4. Chuẩn hoá các tên riêng (phần cuối)
Đối với những tên riêng không phải tiếng Việt, cần phải nhận thức rõ bản chất và vị trí của chúng trong hệ thống từ vựng tiếng Việt. Rõ ràng các tên riêng không phải tiếng Việt là một loại từ đặt biệt hay một loại kí hiệu, không phải là bộ phận từ vựng được cấu tạo trong tiếng Việt. Yêu cầu chủ yếu trong việc chuẩn hoá lớp từ này là phải được ghi, được dùng chính xác nhất để bảo đảm sự liên hệ không gây nhầm lẫn với cá nhân, cá thể, đơn vị mang tên đó. Những quy định của Hội đồng Chuẩn hoá Chính tả và Thuật ngữ năm 1983, theo chúng tôi, về cơ bản là hợp lí. Cụ thể là:
- Nếu chữ viết nguyên ngữ dùng chữ cái Latin thì giữ nguyên dạng như trong nguyên ngữ, chỉ được bớt đi các dấu phụ. Ví dụ: Shakespeare, Paris, Wroclaw Petofi (lược dấu phụ ở chữ cái l và chữ cái o – Wrocław, Petõfi).
- Nếu nguyên ngữ dùng thuộc một hệ thống chữ cái khác thì áp dụng lối chuyển tự chính thức sang chữ cái Latin. Ví dụ: Majakovski, Moskva, Lomonosov (theo lối chuyển tự chính thức của Liên bang Xô Viết).
- Nêu nguyên ngữ không dùng chữ viết ghi âm thì dùng một cách phiên âm chính thức bằng chữ cái Latin (thường là cách phiên âm có tính phổ biến trên thế giới). Ví dụ: Kyoto.
- Trong trường hợp trên thế giới đã quen dùng một tên riêng viết bằng chữ cái Latin mà có khác với nguyên ngữ (thường là tên một số nước, thành phố) thì dùng hình thức tên riêng phổ biến đó. Ví dụ: Hungary (trong nguyên ngữ là Maggarorszag), Bangkok (trong nguyên ngữ là Krung Thep hoặc Krung Pattannakosin).
- Đối với những tên sông, núi thuộc nhiều nước (và do đó, có những tên khác nhau trong những ngôn ngữ khác nhau) thì dùng những hình thức tương đối phổ biến trên thế giới, nhưng trong những văn bản nhất định, có thể dùng hình thức của địa phương. Ví dụ: sông Danube có thể tuỳ văn cảnh mà được dùng dưới các dạng khác nữa: Donau (Đức), Duna (Hungary), Dunares (Rumani).
- Những tên riêng hay bộ phận của tên riêng (thường là địa danh) mà có nghĩa thì chỉ dịch nghĩa khi đó là chủ trương chung của các ngôn ngữ thế giới. Ví dụ: Biển Đen, Guinea Xích Đạo.
- Những tên riêng đã có hình thức quen thuộc thì nói chung không cần thay đổi. Ví dụ: Anh, Pháp, Hi Lạp, Bắc Kinh, Lỗ Tấn…
- Tuy vậy, cũng có thể chấp nhận sự tồn tại hai hình thức của một số tên riêng trong những phạm vi sử dụng khác nhau. Ví dụ: La Mã (thành La Mã, đế quốc La Mã, chữ số La Mã) và Roma (thủ đô Roma).
Cũng như vấn đề chuẩn hoá thuật ngữ khoa học kĩ thuật, vấn đề chuẩn hoá các tên riêng không phải tiếng Việt đã được thảo luận sôi nổi, rộng rãi trong những năm qua và cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Dường như các nhà khoa học và giáo dục đều thừa nhận giải pháp phiên theo chữ viết là khoa học, có tác dụng đẩy nhanh giao lưu quốc tế. Nhưng vẫn còn nhiều người chưa thông suốt, vẫn cho cách làm đó không dân tộc và không đại chúng.
Như ta đã biết, thuật ngữ khoa học, kĩ thuật tự thân nó mang tính chất quốc tế, những khái niệm khoa học, kĩ thuật là tải chung của nhân loại. Về hình thức, dù phiên âm là a xít, a-xê-ti-len, at môt phe, at-spi-rin cũng không dân tộc gì hơn cách viết nguyên dạng: acid, acetilen, atmosphe, aspirin.
