4. Chuẩn hoá các tên riêng (phần đầu)
Tên riêng là gì? Câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng không phải không có vấn đề. Trong các sách ngữ pháp phổ thông, người ta đã phân biệt danh từ chung và danh từ riêng. Danh từ chung là danh từ dùng để gọi những sự vật thuộc cùng một loại, danh từ riêng là những danh từ dùng để làm tên riêng để gọi tên từng sự vật, đối tượng riêng lẻ. Những tên người như: Hồ Xuân Hương, Ngô Văn Sở,… Những tên đất như: Nghệ An, Thanh Hoá,… Những tên sông như: Hồng Hà, Cửu Long,… Những tên công trình như: cầu Long Biên, chùa Một Cột, Truyện Kiều,… Những tên gọi các sự kiện lịch sử như: Hội nghị Paris, Cách mạng Tháng Tám,… Đó đúng là những tên gọi của những cá nhân hoặc cá thể. Nhưng tên gọi của các dân tộc như Việt Nam, Lào, Ê-đê, Tày, Nùng,… lại chỉ một loại người, chứ không phải chỉ từng cá nhân mà vẫn lại được gọi là tên riêng. Trong thiên hà của chúng ta, chỉ có một mặt trời, một mặt trăng, nhưng mặt trời, mặt trăng lại không được coi là tên riêng. Đến tên các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, như: Bộ Ngoại giao, Vụ Tổ chức Cán bộ, Chính phủ, Quốc hội,… thì ranh giới giữa cái chung và cái riêng là ở đâu? Có lẽ tên riêng nên được coi là những từ, ngữ dùng để gọi tên những thực thể vật chất và tinh thần có vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá–xã hội, tồn tại với tư cách là những cá thể trong tư duy của từng dân tộc. Đối với người Việt, đó là:
- Những tên chỉ người, tên cá nhân, dân tộc,… Ví dụ: Nguyễn Trãi, Việt Nam,…
- Những tên chỉ nơi chốn, núi, sông, hồ, tỉnh,… Ví dụ: (núi) Tản Viên, (sông) Hồng, (tỉnh) Nghệ An,…
- Những từ ngữ chỉ công trình xây dựng và công trình văn hoá. Ví dụ: (chùa) Dâu, (cầu) Long Biên, Truyện Kiều,…
- Những từ ngữ chỉ các cơ quan, tổ chức xã hội,… Ví dụ: Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo,…
- Những từ ngữ chỉ từng thời kì, từng sự kiện lịch sử,… Ví dụ: (thời kì) Lí–Trần, Cách mạng Tháng Tám, Hội nghị Paris, Nghị quyết 8 BCHTWĐ,…
Cần phân biệt tên riêng tiếng Việt và tên riêng không phải tiếng Việt.
Đối với tên riêng tiếng Việt, vấn đề đặt ra là phải xác định các thành tố của tên riêng và cách viết hoa tên riêng như thế nào cho hợp lí.
Trước hết, phải nói về tên người, tên người Việt ở dạng đầy đủ gồm ba thành tố:
Tên họ | Tên đệm (không bắt buộc) |
Tên cá nhân |
---|---|---|
Nguyễn | Trãi | |
Lê | Văn | Chiến |
Trần | Thị | Mai |
Yếu tố Thị được dùng để phân biệt giới tính, hễ là nữ thì có thể dùng Thị. Hiện nay có xu hướng bớt dùng từ Thị phân biệt giới tính. Phần đệm có xu hướng hoặc gắn với phần tên cá nhân để tạo thành tên ghép của cá nhân, như: Nguyễn Mĩ Hạnh, Nguyễn Thu Thuỷ hoặc gắn với tên họ để tạo thành họ ghép, ví dụ: một người bố họ Phan, mẹ họ Trần thì có thể sẽ đặt tên con là Phan Trần Mĩ. Một họ phát triển thành nhiều chi, mỗi chi có thể lấy một từ khác nhau để phân biệt, ví dụ:
- Nguyễn Văn Hạnh
- Nguyễn Khắc Phục
- Nguyễn Duy Thư
- Nguyễn Hữu Vị
Có họ lại dùng tên đệm để phân biệt các hệ khác nhau, ví dụ:
- Tôn Quang Phiệt
- Tôn Gia Ngân
- Tôn Tích Hải Đăng
- Tôn Đức Hải Phong
Khi đặt tên, người ta thường gửi gắm nhiều tâm tư, tình cảm, ước vọng của mình vào đó, nhưng dù là tên đơn hay tên ghép, dù là họ đơn hay họ ghép, thì xét về bản chất cũng chỉ là dấu hiệu để phân biệt cá thể này với cá thể khác mà thôi. Vì vậy, cần viết hoa tất cả các âm tiết và không có gạch nối. Điều này đã được Hội đồng Chuẩn hoá Chính tả và Thuật ngữ quy định từ năm 1983, nên tuyên truyền rộng rãi để thực hiện thống nhất.
