• Dẫn nhập • Dạng thức và biểu thức • Đồng âm và đa nghĩa: lưỡng nghĩa từ vựng và lưỡng nghĩa ngữ pháp • Đồng nghĩa • Từ-dạng thức thực và từ-dạng thức hư • Nghĩa từ vựng và nghĩa ngữ pháp
2.4. Từ-dạng thức thực và từ-dạng thức hư
Từ-dạng thức của tiếng Anh, giống như từ-dạng thức của nhiều ngôn ngữ, có thể chia thành hai lớp. Một lớp bao gồm các dạng thực như man, came, green, badly; lớp kia gồm các dạng hư như the, of, and, to, if. Sự phân biệt giữa hai lớp không phải bao giờ cũng rõ ràng. Song về mặt cảm tính nó có thể được thừa nhận trong các ví dụ mà tôi vừa nêu ra. Và nó đã được các nhà ngữ pháp vạch ra dựa trên những cơ sở không cảm tính, bằng cách áp dụng một loạt tiêu chí khác nhau. Thực chất, sự phân biệt tương tự đã được nêu ra, hàng thế kỉ trước, trong truyền thống ngữ pháp Trung Quốc; vào cuối thế kỉ 19 bởi nhà ngữ pháp Anh Henry Sweet; ở giai đoạn cực thịnh của cấu trúc luận hậu-Bloomfield vào những năm 50 bởi nhà ngôn ngữ học Mĩ C.C Fries (1952). Về sau nó có mặt trong nhiều giáo trình ngôn ngữ học ứng dụng và ngữ pháp thực hành dạy tiếng của tiếng Anh và các ngôn ngữ khác vào thời kì trước khi ngữ pháp tạo sinh Chomsky nổi lên vào những năm 60. Nó ứng với sự phân biệt giữa những từ-dạng thức tập hợp mở (open-class) và tập hợp đóng (closed-class) đang được trình bày (theo những thuật ngữ này hoặc những thuật ngữ khác) trong nhiều trường phái ngữ pháp học hiện đại.
Những thuật ngữ mà tôi chọn, lấy từ truyền thống Trung Quốc, nhấn mạnh vào sự khác biệt cảm tính rõ ràng về nghĩa giữa những thành viên điển hình của lớp này với những thành viên điển hình của lớp kia. Từ-dạng thức hư có thể không hoàn toàn trống nghĩa (có điều một số trong số này là ở trong những ngữ cảnh nhất định). Song, trong cái nghĩa cảm tính rõ ràng của thuật ngữ ‘có nghĩa’, chúng nói chung là kém có nghĩa hơn so với những từ-dạng thức thực: chúng dễ dàng được dự đoán hơn trong các ngữ cảnh mà chúng xuất hiện. Do vậy mà chúng bị lược bỏ trong phần tóm tắt tin chính ở đầu bản tin, trong điện tín v.v. và cũng có thể trong phát ngôn của trẻ con lúc bọn trẻ trải qua giai đoạn đầu của quá trình thụ đắc ngôn ngữ. Từ-dạng thức thực trong tiếng Anh là dạng thức của các từ loại cơ bản, như danh từ, động từ và tính từ; từ-dạng thức hư (trong những ngôn ngữ có chúng) thuộc nhiều lớp khác nhau – như giới từ, mạo từ xác định và không xác định, liên từ, một số đại từ và trạng từ – vốn kết hợp với các từ loại chính trong những ngữ đoạn và câu đúng ngữ pháp và vốn (không giống như các từ loại cơ bản) có xu hướng được định nghĩa chủ yếu dựa vào chức năng cú pháp của chúng, chứ không phải dựa vào nghĩa.
Những thuật ngữ khác được thấy trong văn liệu, ít nhiều tương đương với thuật ngữ ‘từ-dạng thức hư’ là ‘từ hình thức’, ‘từ chức năng’, ‘từ ngữ pháp’ và ‘từ cấu trúc’. Tất cả các thuật ngữ này đều phản ánh quan điểm cho rằng cái mà tôi đang gọi là từ-dạng thức hư thì khác với các từ-dạng thức thực về ngữ pháp và ngữ nghĩa. Chúng thường được định nghĩa trong khung ngữ pháp dựa vào hình vị của Bloomfield và hậu- Bloomfield (bao gồm Chomsky), trên cơ sở định nghĩa của Bloomfield về từ (theo cái nghĩa của ‘từ-dạng thức’) với tư cách là hình thái tự do tối thiểu. Trong suốt cuốn sách này, ta thao tác trong cái khung mang tính truyền thống hơn
của cái được gọi là ngữ pháp từ-và-hệ hình. Song những gì tôi buộc phải nói ở đây, và thực tế trong suốt cuốn sách này, đều có thể tái lập thức mà không gặp khó khăn gì trong hệ thuật ngữ của bất kì trường phái nào trong số vài trường phái ngữ pháp khác nhau, cũ cũng như mới, và có ý trung tính về lí thuyết ở mức cao nhất có thể được. Tôi đã chọn dùng thuật ngữ ‘từ-dạng thức hư’ và ‘từ-dạng thức thực’ bởi vì những thuật ngữ này nhấn mạnh vào cái chiều kích ngữ nghĩa trong sự khác biệt giữa hai lớp này.
