Thực chất, nói cho giản dị hơn thì đây là những biến đổi về phương diện ngữ nghĩa của từ trong từ vựng. Những biến đổi này rất phức tạp và tinh tế, nhiều khi chồng chéo lên và cùng diễn ra với những biến đổi ở bề mặt. Có hai trường hợp chính trong biến đổi nghĩa của từ cần được kể tới sau đây.
1. Thu hẹp nghĩa của từ
Đúng ra, phải hiểu đây là sự thu hẹp phạm vi biểu hiện (định danh) của từ. Xu hướng này có thể tìm thấy trong những từ như: thầy… của tiếng Việt; meat, deer… của tiếng Anh…
– thầy: Từ chỗ gọi tên cho các đối tượng như: thầy giáo, thầy đồ, thầy khoá, thầy lang, thầy cai, thầy lí, thầy kí, thầy thông… hiện nay từ này chỉ còn dùng chủ yếu với nghĩa thầy giáo và thầy thuốc.
– meat vốn có nghĩa là "thực phẩm" nói chung; deer vốn chỉ "con vật" nói chung, nhưng nay tiếng Anh đã thu hẹp bớt dung lượng nghĩa của các từ này lại: meat = thịt; còn từ deer chỉ có nghĩa là "con hươu"
Hiện tượng thu hẹp nghĩa rất hay gặp trong khi xây dựng thuật ngữ cho các ngành khoa học: Người ta thu hẹp nghĩa của từ thông thường lại và chỉ dùng với một nghĩa thuật ngữ, nghĩa chuyên môn hoá đó. Trong tiếng Việt, xu hướng thu hẹp nghĩa nói chung là không mạnh bằng mở rộng nghĩa.
2. Mở rộng nghĩa của từ
Xét các ví dụ:
– Động từ land trong tiếng Anh có nghĩa là tiếp đất, hạ cánh (xuống mặt đất). Hiện nay động từ này mở rộng nghĩa ra, bao gồm cả việc hạ cánh xuống mặt nước (The swan landed on the lake – Con thiên nga hạ cánh xuống mặt hồ).
– Đồng từ cắt trong tiếng Việt vốn có nghĩa là: làm đứt bằng vật sắc. Hiện nay nghĩa của từ này mở rộng ra gồm cả việc chấm dứt hành động, việc làm nào đó (cắt viện trợ, cắt quan hệ, cắt đường chuyền bóng…) hoặc phân công làm việc gì đó theo luân phiên hoặc thứ tự lần lượt: cắt trực nhật, cắt người canh đê, cắt lượt đi tuần…
Cơ sở của việc mở rộng nghĩa của từ chính là sự chuyển di tên gọi đẫn đến việc chuyển nghĩa theo xu hướng mở rộng. Đồng thời với mở rộng nghĩa tất yếu là mở rộng phạm vi định danh của từ. Ví dụ: Trước đây tiếng Việt có từ đồng hồ vốn có nghĩa là "cái hồ làm bằng đồng, trong đó chứa nước để cho chảy dần đi, căn cứ vào lượng nước đã chảy đi nhiều hay ít để tính thời gian". Ngày nay, từ này đã chuyển sang gọi vật dùng để đo thời gian nói chung mà bất kể nó được làm bằng gì, hoạt động theo nguyên tắc nào: đồng hồ quả lắc, đồng hồ điện tử…
Tương tự như trên, ta có thế thấy từ fee (tiền công, tiền thù lao), pen (bút) trong tiếng Anh cũng vậy. fee vốn có nghĩa là "gia súc", thời xưa gia súc đã từng được dùng làm vật thanh toán giá trị. Còn pen vốn có nghĩa là "lông ống, lông vũ" – loại lông mà thời xưa được dùng làm bút viết.
Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 211–212.
Trở lại: