2. Những điểm mới của từ điển học tiếng Việt hiện nay
2.1.Một trong những đặc điểm nổi bật của từ điển học của thế kỉ XXI mà Zgusta nêu ra là vai trò đặc biệt của máy tính [x.3]. Quả thực, ngay từ những năm đầu của thế kỉ XXI, do sự phát triển vượt bậc của kĩ thuật máy tính nên việc làm từ điển được hỗ trợ rất nhiều. Chúng tôi nói “hỗ trợ” bởi không phải có máy tính là có tất cả. Thực ra, công sức mà con người phải bỏ ra để có được những sự hỗ trợ trên máy tính cũng không nhỏ, nhưng đây là công việc có thể mở rộng cho nhiều người cùng làm. Và lợi ích của máy tính trong công tác từ điển thì không ai nghĩ đến chuyện phủ nhận. Một nhận xét có tính phổ biến là “Từ điển giải thích, phần lớn là do các viện Hàn lâm quốc gia và các hội nghiên cứu ngữ văn có tính chất quốc gia biên soạn” [2; tr.258]. Với ba đặc điểm trên thì nhận xét này là hệ quả tất yếu. Xu hướng này sẽ ngày càng được khẳng định. Ðược biết, Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện khoa học xã hội Việt Nam đã hoàn thành một chương trình lớn nhằm xây dựng luận cứ khoa học cho việc biên soạn một bộ từ điển giải thích tiếng Việt cỡ lớn. Việc đầu tiên là xây dựng luận cứ khoa học cho nó. Ðó là đưa ra những định hướng về cấu trúc vĩ mô, cấu trúc vi mô và xây dựng thử nghiệm một Ngân hàng dữ liệu tiếng Việt bằng phương tiện hiện đại. Ðiều này cũng đồng thời khẳng định phương pháp của xu hướng TÐ học đã hình thành ở nước ta giai đoạn vừa qua là phù hợp với những khuynh hướng chung của từ điển học hiện đại. Ðó là việc nhấn mạnh phương pháp làm từ điển, nhấn mạnh vai trò quyết định của tư liệu đối với từ điển và coi việc làm từ điển là công việc mang tính “sản xuất công nghiệp”.
Theo các tác giả cuốn Corpus Linguistics [x. 8] thì những điều thuận lợi mà máy tính có thể giúp cho việc biên soạn từ điển là: Một kho ngữ liệu lớn, tính đại diện cao và một công cụ phân tích hoàn chỉnh. Trong đó vai trò của kho ngữ liệu đặc biệt quan trọng. Cũng theo tác giả trên [tr. F17-18], một kho ngữ liệu có thể giúp người làm từ điển giải quyết 6 vấn đề lớn là:
- Quyết định nghĩa của từ dựa vào tình hình sử dụng trong đa số các ngữ cảnh tự nhiên của nó.
- Lập bảng từ thông dụng và ít dùng dựa vào tần suất của nó.
- Tìm hiểu các đặc trưng ngữ dụng trong các loại hình ngôn ngữ dựa vào các liên kết phi ngôn ngữ của chúng (như ngữ vực, giai đoạn lịch sử, phương ngữ,…).
- Quyết định sự kết hợp của mục từ và sự phân bố của chúng trong các ngữ vực.
- Quyết định các nghĩa của một mục từ nhất định và sự phân bố cách dùng của nó.
- Quyết định cách dùng và sự phân bố của từ đồng nghĩa, qua đó tìm hiểu ngữ cảnh của sự lựa chọn nghĩa từ và mối liên hệ của kết hợp từ với ngữ vực. [x.7, tr.F17-18]
Những tiện ích này của kho ngữ liệu là tiền đề cho việc phân tích nghĩa từ và xử lí chúng trong từ điển giải thích. Và chất lượng từ điển nhờ thế mà được nâng lên rõ rệt.
2.2. Có một thực tế là các TÐ ngày càng có cấu trúc vi mô phong phú hơn. Không chỉ dừng ở đó, những năm cuối thế kỉ XX, một loạt các từ điển đa thông tin ra đời, đến đầu thế kỉ XXI xu hướng này ngày càng mạnh và càng rõ rệt.
Chẳng hạn, chỉ nói về các từ điển tiếng Việt, từ năm 1977, ở Pháp đã xuất bản cuốn Từ điển tiếng Việt (Dictionnaire Vietnamien Frasncais), Lasiathèque, Pari 1977, 1669 tr., một cuốn từ điển giải thích tiếng Việt, nhưng lại có chú tiếng Pháp ở cuối mục từ [theo Vũ Quang Hào, 5, tr.632], nhằm đến đối tượng là người Việt ở Pháp hoặc người Pháp gốc Việt.
