Việt ngữ học với tư cách là một ngành khoa học chỉ mới xuất hiện gần đây, khi nước ta giành được quyền độc lập dân tộc (1945), cùng với sự ra đời của các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam, nhưng những quan sát, suy nghĩ về tiếng Việt thì đã có từ lâu.
Cũng như mọi ngành khoa học khác, Việt ngữ học ra đời xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn chứ không phải từ những suy nghĩ trừu tượng.
Bản tính của con người là tò mò, hiếu kì, luôn luôn quan sát, ham phá môi trường sống xung quanh cũng như chính bản thân mình. Người Việt xa xưa đã chú ý tới sự khác biệt trong lời nói của mình với lời nói của những người khác, sự khác biệt trong tiếng nói của làng mình với tiếng nói của làng khác. Những gì là của mình do bố mẹ truyền dạy; những gì là của làng mình, là cái chung của cả họ, của những người người hàng xóm thân thích, tắt lửa tối đèn có nhau,… đương nhiên sẽ được mọi người trân trọng, giữ gìn, không cho người khác xúc phạm (chửi cha không bằng pha tiếng).
Khi dân tộc phát triển, người ta hướng tới những cái chung cho toàn dân tộc, mà ngôn ngữ chính là linh hồn của dân tộc. Vì thế, cái nhu cầu thôi thúc cần phải nghiên cứu tiếng Việt một cách sâu sắc xuất phát từ niềm tự hào về dân tộc và tiếng nói dân tộc. Niềm tự hào dân tộc thể hiện ở chỗ mỗi dân tộc phải có nền văn hiến riêng. Trước khi chữ Nôm hình thành, dân tộc ta đã có một ngôn ngữ thành văn trên cơ sở chữ Hán, đã có một nền văn hoá khả quan, phục vụ đắc lực cho việc quản lí và điều hành xã hội, đã tạo ra một nền văn chương bác học với thơ, phú, ca, từ,… Tuy nhiên, cái ngôn ngữ thành văn này không thật sự bắt rễ bền chắc từ bản thân cộng đồng(1). Nhu cầu đặt ra là phải xây dựng một nền văn hoá dân tộc dựa trên ngôn ngữ dân tộc. Chữ Nôm ra đời đánh dấu bước nhận thức mới sâu sắc hơn về tiếng Việt.
Nhờ có chữ Nôm, người ta mới có thể biết thêm về nhiều thói quen lời nói khác nhau, cả những thói quen lời nói ở rất xa mình. Nhờ có chữ Nôm, người ta mới có điều kiện quan sát tiếng Việt một cách hệ thống về nhiều mặt, chứ không chỉ nhận thức rời rạc từng hiện tượng do thế hệ trước truyền lại.
Trong quá trình phát triển, dân tộc ta đã tiếp xúc giao lưu với nhiều dân tộc khác. Muốn giao lưu, tiếp xúc với nhau thì trước hết là phải học hỏi ngôn ngữ của nhau. Trước đây, vào thời cổ, trung đại ở Việt Nam, không có trường lớp nào dạy tiếng Việt cả. Người Việt học tiếng Việt ngay từ lúc lọt lòng mẹ, thông qua thực tiễn xã hội. Tiếng Việt đã được người nước ngoài nghiên cứu do nhu cầu học tập và nghiên cứu nó như một ngoại ngữ.
Vào thế kỉ XV, sứ thần Trung Quốc đi ra các nước và sứ thần các nước đến Trung Quốc ngày một nhiều. Vì thế, các cơ quan phiên dịch ở Trung Quốc như Hội thông quán, Tứ Di quán, Tứ Dịch quán nối tiếp nhau ra đời để làm nhiệm vụ phiên dịch khi giao tiếp. Các cuốn từ vựng đối chiếu tiếng Hán với một thứ tiếng khác được lần lượt biên soạn, trong đó có cuốn An Nam dịch ngữ là cuốn từ vựng đối chiếu tiếng Hán với tiếng Việt.
Rồi nhu cầu dạy chữ Hán cho người Việt khiến nhiều người Việt Nam biên soạn các từ điển đối chiếu Hán–Nôm, nhờ đó mà nhận thức về tiếng Việt ngày càng phong phú, đa dạng.
Nhu cầu học tiếng Việt của các giáo sĩ phương Tây bắt nguồn từ mục đích truyền bá đạo Thiên Chúa vào Việt Nam. Nhưng cũng chính nhờ đó mà chữ quốc ngữ được hình thành. Sự ra đời của chữ quốc ngữ, sự tiếp xúc với văn hoá phương Tây đã khiến cho nhận thức về tiếng Việt biến đổi. Từ đây, tiếng Việt đã được quan sát, miêu tả trên cơ sở lí luận ngôn ngữ học hiện đại. Như ta biết, Việt Nam nằm trong khối đồng văn với Trung Quốc, mà truyền thống ngôn ngữ học Trung Quốc thường tập trung vào nhưng hướng nghiên cứu sau đây:
- Nghiên cứu một số vấn đề về triết học ngôn ngữ, đặc biệt là vấn đề quan hệ giữa tên gọi (danh) và hiện thực (thực), vấn đề xác định thế nào là câu.
