• Đơn vị cấu tạo • Phương thức cấu tạo: Từ đơn tiết và từ ghép • Phương thức cấu tạo: Từ láy và từ ngẫu hợp • Biến thể của từ
2. Phương thức cấu tạo
Từ tiếng Việt được cấu tạo hoặc là bằng các dùng một tiếng, hoặc là tổ hợp các tiếng lại theo lối nào đó.
2.1. Phương thức dùng một tiếng làm một từ sẽ cho ta các từ đơn (còn gọi là từ đơn tiết). Vậy từ đơn ở đây được hiểu là những từ cấu tạo bằng một tiếng.
Ví dụ: tôi, bác, người, nhà, cây, hoa, trâu, ngựa…
đi, chạy, cười, đùa, vui, buồn, hay, đẹp…
vì, nếu, đã, đang, à, ư, nhỉ, nhé…
2.2. Phương thức tổ hợp (ghép) các tiếng lại, mà giữa các tiếng (thành tố cấu tạo) đó có quan hệ về nghĩa với nhau, sẽ cho ta những từ gọi là từ ghép. Dựa vào tính chất của mối quan hệ về nghĩa giữa các thành tố cấu tạo, có thể phân loại từ ghép tiếng Việt như sau:
Từ ghép đẳng lập. Đây là những từ mà các thành tố cấu tạo có quan hệ bình đẳng với nhau về nghĩa. Ở đây, có thể lưu ý tới hai khả năng.
Thứ nhất, các thành tố cấu tạo trong từ đều rõ nghĩa. Khi dùng mỗi thành tố như vậy để cấu tạo từ đơn thì nghĩa của từ đơn và nghĩa của các thành tố này không trùng nhau.
So sánh: ăn ≠ ăn ở ≠ ăn nói ≠ ở ≠ nói…
Thứ hai, một thành tố rõ nghĩa tổ hợp với thành tố không rõ nghĩa. Trong hầu hết các trường hợp, những yếu tố không rõ nghĩa này vốn rõ nghĩa nhưng bị bào mòn dần đi ở các mức độ khác nhau. Bằng con đường tìm tòi từ nguyên và lịch sử, người ta thường xác định được nghĩa của chúng. Ví dụ: chợ búa, bếp núc, đường sá, tre pheo, cỏ rả, sầu muộn, chó má, gà qué, cá mú, xe cộ, áo xống…
Từ ghép đẳng lập biểu thị ý nghĩa khái quát và tổng hợp. Đây là một trong những điểm làm cho nó khác với từ ghép chính phụ.
Từ ghép chính phụ. Những từ ghép mà có thành tố cấu tạo này phụ thuộc vào thành tố cấu tạo kia, đều được gọi là từ ghép chính phụ. Thành tố phụ có vai trò phân loại, chuyên biệt hoá và sắc thái hoá cho thành tố chính. Ví dụ: tàu hoả, đường sắt, sân bay, hàng không, nông sản, cà chua, máy cái, dưa hấu, cỏ gà… xấu bụng, tốt mã, lão hoá… xanh lè, đỏ rực, ngay đơ, thằng tắp, sưng vù…
Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 142–152.
Trở lại: