Một hiện tượng khá thú vị về tục ngữ ta thường bắt gặp đó là nhiều câu tục ngữ được cải biên. Đây không phải là vấn đề dị bản của tục ngữ, mà là vấn đề chơi chữ, thường để đạt mục đích tạo sự hài hước, bông đùa. Tuy vậy, không chỉ đơn thuần là hình thức chơi chữ giải trí, các câu tục ngữ cải biên như thế cũng đôi khi có sức mạnh châm biếm, phê phán một cách sâu sắc và sáng tạo. Người ta cải biên tục ngữ không phải vì một số câu tục ngữ trở nên lỗi thời và việc sáng tạo ngôn ngữ như thế không làm giảm đi những giá trị của tục ngữ vốn được xem là chân lí. Bài viết này trình bày một số nhận xét chung quanh hiện tượng chơi chữ bằng lối cải biên tục ngữ qua việc giới thiệu một số câu tục ngữ ‘tân thời’ trong tiếng Anh và tiếng Việt khá phổ biến trong khẩu ngữ và trên mạng Internet.
1. Một số câu tục ngữ quen thuộc được cải biên bằng cách thay đổi một hoặc một số từ ngữ hay khái niệm trong cấu trúc sẵn có. Ví dụ như các câu sau:
- Gần mực thì đen gần đèn thì cháy
- Một con ngựa đau, cả tàu bỏ chạy
- When the teacher is ready, the student appears
Câu (1) dựa vào quy luật hiển nhiên: gần lửa thì dễ bị cháy. Lối chơi chữ như vậy giữ nguyên ý nghĩa của câu thục ngữ chuẩn mực là Gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Tuy nhiên, nó cũng có ý khuyên răn người ta phải cẩn trọng trong những mối quan hệ và hành vi của mình: ‘lựa chọn bạn mà chơi’; cũng như ‘đi đêm lắm có ngày gặp ma’ hay ‘chơi dao có ngày đứt tay’ vậy.
Câu (2) có ý trách móc, phê phán sự bạc bẽo vô tâm, thái độ trái ngược với sự quan tâm tương trợ thương yêu trong ‘một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ’.
Câu (3) (‘Thầy sẵn sàng rồi trò mới đến’) phê phán những học sinh có thái độ học tập không nghiêm túc. Về tính lười nhác, biếng học, có rất nhiều tục ngữ cải biên tương tự lưu truyền phổ biến trong ngôn ngữ của học sinh, sinh viên. Ví dụ như các câu (4), (5), và (6).
- Uống nước thì phải nhớ nguồn
Trò lười lên bảng chỉ luôn gãi đầu - Bói ra ma quét nhà ra rác
Học lười nhác thì ‘vác’ 1, 2. - Cá không ăn muối cá ươn
Chàng lười nhác học ăn lươn dài dài
2. Có những câu tục ngữ được cải biên để diễn tả một sự thật hết sức hiển nhiên. Ví dụ như (7), (8) và (9).
- Kiến tha lâu cũng mỏi cẳng
- Có công mài sắt có ngày chai tay
- Nhà sạch thì mát, bát sạch tốn xà bông
Trong tiếng Anh, các câu sau đây cũng có tính chất như vậy.
- There are three things that can destroy a preacher: the glory, the gold, and the girls (Ba thứ có thể đánh bại một đạo sĩ là vinh quang, vàng bạc, và phụ nữ)
- Maternity is a matter of fact, paternity is a matter of opinion (Làm mẹ là một thực tế, làm bố chỉ thuộc về ý kiến (Câu này muốn chỉ người mẹ mới có thể chắc được đứa con sinh ra là của mình, trong khi người bố thì không!))
- It is bad luck to fall out of a thirteenth story window on Friday (Rơi từ cửa sổ tầng thứ 13 vào ngày thứ sáu là một điều xui xẻo)
3. Một cách khác để chơi chữ dùng tục ngữ là hoán đổi vị trí các khái niệm cho nhau. Kết quả là một câu tục ngữ có ý nghĩa mới, chứa đựng bài học mới. Ví dụ:
- Tốt sơn hơn tốt gỗ: phê phán những kẻ xem nặng hình thức hơn là chẩt lượng nội dung
- Còn tát còn nước: nói về một tình huống, hay một công việc hết sức khó khăn
- Thằng bần là bác cờ bạc: chê trách những kẻ mê trò đỏ đen, không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn nghèo–đánh bạc–nghèo
- The love of evil is the root of all money: Tội lỗi là cơ sở để sinh ra tiền (So sánh với ‘The love of money is the root of all evil‘ Đồng tiền là căn nguyên mọi tội lỗi)
4. Thêm vào cấu trúc sẵn có một cụm từ hoặc một vế mới cũng tạo nên những câu tục ngữ cải biên. Các câu (4), (5), và (6) đã trình bày ở trên đều có cấu trúc như vậy. Trong tiếng Anh, những câu tục ngữ dạng này bao gồm các câu (18), (19), (20). Một đặc điểm của các câu thuộc loại này là người ta cố tình hiểu các khái niệm theo nghĩa đen, trên cơ sở đó thêm những yếu tố mới để tạo sự khôi hài.
