• Chuẩn mực hoá ngôn ngữ và văn hoá mới, con người mới • Tiếp nhận từ của ngoại ngữ trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ • Nhu cầu mượn từ • Đồng hoá từ mượn • Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết • Nhất quán và không nhất quán
Qua các hội nghị chuẩn mực hoá chính tả và thuật ngữ [1], có thể rút ra một số vấn đề chung, như các vấn đề trình bày dưới đây.
Chuẩn mực hoá ngôn ngữ và văn hoá mới, con người mới
Đây là vấn đề về quan điểm tư tưởng và quan điểm chính sách trong công tác chuẩn mực hoá ngôn ngữ nói chung. Thiết tưởng vấn đề này đáng được suy nghĩ nhiều nhất.
Trước tiên, cần chú ý tới một sự tổng kết của lịch sử: kẻ bành trướng tràn tới đâu là đem theo ngôn ngữ của chúng tới đó làm công cụ thống trị; và kẻ bị thống trị đấu tranh bảo vệ bảnn ngữ là góp phần rất quan trọng vào cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước. Tiếng Việt là một chứng minh cho thực tế lịch sử đó và cho tinh thần đấu tranh của dân tộc ta. Cho nên, hiện nay cũng như trong tương lai, “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” là một công tác luôn luôn có ý nghĩa chính trị sâu sắc, vì bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc là nhiệm vụ lâu dài của nhân dân ta.
Nhưng trong ngôn ngữ học, cũng đã đi tới một sự tổng kết như sau: ngôn ngữ tồn tại, hành chức, và do đó phát triển trên cái nền xã hội của nó là nơi đã diễn ra, trong những điều kiện lịch sử nhất định, các quá trình tiếp xúc dân tộc, văn hoá và ngôn ngữ phức tạp và phong phú trên cái thế có thể là bất bình đẳng mà cũng có thể là bình đẳng giữa các dân tộc.
Cho nên, thực quả không có dân tộc nào là một cộng đồng ngôn ngữ và văn hoá thuần khiết, tự túc, tự mãn; và không có ngôn ngữ nào phát triển chỉ với chất liệu của mình mà còn với chất liệu tiếp nhận của ngôn ngữ khác trong quá trình tiếp xúc.
Lịch sử của tiếng Việt cũng rõ là như vậy. Trong những điều kiện lịch sử trước kia của đất nước, tiếng Việt đã trải qua cả nghìn năm tiếp xúc với tiếng Hán; rồi sau đó, lại tiếp xúc với tiếng Pháp. Hậu quả là trong trạng thái hiện nay, nó có ba thành phần chất liệu: chất liệu vốn của nó (1), chất liệu tiếp nhận của tiếng Hán và chất liệu tiếp nhận của tiếng Pháp. Cái đáng chú ý là tuy mức độ thâm nhập của tiếng Hán đã khá là sâu, nhưng vẫn tồn tại ranh giới giữa các chất liệu Việt và Hán. Còn đáng chú ý nữa là tiếng Pháp đại diện cho một loại hình ngôn ngữ, kể cả chữ viết, rất khác, và một loại hình văn hoá cũng rất khác: sự tiếp xúc với tiếng Pháp là một biến động lớn đã xẩy ra, và xẩy ra chưa đủ lâu, trong quá trình phát triển của tiếng Việt.
Những cái đặc biệt ấy về tiếng Việt khiến cho tính chất thuần nhất cấu trúc của các chất liệu khác nhau đó không phải là cái hễ muốn có là có được ngay. Thực tình, nên thừa nhận rằng tính chất thuần nhất ấy, như sẽ nói sau, là cái có khi có, có khi không, và nên xem xét ảnh hưởng của tình hình ấy đối với người bản ngữ là chúng ta, tức là xem xét mặt tâm lí và xã hội của một quá trình tiếp xúc ngôn ngữ có tính chất đặc biệt như vậy. Nhưng nếu chưa nói riêng đến cái đặc biệt mà chung, cũng cần thấy rằng hiện tượng tiếp xúc ngôn ngữ diễn ra là diễn ra ở những con người trong xã hội. Đó là những người mà tâm trí, thực vậy, là những chiến trường ngôn ngữ. Ở đó có thể nảy sinh những xung đột bản ngữ – ngoại ngữ. Thí dụ, tại sao đã có từ trăng rồi lại vẫn dùng từ nguyệt? Nên nói là công-tây-nơ hay nói là cái thùng? Vì sao phải viết a-xít, viết
Đứng trước những xung đột như thế, mỗi cá nhân phải tìm ra giải pháp, theo ý thức bản ngữ. Ý thức đó, phần cơ bản trong ý thức nói chung của con người, không thể là bẩm sinh, là tự nhiên mà có; mà có được là qua xã hội và qua học tập, rèn luyện. Đối với sự nghiệp bảo vệ bản ngữ và tăng sức phát triển của nó qua sự mở rộng phạm vi hành chức của nó, trong một quá trình tiếp xúc ngôn ngữ, thì vai trò và cống hiến của ý thứuc bản ngữ ở trong những cá nhân là nhân tố rất tích cực. Ý thức đó có thể phát triển thành cái bản lĩnh ngôn ngữ ở những cá nhân có hiểu biết sâu sắc về bản ngữ và đạt tới một sự hiểu biết nhất định, cả trình độ sử dụng nhất địng, đối với những ngoại ngữ có tiếp xúc với bản ngữ. Bản lĩnh ấy, về thực chất, là bản lĩnh văn hoá, mà cũng là bản lĩnh tư tưởng và tình cảm dân tộc.
Trong lịch sử tiếng Việt và lịch sử văn hoá Việt Nam, chúng ta nhận thấy cái bản lĩnh như vậy ở những người như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du của thoài đại trước, như Hồ Chí Minh của thời đại ngày nay, và cả trăm, cả nghìn những nhà thơ, nhà văn, nhà văn hoá, hữu danh và vô danh, xưa nay, trên đất nước ta.
Thiết nghĩ, bản lĩnh ấy là phần rất quý báu trong cái mẫu về con người Việt Nam, trên đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, trong sự tiếp xúc ngôn ngữ và tiếp xúc văn hoá ngày càng rộng mở, một cách sinh động hơn, phong phú hơn với thế giới, với loài người, trên thế bình đẳng và hợp tác. Thiết nghĩ phải với quan điểm về hướng phát triển đó của xã hội mới, văn hoá mới, con người mới Việt Nam, mà suy nghĩ về hướng phát triển của tiếng Việt và từ đó về các nguyên tắc chuẩn mực hoá tiếng Việt, tiếng Việt ở một giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng.
_________________
(1) Trong chất liệu nói là vốn của tiếng Việt, tất nhiên có cả những yếu tố gốc ở các tiếng Môn-Khơme, Thái…, nhưng ở đây, không nói đến những nguồn gốc xa xưa đó.
* Ngôn ngữ, số 3+4 (1979), trang 137–151.
[1] Các hội nghị về chuẩn hoá chính tả và thuật ngữ (1978–1979).
Đọc tiếp: Tiếp nhận từ của ngoại ngữ trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