Giới thiệu
• Trước 1945
• Sau 1945 đến trước 1990
• Sau 1945 đến trước 1990 (tiếp theo)
• Từ 1990 đến nay
• Tài liệu tham khảo
Trong những năm 70, 80 cũng nổi lên xu hướng hình thức hoá trong nghiên cứu cú pháp tiếng Việt, thể hiện ở một số nghiên cứu của nhà Việt ngữ người Nga Panfilov về thành phần câu tiếng Việt. Có lẽ Panfilov đã chịu ảnh hưởng từ những nghiên cứu trước đó của Jakhontov về thành phần câu tiếng Hán, mà tinh thần chủ yếu là xây dựng những thủ pháp phân xuất, nhận diện các thành phần cấu trúc trong câu một cách nghiêm ngặt. Panfilov đã xây dựng “những khái niệm xuất phát” để có thể phân tích và miêu tả câu tiếng Việt một cách có hệ thống và không mâu thuẫn. Chẳng hạn, tác giả đã cố gắng hình thức hoá các thao tác để xác định các quan hệ ngữ pháp trong câu, phân biệt quan hệ ngữ pháp và quan hệ ngữ nghĩa, xem đó là cơ sở để có thể phân tích và miêu tả đúng đắn cấu trúc của câu tiếng Việt. Theo đó trong câu : “Tôi khuyên anh nghỉ”, tác giả chỉ thừa nhận quan hệ ngữ pháp tồn tại trong các kết hợp “tôi khuyên”, ‘khuyên anh”, “khuyên nghỉ”… Giữa “anh” và “nghỉ” không tồn tại quan hệ ngữ pháp, mặc dù quan hệ ngữ nghĩa giữa chúng là rất rõ ràng [Panfilov 1984,66]. Với một sự phân tích như vậy thì câu trên đây sẽ được phân tích theo mô hình thành phần câu có hai bổ ngữ là:
Tôi | khuyên | anh | nghỉ |
C | V | B1 | B2 |
Tương tự với những gì mà Jakhontov đã làm trong tiếng Hán, Panfilov cũng cố gắng “hình thức hoá” khái niệm “tính trọn vẹn”, xem đấy là cơ sở để xác định nòng cốt câu. Nhiều nhà ngôn ngữ học đã khẳng định rằng người bản ngữ nào cũng có cảm thức về tính trọn vẹn của câu, tuy nhiên việc xác định nó một cách hiển ngôn lại không hề là một việc dễ dàng. Jakhontov và Panfilov đã định nghĩa “tính trọn vẹn” thông qua khái niệm “tính không trọn vẹn”, và với cách làm đó, có thể nói là các tác giả đã hình thức hoá được khái niệm "tính trọn vẹn" của câu một cách rất độc đáo.
Cần nói thêm là Panfilov (1980), cũng như nhóm Nguyễn Tài Cẩn, N. Xtankevich, Bưxtrov trước đó (1975) đã đề cập đến cái gọi là cấu trúc “phân đoạn thực tại” hay “phân đoạn thông tin” khi phân tích câu tiếng Việt. Khái niệm này vốn được trường phái Ngôn ngữ hoc chức năng Praha nêu ra từ những năm 30 và cho đến nay vẫn là một trong những tâm điểm chú ý của các nhà cú pháp học. Trong văn liệu tiếng Việt, Lí Toàn Thắng cũng có một bài viết đề cập đến vấn đề này (1981). Bài viết này hiện nay vẫn được trích dẫn tham khảo trong các luận văn đại học và sau đại học.