Những tên riêng không phải tiếng Việt, tuy không có tính quốc tế nhưng cũng không phải là bộ phận từ vựng đòi hỏi phải có sắc thái dân tộc. Phiên âm thuật ngữ và tên riêng nước ngoài thực chất là để dễ đọc, chứ không phải là để dân tộc hoá. Dễ đọc cũng không phải là cơ sở để dễ nhớ và dễ hiểu. Ngược lại, phiên âm dễ dẫn đến nhầm lẫn, thiếu chính xác. So sánh:
Arập Xê ut | – Arập Xaudi | – Ảrập Xaudi |
Kim Đâng Sam | – Kim Ong Sam | |
Kim Ơng Xom | – Kim Young Sam | |
Ucren | – Ucraine | – Ucraina |
Nhiều người nước ngoài tỏ ý không hài lòng khi tên riêng của họ được phiên âm không sát trên sách, báo của ta. Như vậy, dễ đọc mà làm sai lạc thông tin thì lợi bất cập hại, là không khoa học. Hơn nữa, dễ đọc cũng chưa hẳn là có tính đại chúng. Quả là đối với quần chúng còn ít biết ngoại ngữ thì việc đọc, nhớ, viết tên riêng nước ngoài theo nguyên dạng hoặc chuyển tự là khó. Nhưng quần chúng sẽ mãi thế sao? Với sự phát triển của giáo dục, của khoa học và kĩ thuật, quần chúng sẽ ngày càng quen thuộc với những gì mà hiện nay còn ít nhiều bỡ ngỡ.
Có người nghĩ rằng chúng ta viết báo, viết sách chủ yếu là để người Việt Nam hôm nay đọc chứ không phải cho người Việt Nam trong tương lai hoặc người nước ngoài đọc. Vì thế, phiên theo ngữ âm sẽ lợi hơn. Nhưng một mẩu tin như: “Billy Crystal – chàng trai người Mĩ cao 2,30m – vừa được đạo diễn Michael Lehman mời đóng vai chính trong bộ phim Gã khổng lồ” (Tạp chí Truyền hình, số 13/1998) vẫn chẳng bị rơi vãi lượng thông tin nào mặc dù các tên riêng đều được giữ nguyên dạng. Dù không đọc được hoặc đọc sai hai tên riêng thì người ta vẫn hiểu có một người Mĩ cao 2,30m được một đạo diễn mới đóng phim Gã khổng lồ. Người ta chỉ cần nhớ hai tên riêng khi nào cần làm quen với họ, và khi đó chắc chắn cách viết nguyên dạng sẽ thuận lợi hơn.
Những điều vừa trình bày ở trên cần áp dụng nhất quán, triệt để trong các phong cách khoa học, chính luận, hành chính. Trong văn chương cũng như trong khẩu ngữ, vẫn có thể chấp nhận những tên riêng có hình thức phiên âm, đặc biệt là những tên riêng phiên âm có dụng ý tu từ.
Các thuật ngữ khoa học và các tên riêng không phải tiếng Việt chủ yếu được dùng trong văn viết, vì vậy trong khi không cự tuyệt phương thức phiên âm, chúng ta vẫn cần nhận thấy phương thức giữ nguyên dạng hoặc chuyển tự mới là quan trọng, về cả lí luận lẫn thực tiễn đều chứng tỏ chuẩn là cái gì không đứng yên tại chỗ mà luôn luôn vận động, phát triển. Muốn nắm bắt nó phải nỗ lực cố gắng, nếu không, chúng ta mãi mãi không bao giờ đạt đến chuẩn. Đây là vấn đề nhận thức của cả người viết lẫn người đọc, nhận thức của cơ quan truyền thông đại chúng và cơ quan quản lí nhà nước.
Các nhà văn hoá, nhà báo, nhà khoa học không phải ai cũng biết ngoại ngữ, mà có biết thì cũng chỉ biết một vài ngoại ngữ chính thôi. Vì thế, khi viết không nên dễ dãi, cần có trách nhiệm với từng từ, từng chữ mà mình viết ra, chữ nào cần tra cứu, phải tra cứu đến ngọn ngành rồi hãy viết.
Người đọc cũng vậy. Không nên nghĩ rằng mình là người nói tiếng Việt thì hiểu hết chữ nghĩa của tiếng Việt, đọc sách báo chỉ nhằm tiếp thu thông tin của văn bản mà thôi. Nếu nhận thức được rằng đọc sách báo không chỉ để tiếp thu thông tin mà còn là học thêm chữ nghĩa mà mình chưa biết (mà phần chưa biết lại là phần lớn) thì người đọc sẽ không ngần ngại, bỏ qua những gì lạ lẫm với mình.
Về phần chỉ đạo, đã đến lúc thành lập Hội đồng Chuẩn hoá tiếng Việt cấp nhà nước, sớm có những quy định thống nhất trong cả nước. Trường học và cơ quan thông tin đại chúng sẽ là nơi tuyên truyền và gương mẫu thực hiện những quy định chung đó. Ngành ngôn ngữ học có trách nhiệm biên soạn các từ điển thuật ngữ, từ điển tên riêng không phải tiếng Việt, từ điển chính tả để hướng dẫn cách viết và cách đọc thống nhất. Trước mắt, cần tìm hiểu và công bố rộng rãi nguyên tắc chuyển tự Latin của tất cả các hệ chữ viết trên thế giới để người sử dụng tiếng Việt có thể tra cứu dễ dàng.
Chuẩn hoá tiếng Việt là một công việc khó khăn, lâu dài, nhưng nếu chúng ta đồng lòng thì mọi trở ngại đều có thể vượt qua.
Theo Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 2002, trang 330–333.
Trở lại: 4. Chuẩn hoá các tên riêng (phần đầu)