2. Diễn tiến của ngôn ngữ
Khi nói về nguồn gốc của ngôn ngữ, chúng ta đã phân tích và thấy rằng ngôn ngữ xuất hiện cùng với quá trình hình thành ý thức, gắn liền với lao động, với sự xuất hiện của con người và xã hội loài người. Vậy, xem xét quá trình diễn tiến của ngôn ngữ trong sự diễn tiến của xã hội loài người sẽ là điều hợp lí.
Về mặt dân tộc học, người ta đã phân loại các đơn vị tổ chức xã hội loài người thành các bậc: thị tộc, bộ lạc, bộ tộc và cuối cùng là dân tộc. Bên cạnh đó, học thuyết về các hình thái kinh tế xã hội lại phân chia lịch sử xã hội theo một cách khác và được các hình thái kinh tế xã hội ứng xử với các giai đoạn phát triển như: công xã nguyên thuỷ, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa.
Trên thực tế, khó lòng có thể vạch ra từng bậc trong sự diễn tiến của ngôn ngữ một cách “phân đoạn” như vậy. Tuy nhiên, trong chừng mực nhất định, người ta vẫn có thể dựa vào những ranh giới phân đoạn đó nhiều hoặc ít, tuỳ theo, vì chẳng còn có cách nào hơn.
2.1. Chế độ công xã nguyên thuỷ ứng với loại cộng đồng thị tộc và bộ lạc (còn gọi chung là các nhóm dân tộc học) trong đó bộ lạc là đơn vị cơ sở.
Mỗi bộ lạc như thế cư trú trên một lãnh thổ, mọi người trong bộ lạc có quan hệ kinh tế với nhau, mang mang những đặc điểm đời sống-văn hoá chung và nói cùng một thứ tiếng.
Về mặt ngôn ngữ, thời kì này có hai xu hướng gần như trái ngược nhau, nhưng nhiều khi lại đan xen vào nhau: xu hướng chia tách, phân tách và xu hướng liên minh, hợp nhất.
- Xu hướng chia tách thường xảy ra khi một bộ lạc tăng trưởng dân số không ngừng và đến một lúc nào đó, do nhiều điều kiện khác nhau (nhưng nhu cầu sinh sống là chủ yếu) buộc người ta tự nhiên phải tách ra thành những bộ phận, những nhóm, cư trú phân tán trên nhiều địa bàn khác nhau. Do điều kiện sống xa nhau, thậm chí biệt lập, rất ít tiếp xúc hoặc không có tiếp xúc nữa, các bộ phận cư dân đó về sau đã hình thành nên (một cách tự nhiên) những bộ lạc độc lập.
Trong quá trình đó, những khác biệt về mặt ngôn ngữ đã nảy sinh rồi được củng cố qua nhiều thế hệ và trở thành ngôn ngữ khác nhau có cùng nguồn gốc, hoặc trở thành những phương ngữ, thổ ngữ khác nhau của một ngôn ngữ chung. Các nhà dân tộc học, sử học, ngôn ngữ học cùng với những ngành khoa học hữu quan, khi nghiên cứu sự thân thuộc về mặt cội nguồn giữa các tộc người, giữa các ngôn ngữ hiện đang tồn tại hoặc giữa các phương ngữ của một ngôn ngữ, đã thấy rất rõ điều đó. Chẳng hạn: các nhóm phương ngữ Mày, Rục, Sách, Arem, Mã Liềng của tiếng Chứt; các nhóm phương ngữ Thổ, Poọng, Đan Lai, Li Hà, Cuối Chăm, Cuồi Niêu của tiếng Thổ ở khu vực Đông Nam Trường Sơn (Việt Nam); Các phương ngữ của tiếng Papua ở Châu Phi, các phương ngữ của tiếng Litva ở Liên Xô… hẳn đã là kết quả của quá trình chia tách và khuếch tán như vậy.
