“Colourless green ideas sleep furiously”
Noam Chomsky sinh ngày 7–12–1928 trong một gia đình trí thức. Bố ông, William Chomsky, trốn quân dịch Sa hoàng, và di cư khỏi Nga năm 1913; ông trở thành học giả tiếng Sanskrit, chuyên về cú pháp thời trung cổ ở trường Sư phạm Gratx, và trường Cao đẳng Drôpxi ở Philadenphia.
Năm 10 tuổi, chú bé Chomsky đã được đọc bản in thử về ngữ pháp tiếng Sanskrit thế kỉ 13 của cha mình, điều này ảnh hưởng lớn tới lòng ham thích ngôn ngữ của N.Chomsky sau này.
Sau khi tốt nghiệp trung học ở Philadenphia, Chomsky học hành rất lang bang tại đại học Penxinvania. Đầu tiên, ông quan tâm tới tình hình chính trị Trung Đông hơn cả việc học đại học, ông đã từng có ý định thôi học để đi Palestin. Tìm cách khuyên can con, cha N.Chomsky giới thiệu Chomsky với Zellig Harris, lúc đó cũng rất quan tâm tới chính trị., và có vẻ như đồng quan điểm với Chomsky. Thế là chàng thanh niên Chomsky quyết định ở lại Penxinvania để học ngôn ngữ với Z. Harris. Đầu tiên chỉ là sửa bản in cho công trình sau này nổi tiếng toàn thế giới "Các phương pháp ngôn ngữ học cấu trúc" [1], và Chomsky thật sự học ngôn ngữ qua lần sửa bản in đó. Z. Harris yêu cầu Chomsky tìm hiểu một cuốn ngữ pháp tiếng Sanskrit. Sau khi đọc, ông phát hiện ra những quy tắc tạo ra toàn bộ các câu của tài liệu này theo mô hình cải biến. Sự nghiên cứu này biệt lập với những giáo trình và bài giảng ở trường ốc. Về sau Chomsky cho rằng đi theo con đường không chính thống như thế thực là may, vì như vậy người sinh viên mới bước vào ngành này không bị đứng trước hàng loạt quan điểm đầy quyền uy và cực kì khó khăn cho người mới vào ngành đưa ra những kiến giải thách thức lại những ý kiến đấy.
Trong quá trình nghiên cứu, lúc đầu ông cố gắng cải tiến kĩ thuật phân bố và cải biến của Harris, đồng thời ông đã hình thức hoá chúng một cách triệt để. Chomsky biết ơn Harris về những bước đi ban đầu này. Sau khi tốt nghiệp ở đại học Penxinvania, ông đã bỏ ra hai năm nghiên cứu phương pháp cải biến, ông thấy rằng, đi theo con đường này sẽ có kết quả, chứ không đi vào ngõ cụt như những phương pháp khác.
Từ 1953, ông gấp rút hoàn thành công trình Cấu trúc logic của ngôn ngữ tự nhiên (1955), dày trên 300 trang, về sau đã được in. Một chương của nó "Phép phân tích cải biến" được đệ trình làm luận án tiến sĩ. Ông đỗ tiến sĩ nhưng bị đánh giá khá xoàng, một giáo sư phản biện viết: “Tôi không biết luận án này thuộc lĩnh vực gì, nhưng chắc chắn đây không phải là ngôn ngữ học”. Thế là trong một hai năm tiếp theo, các bài báo và luận án của Chomsky bị các toà soạn và nhà xuất bản trả lại bản thảo. Thực ra ông có được công bố hai, ba bài trên các tạp chí không phải ngôn ngữ học(!). Những người ủng hộ và hoan nghênh hướng đi này của Chomsky lại là các nhà toán học nổi tiếng thế giới, như Y. Bar-Hillet và W. Quine. Dù sao, lúc này nhờ M. Haillet và R. Jakobson mà Chomsky được một chân ở học viện M.I.T. (Massachusetts Institute of Technology), tại đó ông dạy tiếng Pháp và tiếng Đức cho cán bộ khoa học-kĩ thuật. Thế là ông có điều kiện về tài chính để đeo đuổi điều mình quan tâm.
