• Dẫn nhập • Nghĩa của ‘nghĩa’ • Siêu ngôn ngữ của ngữ nghĩa học • Ngữ nghĩa học và nghĩa học phi ngôn ngữ • Ngôn ngữ, lời nói và phát ngôn; ‘Langue’ và ‘Parol’; ‘Ngữ năng’ và ‘Ngữ thi’ • Từ: dạng thức và nghĩa • Câu và phát ngôn; ngôn bản, hội thoại và diễn ngôn • Lí thuyết về nghĩa và các kiểu nghĩa
1.4. Ngôn ngữ, lời nói và phát ngôn; ‘Langue’ và ‘Parol’; ‘Ngữ năng’ và ‘Ngữ thi’
Từ ‘langue’ (ngôn ngữ) trong tiếng Anh, giống như từ ‘meaning’ (nghĩa), có một phổ rộng về nghĩa (hoặc nhiều nghĩa). Nhưng điều đầu tiên và quan trọng nhất cần nói về từ ‘language’ là, cũng như từ ‘meaning’ và một vài danh từ tiếng Anh khác, nó mang tính nước đôi về quy loại (categorially ambivalent) xét theo đặc trưng ngữ nghĩa quan yếu về số tính(countability); tức nó có thể được dùng (giống như ‘thing’, ‘idea’v.v…) với tư cách là một danh từ đơn vị (nghĩa là, khi nó được dùng ở số ít, nó phải đi với một mạo từ, xác định hoặc không xác định, hoặc một loại định từ (determiner) nào đó khác); nó cũng có thể được dùng (giống như ‘water’, ‘information’v.v…) với tư cách là một danh từ khối (tức không phải là danh từ đơn vị), vốn không yêu cầu một định từ và thường biểu thị không phải một thực thể riêng lẻ thuộc về một tập hợp hoặc biểu thị nhiều thực thể, mà là một khối không rõ ranh giới hoặc một kết tập nào đó của chất liệu hay vật chất. Số tính không có được một sự thừa nhận về ngữ pháp –tức không được ngữ pháp hoá (grammaticalized) (hoặc theo lối hình thái học hoặc theo lối cú pháp học)– trong tất cả các ngôn ngữ tự nhiên (xem mục 10.1). Và trong những ngôn ngữ mà nó được ngữ pháp hoá thì nó cũng được ngữ pháp theo nhiều cách khác nhau.
Điều ta quan tâm ở đây là khi từ ‘ngôn ngữ’ được dùng như một danh từ khối ở số đơn (không có định từ), biểu thức chứa nó có thể, nhưng không nhất thiết, được xem là tương đương về nghĩa với biểu thức chứa từ ‘ngôn ngữ’ ở dạng thức số nhiều, được dùng với tư cách là một danh từ đơn vị. Điều này dẫn đến một hệ luận là những nhận định có chứa từ ‘ngôn ngữ’ ở số đơn sẽ lưỡng nghĩa. Một trong những trường hợp như vậy (được điều chỉnh từ đoạn văn thứ hai của mục 1.2 trên đây) là:
(15) A metalanguage is a language which is used to describle language.
(Siêu ngôn ngữ là ngôn ngữ được dùng để miêu tả ngôn ngữ)
Một trường hợp khác là:
(16) Linguistics is the scientific study of language.
(Ngôn ngữ học là khoa học nghiên cứu ngôn ngữ)
Từng câu (15) và (16) liệu có cùng ý nghĩa với:
(17) A metalanguage is a language which is used to describle languages.
(18) Linguistics is the scientific study of languages.
hay không?
Không thể trả lời câu hỏi này nếu không dựa vào ngữ cảnh mà câu (15) và (16) xuất hiện, và thậm chí ngay cả trong ngữ cảnh thì câu hỏi này cũng có thể không có lời giải đáp. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ kĩ, nếu không phải là tức thời, thì cái cần thấy rõ là hai câu (15) và (16), như nội dung chúng biểu thị và ngoài ngữ cảnh, là lưỡng nghĩa tuỳ theo chỗ chúng có được hiểu như là tương đương về ngữ nghĩa lần lượt với hai câu (17) và (18) hay không.
Nguyên do của sự mơ hồ đặc biệt này là: bất kì lúc nào từ ‘language’ (ngôn ngữ) được dùng như một danh từ khối, như ở (15) và (16), biểu thức chứa nó có thể dùng để chỉ không phải là một tập hợp các ngôn ngữ mà mỗi thành viên là (hoặc có thể được miêu tả như là) một hệ thống (system) của các từ và các quy tắc ngữ pháp, mà là để chỉ những sản phẩm (products) (sự sử dụng của) ở dạng nói hay dạng viết của một hệ thống hay một tập hợp các hệ thống cụ thể. Cái có thể được nói đến như là sự lưỡng nghĩa hệ thống-sản phẩm (system-product ambiguity) của nhiều biểu thức ngôn ngữ có chứa từ tiếng Anh ‘language’ chính là liên quan đến cái sự thể vừa được nhắc đến, rằng cái từ tiếng Anh ‘language’ (cũng như nhiều danh từ khác trong tiếng Anh) vốn nước đôi về mặt cú pháp: tức là nó thuộc về hai tiểu lớp danh từ phân biệt nhau về mặt cú pháp (danh từ đơn vị và danh từ khối). Và cũng có trường hợp, khi nó được dùng với tư cách là một danh từ khối ở số ít thì biểu thức ngôn ngữ chứa nó có thể dùng để chỉ ra hoặc là cái sản phẩm (sự sử dụng) của một ngôn ngữ, hoặc là cái tổng số (hay mẫu tiêu biểu) các ngôn ngữ.
Những biểu thức ngôn ngữ chứa các từ ‘English’, ‘French’, ‘German’ v.v… lại cho thấy một kiểu lưỡng nghĩa hệ thống-sản phẩm có liên quan nhưng hơi khác, khi chúng được dùng như là những danh từ khối ở số ít (trong những ngữ cảnh nhất định). Ví dụ:
(19) That is English
có thể được dùng hoặc để chỉ một ngôn bản hay phát ngôn cụ thể, theo nghĩa chính xác của từ, hoặc theo một lối khác, để chỉ chính cái ngôn ngữ-hệ thống (language-system) sản sinh ra các văn bản và phát ngôn cụ thể. Sự mơ hồ này là hiển nhiên bởi theo một cách hiểu về câu (19), không tính cách hiểu khác, thì biểu thức từ đơn lẻ ‘English’ có thể được thay thế bởi ngữ đoạn ‘the English language’ (tiếng Anh). Rõ ràng là chúng ta không thể đồng nhất bất kì các phát ngôn tiếng Anh cụ thể nào với chính tiếng Anh. Và cũng rõ ràng, trong những trường hợp như vậy, tính nước đôi cú pháp làm nảy sinh sự lưỡng nghĩa, nói đúng ra, không phải giữa danh từ đơn vị và danh từ khối, mà là giữa các danh từ riêng (đơn vị) và các danh từ chung (khối).
Cái mà tôi đã nêu ra như là sự lưỡng nghĩa hệ thống-sản phẩm có liên quan đến tính nước đôi về phạm trù của từ ‘language’ (ngôn ngữ) là tương đối rõ, như nó vừa được giải thích. Nhưng từ trước đến nay nó vẫn là, và tiếp tục sẽ là, nguồn gốc của rất nhiều lẫn lộn về lí thuyết. Có một cách tránh được ít nhất một vài trong số những nhầm lẫn như vậy, đó là cách không bao giờ, về phương diện siêu ngôn ngữ, dùng từ tiếng Anh ‘language’ (ngôn ngữ) như là một danh từ khối khi mà biểu thức ngôn ngữ chứa nó có thể được thay thế đồng nghĩa bởi một biểu thức chứa từ ‘language’, được dùng như một danh từ đơn vị. Cách giải quyết này sẽ được giữ nguyên nhất quán trong các phần trình bày tiếp theo; và các sinh viên được khuyên nên chấp nhận cách giải quyết giống như vậy.
