• Dẫn nhập • Câu-ngôn bản • Ngôn bản là gì? Và cái gì làm nên văn bản? • Nghĩa của phát ngôn và ngữ cảnh • Hàm ý và hàm ngôn quy ước • Hàm ngôn hội thoại • Ngữ cảnh là gì?
9.2. Ngôn bản là gì? Và cái gì làm nên văn bản?
Xem xét từ quan điểm nghĩa học (và dụng học), ngôn bản và ngữ cảnh bổ sung cho nhau: cái này tiền giả định cái kia. Tôi sẽ bàn đến ngữ cảnh ngay sau đây. Song ngôn bản là gì và cái gì làm nên ngôn bản? Như ta sẽ thấy, đây là hai câu hỏi tách biệt (song có liên quan). Ta hãy bắt đầu với câu hỏi thứ nhất: ngôn bản là gì?
Câu trả lời thường được đưa ra là: ngôn bản là một chuỗi câu. Như được thể hiện, câu trả lời này rõ ràng không thoả đáng, nếu thuật ngữ ‘câu’, như nó bắt buộc phải thế trong ngữ cảnh này, có nghĩa là “câu–ngôn bản”. Sự thực, có một số ngôn bản thoả mãn được định nghĩa này, đặc biệt là những ngôn bản mang tính hình thức hơn. Song phần lớn ngôn bản phổ dụng thường ngày được tạo ra như là hỗn hợp của câu, phân đoạn câu và lời nói ở dạng có sẵn. Tuy nhiên, cái khiếm khuyết trong định nghĩa về ‘ngôn bản’ vừa được nêu ra đây chỉ là một khía cạnh của một khiếm khuyết nghiêm trọng hơn: nó không làm rõ được cái sự thể rằng các đơn vị cấu thành nên văn bản, bất luận chúng là câu hay không phải câu, không phải đơn giản chỉ được xếp cạnh nhau trên chuỗi, mà phải gắn bó với nhau theo một cách thức thích hợp nào đó về ngữ cảnh. Ngôn bản, với tư cách là một thể toàn vẹn cần thể hiện các đặc trưng có liên quan, song có thể phân biệt được với nhau, là tính liên kết (cohesion) và tính mạch lạc (coherence).
Nói nôm na thì sự phân biệt giữa liên kết và mạch lạc là sự khác biệt giữa hình thức và nội dung; và sự phân biệt bất kì nào như thế, cho dù được nêu ra thế nào đi nữa bởi các trường phái ngôn ngữ học khác nhau, thì cũng đều hấp dẫn về mặt cảm tính và chính đáng về mặt lí thuyết. Trở lại với ngôn bản nêu ra làm mẫu của chúng ta, (3): Việc cái sản phẩm của hành động phát ngôn câu ‘I have not seen Mary’ có dạng thức I haven’t chứ không phải I have noot seen Mary là có nguyên do về liên kết (cohesion). Tương tự như vậy, là cách dùng either trong Peter hasn’t either và cách dùng đại từ ‘she’ chứ không phải ‘Mary’ trong mệnh đề thứ nhất của She is never here when she should be. Tính liên kết sẽ bị phá vỡ nếu ba đơn vị ngôn bản đầu tiên được sắp xếp theo một trật tự khác, chẳng hạn như:
(4) Peter hasn’t either. I haven’t. Have you seen Mary?
Tính liên kết cũng bị phá vỡ nếu ta thay thế mỗi đơn vị ngôn bản trên đây bằng câu–ngôn bản đầy đủ tương ứng.
(5) Have you seen Mary? I haven’t Mary. Peter hasn’t seen Mary (either). Mary is never here when she should be here.
Rõ ràng rằng (5) không có cùng một loại kết nối (connectedness) như (3). Vì lí do này mà không dễ gì, mặc dù không phải là không thể, xem chuỗi này là một ngôn bản, chứ không phải như là một chuỗi phát ngôn không kết nối (hoặc không gắn kết) với nhau. Phép tỉnh lược và việc dùng đại từ nhân xưng, cùng với việc dùng những tiểu từ kết nối và những liên từ cụ thể (therefore, so v.v.) thường phục vụ cho việc tạo ra và duy trì kiểu kết nối này, được gọi bằng thuật ngữ ‘liên kết’. Các ngôn ngữ khác nhau đáng kể xét theo mức độ chúng cho phép hay bắt buộc người sử dụng ngôn ngữ kết nối các đơn vị-ngôn bản thành chuỗi thông qua những dấu hiệu liên kết hiển ngôn.