Nhìn từ quan điểm ngữ pháp, trong những ngôn ngữ không biến hình, hoặc biến hình ở mức độ thấp, từ-dạng thức hư có thể được coi là thực hiện cùng một chức năng giống như những tiền tố, hậu tố v.v… trong những ngôn ngữ biến hình ở mức độ cao. Ví dụ, một ngữ giới từ như to John (cho John) khi xuất hiện ở vị trí bổ ngữ gián tiếp sau động từ ‘give’ (cho) trong tiếng Anh, có thể tương ứng về ngữ nghĩa và ngữ pháp, trong nhiều ngôn ngữ biến hình ở mức độ cao như tiếng Latin và tiếng Nga (và nhiều ngôn ngữ khác, thuộc về nhiều họ ngôn ngữ khác nhau trên thế giới), với cái mà truyền thống thường dẫn ra như là dạng thức tặng cách (hoặc đích cách) của danh từ, vốn đối lập với những dạng thức khác biệt về cú pháp và/hoặc ngữ nghĩa khác của cùng từ vị khi mang hậu tố tặng cách (hoặc đích cách), chứ không phải là hậu tố danh cách, đối cách, sinh cách v.v… gắn với cái dạng thức cơ sở. Tình hình là tương tự đối với mạo từ xác định the. Phần lớn các ngôn ngữ trên thế giới không có một từ-dạng thức riêng biệt có thể đồng nhất về ngữ pháp và ngữ nghĩa với mạo từ xác định trong tiếng Anh.
Thực tế, phần lớn các ngôn ngữ tự nhiên không hề mã hoá phạm trù xác định theo đúng nghĩa của từ, hoặc bằng con đường ngữ pháp hoặc bằng con đường từ vựng. Một số ngôn ngữ mã có mã hoá tính xác định (trong chừng mực phạm trù này có thể xác định và tách biệt với các phạm trù ngữ
nghĩa khác qua các ngôn ngữ) thì thực hiện điều này bằng con đường biến hình từ, theo cái cách rất giống với cách mà chức năng bổ ngữ gián tiếp được biểu thị bằng con đường biến hình từ nhờ vào tặng cách trong tiếng Latin. Xét sự quan tâm mà các nhà lô gic học nói tiếng Anh của thế kỉ 19, bắt đầu với Russell (1905) dành cho việc phân tích những danh ngữ chứa mạo từ xác định, cần lưu ý đến tính phi phổ quát, không phải chỉ của mạo từ xác định, mà còn của bất kì những gì có thể được gọi là phạm trù ngữ nghĩa về tính xác định, trong ngôn ngữ tự nhiên. Song đây là vấn đề mà ta không quan tâm vào lúc này. Tôi đề cập đến mạo từ xác định trong tiếng Anh ở điểm này chỉ như là một ví dụ về lớp của những gì mà tôi gọi là từ-dạng thức hư.
Lưu ý rằng, mặc dù tôi đã nêu ra từ hư với tư cách là từ-dạng thức, tôi đã không nói rằng chúng là dạng thức của từ vị (như dog là một dạng thức của từ ‘dog’, ran là một dạng thức của ‘run’ v.v…). Một điểm có thể gây tranh luận là những dạng thức như the hoặc to (trong chức năng đánh dấu bổ ngữ gián tiếp hoặc ít nhất, chức năng tạo dạng nguyên thể) thì nên liệt kê trong từ điển của một ngôn ngữ hay giải thích trong phạm vi ngữ pháp. Vấn đề này không thể giải quyết được nếu không đặt trong khuôn khổ một lí thuyết ngữ pháp này hay lí thuyết ngữ pháp khác. Song dù có chọn lựa quan điểm nào đối với vấn đề này, thì cái luận điểm chính được nêu ra ở đây vẫn là: cho dù chúng được liệt kê trong từ điển của ngôn ngữ (bất luận là dựa trên lí do tiện dụng hoặc dựa trên cơ sở một khái niệm có thể bảo vệ được về lí thuyết nhằm phân biệt ngữ pháp và từ vựng), thì những từ-dạng thức hư, kiểu như the, of, and, to và if trong tiếng Anh, đều không có nghĩa từ vựng đầy đủ. Chúng có thể là từ theo cái nghĩa của thuật ngữ ‘từ-dạng thức’, song chúng không phải là từ theo cái nghĩa đầy đủ.