Một cách khác để tránh né, hoặc làm giảm thiểu, sự mơ hồ và lẫn lộn gây ra bởi tính nước đôi về cú pháp (hoặc phạm trù) của cái từ tiếng Anh hàng ngày ‘language’ cũng như một vài ý nghĩa của nó là đặt ra những thuật ngữ đặc biệt hơn để thay thế nó. Đó là những thuật ngữ ‘langue’ (ngữ ngôn) và ‘parole’ (lời nói) nay được dùng rộng rãi, mà Saussure (1916) là người dùng đầu tiên với nghĩa thuật ngữ trong tiếng Pháp, ‘competence’ (ngữ năng) và ‘performance’ (ngữ thi), mà Chomsky (1965) đã nêu ra như là những thuật ngữ ngôn ngữ học.
Trong tiếng Pháp hàng ngày, phi kĩ thuật thì danh từ ‘langue’ (ngữ ngôn) là một trong hai từ mà nếu phối hợp với nhau thì sẽ có cùng phạm vi ý nghĩa hoặc các ý nghĩa tương đương với cái từ tiếng Anh ‘language’ (ngôn ngữ). Cái từ tiếng Pháp khác là ‘langage’. Hai từ tiếng Pháp này phân biệt với nhau về mặt ngữ pháp và ngữ nghĩa ở một vài phương diện. Trong bối cảnh mà ta quan tâm, hai sự khác biệt quan trọng là: (i) ‘langue’, trong đối lập với ‘langage’, luôn luôn được dùng như một danh từ đơn vị; (ii) ‘langue’ biểu thị cái thường được coi là ngôn ngữ tự nhiên và, không giống như từ ‘langage’, nó thường không được dùng để chỉ: (a) những ngôn ngữ hình thức nhân tạo (tức phi tự nhiên) của lô gic học, toán học, tin học, (b) những hệ thống giao tiếp ngoài ngôn ngữ (extralinguistic) hoặc kèm ngôn ngữ như cái vẫn được gọi một cách phổ biến là ngôn ngữ cử chỉ, hoặc (c) những hệ thống giao tiếp không thuộc con người. Cái sự thể rằng tiếng Pháp (giống như tiếng Italia, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha và các ngôn ngữ Romane khác) có đến hai từ không tương đương với nhau về nghĩa, tự bản thân nó là rất thú vị. Nó khẳng định một luận điểm đã được nói đến từ trước về cái từ ‘nghĩa’ của tiếng Anh: cái siêu ngôn ngữ hàng ngày được lấy từ một ngôn ngữ tự nhiên này không nhất thiết tương đương về nghĩa, toàn bộ hoặc bộ phận, với cái siêu ngôn ngữ hàng ngày được lấy từ một ngôn ngữ tự nhiên khác. Nhưng điều này được nêu ra ở đây là gắn với sự phân biệt của Saussure về ‘ngữ ngôn’ và ‘lời nói’.
Những biểu thức ngôn ngữ chứa từ tiếng Pháp ‘langage’ cũng chịu cùng một kiểu lưỡng nghĩa hệ thống-sản phẩm như các biểu thức ngôn ngữ chứa từ tiếng Anh ‘language’ phải chịu. Nhưng những biểu thức chứa từ ‘langue’ thì không thế. Chúng luôn luôn chỉ cái mà tôi gọi là ngôn ngữ-hệ thống (và theo phạm vi hẹp của từ ‘langue’, đối lập với cái từ tiếng Anh ‘language’, chỉ cái thường được gọi là ngôn ngữ tự nhiên). Điều này luôn đúng, bất chấp cái sự thể là từ ‘langue’ trong tiếng Pháp có được dùng theo nghĩa thuật ngữ hay không.
Từ ‘parole’ (lời nói) trong tiếng Pháp hàng ngày có một số ý nghĩa liên quan hoặc chồng lên nhau. Trong cái nghĩa mà ta quan tâm ở đây, nó bao hàm một phần cái nội dung của từ tiếng Pháp ‘langage’ và từ tiếng Anh ‘language’ khi được dùng với tư cách là những danh từ khối. Nó biểu thị chính cái sản phẩm hoặc những sản phẩm mà việc sử dụng một ngôn ngữ-hệ thống đem lại. Tuy nhiên, không giống như các từ ‘langage’ và ‘language’, nó chỉ dùng để chỉ ngôn ngữ nói, tức chỉ cái sản phẩm lời nói. Hệ quả là, sự phân biệt mà Saussure nêu ra giữa ‘langue’ (ngữ ngôn) và ‘parole’ (lời nói) đã thường xuyên bị trình bày sai lạc, trong tiếng Anh cũng như một số ngôn ngữ Châu Âu khác, bao gồm tiếng Đức, tiếng Nga, với tư cách là một sự phân biệt giữa ngôn ngữ (language) và lời nói (speech).
