) này chỉ có thể là trật tự từ và việc sử dụng các hư từ mà thôi. Nhưng nếu trật tự từ chủ yếu là sự phản ánh khả năng kết hợp nghĩa giữa các từ chứ không phải những quy tắc độc lập với nghĩa và hư từ có mức độ ngữ pháp hóa thấp thì có thể xem cú pháp như những quy tắc kết hợp nghĩa (L) giữa các từ. Nói cách khác, ta có cú pháp = ngữ nghĩa” (Lê Hoàng 2002b). Cụ thể, tác giả cho rằng có thể thực hiện việc miêu tả cú pháp tiếng Việt bằng cách “tiến hành phân tích và miêu tả các thuộc tính của (G), sau đó chi tiết hóa bằng việc tìm hiểu quan hệ qua lại của chúng với các ý nghĩa có tính chất phạm trù của (L)”. Và “đối với một ngôn ngữ như tiếng Việt, cần xây dựng một khung lý luận ngữ pháp = ngữ nghĩa, nghĩa là phân tích và miêu tả những quy tắc cú pháp chủ yếu dựa trên những loại ý nghĩa phạm trù của các từ, tức là những ý nghĩa nào có giá trị ngữ pháp, thể hiện quan những chế ước về hình thức cú pháp có thể quan sát được” (Lê Hoàng 2002b). Ðối với một ngôn ngữ đơn lập, không biến đổi hình thái như tiếng Việt, cách tiếp cận của tác giả tỏ ra rất có triển vọng. Vấn đề đặt ra là có bao nhiêu loại ý nghĩa phạm trù sẽ được xác định, và từ đó, có bao nhiêu qui tắc cú pháp sẽ được khái quát từ sự chế ước của những ý nghĩa phạm trù đó. Ðây quả thật là một công việc rất lí thú nhưng không hề dễ dàng.
Trong một thử nghiệm gần đây nhất, Diệp Quang Ban (2004) đã áp dụng mô hình ngữ pháp chức năng của Halliday (1985) để phân tích câu tiếng Việt theo ba siêu chức năng (siêu chức năng kinh nghiệm, siêu chức năng liên nhân và siêu chức năng văn bản). Trong công trình này, lần đầu tiên, tác giả đề cập đến vấn đề thức của câu tiếng Việt. Tác giả cho rằng trong những ngôn ngữ biến hình từ, cấu trúc thức thể hiện trước hết ở sự biến hình của động từ theo thức và thức của động từ là hiện tượng thuộc phạm trù cú pháp-hình thái học. Còn trong những ngôn ngữ như tiếng Việt, động từ không biến hình, người ta phải nói đến thức của câu (sentence mood: “Thức của câu là giá trị tình thái của các kiểu câu trong sử dụng” (tr. 39). Tác giả cho rằng thức của câu tiếng Việt được diễn đạt bằng những dấu hiệu hình thức (những yếu tố ngôn ngữ) ít nhiều có tính chất chuyên dụng, với tên gọi là biểu thức thức (mood expressions), đó là “một số hư từ, một số phụ từ và một số bán thực từ” (tr 40). Phần còn lại trong câu có quan hệ với biểu thức thức được gọi là phần dư (Residue). Tác giả phân tích một số ví dụ như sau:
Anh tìm cái | gì? |
Phần dư | Biểu thức nghi vấn |
Hãy | đi tìm Giáp | đi |
Phần dư | ||
Biểu thức cầu khiến |
Chúng tôi đồng ý rằng hoàn toàn có thể nói đến thức của câu trong tiếng Việt nói riêng và trong các ngôn ngữ đơn lập nói chung, bởi vì khái niệm này có lợi cho việc miêu tả chức năng liên nhân của câu. Phạm trù thức không nên bó hẹp trong ngôn ngữ biến hình, như một phạm trù ngữ pháp của động từ. Huleddston (1984) đã từng đề nghị cái gọi là thức phân tích tính (Analytic Mood), mang tính cú pháp, phân biệt với thức tổng hợp tính, mang tính hình thái học, vốn quen thuộc trong các ngôn ngữ biến hình(1).