Từ-dạng thức hư không chỉ có xu hướng kém có nghĩa hơn từ-dạng thức thực. Nghĩa của chúng còn có vẻ khác biệt, và đa chủng hơn, so với nghĩa của từ-dạng thức thực. Sự khác biệt giữa hai loại từ-dạng thức này lộ ra tức thời khi liên hệ với một số lí thuyết nghĩa học đã nêu ở Chương 1. Chẳng hạn, có vẻ hợp lí khi cho rằng nghĩa của ‘dog’ là một loại quan niệm hay một loại hành vi phản hồi, vốn có thể được miêu tả hoặc làm rõ mà không cần viện đến cái ngữ đoạn
hay câu tiếng Anh có chứa từ ‘dog’. Song khó có thể thảo luận về nghĩa của the, of, and, to và if theo lối như vậy. Cũng có vẻ không hợp lí khi cho rằng nghĩa của chúng, dù
ta miêu tả hay làm rõ nó bằng cách nào đi chăng nữa, là độc lập với chức năng ngữ pháp của chúng. Sự khác biệt giữa dạng thực và dạng hư phù hợp với cái thực tế là (như đã được đề cập trên đây) các từ loại cơ bản (đặc biệt danh từ và động từ) thì được truyền thống định nghĩa, hoặc toàn bộ hoặc chủ yếu, theo nghĩa của chúng và định nghĩa một cách độc lập với nhau, trong khi đó các từ loại phụ (các mạo từ xác định và không xác định, giới từ, liên từ v.v…) lại luôn luôn được định nghĩa theo chức năng ngữ pháp của chúng và liên quan đến khả năng kết hợp tiềm tàng của chúng với một từ loại nào đó trong số các từ loại cơ bản hoặc với những đơn vị ở cấp độ cao hơn như ngữ đoạn và tiểu cú.
Trên thực tế, sự phân biệt về ngữ pháp giữa từ-dạng thức thực và từ-dạng thức hư mà tôi vừa giải thích một cách không chính thức và không chuyên môn trong mục này là kết quả của một vài sự phân biệt mang tính chuyên môn hơn mà độc giả có thể tham khảo các sách giáo khoa được dẫn trong phần Thư mục tham khảo.
Bởi ở đây ta không quan tâm đến lí thuyết ngữ pháp vì bản thân nó cho nên ta sẽ không đi vào chi tiết. Điều thật sự gây tranh cãi, trong phạm vi những quan tâm của ta, là sự phân biệt giữa ngữ pháp (grammar) của một ngôn ngữ và vốn từ, hay bộ từ vựng (lexicon) của nó, và sự phân biệt giữa nghĩa ngữ pháp và nghĩa từ vựng, vốn phụ thuộc vào nó. Đây là chủ đề sẽ được bàn luận trong mục tiếp theo.
Tuy nhiên, trước khi tiếp tục, có một luận điểm mà ta có thể nêu ra một cách hữu ích, dựa trên cơ sở sự phân biệt đã được nêu trong mục này giữa từ-dạng thức thực và từ-dạng thức hư. Luận điểm này có liên quan đến một trong những câu hỏi đã nêu ra ở mục 1.6: thứ nghĩa nào, nghĩa của từ hay nghĩa của câu, là cơ bản hơn, hay được ưu tiên về mặt lô gic, so với thứ nghĩa khác? Một cách biện luận cho sự ưu tiên của nghĩa câu đối với nghĩa của từ, vốn thường được những người ủng hộ nghĩa học hàm chân trị đưa ra, là như sau:
(i)Cái nghĩa gắn với những từ như if, to, và and trong tiếng Anh không thể định nghĩa bằng cách nào khác hơn là sự đóng góp của chúng đối với những đơn vị lớn hơn chứa chúng, là ngữ đoạn, tiểu cú và câu. Nghĩa của những từ như vậy ít nhất là thứ yếu về mặt lô gic (tức phụ thuộc vào) so với nghĩa của các câu mà trong đó chúng xuất hiện.
(ii)Song nghĩa của một câu là tích của nghĩa các từ cấu thành nên câu. Vậy, tất cả các từ, cả từ hư lẫn từ thực, có thể (và phải) được đưa vào phạm vi của cái nguyên tắc chung, rằng nghĩa của một dạng thức là phần đóng góp của nó vào nghĩa của câu chứa nó.
(iii)Việc có một khái niệm đơn nhất về nghĩa của từ có thể áp dụng cho mọi từ là được ưu tiên về mặt phương pháp luận.
