Qua kinh nghiệm thực tiễn trong nghề phiên dịch cũng như giảng dạy ngoại ngữ nói chung và môn dịch (Anh – Việt / Việt – Anh) nói riêng, và qua tham khảo một số chuẩn đạo đức nghề nghiệp / quy tắc ứng xử ở các nước (professional ethics / code of conduct) đối với nghề phiên dịch, chúng tôi nhận thấy khi tuyển chọn sinh viên phiên dịch và chương trình đào tạo phiên dịch cần phải lưu ý tới những tiêu chí và kĩ năng sau:
Tiêu chí thứ nhất(1): Khả năng ghi nhớ
Công tác phiên dịch thường được chia làm hai loại hình chính: dịch kế tiếp (consecutive interpretation), tức là diễn giả nói một câu, một đoạn hoặc một ý nào đó rồi ngừng để phiên dịch dịch sang ngôn ngữ đích; và dịch song song (dịch đồng thời hoặc dịch cabin – simultaneous interpretation), khi diễn giả và phiên dịch cùng trình bày (hầu như) cùng một lúc. Trong cả hai loại hình, khả năng ghi nhớ của phiên dịch rất quan trọng, nhất là trong loại hình thứ nhất. Nếu không có khả năng ghi nhớ, cho dù là trong “trí nhớ ngắn hạn” (short-term memory), phiên dịch sẽ không thể truyền đạt được trọn vẹn ý của diễn giả. Muốn ghi nhớ được, phiên dịch cần phải được rèn luyện nhiều để vừa phân tích, vừa tổng hợp, vừa sắp xếp thông tin nghe được theo một lôgíc, cấu trúc nhất định, bởi không bao giờ có thể nghe và nhớ hết từng lời của diễn giả được. Phải “bắt được cái mạch” ý tưởng của diễn giả. Như vậy, gắn liền với khả năng ghi nhớ là khả năng đoán ý, nắm bắt được tinh thần diễn giả muốn truyền đạt và dự đoán những thông tin tiếp theo diễn giả sẽ trình bày căn cứ vào những gì đã tiếp nhận được. Dĩ nhiên, tất cả những điều này phụ thuộc vào khả năng nghe hiểu của phiên dịch, cả nghe hiểu ngoại ngữ lẫn bản ngữ.
Đối với sinh viên, không phải sinh viên nào nghe cũng giỏi, nhớ cũng tài. Ngay cả nhiều giáo viên ngoại ngữ có trình độ nghe hiểu ngoại ngữ rất tốt nhưng không có trí nhớ tốt nên cũng không thể làm phiên dịch được. Ngoài ra, không phải sinh viên nào cũng có thể huấn luyện được về trí nhớ. Như vậy, tiêu chí đầu tiên trong công tác tuyển chọn sinh viên phiên dịch phải là khả năng ghi nhớ của họ.
Để lựa chọn “đúng người” đưa vào đào tạo, cần có phần kiểm tra khả năng này, có thể chỉ là một đoạn thông tin ngắn vài ba câu bằng tiếng Việt và yêu cầu họ truyền đạt lại. Còn sau này, trong quá trình đào tạo sẽ phải huấn luyện họ liên tục. Thời gian đầu có thể chỉ là những bài nghe đơn giản, ngắn trong vòng khoảng 100 – 200 từ và yêu cầu sinh viên trình bày lại, cả bằng dạng nói và viết. Đây là phương thức mà chúng tôi được đào luyện ngay từ học kì đầu của năm thứ nhất đại học chuyên ngành tiếng Anh: sinh viên nghe một câu chuyện vui ngắn (thường lấy từ cuốn Stories for Reproduction của L.A. Hill), sau đó kể lại cho nhau, bổ sung cho nhau những chi tiết còn thiếu, chỉnh sửa cho nhau, hoặc viết lại rồi trao đổi cho nhau để sửa chữa hoặc nộp lại cho giáo viên chấm. Lúc đó chúng tôi không thể hiểu hết tác dụng của loại bài tập này, song sau này vào nghề phiên dịch mới thấy chúng có hiệu quả đến mức nào trong việc rèn luyện kĩ năng nghe hiểu, ghi nhớ và tái tạo từ những cái nhỏ nhất. Thực tế hiện nay nhiều giáo viên giảng dạy ngoại ngữ chủ yếu chỉ luyện cho sinh viên một số kĩ năng nghe cơ bản như nghe để điền thông tin vào bảng biểu, nghe để xác định thông tin đúng/sai, nghe và làm theo hướng dẫn nào đó hoặc trả lời một vài câu hỏi ngắn. Họ ít chú ý bắt sinh viên phải tái tạo lại những gì nghe được. Đối với kĩ năng nghe hiểu trong giảng dạy ngoại ngữ theo phương pháp giao tiếp thì như thế có thể là đủ (chủ yếu là kĩ năng tiếp nhận – receptive skill). Tuy nhiên, trong đào tạo phiên dịch, tái tạo (reproductive skill) lại là một kĩ năng quan trọng cần được thường xuyên thực hành.