Sự phân tích của Diệp Quang Ban về các loại cấu trúc khác nhau của câu tiếng Việt: cấu trúc cú pháp, cấu trúc nghĩa biểu hiện (chức năng biểu hiện), cấu trúc thức (chức năng liên nhân), cấu trúc đề (chức năng văn bản) là một nỗ lực rất đáng ghi nhận, vì đã cho thấy cấu trúc nhiều chiều kích của câu. Tuy nhiên, cũng như Hoàng Văn Vân (2002) trước đó, với công trình miêu tả cú tiếng Việt theo bình diện nghĩa kinh nghiệm, chúng ta thấy tất cả mới chỉ là những phác thảo, có tính thử nghiệm: tiếng Việt được lấy làm dữ liệu để kiểm nghiệm cho một đường hướng lí thuyết mới. Liệu lí thuyết ấy có làm sáng tỏ được những đặc điểm của tiếng Việt hay không, đó là một câu hỏi vẫn đang còn để ngỏ và đang chờ đợi những nghiên cứu tiếp theo.
Thật khó có thể điểm lại tất cả những công trình đã có về cú pháp tiếng Việt (hoặc dưới dạng sách, hoặc dưới dạng chuyên luận, hoặc dưới dạng các bài nghiên cứu). Trên đây chỉ là một số rất ít tác giả và công trình được dẫn có liên quan trực tiếp đến vấn đề miêu tả cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt. Ngoài ra, còn rất nhiều tác giả và công trình quan trọng khác, mà chúng tôi xin được nêu ra như sau: Lê A, Lê Cận, Mai Ngọc Chừ, Nguyễn Cao Ðàm, Ðinh Văn Ðức, Hoàng Văn Vân, Nguyễn Lai, Hồ Lê, Vũ Ðức Nghiệu, Ðái Xuân Ninh, Hoàng Trọng Phiến, Nguyễn Anh Quế, Nguyễn Thị Quy, Hữu Quỳnh, Lê Xuân Thại, Phan Thiều, Hoàng Văn Thung, Bùi Minh Toán… Danh sách này, dù có cố gắng đến mấy, chắc chắn vẫn còn thiếu sót (2). Và việc điểm lại toàn bộ những đóng góp của các nhà Việt ngữ chắc chắn phải là công việc dài hơi, của cả một tập thể, trong tương lai.
Nhìn lại lịch sử nghiên cứu cú pháp tiếng Việt, có thể nói hầu như tất cả những lí thuyết cú pháp quan trọng của thế giới đều đã có ảnh hưởng đến việc nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt ở một mức độ nào đó và các nhà Việt ngữ học, mỗi người mỗi vẻ, đã đóng góp phần công sức của mình vào công cuộc nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt nói chung. Việc trình bày toàn bộ những đóng góp như vậy, thiết nghĩ, là một nhiệm vụ quá khó đối với chúng tôi. Phần tổng quan này, vì vậy, chỉ là một sự trình bày hồi cố hết sức giản lược, theo tinh thần “ôn cố tri tân” trước khi chúng tôi đi đến xác định cách tiếp cận của riêng chúng tôi đối với cú pháp tiếng Việt.
_______________
(1) Tương tự, cũng không nên bó hẹp ‘bị động’ chỉ như là một phạm trù ngữ pháp gắn với động từ trong các ngôn ngữ châu Âu. Hoàn toàn có thể nói đến câu bị động hoặc cấu trúc bị động trong các ngôn ngữ đơn lập. Miêu tả của Huang ( 1999 ) về câu bị động trong tiếng Trung Quốc là một ví dụ cho chúng ta tham khảo.
(2) Chẳng hạn, gần đây qua mạng Internet chúng tôi mới biết đến công trình nghiên cứu cú pháp tiếng Việt của Dũng Vũ (“Tiếng Việt và ngôn ngữ học hiện đại – Sơ thảo về cú pháp” trên talawas.org), công trình ngữ pháp của Phạm Văn Hải (“Tìm hiểu tiếng Việt – Tiếng kèm” trên viethoc.org)