Giới thiệu
• Trước 1945
• Sau 1945 đến trước 1990
• Sau 1945 đến trước 1990 (tiếp theo)
• Từ 1990 đến nay
• Tài liệu tham khảo
Có lẽ những trình bày đầu tiên về cú pháp tiếng Việt là những ghi chú sơ sài về từ loại, vai trò của trật tự từ… trong những từ điển đối chiếu mà các học giả phương tây biên soạn. Với con mắt nhìn của mình, tiếng Việt có mấy đặc trưng nổi bật: (i) từ không biến đổi hình thái khi được sử dụng trong câu, không có cơ sở (hình thái học) để xác định từ loại, và do đó có thể xem tiếng Việt là một ngôn ngữ không có từ loại; (ii) trật tự từ trong câu đóng một vai trò rất quan trọng, quyết định đến việc hiểu nghĩa của câu. Chẳng hạn, trong chương 8 của “Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông kinh”, được in trong cuốn “Từ điển An Nam-Lusitan-Latinh” của A.de Rhodes xuất bản tại Rome năm 1651, tác giả có những ghi chú, được trình bày dưới dạng các luật, về chức năng của từ trong câu tiếng Việt như sau:
“Luật thứ nhất: chủ từ phải đi trước động từ; bằng không nó không còn là chủ từ của động từ ấy nữa (…)
Luật thứ hai: danh từ theo sau động từ là bổ sung của động từ ấy (…).
Luật thứ tư: trong hai danh từ đặt liền nhau thì tiếng thứ hai chỉ gián tiếp, thí dụ: Chúa nhà, Dominus domus (ông chủ của nhà); nếu tôi nói nhà Chúa, idest, domus Dominus (tức là nhà của ông Chúa)”
[dẫn theo Nguyễn Minh Thuyết 1998; 28]
Những năm 40, các tài liệu có liên quan đến cú pháp tiếng Việt đều do các học giả nước ngoài viết. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng thể hiện cái nhìn Châu Âu đối với cú pháp tiếng Việt nói riêng và ngữ pháp tiếng Việt nói chung. Một số tác giả người Việt như Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỉ, Trần Trọng Kim cũng có một cách nhìn không khác mấy, lí do là họ học ngôn ngữ học qua tiếng Pháp, tiếp thu bộ máy khái niệm và cách miêu tả cú pháp tiếng Pháp. Hệ quả, cú pháp tiếng Việt được họ viết ra có thể được xem là một thứ cú pháp tiếng Pháp được minh hoạ bằng tiếng Việt. Giai đoạn này thể hiện rất rõ tinh thần “dĩ Âu vi trung” và trong địa hạt cú pháp, thể hiện rõ cách tiếp cận mang tính “từ bản vị”. Cách tiếp cận này, vốn rất thích hợp với quy trình phân tích cú pháp các thứ tiếng Châu Âu, cùng với những hệ quả của nó, có thể được tóm tắt như sau:
Thoạt tiên, dòng ngữ lưu được phân cắt thành các từ. Công việc này tương đối dễ, bởi các ngôn ngữ Châu Âu đều là ngôn ngữ có hình thái, các biến tố được xem như là chỉ báo cho ranh giới từ.
Tiếp theo là sự phân loại các từ. Về đại thể, có hai loại lớn: (1) loại có hai bộ phận là căn tố cùng với hình thái (ví dụ book/s, go/es, tall/er…); (2) loại không có hai bộ phận căn tố và hình thái như (1). Loại thứ nhất được xem là thực từ, loại thứ hai được gọi chung là hư từ hay từ chức năng.
Các thực từ tiếp tục được phân loại dựa vào hình thái của chúng: các từ có hệ hình thái giống nhau sẽ được quy về cùng một từ loại, chẳng hạn: danh từ có hệ hình thái giống nhau về giống, số, cách; động từ có hệ hình thái giống nhau về ngôi, thời, thể v.v…
Tuy nhiên, hình thái của các từ trong câu bao giờ cũng có sự tương ứng với chức năng của chúng, hay nói cách khác, hình thức của từ trong câu là một loại chỉ báo cho vai trò mà chúng đảm nhận trong tổ chức câu. Vì thế, có một sự tương liên giữa từ loại và chức năng của từ trong câu, và như vậy có thể phân tích, miêu tả thành phần câu bắt đầu từ những đặc trưng ngữ nghĩa của từ loại và dạng thức của chúng. Một trong những dẫn dụ sinh động nhất của tinh thần này là ngôn ngữ học Châu Âu hiện nay vẫn dùng chính động từ (verb, verbe) để gọi chính thành phần vị ngữ của câu.
Quy trình phân tích cú pháp trên đây dẫn đến một số hệ quả đáng lưu ý:
• Thứ nhất, chỉ có thực từ mới có tư cách làm thành phần câu, bởi chỉ thực từ mới có hình thái.
• Thứ hai, mỗi thực từ trong câu đều có tư cách một thành phần câu nào đó, bởi lẽ thực từ trong câu bao giờ cũng xuất hiện dưới một hình thái nhất định.
• Thứ ba, mỗi thành phần câu thường gắn với những từ loại nhất định, bởi vì những từ cùng từ loại thì có hệ hình thái giống nhau.
[dẫn theo Nguyễn Minh Thuyết 1994; 57–67]
Theo cách phân tích này, các tác giả Việt ngữ lúc bấy giờ đều xem định ngữ như là một thành phần phụ của câu, tức định ngữ cũng có tư cách thành phần câu như chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, bổ ngữ v.v… Và những câu như:
–Người tôi gặp hôm qua là nhà văn
sẽ được coi là câu ghép, đúng như tinh thần của ngôn ngữ học Châu Âu. Bởi lẽ trong các tiếng Châu Âu, câu tương đương với câu này có hai động từ ở hình thức hữu tận; chẳng hạn trong câu tiếng Anh tương đương: “The person I met yesterday is a writer”, hai động từ ở hình thái hữu tận là met và is.
Như sẽ thấy ở phần tiếp theo đây, quan niệm này về sau, những năm 60, 70, đã bị phê phán mạnh mẽ và hiện nay hầu như đã bị từ bỏ. Nói chung, ở giai đoạn trước năm 1945, các tác giả thường gò cấu trúc câu tiếng Việt theo khuôn mẫu cấu trúc câu tiếng Pháp, các tên gọi thành phần câu tiếng Việt chẳng qua chỉ là sự sao phỏng tên gọi các thành phần câu tiếng Pháp, ví dụ chủ từ (sujet), động từ (verbe), túc từ (complément)… Có thể kể tên các tác giả theo xu hướng này là Vallot P.G, Bulteau R, Trà Ngân, Trần Trọng Kim, Bùi Kỉ, Phạm Duy
Khiêm, Phạm Tất Đắc…