Tương tự, năm 1995,Nhà xuất bản Giáo dục in cuốn Từ điển tiếng Việt thông dụng [Nguyễn Như Ý (chủ biên), Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành], mỗi mục từ đều chua tiếng Anh.
Ở hai cuốn này, cấu trúc vi mô có phần giải thích là cơ bản, phần đối dịch là thứ yếu vì nó rất đơn giản, chỉ đưa ở nghĩa cơ bản (của từ đa nghĩa).
Từ điển trái nghĩa – đồng nghĩa tiếng Việt của Dương Kỳ Ðức và Vũ Quang Hào (Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1992)trên cơ sở từ điển trái nghĩa cũng của Nhà xuất bản (1986), do vậy phần trái nghĩa là chính, chỉ đưa các dãy từ đồng nghĩa mà không phân biệt sự khác nhau giữa các từ trong dãy.
Ðáng chú ý hơn cả là Từ điển Anh – Việt, 1996 (của nhóm Hồ Hải Thuỵ, Chu Khắc Thuật và Cao Xuân Phổ, Nxb Tp. Hồ Chí Minh) được soạn bằng cách “…sử dụng một cuốn từ điển Anh – Anh đáng tin cậy để dịch các định nghĩa sang tiếng Việt” [7; trang bìa]. Trong cuốn từ điển này, ngoài những thông tin thông thường của một cuốn từ điển song ngữ, còn có thông tin về các sắc thái ý nghĩa theo các phong cách khác nhau của từ trong tiếng Anh và tiếng Việt, ngoài những từ ngữ tương đương còn có phần giải thích nghĩa bằng tiếng Việt. Có thể nói đây là một cuốn từ điển hỗn hợp đối dịch – giải thích. Trong đó, phần đối dịch được chú trọng hơn phần giải thích.
Năm 1997, Ðại từ điển Tiếng Việt, một cuốn từ điển giải thích tiếng Việt đã chú nguyên dạng gốc các từ vay mượn (mà không phải là gốc Hán) [x.9]. Tuy cách xử lí còn rất nhiều sai sót, thiếu nhất quán, nhưng việc đưa thêm thông tin về nguồn gốc vẫn được coi là một điểm mới, tích cực.
Từ điển tường giải và liên tưởng tiếng Việt của Nguyễn Văn Ðạm [Nxb Văn hoá thông tin, 1999 (lời nói đầu viết năm 1993)] đưa đồng và trái nghĩa cùng với những nghĩa phái sinh của từ đầu mục. Các mối liên tưởng về từ ngữ không được tập trung vào cuối mục từ mà phân tán vào những ví dụ hoặc vào một số định nghĩa. Từ điển mang tính chất tường giải và liên tưởng, giúp người tra cứu: khi biết từ tìm ra nghĩa và từ nghĩa phái sinh tìm ra từ [Vũ Quang Hào, 655].
Ví dụ:
sít2 pht. Sát ngay bên cạnh; rất gần nhau. Kê tủ sít bàn (đngh. Giáp). Cấy sít (đngh. Dày, Mau; trngh. Thưa).
so1 tt. Nói lượt đẻ đầu tiên. Con so (đối với [con] rạ). Trứng gà so.
son1 dt. 1 Thứ đá đỏ. 2 Chất lỏng màu đỏ dùng để sơn gỗ. Sơn son thếp vàng. 3 Sáp màu đỏ dùng để bôi môi. Ðánh môi son. son phấn: đồ trang điểm mặt của phụ nữ. (Sau đó không có mục từ son phấnđứng riêng).