Xu hướng hình thức hoá trong nghiên cứu cú pháp tiếng Việt đã được Nguyễn Minh Thuyết thực hiện một cách triệt để đối với chủ ngữ của câu. Tác giả cho rằng những tiêu chí về trật tự và hư từ không đáng tin cậy để phân biệt các nhãn hiệu hình thức trong cấu trúc câu, bởi vậy trong một giải pháp tổng thể, tác giả đã xây dựng một bộ các thủ pháp hình thức, gồm có phép lược, phép thế, phép bổ sung, phép cải biến, phép nguyên nhân hoá nhằm làm bộc lộ những khác biệt hình thức của các thành phần cấu trúc của câu. Trong luận án phó tiến sĩ “Chủ ngữ trong tiếng Việt” (1981), tác giả đã đưa ra những tiêu chí hình thức để phân biệt chủ ngữ với các thành phần câu khác, đặc biệt phân biệt chủ ngữ với bổ ngữ, là vấn đề ít được quan tâm trước đó trong Việt ngữ học. Tiêu chí phân biệt chủ ngữ và bổ ngữ là thái độ cú pháp khác nhau của hai thành phần câu này khi nòng cốt được đưa vào khuôn kiến trúc nguyên nhân (thủ pháp nguyên nhân hoá), với vị từ trung tâm là các động từ khiên động như bắt, buộc, khiến, sai, nhờ… hoặc các động từ đánh giá, nhận thức như cho (là), coi (là)… Chỉ có chủ ngữ mới có thể làm bổ ngữ thể từ tính, hay nói cách khác, chỉ có chủ ngữ mới có thể đứng sau vị từ trung tâm của khuôn kiến trúc nguyên nhân. Việc áp dụng một cách nhất quán các tiêu chí hình thức như vậy đã đem lại những kết quả thú vị. Chẳng hạn, tác giả thừa nhận tư cách chủ ngữ của các ngữ đoạn chỉ chỉ vị trí, nơi chốn trong các câu như “Trên đồn im như tờ”, “Trong nhà ra mở cửa”, hoặc thừa nhận kiểu câu “Tôi còn tiền” có hai loại chủ ngữ khác nhau là chủ ngữ chủ đề và chủ ngữ ngữ pháp… Hướng đi của Nguyễn Minh Thuyết rất đáng được ghi nhận, bởi lẽ hướng đi này mang tinh thần của ngôn ngữ học hiện đại. Như mọi người đều biết, thực chất của cách phân chia loại hình học cú pháp, đối lập các ngôn ngữ đối cách (accusative) và các ngôn ngữ chủ cách (ergative) chính là dựa trên sự đối lập hình thức nhằm phân biệt chủ ngữ và bổ ngữ trong câu. Nói như T. Givón, có thể xem “việc xác định một cách hình thức chủ ngữ trong câu chỉ là một phần của việc phân biệt chủ ngữ và bổ ngữ” [1984, 145].
Trong giai đoạn những năm 70, 80 cần ghi những những phát hiện khác về cơ cấu câu tiếng Việt cùng những đặc trưng ngữ nghĩa-chức năng của chúng. Diệp Quang Ban (1981) và Trần Ngọc Thêm đã thấy được vai trò không thể thiếu được của thành phần vẫn được gọi là trạng ngữ trong câu tồn tại. Đây là luận cứ quan trọng để đi đến sự thừa nhận rằng trạng ngữ trong câu tồn tại thực chất là một loại bổ ngữ bắt buộc của câu, là diễn tố thứ hai của vị từ tồn tại trung tâm (diễn tố thứ nhất là danh ngữ đứng sau vị từ tồn tại). Những nghiên cứu theo lí thuyết kết trị của Tesnière và các kiểu sự tình sau này đều khẳng định nhận định này. Sự phân biệt của Diệp Quang Ban giữa lõi câu và khung câu cũng là một sự phân biệt tinh tế và thuyết phục. Trong những năm 90, trong ngôn ngữ học thế giới, một số nhà ngôn ngữ theo hướng ngữ pháp ngữ nghĩa như S. Dik, Van Valin cũng chủ trương một sự phân biệt tương tự như vậy khi phân tích câu.
Chịu ảnh hưởng của “Lí thuyết phân đoạn thực tại” cùng những nghiên cứu về cái gọi là “Phối cảnh chức năng” của câu, Lưu Vân Lăng và sau đó Trần Ngọc Thêm (1985) đều dùng các khái niệm Đề, Thuyết để miêu tả nòng cốt câu tiếng Việt. Từ những năm 70, Lưu Vân Lăng đã chủ trương phân tích câu theo ngữ đoạn tầng bậc có hạt nhân. Sau này, ý tưởng của tác giả được trình bày cụ thể như sau: “nòng cốt câu do thành tố nòng cốt (đề tố, thuyết tố) tạo nên. Hạt nhân đề tố, thuyết tố đều có thể phát triển thêm các phụ tố. Hạt nhân vị từ phát triển thêm bổ tố và trạng tố… Ngoài nòng cốt chỉ là những bộ phận thêm gọi là gia tố… Trước hết đây là những bộ phận có tính biệt lập như chú giải, hô ngữ (than gọi)… Lại có những bộ phận không biệt lập như: chuyển tiếp, dẫn khởi… Trên thực tế các gia tố như dẫn khởi, chuyển tiếp, hô cảm thường đặt ở đầu câu. Nhưng có khi gia tố (như chú giải, hô cảm…) không những đứng ở cuối mà còn chen vào giữa… Nên khi phân tích câu, cần phân biệt nòng cốt với gia tố, để thấy rõ phần đề, phần thuyết” [1987,18–19].