- He who laughs last thinks slowest (Người nào cười sau cùng là kẻ chậm hiểu). Câu nguyên bản: He who laughs last laughs best (Cười người hôm trước hôm sau người cười)
- The grass may look greener on the other side, but it still has to be mowed (Cỏ của người khác luôn xanh hơn của mình, dù thế nó vẫn bị cắt)
- If the grass may look greener on the other side of the fence, you can bet the water bill is higher (Nếu cỏ của người khác xanh hơn của mình, chắc chắn họ phải trả tiền nước nhiều hơn)
Cả hai câu (18) và (19) đều xuất phát từ cùng một câu, đó là ‘The grass is always greener on the other side of the hill‘ (Đứng núi này trông núi nọ). - Money isn’t everything. There’s credit cards, money orders, and travelers checks (Tiền không phải là tất cả mà còn có các loại tín phiếu khác nữa)
5. Cuối cùng, một số câu tục ngữ được sáng tạo và cải biên tương đối gần đây nhằm nói về những vấn đề thuộc xã hội hiện đại.
- Quen sợ dạ, lạ sợ si đa
- Một người vô ‘net’ cả nhà kẹt ‘phone’
- A journey of a thousand sites begins with a single click (Một cái nhấp chuột đưa bạn đến hàng ngàn trang web)
- C:\ is the root of all directories (Ổ đĩa C:\ là nguồn gốc của mọi thư mục)
- Give a man a fish and you feed him for a day, teach him to use the net and he won’t bother you for weeks (Cho ai một con cá, bạn nuôi sống anh ta một ngày, dạy anh ta cách dùng Internet, anh ta sẽ không làm phiền bạn trong nhiều tuần liền)
- Speak softly and carry a cellular phone (Hãy nói khẽ và mang điện thoại cầm tay)
- Virtual reality is its own reward (Thế giới ảo tự nó là phần thưởng)
- Windows will never cease (Các cửa sổ không bao giờ ngừng mở)
- You can’t teach a new mouse old clicks (Chuột mới không học được những cú nhấp cũ)
- Too many clicks spoil the browser (Nhấp chuột nhiều quá sẽ làm hỏng mất trình duyệt)
Về mặt cấu trúc, có thể tóm tắt như sau:
Nhóm | Dạng nguyên gốc |
Dạng cải biên |
Ví dụ | |
---|---|---|---|---|
Câu gốc | Câu cải biên | |||
I | X1-X2 | X1-Y | Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ | Một con ngựa đau cả tàu bỏ chạy |
II | X1-X2 | Y1-Y2 | Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ | Một người vô ‘net’ cả nhà kẹt ‘phone’ |
III | X1-X2 | X2-X1 | Còn nước còn tát | Còn tát còn nước |
IV | X1-X2 | X1-X2 + Y | Bói ra ma quét nhà ra rác | Bói ra ma quét nhà ra rác Học lười nhác thì ‘vác’ 1, 2 |
X: khái niệm/vế cũ; Y: khái niệm/vế mới
Tóm lại, bản chất ngôn ngữ là sống động và dùng tục ngữ một cách sáng tạo qua việc cải biên, về mặt nào đó, sẽ góp phần làm tăng hiệu quả giao tiếp. Như vậy, cải biên tục ngữ là một hình thức chơi chữ và lối chơi chữ này rất phổ biến trong khẩu ngữ hay trong những tình huống không quá trang trọng. Thế nhưng, như chúng ta thấy qua các ví dụ trên, những ‘biến thể’ của các câu tục ngữ này không phải chỉ là kết quả của sự bông đùa bỡn cợt, mà chúng còn chứa đựng những giá trị hay bài học trong đó, mà đa phần là phê phán, châm biếm các thói hư tật xấu của con người trong xã hội. Hơn nữa, một câu tục ngữ được dùng theo lối ‘tân thời’ trước tiên phải xuất phát từ một câu tục ngữ quen thuộc, đi vào lòng người, dễ nhớ, dễ dùng. Chỉ có những câu tục ngữ hay, có tính giáo dục, có tần số sử dụng cao mới có thể làm tiền đề để phát sinh nhiều câu tục ngữ cải biên xoay quanh nó. Việc dùng các câu tục ngữ cải biên như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngôn ngữ nói chung. Chúng có tồn tại lâu dài hay không và có ảnh hưởng đến ngôn ngữ trong đời sống như thế nào còn là những câu hỏi chưa được nghiên cứu. Tuy nhiên thực tế tồn tại những câu tục ngữ như vậy đã và đang tạo nên nhiều điều thú vị trong lĩnh vực ngôn ngữ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- www.semithere.com/4est/index.html
- www.ovrlnd.com/Main Page/modernproverbs.html
- www.silverreflection.tripod.com/thelighterside/id22.html
- www.users.tpg.com.au/sharenet.pro/proverbs.html
* Theo Ngôn ngữ & Đời sống, số 9 (119)/2005