Sự phân biệt mang tính bản chất, như ta vừa thấy, là giữa một hệ thống (gồm một bộ các quy tắc ngữ pháp và một vốn từ vựng) với cái sản phẩm của (sự sử dụng của) chính cái hệ thống đó. Lưu ý rằng ở đây, cũng như từ đầu mục này, tôi đã đưa ngữ đoạn ‘sự sử dụng của’ vào trong dấu ngoặc đơn. Điều này dẫn ta đến một luận điểm thứ hai, một luận điểm nhất thiết phải nêu ra, không chỉ về sự phân biệt của Saussure giữa ‘ngữ ngôn’ và ‘lời nói’, mà còn về sự phân biệt của Chomsky giữa ‘ngữ năng’ và ‘ngữ thi’, vốn cũng gây ra nhiều nhầm lẫn lí thuyết.
Khái niệm ‘ngữ năng’ (đầy đủ hơn, là ‘năng lực ngôn ngữ’ hoặc ‘năng lực ngữ pháp’) được Chomsky dùng để chỉ cái ngôn ngữ-hệ thống lưu trữ trong đầu của những cá nhân được cho là biết, hoặc có năng lực đối với cái ngôn ngữ đang xét. Năng lực ngôn ngữ, trong cái nghĩa này, luôn luôn là năng lực đối với một ngôn ngữ cụ thể. Những người bản ngữ thường có được nó ngay từ hồi thơ ấu (trong những điều kiện môi trường bình thường) nhờ sự tương tác của: (i) cái khả năng ngôn ngữ riêng của con người và được di truyền (cái khả năng này được Chomsky gọi bằng thuật ngữ ‘ngữ pháp phổ quát’) và (ii) một số lượng đủ các phát ngôn làm mẫu được trình bày thích đáng, vốn có thể phân tích (với sự trợ giúp của những tri thức bẩm sinh của đứa trẻ về những nguyên tắc và tham số của ngữ pháp phổ quát) với tư cách là những sản phẩm của cái ngôn ngữ-hệ thống đang phát triển. Có nhiều chi tiết trong lí thuyết của Chomsky về sự thủ đắc ngôn ngữ và về ngữ pháp phổ quát gây tranh cãi về phương diện triết học cũng như tâm lí học. Nhưng điều này không quan yếu đối với những quan tâm hiện thời của chúng ta. Lúc này, có một điều được thừa nhận, hoặc cần phải được thừa nhận: cái mà Chomsky gọi là ngữ năng trong những ngôn ngữ tự nhiên cụ thể, về phương diện vật lí thần kinh, là được lưu trữ trong não các thành viên của những cộng đồng ngôn ngữ cụ thể. Và khái niệm ‘ngữ năng’ của Chomsky, được giải thích như thế, xét theo mục đích hiện thời, có thể được đồng nhất với khái niệm ‘ngữ ngôn’ của Saussure.