- Nghiên cứu chữ Hán, truyền thống ngữ văn Trung Quốc gọi việc nghiên cứu này là huấn hỗ học và tự thư học. Huấn hỗ học nhằm giải thích nghĩa của chữ, tự thư học giải thích hình của chữ.
- Nghiên cứu âm và vần tiếng Hán là nội dung nghiên cứu của âm vận học.
Tiếp xúc với phương Tây, chúng ta dần dần làm quen với hệ thống thuật ngữ ngôn ngữ học mới mẻ: nguyên âm, phụ âm, âm vị, âm tố, thanh điệu, dấu câu, phong cách, chức năng, từ đơn, từ ghép, từ phái sinh, từ tố, hình vị, chủ ngữ, vị ngữ, định ngữ, bổ ngữ, câu đơn, câu ghép, từ loại, danh từ, động từ, tính từ,…
Ngay các cuốn từ điển giải thích tiếng Việt cũng như các cuốn từ điển đối chiếu tiếng Việt với một ngoại ngữ nào đó được biên soạn vào thời cận hiện đại cũng vận dụng những lí luận từ điển học mà ngôn ngữ học thế giới đã dày công tích luỹ.
Khi tiếng Việt chưa được sử dụng trong giáo dục và hành chính, thì nhu cầu thống nhất và chuẩn hoá tiếng Việt chưa đặt ra một cách cấp thiết. Thế nhưng, Cách mạng Tháng Tám thành công đã đưa lại địa vị ngôn ngữ chính thức của quốc gia cho tiếng Việt, nhu cầu chuẩn hoá tiếng Việt trở thành một nhiệm vụ cấp thiết. Chính nhu cầu thống nhất ngôn ngữ, chuẩn hoá tiếng Việt đã đòi hỏi việc nghiên cứu tiếng Việt phải thật đầy đủ, toàn diện.
Mặt khác, ngày nay tiếng Việt không chỉ là phương tiện giao tiếp của người Việt trên mọi miền đất nước, mà còn là phương tiện giao tiếp chung của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, là phương tiện của Việt Nam trong giao lưu và hợp tác quốc tế. Vì thế, tiếng Việt trở thành đối tượng học tập, nghiên cứu chẳng những của người Việt Nam, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Mặc dù với tư cách là một ngành khoa học nghiên cứu về tiếng Việt thì Việt ngữ học chỉ mới hình thành gần đây trong thời cận hiện đại, nhất là chỉ đạt thành tựu rực rỡ từ sau Cách mạng Tháng Tám tới nay. Nhưng tôi quan niệm, tất cả những suy tư, khám phá, những nghiên cứu về một hoặc những khía cạnh nào đó của tiếng Việt đều thuộc vào lịch sử Việt ngữ học. Trong quá trình lịch sử, những trí thức ưu tú đã phát triển những kiến thức lẻ tẻ, chưa hệ thống về tiếng Việt, đã xây dựng và bổ sung khung khái niệm, qua đó thiết lập những nhận định có giá trị về tiếng Việt. Các nhà khoa học đã lao động không ngừng để xác định những thực tế, những hiện tượng và những hoạt động thuộc phạm vi nghiên cứu của họ.
Căn cứ vào sự phân kì 12 thế kỉ của tiếng Việt, chúng ta có thể chia sự phát triển của Việt ngữ học thành hai giai đoạn lớn: giai đoạn cổ trung đại (từ cổ đến nửa đầu thế kỉ XIX) và giai đoạn cận hiện đại (từ thời gian thuộc Pháp đến nay). Giai đoạn cận hiện đại chính là thời kì Việt Nam có sự tiếp xúc văn hoá mạnh mẽ với phương Tây.
__________
(1) Trong bài Người An Nam nên viết chữ An Nam trên Đăng cổ tùng báo (ngày 28/3/1907), Nguyễn Văn Vĩnh nhận xét: “… học thông chữ nho thì thật là khó lắm, chữ là như dấu bịa ra để viết ý nghĩ người ta, mà từ xưa nay An Nam bao nhiêu người học chữ nho, dễ họ đã mấy người, bụng nghĩ thế nào lại viết ngay ra được thành chữ như thế? Thế ra chỉ học để ngâm nga mà thôi. Nói cho phải thì chỉ học để đi thi đỗ làm quan là mãn nguyện”. Về cái hay của văn chương bằng chữ Hán, ông coi là cái “hay vô dụng”, “bất quá câu văn thú, chỉ đến rung đùi là cùng, chớ chẳng động được lòng ai, vì người đọc biết hay, mà người nghe như vịt nghe sấm vậy” (Đông Dương tạp chí, số 9).
Theo Nguyễn Thiện Giáp. Lược sử Việt ngữ học (tập 1). Nxb Giáo dục, H., 2005, trang 63–66
Đọc thêm: Sự hình thành và phát triển của ngôn ngữ học
Đọc tiếp: Phần 2 (Giai đoạn cổ trung đại và cận đại)