Tiêu chí thứ hai: Phát âm, giọng nói
Người phiên dịch đòi hỏi phải có giọng nói tốt, phát âm chuẩn, “tròn vành rõ chữ”, cả trong bản ngữ lẫn ngoại ngữ, vì họ phải nói cho nhiều người, rất nhiều người nghe. Về tiếng Việt, cần tuyển lựa những sinh viên phát âm rõ, không ngọng, giọng nói đủ vang, vì có nhiều trường hợp phiên dịch phải dịch mà không có phương tiện âm thanh trợ giúp. Về tiếng Anh, trong quá trình đào tạo cần rèn luyện cho sinh viên phát âm từng âm từng từ một cách chuẩn xác, sau đó là trọng âm, ngữ điệu, và đặc biệt rèn luyện ngữ điệu biểu cảm. Lời nói vô cảm sẽ rất buồn tẻ và nặng nề đối với người nghe, bởi ở nhiều hội nghị không khí thường bị nặng nề với những bài báo cáo dài, khô khan, một chiều, báo cáo này nối tiếp báo cáo kia. Phiên dịch cần nói sao cho sinh động, truyền cảm và dễ chịu đối với người nghe, song tất nhiên cũng không nên thái quá (over-acting), không thể hiện trung thành tinh thần, thái độ của diễn giả.
Trong suốt quá trình đào tạo, cần lựa chọn một cách phát âm thống nhất để rèn luyện cho sinh viên: hoặc tiếng Anh-Anh (British English), hoặc tiếng Anh-Mĩ (American English), hoặc tiếng Anh-Úc (tất cả đều phải là ngôn ngữ chuẩn – standard language), bởi thực tế trong ngôn ngữ nào cũng có rất nhiều phương ngữ và không phải phương ngữ nào cũng dễ hiểu, như chúng ta vẫn thấy ngay trong tiếng Việt. Phát âm chuẩn còn quan trọng hơn ngữ pháp và từ vựng rất nhiều: người ta có thể nói sai ngữ pháp, dùng từ không chuẩn nhưng người nghe vẫn có thể hiểu được ít nhiều, nhưng phát âm a thành b, b thànhc thì rất dễ khiến người nghe không hiểu, hoặc hiểu nhầm. Chúng tôi đã nhiều lần phải dịch cho diễn giả mà phải rất vất vả mới “đoán” được họ nói gì, đơn giản chỉ vì phát âm của họ (chẳng hạn như một số người Ấn Độ, Sri Lanka, Nhật Bản, kể cả một số người Việt nói tiếng Anh không tốt).
Tiêu chí thứ ba: Trình độ chuyên môn (ngoại ngữ và chuyên ngành liên quan)
Phiên dịch cần nhiều loại kiến thức: ngôn ngữ, văn hoá, kiến thức phổ thông hay kiến thức nền (general or background knowledge) và kiến thức chuyên môn. Họ cần phải thông thạo, có vốn từ vựng phong phú, hiểu biết thấu đáo những vấn đề ngôn ngữ học của cả hai ngôn ngữ, hiểu biết những tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ không những chỉ về ngữ pháp mà còn về ngữ nghĩa và ngữ dụng. Những hiểu biết đó gắn chặt với tri thức văn hoá về đất nước, con người, lối sống, thói quen, phong tục tập quán của hai cộng đồng ngôn ngữ. Đến lượt chúng, tri thức văn hoá lại phải dựa trên một nền tảng tri thức bách khoa vững chắc và liên tục được cập nhật. Cuối cùng, mỗi một chuyên ngành có những thuật ngữ, cách diễn đạt riêng, phong cách riêng, đòi hỏi người làm công tác dịch thuật phải hiểu được chí ít là ý nghĩa, nội hàm của chúng, dẫu rằng không thể sâu như một nhà chuyên môn. Do vậy, sinh viên phiên dịch rất cần được đào tạo sâu về tiếng Việt và lịch sử, văn hoá Việt Nam cũng như những vấn đề tương tự của nước nói ngoại ngữ họ đang học. Đồng thời cần trang bị cho họ kiến thức chuyên ngành mà sau này họ sẽ phải làm việc, ít nhất cũng là những kiến thức cơ sở, cơ bản nhất của chuyên ngành đó. Tất nhiên khó có thể đề cập được nhiều chuyên ngành nên cần phải lựa chọn những chuyên ngành cơ bản, có nhu cầu sử dụng cao để giảng dạy.
Khi tuyển chọn, cũng cần kiểm tra kiến thức nền của sinh viên, những kiến thức họ đã được học ở các bậc học trước xem họ nắm được đến đâu, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, bổ sung trong chương trình đào tạo phiên dịch.