Nếu Chomsky phân biệt ‘ngữ năng’ và ‘ngữ thi’ thì Saussure phân biệt ‘ngữ ngôn’ và ‘lời nói’. Nhưng ‘ngữ thi’ không thể dễ đồng nhất với ‘lời nói’ như cái cách mà ‘ngữ năng’ được đồng nhất với ‘ngữ ngôn’. Nói một cách nghiêm ngặt thì ‘ngữ thi’ biểu thị cái cách dùng ngôn ngữ-hệ thống, trong khi ‘lời nói’ biểu thị những sản phẩm của cái cách dùng đó. Tuy vậy, sự phân biệt về thuật ngữ này không phải bao giờ cũng được duy trì. Thuật ngữ ‘ngữ thi’ của Chomsky (giống như thuật ngữ ‘cách ứng xử’) thường được các nhà ngôn ngữ học sử dụng để chỉ một cách không phân biệt, hoặc lập lờ, cả cách dùng hệ thống lẫn những sản phẩm của cách dùng hệ thống. Ngược lại, thuật ngữ ‘lời nói’ hiếm khi, nếu có, được dùng để chỉ một cái gì khác ngoài sản phẩm của việc sử dụng những ngôn ngữ-hệ thống cụ thể. Cái ta muốn, bây giờ cần làm rõ, không phải là một sự phân biệt tay đôi giản đơn giữa một hệ thống và những sản phẩm của nó mà là một sự phân biệt tay ba, trong đó sản phẩm (‘lời nói’) được phân biệt không những với hệ thống mà còn với quá trình (‘ngữ thi’, ‘cách ứng xử’, ‘cách dùng’ v.v…). Cho dù chúng ta có dùng một vốn từ vựng siêu ngôn ngữ đặc biệt cho mục đích này hay không thì điều quan trọng vẫn là: cái sản phẩm thu được từ quá trình sử dụng một ngôn ngữ cần được phân biệt cẩn thận với bản thân quá trình ấy.
Nhiều danh từ tiếng Anh thường ngày phái sinh từ động từ là giống với từ ‘ngữ thi’ ở chỗ chúng có thể được dùng để chỉ cả quá trình lẫn sản phẩm của nó. Chúng bao gồm bản thân danh từ ‘production’ (sự tạo thành) và một loạt các danh từ có liên quan về ngữ nghĩa như ‘creation’ (sự chế tác), ‘composition’ (sự hợp thành), ‘construction’ (sự cấu tạo). Chúng cũng bao gồm những từ của ngôn ngữ thường ngày (tức siêu ngôn ngữ thường ngày) như ‘speech’ (lời nói), ‘writing’ (viết), ‘utterance’ (phát ngôn) và nhiều từ khác. Hai cái nghĩa hệ thống của các từ này không được lẫn lộn với nhau, như chúng đã và đang lẫn lộn, và tiếp tục bị lẫn lộn, trong nhiều giáo trình ngôn ngữ học. Điểm này, như chúng ta sẽ thấy, có tầm quan trọng đặc biệt khi xác định khái niệm ‘ngữ dụng học’.
Rất nhiều điều được nói trong mục này có liên quan không chỉ đối với những vấn đề có thể nảy sinh nếu chúng ta không thận trọng trong cách dùng những từ ngữ hàng ngày như ‘ngôn ngữ’, ‘lời nói’ mà còn đối với một loạt những vấn đề khác sẽ được đề cập tiếp theo đây. Điều cốt tử là, những người mới làm quen với ngữ nghĩa học cần phải ý thức về cái mà tôi sẽ gọi ra đây như là sự tam phân hệ thống-quá trình-sản phẩm (system-process-product trichotomy). Những sinh viên đã quen với những nguyên tắc của ngữ pháp tạo sinh hiện đại và nghĩa học hình thức sẽ biết rằng, có những điều chỉnh được thực hiện đối với sự phân tích ngôn ngữ và cách sử dụng ngôn ngữ theo cái trục hệ thống-quá trình-sản phẩm vừa được trình bày ở đây. Đặc biệt, các thuật ngữ ‘quá trình’ và ‘sản phẩm’ còn có một nghĩa trừu tượng hơn, mang tính chất toán học, theo đó người ta nói rằng các câu được tạo ra, hay sản sinh ra, bởi một ngữ pháp hoạt động trên một thành tố từ vựng hữu quan. Cái nghĩa trừu tượng hơn này của thuật ngữ ‘quá trình’ (giống như cái nghĩa trừu tượng hơn của thuật ngữ ‘câu’, là thuật ngữ dựa vào nó và sẽ được giải thích ở một thời điểm thích hợp), về phương diện lô gic, là độc lập với cách sử dụng cũng như ngữ cảnh và có thể được xem như là ở bên trong hệ thống. Nhưng tạm thời, chúng ta không quan tâm đến những câu hỏi mang tính kĩ thuật kiểu này. Ta có thể ngao du khá xa trong ngữ nghĩa học trước khi ta phải bàn đến những tiến triển gần đây trong ngôn ngữ học lí thuyết và lô gic hình thức.
Đọc tiếp: 1.5.
Từ: dạng thức và nghĩa