Về tên gọi chỉ nơi chốn (các địa danh), quan niệm về các thành tố của nó chưa hẳn đã thống nhất, nên cách viết hoa cũng không thống nhất. Chẳng hạn:
- hồ Gươm hay Hồ Gươm
- sông Hương hay Sông Hương
- hồ Tây hay Hồ Tây
- Tỉnh Hà Tây hay tỉnh Hà Tây
Chúng tôi nhận thấy, các từ Hồ trong Hồ Gươm, Hồ Tây; Sông trong Sông Hương; Tỉnh trong Tỉnh Hà Tây đều là danh từ chung, không phải là thành tố của tên riêng. Hiển nhiên, các danh từ chung có thể được dùng để cấu tạo tên riêng, nhưng khi đó nó không còn mang ý nghĩa ban đầu nữa. Ví dụ: núi Trường Sơn (sơn cũng là núi), sông Hồng Hà (hà cũng là sông), thị trấn Chợ Đồn, đảo Hòn Bóng, núi Hòn Rau, núi Hòn Đấu. Đã là tên riêng thì phải kết hợp được với một danh từ chung chỉ loại của nó ở trước. Ta không thể nói hồ Hồ Tây, hồ Hồ Gươm, hồ Hồ Than Thở,… nên chỉ Tây, Gươm, Than Thở mới là tên riêng.
Khi đã xác định rõ thành tố của tên riêng rồi thì tất cả các âm tiết trong tên riêng chỉ nơi chốn đều viết hoa như quy định của Hội đồng Chuẩn hoá Chính tả và Thuật ngữ.
Tên riêng chỉ các tổ chức xã hội cũng chưa được quan niệm thống nhất về các thành tố và cách viết của chúng. Hội dồng Chuẩn hoá Chính tả và Thuật ngữ năm 1983 quy định: Tên tổ chức, cơ quan chỉ viết hoa âm tiết đầu trong tổ hợp từ dùng làm tên. Ví dụ:
Trường đại học bách khoa Hà Nội
Trong thực tế, chúng ta còn gặp những dạng như:
- Trường Đại học bách khoa Hà Nội
- Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
- trường Đại học bách khoa Hà Nội
- trường Đại học Bách khoa Hà Nội
- …
Đối tượng biểu thị của nhân danh và địa danh là những cá nhân, cá thể riêng biệt, còn đối tượng biểu thị của những tên gọi cơ quan, tổ chức xã hội tuy cũng là những thực thể nhưng chỉ tồn tại với tư cách là những cá thể trong tư duy, cho nên những ý niệm được dùng trong tên chỉ cơ quan, tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc nhận diện, phân biệt cá thể này với cá thể khác. Trong khi các ý niệm được dùng trong nhân danh, địa danh chỉ bổ sung thêm sắc thái biểu cảm, hoặc văn hoá chứ không thể căn cứ vào đó để nhận diện đối tượng. Một người xấu xí vẫn có thể đặt tên là Mĩ, một người tham lam, ích kỉ vẫn có thể đặt tên là Thảo. Ý nghĩa của các từ ngữ trong tên riêng chỉ cơ quan, tổ chức xã hội về cơ bản vấn giống ý nghĩa của chúng trong khi sử dụng tự do. Các từ ngữ chỉ gắn kết với nhau để tạo thành một tên gọi cố định mà thôi. Do đó, yếu tố đầu tiên trong tên gọi chỉ cơ quan, tổ chức xã hội là những yếu tố chỉ loại đơn vị, như: bộ, cục, vụ, viện, đảng, đoàn, hội, uỷ ban, mặt trận, ban, trường,… Những yếu tố khác có giá trị hạn chế về mặt tính chất, chức năng, nhiệm vụ, địa điểm,… Tất cả các yếu tố ấy đều có giá trị như nhau trong việc phân biệt và nhận diện đối tượng nên mỗi chữ cái đầu của mỗi từ ngữ thể hiện những ý niệm ấy đều nên viết hoa.
Như thế, dạng đầy đủ của tên gọi phải là: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong ngữ cảnh nhất định, có thể tỉnh lược thành Trường Đại học Bách khoa, Trường Bách khoa, Bách khoa.
Tên các thời kì lịch sử, các sự kiện lịch sử, các danh hiệu tôn vinh cũng nên viết hoa theo cách đó. Ví dụ:
- Anh hùng Lao động
- Hiệp định Geneva
- Hội nghị Paris
- Huân chương Độc lập
- (thời) Lí–Trần, (thời) Bắc thuộc
- Nhà giáo Nhân dân
- Nhà giáo Ưu tú
- Trận Điện Biên Phủ
- …
Tên gọi các chức vụ như chủ tịch, thủ tướng, bộ trưởng, viện trưởng v.v… không phải là tên riêng nên không cần phải viết hoa. Trong thực tế, để biểu thị ý kính trọng, người ta có thể viết hoa âm tiết đầu của tên gọi chức vụ nhưng không nên đưa ra những quy định bắt buộc về điều này.
Theo Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 2002, trang 326–330.
Trở lại: 3. Chuẩn hoá các thuật ngữ khoa học, kĩ thuật
Đọc tiếp: 4. Chuẩn hoá các tên riêng (Phần cuối: Các tên riêng không phải tiếng Việt)