Ngôn ngữ là người bạn đồng hành không thể thiếu của con người. Vì vậy, con người luôn luôn quan tâm đến ngôn ngữ và xây dựng cả một khoa học về nó. Đó là ngôn ngữ học.
Ngôn ngữ có từ rất lâu, chậm nhất là vào nửa cuối thế kỉ IV trước Công nguyên. Những tài liệu ngôn ngữ học cổ nhất được tìm thấy ở Ấn Độ, Hi Lạp và Ảrập. Ngôn ngữ học ra đời không phải xuất phát từ những suy nghĩ trừu tượng của các siêu nhân mà xuất phát từ bản thân những yêu cầu trong đời sống của con người.
Thời cổ Ấn Độ, kinh Vệ Đà rất được tôn kính. Ngôn ngữ của kinh Vệ Đà được coi là mẫu mực và không biến đổi. Nhưng ngôn ngữ nói hàng ngày của người Ấn Độ lại biến đổi không ngừng làm cho ngôn ngữ của kinh Vệ Đà bị sai lệch, nhiều từ ngữ thậm chí không hiểu được nữa. Tình hình ấy đã khiến ngôn ngữ học phải nảy sinh trong thời cổ Ấn Độ. Ở Hi Lạp cũng vậy. Ở đây, ngôn ngữ học cũng nảy sinh do nhu cầu bảo toàn và giải thích ngôn ngữ của "Iliad" và "Odyssey". Sau khi ra đời, sự xuất hiện của chữ viết đã thúc đẩy sự phát triển của ngôn ngữ học, bởi vì muốn truyền thụ chữ viết từ thế hệ này sang thế hệ khác chẳng những phải hiểu biết bản thân các kí hiệu mà còn phải biết các yếu tố của kết cấu ngôn ngữ do các kí hiệu đó biểu thị.
Ở Ấn Độ việc nghiên cứu ngôn ngữ chủ yếu có tính thực tiễn. Nổi bật trong số cácn hà ngôn ngữ họ cổ Ấn Độ là Panini, sống vào khoảng giữa thế kỉ IV và III trước Công nguyê. Cho đến nay, các nhà ngôn ngữ học vẫn phải thừa nhận những quan sát tinh tế và kĩ lưỡng, những sự miêu tả chính xác và độc đáo của Panini đối với các hiện tượng ngôn ngữ. Các tác phẩm của ông đã giúp cho việc nghiên cứu so sánh các ngôn ngữ họ hàng ở thế kỉ XIX và giúp cho việc hình thành khái niệm về kết cấu hình thái và ngữ âm của ngôn ngữ văn học cổ Ấn Độ.
Ở Hi Lạp, chiều hướng phát triển của ngôn ngữ học ban đầu gắn liền với những tìm tòi về triết học trong các lĩnh vực rộng lớn về tư duy và thực tế. Trong một thời gian dài các nhà triết học cổ Hi Lạp như Platon (Plato, 428–347 trước Công nguyên), Aristôt (Aristotle, 384–322 trước Công nguyên) đã tranh luận về bản chất của từ, mối quan hệ về bản chất của từ với sự vật và tư tưởng. Về sau môn ngữ pháp học đã tách dần ra khỏi áp lực của triết học để trở thành một khoa học độc lập với tên tuổi của các nhà bác học như Aritac, Điônixi, Phơrakixki, Apôloni, Đixcôlơ v.v… Người La Mã cải tiến sơ đồ ngữ pháp của người Hi Lạp và đem áp dụng vào ngôn ngữ của mình. Trong một thời gian dài, các công trình ngữ pháp của người La Mã được coi là mẫu mực, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngữ pháp học thời trung thế kỉ ở Tây Âu.
Tiếp thu những thành tựu ngôn ngữ học của người Ấn Độ và Hi Lạp, người Arập (thế kỉ VII–X) đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của ngôn ngữ học. Người Arập đã miêu tả tỉ mỉ và chính xác về ngữ âm, có những tìm tòi đáng chú ý về cú pháp, đặc biệt là họ có nhiều thành tựu về từ điển học. Theo một số tài liệu, Alơ Phirada Cadi đã soạn một cuốn từ điển gồm 100 tập. Ngoài ra, người Arập còn nghiên cứu cả tiếng địa phương và cả các tiếng nước ngoài nữa.