Có thể nói, ngôn ngữ của các bộ lạc, tự nó đã là những mầm mống để hình thành các phương ngữ, thổ ngữ trong giai đoạn xã hội phát triển cao hơn sau này. - Xu hướng hợp nhất có lẽ hay xảy ra vào giai đoạn chót của chế độ công xã nguyên thuỷ đang chuyển dần sang giai đoạn xã hội có giai cấp. Lúc này, có những liên minh bộ lạc được hình thành (hoặc là bằng cách một bộ lạc này chinh phục các bộ lạc khác, hoặc là một số bộ lạc tự nguyện liên minh với nhau vì một nguyên nhân nào đó).
Liên minh bộ lạc là điều kiện hết sức thuận lợi để các ngôn ngữ (dù không gần gũi với nhau về cội nguồn, hoặc hoàn toàn không có quan hệ thân thuộc đi nữa) tiếp xúc chặt chẽ với nhau và tác động, ảnh hưởng lẫn nhau. Thường có hai lối tác động:
Thứ nhất, một ngôn ngữ bộ lạc chiến thắng các ngôn ngữ khác và trở thành ngôn ngữ chung trong cộng đồng toàn liên minh. Tuy vậy, nó vẫn chịu ảnh hưởng của các ngôn ngữ không chiến thắng khác và thay đổi ít nhiều bộ dạng của mình đi; nhất là ở mặt ngữ âm và từ vựng. Tiếng Latin của người La Mã trong các vùng bị người La Mã chinh phục là như vậy.
Thứ hai, tiếp xúc ngôn ngữ dẫn đến pha trộn ngôn ngữ và thậm chí có thể làm nảy sinh một ngôn ngữ mới. Thế nhưng, đây không phải là sự pha trộn cơ giới, đảo đều; cũng không phải là sự tạo thành một ngôn ngữ hoàn toàn mới, khác hẳn các ngôn ngữ tham gia tiếp xúc, pha trộn; bởi vì ngôn ngữ mới này vẫn giữ cơ cấu hình thái của một trong những ngôn ngữ thuộc thành phần pha trộn đó làm cơ sở nền tảng cho mình. Chính nhờ cái cơ sở (gọi là cơ tầng) đó mà người ta vẫn xác định được ngôn ngữ mới thân thuộc với ngôn ngữ nào hơn và thuộc vào nhóm nào trong phổ hệ của họ ngôn ngữ.
Lối tiếp xúc, ảnh hưởng như thế, ngay gần đây, người ta vẫn còn có thể kiểm chứng được trong không hiếm ngôn ngữ hiện đang tồn tại. Ví dụ:
- Tiếng Việt trong quá trình tiếp xúc lâu đời với tiếng Hán, đã vay mượn vào vốn từ của mình một khối lượng rất lớn các từ và yếu tố tạo từ cùng với một số ảnh hưởng khác về mặt ngữ pháp; nhưng không vì thế mà nó thuộc cùng một nhóm gần gũi về cội nguồn với tiếng Hán.
Ở châu Âu, quan hệ giữa tiếng Anh với tiếng Pháp; tiếng Rumani với các ngôn ngữ Slave và tiếng Hi Lạp, tiếng Hung, người ta cũng thấy những tình hình tương tự: tiếng Anh vẫn thuộc số các ngôn ngữ Giecman, còn tiếng Pháp, tiếng Rumani vẫn thuộc về các ngôn ngữ Roman. - Theo A.G. Haudricourt, người Sán Chấy ở Việt Nam vốn là người Dao gốc Quý Châu (Trung Quốc), di cư đến Quảng Đông rồi di cư sang Việt Nam sống chung với người Tày, Nùng. Tại đây, ngôn ngữ của họ, tiếng Sán Chấy, là một ngôn ngữ pha trộn gồm cơ tầng Dao với tiếng Tày Nùng.
