Ngôn ngữ học có quan hệ với rất nhiều khoa học khác nhau.
1. Tín hiệu học là khoa học đại cương về các hệ thống tín hiệu như: mã điện báo, tín hiệu hàng hải, hàng không, hệ thống đèn giao thông, hệ thống tín hiệu của các loài động vật, bản chất tín hiệu của các bản đồ địa lí, của các nét vẽ hoạ hình, kĩ thuật sử dụng ngón tay của người câm điếc v.v… Là một hệ thống tín hiệu, ngôn ngữ phải vận dụng những nguyên lí chung của tín hiệu học để xác lập các quy tắc riêng của mình.
2. Logic học là khoa học nghiên cứu các quy luật của tư duy và các hình thức của ý nghĩ. Ngôn ngữ và tư duy gắn bó với nhau cho nên việc vận dụng những khái niệm của logic học như khái niệm, biểu tượng, phán đoán, nội hàm, ngoại diên, các quan hệ logic, v.v… vào ngôn ngư học là rất quan trọng.
3. Tâm lí học. Một trong những nhiệm vụ của tâm lí học là miêu tả hành vi nói năng của con người, chẳng hạn, nghiên cứu sự hình hành lời nói ở trẻ em, sự phát triển lời nói ở học sinh… Ngôn ngữ học cũng nghiên cứu lời nói, nó phải chú ý tới những cứ liệu tâm lí học.
4. Sinh lí học. Hoạt động nói năng của con người là một nội dung nghiên cứu của sinh lí học. Sinh lí học lời nói sẽ nghiên cứu quá trình cấu tạo các âm của lời nói trong bộ máy phát âm và quá trình tri giác bằng tai.
5. Y học. Trong y học, có nhiều bệnh liên quan đến ngôn ngữ như: bệnh tâm thần, chứng mất ngôn, bệnh câm–điếc, mù–câm–điếc… Tri thức ngôn ngữ học sẽ giúp ích cho các bác sĩ trong việc chữa các bệnh có liên quan đến chứng mất ngôn, loạn ngôn… kể trên.
6. Sử học. Cơ cấu và sự tiến hoá của xã hội chi phối sự phát triển của ngôn ngữ. Tài liệu lịch sử là một trong những bằng chứng để giải thích các hiện tượng ngôn ngữ. Ngược lại, các cứ liệu về ngôn ngữ có thể rọi ánh sáng lên những sự kiện lịch sử nào đó.
7. Dân tộc học. Ngôn ngữ là một trong những đặc trưng cơ bản của dân tộc. Nghiên cứu đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc, dân tộc học không thể không chú ý đến các tài liệu ngôn ngữ.
8. Khảo cổ học. Khảo cổ học là khoa học nghiên cứu lịch sử quá khứ của xã hội loài người dựa theo các di chỉ văn hoá vật chất đã phát hiện được qua các lần khai quật. Cứ liệu khảo cổ học giúp các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu các ngôn ngữ cổ, đã chết, xác định khu vực hoạt động và sự di chuyển của các ngôn ngữ đó. Những di chỉ văn tự có ghi rõ thời gian sẽ lại giúp cho khảo cổ học định niên đại các sự kiện một cách chính xác.
9. Văn học. Ngôn ngữ là chất liệu của văn học cho nên ngôn ngữ học gắn bó trực tiếp với văn học. Mỗi người làm công tác văn học phải có sự hiểu biết về ngôn ngữ học, nhưng nhà ngôn ngữ học không nhất thiết phải là nhà nghiên cứu văn học.
10. Các khoa học tự nhiên. Nhà ngôn ngữ học cần phải biết các thuộc tính âm học như: cao độ, trường độ, âm sắc, âm thoa, cộng hưởng… Đó chính là tri thức thuộc Vật lí học. Nhiều phương pháp Toán học đã được vận dụng vào ngôn ngữ như: lí thuyết xác suất, lí thuyết thống kê, lí thuyết tập hợp… và người ta đã xây dựng được ngôn ngữ toán học. Vì ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu, làm công cụ giao tiếp quan trọng nhất của con người cho nên nó liên quan chặt chẽ với lí thuyết thông tin và điều khiển học. Chính nhờ những thành tựu của lí thuyết thông tin và điều khiển học mà ngành ngôn ngữ học ứng dụng cũng phát triển và các máy phiên dịch đã ra đời.
Theo Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 311–314
Thảo luận trên Diễn đàn: http://ngonngu.net/diendan/viewtopic.php?t=263
See also: Interdisciplinary linguistic research