Năm 2002, Từ điển tiếng Việt phổ thông [x.12], đưa đồng, trái nghĩa sau mỗi nghĩa từ; đưa ví dụ nguyên văn là ca dao, tục ngữ, Kiều. Ðây là cuốn từ điển giải thích tiếng Việt cỡ nhỏ (khoảng 24.000 mục từ), nhưng là cuốn từ điển đầu tiên đưa các từ đồng trái nghĩa cho từng nghĩa. Ðồng nghĩa và trái nghĩa là vấn đề của nghĩa trong các từ đa nghĩa chứ không phải của cả từ, vì vậy việc đưa các từ đồng nghĩa và trái nghĩa cho từng nghĩa của từ không chỉ giúp người dùng định hướng các mối liên hệ ngữ nghĩa trong hệ thống mà còn giúp làm rõ từng nghĩa trong từ đa nghĩa. Ví dụ:
lành tt. 1. Ở trạng thái còn nguyên không bị sứt mẻ, rách hoặc thương tổn. Bát lành. Lá lành đùm lá rách (tng.). Lợn lành chữa thành lợn què (tng.). Mặc lành (quần áo lành). “Bây giờ gương vỡ lại lành…” Nguyễn Du. /tn: rách, mẻ, sứt 2. Không có khả năng làm hại đến người, vật khác, không có tác dụng mang lại tai hoạ. Lành như cục đất. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. ở hiền gặp lành (tng.). /đn: hiền /tn: dữ 3. Không có khả năng làm hại đến sức khoẻ. Khí hậu lành. Thức ăn lành. /tn: độc 4. Có khả năng mau khỏi khi bị bệnh. Da lành nên vết thương chóng khỏi. Máu lành. /tn: dữ, độc
Từ điển từ mới tiếng Việt [x.13] chỉ với dung lượng khoảng 2.500 mục từ được coi là mới trong giai đoạn 1985-2000 cũng chú nguyên dạng gốc các từ vay mượn Âu – Mĩ.
Năm 2004:
Từ điển từ và ý tiếng Việt (Hồ Ðắc Quang, Nxb Từ điển Bách khoa, 1045 tr.) [Vũ Quang Hào, 654].
Từ điển tiếng Việt (Bùi Ðức Tịnh, Nxb Văn hoá Thông tin, H., 2004, 10×16, 1366 tr.), sau mỗi mục từ đều chua Nôm hay Hán Việt, chú nguồn gốc và từ loại, cách phát âm khác [Vũ Quang Hào, 631].
Từ điển từ và ngữ của Nguyễn Lân là từ điển giải thích, có đưa các gốc Hán Việt, không chỉ đơn giản chú nguồn gốc mà còn đưa lời giải nghĩa các gốc Hán Việt. Dù còn nhiều sai sót nhưng đây là một việc làm rất có ích cho người dùng.
Từ điển Việt Nga cỡ lớn đã chú nguyên dạng các từ ngữ gốc Âu – Mĩ, dự định chú gốc Hán Việt, hiện nay đã đưa một số ở các vần đầu (bản thảo ABC).
Từ điển tiếng Việt cỡ vừa của Viện Ngôn ngữ học, 2003 (chưa xuất bản) đưa nguồn gốc từ của các từ Hán Việt và từ gốc Âu – Mĩ, cung cấp từ đồng nghĩa trái nghĩa đến các nghĩa từ, đưa ví dụ ca dao, Kiều.
Thực tế, có thể một số cuốn thực hiện việc tích hợp thông tin chưa tốt, nhưng ý đồ của các tác giả thì đã rõ.
Ngoài ra, có một cuốn từ điển mạnh bạo hơn: Từ điển tiếng Huế với phụ đề tiếng Huế, người Huế, văn hoá Huế [x. 11].
Ngoài giải nghĩa từ còn chua thêm những chi tiết về lịch sử, văn học, kĩ thuật và dân tộc, những sự biến âm….
TÐ tiếng Huế phá vỡ tính truyền thống về loại của từ điển theo cách phân loại thông thường:
- Bảng từ gồm cả tên riêng: cồn hến, cồn dã viên, đường bộ tham bộ thị, hậu hồ;
- Các thông tin được tổ chức vừa theo kiểu ngữ văn, vừa theo kiểu bách khoa (công sứ, công quán, chả tôm Huế, làm dâu) lại như từ nguyên (chả bông bí, chả nghêu), lò sát sinh (hỗn hợp cả bách khoa, cả lịch sử);
- Các đơn vị từ điển không bị đánh dấu bằng bất cứ tri thức ngôn ngữ học nào. Hay như Hồ Hải Thuỵ là sự xoá bỏ ranh giới đồng âm – đa nghĩa, vì sự tiện lợi (hình thức hoá triệt để) của người dùng [x. 6, tr.73]. Các mục từ không chú từ loại, phong cách.
Ví dụ, từ dẹp 1. bỏ qua một bên, đừng nói đến nữa (Lời nói tức khí) (Chuyện đó dẹp!) 2.tức cái dẹp, là dụng cụ bằng tre như cái chuồng để chĩa xuống để đơm cá 3. bẹp, lép (Lúa dẹp).
Tuy đã được xử lí như một nghĩa trong từ dẹp như trên, nhưng tiếp đó vẫn có mục từ nữa: dẹp (cái dẹp) là cái đó, cái đơm, cái lờ.