Như đã thấy, cặp khái niệm đề/thuyết của Lưu Vân Lăng dùng để phân tích cấu trúc cú pháp của câu thực chất chẳng khác gì cặp khái niệm chủ ngữ/vị ngữ của truyền thống. Chúng khác xa với cặp khái niệm Sở đề-Sở thuyết được Cao Xuân Hạo dùng sau này. Trong khi đó, tuy cũng dùng cặp khái niệm Đề-Thuyết, nhưng Trần Ngọc Thêm vẫn giữ nguyên những khái niệm thành phần câu truyền thống như chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, bổ ngữ … Tác giả cho rằng câu tiếng Việt có 4 loại nòng cốt như sau:
Nòng cốt đặc trưng: C → V
Nòng cốt quan hệ : C → V-B
Nòng cốt tồn tại : Tr → V-B
Nòng cốt qua lại : xA→yB [1]
Như vậy, quan hệ đề-thuyết mà Trần Ngọc Thêm dựa vào để xác định nòng cốt câu không đồng nhất với quan hệ chủ vị, cũng không đồng nhất với quan hệ nêu-báo thường được dẫn ra trong phân tích phân đoạn thực tại câu. Tác giả cho rằng: “Cấu trúc của mọi câu đều chia làm 2 phần: một phần là trung tâm ngữ pháp (trung tâm tổ chức) của câu, gọi là phần đề…: còn phần kia là trung tâm ngữ nghĩa của câu, gọi là phần thuyết… nó luôn luôn đứng sau phần đề” [1985, 50]. Có thể thấy rằng định nghĩa này thiếu hẳn những tiêu chí hình thức cho phép nhận biết các thành phần đề, thuyết và điều đáng nói hơn là, ta không rõ tác giả đã thực sự đứng ở địa hạt nào để xác định nòng cốt câu, chẳng lẽ nòng cốt câu lại là sự kết hợp của một trung tâm ngữ pháp (đề) với một trung tâm ngữ nghĩa (thuyết)? Tuy nhiên, với cố gắng nối kết cú học với nghĩa học (theo nghĩa rộng), Trần Ngọc Thêm đã tỏ ra có cái nhìn chức năng trong việc nghiên cứu câu.
Những thành tựu nghiên cứu cú pháp tiếng Việt cùng với sự hình thành đội ngũ những nhà nghiên cứu ngữ pháp đã dẫn đến sự ra đời của công trình tập thể “Ngữ pháp tiếng Việt” của Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam vào năm 1983. Có thể đánh giá công trình này theo nhiều cách khác nhau. Có thể cho rằng đây là một công trình rất sâu sắc nhưng giản dị, dễ hiểu và dễ vận dụng. Tuy nhiên, cũng có thể thấy tính chất thoả hiệp, cố gắng dung hoà các ý tưởng khác nhau được thể hiện một cách không thực sự nhuần nhuyễn trong công trình này. Chẳng hạn, việc gạt bỏ bổ ngữ ra khỏi danh sách thành phần câu (xem chúng chỉ là thành phần của cụm từ) là dấu ấn của lí thuyết từ tổ trong phân tích cú pháp. Việc sử dụng cặp tên gọi Đề-Thuyết để miêu tả nòng cốt câu là ảnh hưởng của lí thuyết “Phân tích câu theo tầng bậc hạt nhân” (do Lưu Vân Lăng khởi xướng). Còn việc biểu diễn cấu trúc các đoản ngữ (gồm các thành tố phụ đằng trước và đằng sau quây quần quanh trung tâm) là phản quang của những thành tựu nghiên cứu cấu trúc đoản ngữ tiếng Việt.
[1] Liên kết hệ thống văn bản tiếng Việt. Nxb Giáo dục, 2001, trang 48:
Nòng cốt đặc trưng: CT → VR
Nòng cốt quan hệ : CT → (Vq-B)R
Nòng cốt tồn tại : TrT → (Vt-B)R
Nòng cốt qua lại : xVT→yVR
Trở lại: Sau 1945 đến trước 1990
Đọc tiếp: Từ 1990 đến nay