Đáng tiếc, những thành tựu ngôn ngữ học cổ đại đã không được phát huy trong những thời kì tiếp theo. Hệ giáo lí và triết học kinh viện thời trung thế kỉ đã đè nặng lên khoa học. Vì vậy, suốt thời trung thế kỉ, ngôn ngữ học không tiến lên được bao nhiêu. Mãi tới thời kì Phục hưng, ngôn ngữ học mới dần dần phục hưng trở lại.
Do sự phát triển của ngành hàng hải và thương mại, những phát kiến về địa lí và việc xâm chiếm thuộc địa, việc truyền bá đạo Cơ Đốc ra ngoài phạm vi châu Âu và việc phát minh ra máy in mà những người châu Âu làm quen ngày càng nhiều với các ngôn ngữ mới ở châu Á, châu Phi và châu Mĩ.
Do nhu cầu của thực tế, ngôn ngữ học buộc phải vượt ra ngoài cái sơ đồ hệ thống và các quy tắc của ngữ pháp Latin. Các nhà bác học đã hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ thực tiễn: biên soạn các cuốn từ điển và ngữ pháp của các ngôn ngữ khác nhau. Đồng thời, việc đối chiếu tài liệu ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp của các ngôn ngữ khác nhau cũng được tiến hành, đặt cơ sở cho sự ra đời của ngôn ngữ học so sánh-lịch sử vào đầu thế kỉ XIX.
Có thể nói, sự ra đời của phương pháp so sánh-lịch sử là một cái mốc lớn trên con đường phát triển của ngôn ngữ học. Những người đặt nền móng cho phương pháp này là F. Boop (1791–1867, người Đức), R. Raxca (1787–1832, người Đan Mạch), I. Grim (1785–1863, người Đức) và A. Vaxtôcôp (1781–1864, người Nga).
Ngôn ngữ học so sánh-lịch sử coi ngôn ngữ là một trong những bằng chứng của lịch sử dân tộc, nó thừa nhận sự biến đổi của ngôn ngữ trong thời gian và phương pháp lịch sử được coi là phương pháp chủ yếu trong việc nghiên cứu ngôn ngữ. Đồng thời, ngôn ngữ học so sánh-lịch sử xác lập và thừa nhận tính chất họ hàng về mặt lịch sử của các ngôn ngữ, thừa nhận khả năng và sự cần thiết phải nghiên cứu ngược lại quá khứ xa xôi của các ngôn ngữ họ hàng ngày nay cho tới tận thời kì mà người ta giả thiết rằng có một ngôn ngữ cơ sở. Trong ngôn ngữ học "so sánh-lịch sử" xuất hiện một số trường phái khác nhau như: trường phái tự nhiên, trường phái tâm lí, trường phái logic ngữ pháp, trường phái ngữ pháp hình thức v.v… Những người theo trường phái tự nhiên coi ngôn ngữ như một trong những biểu hiện của đặc tính sinh vật của con người và họ đã áp dụng học thuyết tiến hoá của Darwin vào ngôn ngữ. Những người theo trường phái tâm lí coi ngôn ngữ là một trong những hoạt động tinh thần của con người, nghiên cứu ngôn ngữ sẽ tìm hiểu được tâm hồn của cá nhân và do đó cũng sẽ tìm hiểu được tâm hồn, tâm lí dân tộc. Khuynh hướng logic-ngữ pháp chủ trương miêu tả và giải thích cơ cấu ngữ pháp của ngôn ngữ trên cơ sở logic, tức là đưa các quy luật logic vào ngôn ngữ.
Bước phát triển mới trong ngôn ngữ học, sau ngôn ngữ học so sánh lịch sử là khuynh hướng ngữ pháp trẻ vào những năm 70 của thế kỉ XIX. Gọi là "khuynh hướng ngữ pháp trẻ" bởi vì người đề xướng ra khuynh hướng này là một nhà ngôn ngữ học trẻ tuổi người Đức: F. Xacnơke. Phái ngữ pháp trẻ không thừa nhận khái niệm "ngôn ngữ" nói chung mà đặc biệt chú ý tới các hoạt động của lời nói cá nhân và các tiếng địa phương. Họ chú ý tới lịch sử của ngôn ngữ được ghi lại trên văn tự chứ không tin vào các giả thiết, họ phản đối việc phục hồi các ngôn ngữ cổ. Những nhà ngữ pháp trẻ nghiên cứu cặc kiện ngôn ngữ một cách rời rạc, riêng lẻ, theo thiểu nguyên tử luận. Đồng thời với phái ngữ pháp trẻ, ở Nga có hai trường phái ngôn ngữ học đặc sắc: trường phái Cadan đứng đầu là giáo sư I. Baudouin de Courtenay (1845–1929) và trường phái Matxcơva đứng đầu là viện sĩ Ф.Ф. Фортунатов (1848–1914).