Như vậy, điểm nổi rõ về mặt ngôn ngữ trong thời kì công xã nguyên thuỷ, thời kì của các thị tộc, bộ lạc là luôn luôn diễn ra quá trình chia tách và liên minh, tiếp xúc. Một mặt, sự chia tách làm gia tăng số lượng các ngôn ngữ khác nhau hoặc các phương ngữ, thổ ngữ khác nhau trong một ngôn ngữ; mặt khác, sự tiếp xúc lại dẫn đến tình trạng gần nhau, và tới một mức nào đó sẽ dẫn đến pha trộn ngôn ngữ.
2.2. Thay thế chế độ công xã nguyên thuỷ là chế độ xã hội có giai cấp, gắn liền với sự thiết lập nhà nước (trước hết là những nhà nước cổ đại) theo kiểu nào đó của phương Đông hoặc phương Tây.
Tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở từng nơi mà các nhà nước đó đã được xây dựng bằng những cách khác nhau, bởi những nguyên nhân ít nhiều khác nhau. Các nhà nước cổ đại ở Hi Lạp, La Mã, Ai Cập, Ấn Độ, Trung Hoa và vùng Cận Đông là sản phẩm của những bộ lạc hoặc liên minh bộ lạc chiến thắng để thống trị các tộc người khác trong cộng đồng. Một số nơi khác (rất có thể như ở nước Văn Lang ở Việt Nam thời xa xưa chẳng hạn) lại xây dựng nhà nước trên cơ sở của một liên minh tự nguyện, thiết lập chính quyền trung ương thống nhất, khả dĩ tập trung sức mạnh toàn cộng đồng để đối phó thiên tai hoặc các cuộc xâm lăng, thôn tính của ngoại xâm.
Nhà nước ra đời đòi hỏi trong cộng đồng phải có một ngôn ngữ thống nhất làm ngôn ngữ nhà nước. Ngôn ngữ đó có thể là một ngôn ngữ bản địa của người chiến thắng như tiếng Latin từ sau năm 49 trước công nguyên ở đế quốc La Mã, tiếng Xôngai trong lãnh thổ của nhà nước Xôngai (ở Châu Phi) trước đây; cũng có thể là ngôn ngữ của bộ lạc làm hạt nhân, trung tâm cho nhà nước như tiếng Việt trong lãnh thổ nước Văn Lang thời xưa. Mặt khác, ở một số nơi, cùng với sự hình thành nhà nước là quá trình xuất hiện, xây dựng chữ viết (hoặc là tự sáng tạo, hoặc là vay mượn, cải biến, hoặc là tiếp thu hẳn một hệ thống của ngoại tộc).
Người nắm được và sử dụng chữ viết lúc đó chủ yếu là các trí thức trong tầng lớp thống trị, các tăng lữ thuộc các tôn giáo hoặc thương nhân (như ở Cận Đông và vùng Địa Trung Hải). Vì vậy, trong giai đoạn này ngôn ngữ nhà nước không phải ở nơi nào cũng đồng thời là ngôn ngữ của toàn dân. Thậm chí, khi nhà nước đã đạt tới trình độ quản lí tổ chức và tập trung cao (như trong chế độ phong kiến về sau chẳng hạn) thì cái gọi là ngôn ngữ nhà nước, ngôn ngữ có tính chính thống thường cũng có nghĩa là ngôn ngữ viết, phân biệt với ngôn ngữ nhân dân (là ngôn ngữ dùng trong giao tiếp rộng rãi hàng ngày) và có khi nó xa cách với ngôn ngữ nhân dân.
Điều này còn diễn ra cho tận đến lúc ngôn ngữ dân tộc dần dần chiếm ưu thế trong mọi phạm vi giao tiếp của nhà nước.
Dẫu sao thì sự ra đời của nhà nước cũng đã có ảnh hưởng đến ngôn ngữ. Nó là nhân tố vừa đòi hỏi, vừa thúc đẩy việc tìm kiếm, xây dựng một ngôn ngữ chính thức, thống nhất về phương diện quốc gia, dù có đồng thời là ngôn ngữ toàn dân hay không.
Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 38–44.
Đọc tiếp: Phần 2