(iv)Nếu nghĩa của những từ như if, to, và and, những từ mà nghĩa được xem như là phần đóng góp của chúng vào nghĩa của câu chứa chúng, là thứ yếu về phương diện lô gic so với nghĩa của câu, thì nghĩa của tất cả các từ sẽ là thứ yếu về phương diện lô gic so với nghĩa câu, bởi nghĩa của tất cả các từ có thể (và về mặt xác quyết phương pháp luận là) được định nghĩa như là phần đóng góp của chúng vào nghĩa của câu chứa chúng.
Bây giờ, có thể đúng mà cũng có thể không đúng, rằng về mặt lô gic, nghĩa của câu là ưu tiên, hay cơ bản hơn, so với cái mà ở đây đang được nói đến như là nghĩa của từ. Song sự biện luận thường được đưa ra để ủng hộ cho kết luận này là một sự biện luận nguỵ tạo. Nó dựa trên một nguyên tắc phương pháp luận giả tạo, rằng cái gọi là nghĩa của từ thì thuần nhất: rằng cái nghĩa gắn với những từ-dạng thức hư như if, to và and, xét trong tất cả các khía cạnh có liên quan, là có thể so sánh được với nghĩa của những từ-dạng thức thực. Nó cũng lợi dụng cái thực tế rằng thuật ngữ ‘từ’ biểu thị cả dạng thức lẫn biểu thức, và rằng một số dạng thức tỏ ra, có thể nói như vậy, là từ thực hơn số khác. Tính thực và tính hư, theo cái nghĩa tôi đang dùng chúng trong mục này, trong mọi trường hợp, là vấn đề thuộc về mức độ. Những từ-dạng thức hư điển hình nhất, kiểu như if, the, và and trong tiếng Anh, chẳng hề là biểu thức và cũng chẳng hề là dạng thức của biểu thức: như ta đã thấy, chúng tương ứng về nghĩa, và trong chừng mực nào đó, về ngữ pháp với những tiền tố và hậu tố bị ràng buộc về hình thái học của những từ-dạng thức khuất chiết. Gọi chúng là ‘từ’ và sau đó tiến hành khái quát hoá về nghĩa của từ trên cơ sở sự phân loại này chỉ tổ làm rối vấn đề.
Sự rối rắm càng bị làm rối thêm bởi cái mà người ta ngờ rằng do lối dùng mập mờ của thuật ngữ ‘nghĩa của từ’ mang lại. Như ta sẽ thấy trong mục tiếp theo, ‘nghĩa của từ’ không nhất thiết đồng nhất với ‘nghĩa từ vựng’. Nghĩa của những từ-dạng thức thực bao gồm cả nghĩa từ vựng lẫn nghĩa ngữ pháp. Từ-dạng thức hư có thể chẳng hề có nghĩa từ vựng; và đây là điều được hàm ý khi nói rằng, về phương diện nghĩa, chúng là những từ trống nghĩa. Cũng có thể nêu ra ở đây rằng, như ta sẽ thấy sau này, phần lớn cuộc thảo luận về tính ưu tiên lô gic của nghĩa câu so với nghĩa từ, được thấy trong những công trình nghĩa học cũng đáng tin cậy và có uy tín khác, truyền thống và hiện đại, đã tỏ ra càng bị rối hơn do không vạch ra được sự phân biệt giữa câu và phát ngôn. Ví dụ, thường có nhận định rằng câu, chứ không phải từ, ngay từ lúc ban đầu (trong giai đoạn thụ đắc ngôn ngữ cũng như trong giai đoạn trưởng thành) là đơn vị cơ sở của giao tiếp. Nhận định này chắc chắn phải bị xem lại. Phát ngôn, chứ không phải câu (theo cái nghĩa liên quan), là những đơn vị mà người nói và người nghe – người đối thoại – dùng để giao tiếp với nhau. Một số trong số các phát ngôn này, hoàn chỉnh và đúng ngữ pháp, được truyền thống gọi là câu, theo cái nghĩa thứ yếu và phái sinh của thuật ngữ ‘câu’ mà ta sẽ thấy trong Phần 3. Những phát ngôn có độ phức tạp tăng dần được trẻ con tạo ra khi chúng trải qua các giai đoạn có thể phân biệt được với nhau của quá trình thụ đắc ngôn ngữ; song phải mất một thời gian dài trước khi bất kì phát ngôn nào của đứa trẻ cũng có thể miêu tả hợp lí với tư cách là câu (theo cái nghĩa không quan yếu, trong mọi tình huống, của cái thuật ngữ lưỡng nghĩa ‘câu’).
Nghĩa từ vựng là đối tượng thảo luận của ta trong Phần 2. Nghĩa ngữ pháp, vốn không phải tất cả đều có thể gán cho từ-dạng thức, chủ yếu là vấn đề của nghĩa câu và do đó sẽ được xem xét trong Phần 3.
Đọc tiếp: 2.5. Nghĩa từ vựng và nghĩa ngữ pháp