Năm 1957, quyển Các cấu trúc cú pháp được Nhà xuất bản Mouton ở Hà Lan ấn hành, và Robert Lees đã viết một bài báo dài hơn 30 trang trên tạp chí Language để bình luận và giới thiệu, nhờ đó mà cả thế giới biết tới ông. Chomsky đặc biệt biết ơn R. Lees, "người học trò" đầu tiên của mình, vì rằng số phận quyển sách này sẽ không được ai biết tới nếu không có bài trên của Lees. Trong quyển sách này có một câu rất nổi tiếng minh hoạ cho quan niệm "tính ngữ pháp" của ông; một câu vô nghĩa vẫn có thể có tính ngữ pháp. Câu đó là:
Colourless green ideas sleep furiously (Những tư tưởng xanh lục không màu sắc ngủ một cách giận dữ).
Câu này nổi tiếng đến nỗi người ta đã làm tặng Chomsky những bài thơ có chứa câu này.
N. Chomsky bắt đầu được dạy ngôn ngữ ở Học viện MIT từ những năm đầu của thập kỉ 60, khi Viện đó được thành lập bộ môn ngôn ngữ học. Theo ông, về một phương diện nào đó thì học viện này nằm ngoài hệ thống đại học Mĩ nên không có những khoa học xã hội hoặc nhân văn lớn, "và chúng tôi – vẫn lời Chomsky – không vị vấp phải những cung cách "quan liêu hàn lâm" trong cách đào tạo chương trình ngôn ngữ học". Ở MIT, ông cùng với Lees, Mathews và Klima nghiên cứu chương trình dịch tự động của phòng thí nghiệm điện tử, nhưng chẳng ai hứng thú gì về đề tài này.
Khi MIT mở cao học về ngôn ngữ, ngoài M. Halle và nhóm trên còn có Jerry Fodor, Jerry Katz và Paul Postal. Nơi đây là cái nôi của lí thuyết ngữ pháp chuẩn, mà Chomsky là người đại diện, với quyển Aspects of Theory of Syntax lừng danh. Nơi đây đã lôi cuốn hàng loạt các nhà ngôn ngữ học trẻ và các nhà toán học chuyển sang nghiên cứu ngôn ngữ học.
Giai đoạn 3 của ngữ pháp tạo sinh được tuyên ngôn bằng bài "Cấu trúc chìm, cấu trúc nổi và việc giải thích ngữ nghĩa" (Deep structure, surface structure and semantic interpretation, 1970). Những mốc quan trọng trong giai đoạn này là những bài về dạng thức và giải thích ngữ nghĩa, đặc biệt là bài Điều kiện về các phép cải biến (Conditions on Transformations, 1973).
Chomsky là một người không dừng lại. Tháng 4–1979 ông đã trình bày một công trình cực kì quan trọng tại Trường đại học Sư phạm Pizza ở Ý, gây sự chú ý đặc biệt của giới ngôn ngữ học, và người ta gọi là "Hệ thống Pizza" của Chomsky. Dựa trên công trình đó, năm 1981, ông cho in Những bài giảng về lí thuyết chi phối và liên kết (Lectures on Government and Binding). Từ năm 1965 tới nay [1984 – chú thích của ngonngu.net], đây là công trình cơ bản nhất của Chomsky, thâu tóm những quan điểm hiện nay của Chomsky về ngôn ngữ học.
Về đóng góp của Chomsky, phần lớn người ta đánh giá rất cao, ông đã làm "một cuộc cách mạng trong ngôn ngữ học" (J. Searle), nhưng không phải không có tiếng nói phủ định, "đó là một thứ ngôn ngữ học nguỵ tạo" (Andreev). Dù thế nào chăng nữa, N. Chomsky vẫn có một vị trí đặc biệt trong ngôn ngữ học 30 năm qua.
Có thể nói đến một Chomsky thứ hai, nhà tư tưởng và hoạt động xã hội. Trong lĩnh vực này ông cũng nổi tiếng không kém. Ông luôn đấu tranh cho tự do và hoà bình, phản đối chính sách đối ngoại hiếu chiến của chính quyền Mĩ, phản đối sự can thiệp vào nội bộ của các nước khác. Những quyển sách "Về cuộc chiến tranh ở châu Á: bình luận về Đông Dương"; "Lực lượng Mĩ và những tên sen đầm mới"; "Vấn đề nhận thức và tự do" là những quyển sách nổi tiếng.
Noam Chomsky đã sang giảng ở Hà Nội vào đầu năm 1970.
[1] Xem bản dịch tiếng Việt của Cao Xuân Hạo (Nxb Giáo dục, H., 2001).
Theo Nguyễn Đức Dân (1984). Noam Chomsky. In trong Ngôn ngữ học: Khuynh hướng – Lĩnh vực – Khái niệm (tập 1). Nxb KHXH, H., 1984, trang 168–172.
See also: