• Dẫn nhập • Nghĩa của ‘nghĩa’ • Siêu ngôn ngữ của ngữ nghĩa học • Ngữ nghĩa học và nghĩa học phi ngôn ngữ • Ngôn ngữ, lời nói và phát ngôn; ‘Langue’ và ‘Parol’; ‘Ngữ năng’ và ‘Ngữ thi’ • Từ: dạng thức và nghĩa • Câu và phát ngôn; ngôn bản, hội thoại và diễn ngôn • Lí thuyết về nghĩa và các kiểu nghĩa
1.7. Lí thuyết về nghĩa và các kiểu nghĩa
Tồn tại một số lí thuyết triết học khác nhau và ít nhiều ai cũng biết, về nghĩa: đây là những lí thuyết đi tìm câu trả lời cho câu hỏi Nghĩa là gì? Trong số đó, có
thể nêu ra các lí thuyết sau:
- thuyết quy chiếu (referential) hay sở thị (denotational) (“nghĩa của một biểu thức chính là đối tượng mà biểu thức đó chỉ ra (hay biểu thị) hoặc đại diện; tức ‘Fido’ có nghĩa là Fido, còn ‘chó’ thì có nghĩa hoặc là một tập hợp khái quát các con chó, hoặc là cái đặc trưng bản chất chung của chúng”);
- thuyết ý niệm (ideational) hay tâm lí (mentalistic) (“nghĩa của một biểu thức là cái ý niệm, hay quan niệm, gắn với nó trong tư duy của những ai biết và hiểu được biểu thức đó”);
- thuyết hành vi (behaviourist) (“nghĩa của một biểu thức hoặc là cái kích thích gợi ra nó hay cái phản ứng mà nó gợi ta, hoặc là sự kết hợp của cả hai thứ này trong một tình huống phát ngôn cụ thể”);
- thuyết nghĩa-là-cách-dùng (meaning-is-use) (“nghĩa của một biểu thức được xác định bởi, nếu không nói là đồng nhất với, cách dùng nó trong ngôn ngữ”);
- thuyết thẩm định (verificationist) (“nếu một biểu thức có nghĩa thì cái nghĩa này được xác định bởi chứng cứ lấy từ cái câu, hay mệnh đề chứa biểu thức đó”);
- thuyết điều kiện chân trị (truth-conditional) (“nghĩa của một biểu thức là sự đóng góp của nó vào điều kiện chân trị của câu chứa nó”).
Theo tôi, không có thuyết nào trong số kể trên tự mình làm thành cơ sở cho một lí thuyết ngữ nghĩa học toàn diện và giàu sức giải thích thực tiễn. Song mỗi thuyết như vậy đều có đóng góp theo cách nào đó, làm thành cái tri thức nền cho những ai đang nỗ lực xây dựng một lí thuyết như vậy. Tôi sẽ không đi vào chi tiết của bất kì lí thuyết ngữ nghĩa nào kể trên. Tuy nhiên, trong các chương sau, tôi sẽ đề cập đến một số khái niệm cơ bản tạo ra sự khác biệt giữa các lí thuyết này, và tôi sẽ giải thích những khái niệm này trong cái ngữ cảnh mà chúng được viện đến và áp dụng. Khuôn khổ giới hạn không cho phép tôi thảo luận mối liên hệ có tính lịch sử giữa một số lí thuyết và các vấn đề triết học hữu quan. Tôi cũng sẽ nói thêm rằng danh sách mà tôi vừa nêu không hề đầy đủ và trong một số trường hợp, những định nghĩa đặt trong ngoặc đã cố tình được đơn giản hoá.
Đến đây cần lưu ý rằng một cách trả lời khả chấp về mặt triết học cho câu hỏi Nghĩa là gì, đó là: Chẳng hề có cái gì như là nghĩa cả. Đây là cách trả lời, chẳng hạn, của Wittgenstein đã quá cố (1953); và nó cần phải được xem xét nghiêm túc. Rõ ràng việc tìm hiểu nghĩa của từ, của câu và của phát ngôn, cũng giống như việc hỏi xem chúng có nghĩa gì là những việc xác đáng. Trong khi thực hiện điều này, ta dùng các từ các từ tiếng Anh ‘meaning’ (nghĩa) và ‘mean’ (có nghĩa) theo một trong số những chức năng siêu ngôn ngữ thường nhật của chúng. Như ta đã thấy từ trước, danh từ ‘meaning’ (nghĩa) và động từ ‘mean’ (có nghĩa) cũng còn có các nghĩa, hay cách dùng thường nhật khác; một số nhà triết học ít ra là đã cho rằng các nghĩa này liên hệ chặt chẽ với nhau và có lẽ là cơ bản hơn so với cái nghĩa vừa được minh hoạ. Điều khá thú vị là không phải bao giờ chúng cũng tương ứng một-đối-một với cái nghĩa hoặc cách dùng của các biểu thức tương đương những biểu thị một cách khác trong những ngôn ngữ Châu Âu quen thuộc như tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Nga hay tiếng Tây Ban Nha. Chẳng hạn, hai câu tiếng Anh sau đây:
(30) ‘What is the meaning of ‘concept’?’
(Nghĩa của từ ‘concept’ là gì?)
và
(31) ‘What do you mean by the word ‘concept’?’
(Bạn có ý nói gì với cái từ ‘concept’?)
có thể được dịch sang tiếng Pháp lần lượt là:
(30a) ‘Quel est le sens de ‘concept’ [en anglais]?’
(31a) ‘Qu’est-ce que tu veux dire par le mots [anglais] ‘concept’?’
(tương tự trong tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha); sang tiếng Đức là:
(30b) ‘Was ist die Bedeutung von ‘concept’ [au Englisch]?’
(31b) ‘Was meinst du mit dem [englischen] Wort ‘concept’?’
sang tiếng Nga là:
(30c) ‘Cto znacit [anglijskije slovo] ‘concept’?’
(31c) ‘Cto vy podrazumyvaete pod [anglijskym] slovom ‘concept’?’
và vân vân.
Khi nêu ra các cách dịch trên đây, tôi đã không dịch cái từ ‘concept’ của tiếng Anh, bởi tôi đã giả định rằng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Nga đang được dùng với tư cách là siêu ngôn ngữ cho tiếng Anh. Tất nhiên, còn có những khả năng dịch khác, đặc biệt trong các trường hợp (31 a-c). Trên thực tế, có một loạt khả năng mà bất cứ ai đã trải qua thực tiễn dịch đều cũng thấy được. Nhưng trong bối cảnh bây giờ ta không cần bàn đến chúng. Cái mà các ví dụ trên đây chỉ ra, trên cơ sở chỉ một vài cách dịch sang ngôn ngữ khác, là trong mỗi trường hợp, câu thứ hai trong số cặp câu chuyển dịch trên đây đã dùng một biểu thức mà, ít nhất là về mặt từ nguyên, đã cho thấy một nghĩa của động từ tiếng Anh ‘to mean’ (có ý, có nghĩa) – nghĩa thuộc người nói (utterer’s meaning), như thỉnh thoảng nó được gọi như vậy – vốn hoặc liên quan đến ý định giao tiếp (từ tiếng Pháp ‘vouloir dire’, từ tiếng Đức ‘meinen’) hoặc liên quan đến cách hiểu và cách giải thuyết (từ tiếng Nga ‘podrazumevatj’). Có một số tác giả đã coi nghĩa thuộc người nói, suy cho đến cùng, là cơ sở cho nghĩa trong ngôn ngữ.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, tôi muốn nêu cái luận điểm đơn giản là ta không thể suy luận ra sự tồn tại của nghĩa từ sự tồn tại và tính có nghĩa của cái từ tiếng Anh thường ngày ‘meaning’ (nghĩa). Hơn thế nữa, cho dù có tồn tại cái gì đó như nghĩa (bất luận ‘cái gì’ nghĩa là gì đi nữa trong ngữ cảnh này) thì vị thế bản thể và tâm lí của nó rõ ràng là đáng ngờ hơn so với dạng thức. Ta sẽ trở lại vấn đề này sau.
Đó là phần dụng tâm của Wittgenstein quá cố khi nhấn mạnh vào sự đa dạng của những chức năng mà ngôn ngữ thực hiện. Khẩu hiện của ông “Đừng tìm nghĩa, hãy tìm hiểu cách sử dụng” (khẩu hiệu này không nhất thiết dẫn đến cái lí thuyết cho rằng nghĩa-là-cách dùng, có điều nó thường được giải thuyết như vậy) phải được hiểu gắn với dụng tâm này. Giống như các nhà triết học được gọi là trường phái triết học ngôn ngữ đời thường ở Oxford, chẳng hạn như J.L Austin (tác giả lí thuyết hành động ngôn từ (speech acts) mà ta sẽ xem xét ở Phần 4), Wittgenstein chỉ ra rằng câu hỏi Nghĩa là gì? có xu hướng tìm đến những câu trả lời hoặc quá khái quát, đến độ hầu như trống rỗng, hoặc quá hẹp trong cách định nghĩa về nghĩa đến độ bỏ qua phần lớn những gì mà người sử dụng ngôn ngữ bình thường nghĩ là quan yếu khi trả lời những câu hỏi riêng biệt hơn về nghĩa của biểu thức này hay biểu thức nọ trong ngôn ngữ của họ.
Trong sách này ta chấp nhận một quan niệm khá rộng về nghĩa. Ta cũng giả định rằng có một mối liên hệ bản chất giữa nghĩa và giao tiếp. Như đã được lưu ý từ trước, giả định này không phải là không gây tranh cãi. Nó, chẳng hạn đã bị Chomsky phê phán mạnh mẽ, nhưng nó lại chính là giả định được phần đông các nhà triết học, tâm lí học và ngôn ngữ học nêu ra. Nó giúp ta trình bày tốt mối liên hệ giữa dạng thức và nghĩa trong ngôn ngữ tự nhiên hơn bất kì quan niệm nào khác hiện nay. Và tôi nhấn mạnh rằng, mặc dù ở đây tôi đã nêu ra nhiều lí thuyết triết học khác nhau về nghĩa và sẽ viện đến chúng thường xuyên, tôi lại không quan tâm đến những vấn đề triết học theo đúng nghĩa của chúng, mà chỉ quan tâm đến những vấn đề lí thuyết và thực tiễn nảy sinh trong việc miêu tả ngôn ngữ tự nhiên.
Đến đây ta đã đề cập đến, theo lối mào đầu, nghĩa của từ, câu và phát ngôn. Ta cũng đã thấy rằng có những nghĩa khác biệt nhau của cái từ tiếng Anh ‘meaning’ (nghĩa), vốn có thể tương ứng với những kiểu nghĩa khác nhau nhưng có liên quan với nhau. Nhưng có bao nhiêu kiểu nghĩa? Phải chăng chúng đều được nhà ngôn ngữ học quan tâm? Và chúng tương ứng như thế nào với sự phân biệt mà ta đã nêu ra, một mặt, giữa nghĩa từ vựng và nghĩa của câu (mà như ta sẽ thấy, bao gồm nghĩa ngữ pháp) và mặt khác, giữa nghĩa của câu và nghĩa của phát ngôn.
Trong sách này, tôi không cố gắng đưa ra một sự phân loại toàn diện về các kiểu nghĩa khác nhau mà một lí thuyết ngôn ngữ học về nghĩa (và về ngữ dụng) cần phải bao quát. Tuy nhiên, có thể sẽ là hữu ích nếu ngay bây giờ ta vạch ra một sự phân biệt khái quát mà ta sẽ làm rõ hơn về sau. Đó là sự phân biệt giữa nghĩa miêu tả (descriptive meaning) (hoặc nghĩa mệnh đề (propositional meaning)) và nghĩa phi miêu tả (non-descriptive meaning) (hay nghĩa phi nội dung mệnh đề (non-propositional meaning)). (Những thuật ngữ có thể thay thế khác, ít nhiều tương đương với ‘miêu tả’ và ‘nội dung mệnh đề’ là ‘tri nhận’ và ‘theo quy chiếu’). Đối với nghĩa miêu tả, một điều được thừa nhận rộng rãi là ngôn ngữ có thể được dùng để nêu những nhận định đúng hoặc sai, căn cứ vào thực cách của cái nội dung mệnh đề mà chúng biểu thị. Điều này có một vị thế nổi trội đặc biệt trong lí thuyết nghĩa học hàm chân trị, là lí thuyết có vai trò rất quan trọng trong những năm gần đây.
Nghĩa phi miêu tả thì nhiều vẻ hơn, và theo quan điểm của nhiều nhà triết học và ngôn ngữ học, thì không quan trọng bằng. Nó bao gồm cái mà tôi sẽ viện dẫn như là thành tố biểu lộ (expessive). (Các thuật ngữ thay thế ít nhiều tương đương khác là ‘nghĩa tác động’, ‘nghĩa thái độ’ và ‘nghĩa biểu cảm’). Nghĩa biểu lộ- tức kiểu ý nghĩa mà theo đó người nói biểu lộ, chứ không phải là miêu tả, niềm tin, thái độ, tâm trạng của họ – thường được cho là nằm trong phạm vi của phong cách học và ngữ dụng học. Tuy nhiên, như những gì trình bày ở Phần 3 sẽ cho thấy, một số kiểu nghĩa biểu lộ chắc chắc thuộc về nghĩa của câu. Điều đó dẫn đến một hệ luận rằng, đối với những ai chủ trương phân biệt nghĩa học và dụng học trên cơ sở sự khác biệt giữa nghĩa của câu và nghĩa của phát ngôn, thì nghĩa biểu lộ, ít nhất là một phần, sẽ nằm trong phạm vi nghĩa học. Một hệ luận khác là, như ta sẽ thấy ở thời điểm thích hợp, nghĩa của câu không hoàn toàn là nghĩa theo hàm chân trị.
Các ngôn ngữ tự nhiên khác biệt đáng kể theo mức độ ngữ pháp hoá nghĩa biểu lộ. Tiếng Anh thể hiện ở mức độ khá thấp. Ví dụ, nó không có một hệ thống phong phú về thức ngữ pháp (thức giả định, thức ước vọng, thức ngờ vực…) như ở nhiều ngôn ngữ. Tuy nhiên, giống như mọi ngôn ngữ tự nhiên, nó mã hoá ý nghĩa biểu lộ trong nhiều đơn vị từ vựng của nó và trong cấu trúc ngôn điệu của phát ngôn. Tất nhiên ta đang chấp nhận cái quan điểm (mà, như tôi đã nói, là không được thừa nhận rộng rãi) rằng nghĩa của câu (trong đối lập với nghĩa của phát ngôn) độc lập với điệu hình ngôn điệu của chúng khi được nói ra, tức cùng một câu có thể được nói ra với những điệu hình ngôn điệu đa dạng, khác biệt nhau đáng kể. Cũng có thể cho rằng rằng thán từ và các tiểu từ có tính chất ngữ cảnh hoá, như ta thấy trong nhiều ngôn ngữ, thì không phải là thành tố của câu, mà là của những phát ngôn có được do sử dụng câu đó. Nhưng như ta sẽ thấy, nghĩa biểu lộ cũng được từ vựng hoá gắn kết với nghĩa miêu tả trong nhiều danh từ, động từ và tính từ thường ngày.
Những kiểu ý nghĩa phi nội dung mệnh đề khác có thể được gác lại sau. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng chức năng biểu lộ của ngôn ngữ không thể tách biệt rành mạch với chức năng xã hội và chức năng công cụ của chúng. Con người là một thực thể xã hội với những mục đích được gán kết và chuẩn y về mặt xã hội. Họ có thể không phải bao giờ cũng phóng chiếu có ý thức một kiểu cái tôi nào đó; họ có thể chẳng hề cố tình biểu lộ cái tâm trạng và thái độ mà họ biểu lộ để lôi kéo người nghe và đạt được một mục đích này hay mục đích nọ. Tuy vậy, qua ngôn ngữ họ không thể nào biểu lộ tâm trạng và thái độ của mình, bất luận là tâm trạng và thái độ này có thể mang tính cá nhân và có ý thức đến đâu, một cách khác biệt với những phân biệt đã được mã hoá trong những hệ thống ngôn ngữ cụ thể. Như ta sẽ thấy trong suốt cuốn sách này, đặc biệt là trong Phần 4, nghĩa biểu lộ hoà nhập tất yếu với cái mà nhiều tác giả gọi là nghĩa liên nhân (interpersonal meaning), nghĩa công cụ (instrumental meaning), nghĩa xã hội (social meaning) hay nghĩa phát động (conative meaning). Nói cách khác, trong phạm vi về cấu trúc và chức năng của ngôn ngữ tự nhiên mà ta quan tâm, sự biểu lộ tất nhiên mang tính biểu lộ-xã hội (socio-expressive) và cái cá nhân tất yếu mang tính liên nhân (interpersonal). Nếu không coi trọng nhân tố này, thậm chí ta không thể đưa ra một sự trình bày đúng đắn về nghĩa của các phạm trù ngữ pháp thông thường, cho dù không phải là phổ quát, như thời, đại từ hoặc thức.