Ngôn ngữ miêu tả là ngôn ngữ tự nhiên nhất, thậm chí trong nhiều mục từ nó còn mang phong cách khẩu ngữ. Và đặc biệt nó mang đậm phong cách phương ngữ, phong cách cá nhân. Ví dụ mục từ chưởi theo lối Huế: người Huế thường chưởi dông chưởi dài, có câu có kéo, nói giọng bình thản như kể chuyện nhưng rất đau điếng, thấm thía cho người nghe vì không những chính mình bị làm nhục với lời lẽ hàm hồ, hỗn xược, tục tĩu mà ông bà còn bị người ta lôi ra để lên đặt xuống, coi không ra gì, thật là bất hiếu [những chỗ in đậm là chúng tôi nhấn mạnh]. Ðây thực sự là một cách xử lí không chuyên nghiệp. Nhưng Từ điển tiếng Huế vẫn được đánh giá cao vì mục đích, vì tính tiện dùng, vì nó có một mục tiêu rõ ràng và một đối tượng xác định: những người Việt xa quê hương. Giá trị nhân văn làm nên giá trị chính của cuốn này. Bất chấp các nguyên tắc từ điển học, Từ điển tiếng Huế của Bùi Ðức Minh đã tạo được chỗ đứng riêng, vì nó khắc phục được nhược điểm muôn thuở của từ điển là cái cần tìm thì không có. Trong Từ điển tiếng Huế, người xa xứ có thể tìm được tất cả những gì liên quan đến quê hương, dưới dạng dân dã và gần gũi nhất.
Vì vậy, một cuốn từ điển từ ngữ địa phương vùng Huế ra sau, rất nghiêm túc với cấu trúc chặt chẽ và khoa học thì lại chưa tìm được lối ra.
Qua các từ điển được nêu trên, có thể thấy ở Việt Nam, xu hướng tích hợp thông tin trong các từ điển giải thích đã tạo nên một loại các từ điển đa thông tin.
Tích hợp thông tin tức là đưa các thông tin một cách có chủ ý, có tổ chức để làm thành một cuốn từ điển có cấu trúc rõ ràng và nhất quán. Việc làm này khác hẳn với việc cóp nhặt, xào xáo và pha trộn các cuốn từ điển giải thích và từ điển chuyên ngành để cho ra một cuốn từ điển kém chất lượng. Những cuốn từ điển loại này thường hoặc không có gì mới, vô thưởng vô phạt, hoặc được tập hợp một cách thô thiển từ những cuốn từ điển tiếng Việt đã có.
Ví dụ, Từ điển tiếng Việt của nhóm NEW ERA [Nxb Văn hoá Thông tin, 2005]. Một cuốn từ điển có quy mô lớn: gần 2.200 trang khổ 16×24 cm, nhưng không có thể lệ, nguyên tắc biên soạn, lời nói đầu chỉ có 01 trang và kèm theo 01 trang các kí hiệu viết tắt. Mở ngay trang đầu đã thấy sự chắp nhặt, ví dụ, từ a đầu tiên trong 8 từ a đồng âm đưa ra 8 nghĩa:
- Từ đầu câu …a! mai được nghỉ học.
- Tiếng Việt đặt cuối câu …đông dữ a!
- Từ đặt cuối câu để hỏi … thế a?
- Dụng cụ dân quê dùng để cắt rạ.
- Gom lại vun thành đống.
- Sấn vào, xông vào.
- Nói kéo dài giọng. a hết cả ngày mà không thuộc bài.
- Nói không nghe rõ ý. Nói ấm a ấm ớ.
Các từ đồng âm tiếp theo là:
- Theo hùa, theo bè cánh.
- 1 người đàn bà lớn tuổi. 2 Cái gò.
- Tiếng dùng để phiên âm các từ ngoại ngữ đồng âm.
- Ði đại tiện.
- 1 Dụng cụ làm bằng một cái gậy … 2 Người hầu gái có tóc kết…
- … Con quạ.
- (Pháp Are) đơn vị chỉ 100 mét vuông.
Cuốn từ điển này nhặt nhạnh, gom góp tất cả những gì có trong các cuốn từ điển tiếng Việt khác nhau và đổ chúng vào một chỗ một cách thô thiển, không cần biết nó là gì, chỗ của nó ở đâu.
Có lẽ chỉ qua một từ và một dãy từ đồng âm trên, chúng ta cũng không cần nói gì thêm.