Loại kết nối khác- mạch lạc (coherence)- là thuộc vấn đề nội dung chứ không phải hình thức. Nếu không có bất kì dấu hiệu ngữ cảnh nào để hiểu trái ngược, thì điều đang được nói đến trong bất kì một đơn vị ngôn bản nào đó sẽ được giả định là có liên quan (relevant) đến những gì vừa được nói đến trong những đơn vị ngôn bản đi trước. Ví dụ, trong (3), nội dung mệnh đề của đơn vị ngôn bản thứ tư:
(6) She is never here when she should be
bình thường sẽ được hiểu là có liên quan đến nội dung của ba đơn vị ngôn bản đi trước. Cụ thể, ‘she’ sẽ được hiểu là chỉ Mary (theo kiểu liên kết được gọi là hồi chỉ (anaphora)) và cái nhận định chung mà người nói nêu ra về Mary sẽ được hiểu như là một sự bình luận về việc cô ấy vắng mặt lúc ấy, chứ không phải như là sự biểu lộ của một suy nghĩ thoáng qua nào đó, hoàn toàn không có liên quan gì. Tương tự, nếu người ta nghe hoặc đọc chuỗi hai câu–ngôn bản sau đây:
(7) The whole family went to town last Saturday. Veronica bought a dress, while John kept the children in the toy-shop.
(Thứ bảy vừa rồi cả gia đình đi phố. Veronica mua một cái áo dài, trong lúc John trông lũ trẻ trong cửa hàng đồ chơi)
thì bình thường người ta sẽ giả định rằng Veronica là một thành viên của gia đình, và rõ ràng là bà mẹ; rằng cô ấy mua cái áo dài ở phố và rằng cửa hàng đồ chơi cũng ở phố. Không có mệnh đề nào trong số này được lập thức hiển ngôn, cho dù là kém khẳng định; và bất kì mệnh đề nào trong số chúng cũng có thể bị phủ nhận, trong những ngữ cảnh phát ngôn riêng biệt, bởi những mệnh đề khác vốn thuộc vào số những niềm tin và giả định nền tảng của người nói và người nghe. Ta sẽ trở lại vấn đề mạch lạc và quan hệ ở phần sau của chương này. Trong khi chờ đợi, có ba luận điểm sẽ được nêu ở đây và đáng được nhấn mạnh.
Thứ nhất, như ta đã nhận xét, câu hỏi “Ngôn bản là gì?” khác biệt với câu hỏi khái quát hơn “Cái gì làm nên văn bản?”. Cái thường được dẫn ra với tư cách văn bản, bất luận ở dạng nói hay dạng viết, thường được tác giả cố tình tạo ra như một tổng thể biệt lập, với những khởi đầu và kết thúc được xác định. Và, giống như (3) và (7), chúng ít nhiều dễ dàng chia được thành những đơn vị ngôn bản, một số trong đó (mặc dù không phải tất cả) có thể xem như là câu (câu–ngôn bản). Tuy nhiên, những ngôn bản dài hơi, như tiểu thuyết và kịch, thường có thể được phân tầng bậc thành những đơn vị trọn vẹn, lớn hơn và nhỏ hơn (thành chương và đoạn, hoặc hồi, lớp và lời thoại), mỗi đơn vị như vậy có liên kết và mạch lạc nội tại, có thể phân tích thành những đơn vị nhỏ hơn, được sắp xếp theo trình tự: chương được chia thành chuỗi của đoạn, đoạn được chia thành chuỗi của câu (câu–ngôn bản), v.v. Phần lớn ngôn bản mà ta tạo nên khi sử dụng ngôn ngữ hàng ngày thì không được tổ chức theo lối này.
Luận điểm thứ hai được nêu ra, đó là, như tôi đang dùng thuật ngữ ‘ngôn bản’, những câu–ngôn bản riêng lẻ, những phân đoạn câu, những lời nói cố định đều được xem như là những đơn vị của ngôn bản trong quan hệ với ngữ cảnh phát ngôn của chúng, bất luận là chúng có được lồng vào những đoạn ngôn bản lớn hơn hay không.
Cuối cùng, cần phải nhấn mạnh rằng sự trình bày của tôi về hành động ngôn từ trong chương trước, về nguyên tắc, là có ý bao quát tất cả các bình diện của cái sản phẩm của ngôn bản. Những lí thuyết gia về hành động ngôn từ đã quan tâm chủ yếu đến cái sản phẩm của câu–ngôn bản (không chú ý đến sự phân biệt mà tôi nêu ra giữa câu–ngôn bản và câu–hệ thống). Song việc phát ngôn một câu, trong thực tế, bao giờ cũng liên quan đến quá trình ngữ cảnh hoá (contextualization) nó – cái quá trình làm cho cái sản phẩm của việc phát ngôn vừa mang tính liên kết vừa mạch lạc trong quan hệ với ngữ cảnh của nó. Như tôi đã nói, ngôn bản và ngữ cảnh bổ sung cho nhau. Thế thì ngữ cảnh là gì? Và nó quan hệ với nghĩa của phát ngôn như thế nào? Ta sẽ bắt đầu bằng việc thảo luận mối quan hệ giữa ngữ cảnh và nghĩa của phát ngôn.
Đọc tiếp: 9.3. Nghĩa của phát ngôn và ngữ cảnh