Đến đầu thế kỉ XX, xuất hiện một khuynh hướng mới gọi là khuynh hướng xã hội học mà những người đứng đầu là F. de Saussure (1857–1913), Angtoan Mâyê (1866–1936) và Giôdep Vandriet (1875–1960). Khuynh hướng này coi ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, thừa nhận sự tác động của xã hội đối với sự tồn tại và phát triển của ngôn ngữ, coi trọng việc nghiên cứu các sinh ngữ và các tiếng địa phương.
Nhưng khuynh hướng mạnh nhất trong ngôn ngữ học đầu thế kỉ XX là chủ nghĩa cấu trúc. Nó xuất phát trực tiếp từ học thuyết của F. de Saussure được trình bày trong "Giáo trình ngôn ngữ học đại cương" của ông. Tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa cấu trúc là coi ngôn ngữ như một kết cấu, một thể toàn vẹn, chặt chẽ của các yếu tố khác nhau. Nhiệm vụ hàng đầu của ngôn ngữ học là nghiên cứu "các mối quan hệ" giữa các yếu yố ngôn ngữ. Ngôn ngữ học cấu trúc phân biệt rạch ròi "ngôn ngữ" và "lời nói", "đồng đại" và "lịch đại". Nhiều phương pháp nghiên cứu mới và độc đáo đã được áp dụng: phép đối lập, phép phân bố, phép chuyển hoá, phép phân tích thành tố trực tiếp, phép thay thế v.v… Thậm chí, ngôn ngữ học cấu trúc vận dụng cả các phương pháp của các các khoa học chính xác khác. Hiện nay, ngôn ngữ học lại xuất hiện các khuynh hướng mới, đó là: nhân chủng-ngôn ngữ học, tâm lí-ngôn ngữ học và ngôn ngữ học khu vực. Nhân chủng-ngôn ngữ học coi ngôn ngữ là một bộ phận quan trọng trong sinh hoạt văn hoá và tinh thần của dân tộc, các tác động rõ rệt đến thế giới quan và tư cách con người. Nó đặt vấn đề nghiên cứu mối quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau giữa ngôn ngữ và tâm lí, ngôn ngữ và văn hoá, ngôn ngữ và lịch sử dân tộc… Tâm lí-ngôn ngữ học là khoa học về các quy luật tâm lí và ngôn ngữ của việc tạo thành lời nói từ những yếu tố ngôn ngữ và của việc hiểu kết cấu ngôn ngữ của lời nói, tức là hiểu các yếu tố tạo thành lời nói. Có thể xem nó là khoa học nằm ở ranh giới của ngôn ngữ học, tâm lí học và lí thuyết thông tin. Ngôn ngữ học khu vực gắn liền với tên tuổi của Gilenron, M. Bactôlơ và G. Bôngphăngtê. Nó chú ý tới vai trò của các điều kiện không gian, địa lí trong lịch sử các ngôn ngữ và trong việc nghiên cứu ngôn ngữ. Nó nghiên cứu sự phân bố các sự kiện ngôn ngữ giống nhau, các vạch đường đồng ngữ tuyến. Các nhà bác học theo khuynh hướng này đặc biệt chú ý đến các quá trình ảnh hưởng qua lại phức tạp của các ngôn ngữ được sử dụng đồng thời tại một địa phương.
Nói tóm lại, ngôn ngữ học là một khoa học có từ lâu. Nó đã ra đời và phát triển để đáp ứng những nhu cầu của đời sống đặt ra. Những tiến bộ của ngôn ngữ học được đánh dấu bằng sự ra đời, thay thế lẫn nhau của các phương pháp nghiên cứu mới.
* Theo Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học. Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 306–310.
Đọc thêm: Khái quát về sự hình thành và phát triển của Việt ngữ học