Tiêu chí thứ tư: Kĩ năng thuyết trình và khả năng diễn thuyết trước công chúng (public speaking)
Được tham dự nhiều hội nghị, và quan sát diễn giả trong một số chương trình truyền hình như SV96 hay những cuộc thi trong đó thí sinh phải thi hùng biện, chúng tôi nhận thấy khả năng diễn thuyết trước công chúng của nhiều người Việt nói chung còn yếu và kĩ năng thuyết trình hầu như chưa được đào luyện một cách chính thức và bài bản ở các cấp học, kể cả ở bậc đại học và sau đại học. Đối với phiên dịch, đặc biệt là phiên dịch kế tiếp (consecutive interpreter) cho các lớp đào tạo, tập huấn, kĩ năng thuyết trình và khả năng diễn thuyết lại cực kì quan trọng bởi vì trách nhiệm của phiên dịch lúc ấy không chỉ là truyền đạt ngôn từ của diễn giả mà còn phải biểu đạt cả những ý tưởng, những điểm nhấn, những thái độ, quan điểm diễn giả muốn trình bày. Tất cả đều phải được thể hiện một cách tức thời, trước mặt đông đảo người nghe, đúng như những gì diễn giả thực hiện. Nói cách khác, phiên dịch đòi hỏi phải là một bản sao “nguyên mẫu” của diễn giả. Do vậy, cần hết sức chú trọng huấn luyện kĩ năng thuyết trình và khả năng diễn thuyết cho sinh viên phiên dịch. Những kĩ năng, khả năng này gắn liền với sự rèn luyện trí nhớ và tư duy lôgíc đã nói trong tiêu chí thứ nhất ở trên.
Tiêu chí thứ năm: Sự nhanh nhạy
Tương tự như tiêu chí thứ tư, cũng gắn liền với tiêu chí thứ nhất về trí nhớ và tư duy lôgíc là sự nhanh nhạy cần có của một người phiên dịch. Người phiên dịch cần phải nhanh chóng nắm bắt nội dung ý tưởng diễn giả muốn trình bày, nhanh chóng học hỏi và ghi nhớ những từ ngữ, thuật ngữ, đặc ngữ mà diễn giả sử dụng, nhất là những từ chuyên môn đặc thù trong bối cảnh sử dụng cụ thể mà nhiều khi không thể tìm thấy nghĩa tương đương trong từ điển.
Do áp lực về thời gian, sai sót hoặc nhầm lẫn trong quá trình dịch là không thể tránh khỏi, song người phiên dịch cần phải nhanh chóng phát hiện ra những chỗ bỏ sót, khiếm khuyết hoặc thiếu chính xác đã phạm ấy để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung trong những câu dịch tiếp theo, hạn chế tối đa sự hiểu lầm, sai lệch thông tin diễn giả truyền đạt.
Sự nhanh nhạy của người phiên dịch còn thể hiện ở chỗ phải biết lựa chọn ngôn từ, phong cách phù hợp với bối cảnh sử dụng, với đối tượng người nghe. Một từ/ngữ trong ngôn ngữ này có thể có nhiều từ/ngữ tương đồng (nhưng chưa chắc đã tương đương) trong ngôn ngữ kia và ngược lại, do đó rất cần người phiên dịch có sự lựa chọn đúng đắn, và sự lựa chọn này phải được thực hiện dưới áp lực rất lớn về thời gian. Xin kể lại một kinh nghiệm: mới đây chúng tôi được tháp tùng một đoàn cán bộ của Bộ Tài nguyên & Môi trường tới thăm Đại học Imperial ở thủ đô Luân Đôn. Khi mới tới, ông Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường của Đại học Imperial (có lẽ lúc đó chưa nắm rõ thành phần của đoàn) ăn mặc “lịch sự ở mức bình thường” (smart casual) và chào hỏi với phong cách xã giao và cấu trúc câu, ngôn từ khá đơn giản, đời thường. Tuy nhiên, sau khi được giới thiệu thành phần trong đoàn và Trưởng đoàn là Thứ trưởng Bộ TN & MT, lập tức ông cáo lỗi và 5 phút sau quay lại với đầy đủ trang phục chỉnh tề (com-lê, cà vạt), trang trọng, và từ đó tới hết buổi tiếp, ông dùng những cấu trúc câu khá bóng bẩy, ngôn từ trau chuốt với phong cách “rất ngoại giao” (nói nôm na là he used “posh” – highly formal language) nhưng cũng rất cởi mở, nhiệt tình và chân thành. Chúng tôi đã phải hết sức vất vả tìm cách tái hiện phong cách ngôn ngữ của vị Giám đốc này sao cho đúng tinh thần và thái độ trân trọng ông chủ định thể hiện một cách hiển ngôn (explicitly) đối với đoàn Việt Nam. Qua kinh nghiệm này, chúng tôi thấy trong quá trình đào tạo, cần chú trọng giúp sinh viên phân biệt được các phong cách ngôn ngữ, các ngữ vực (register) và biết lựa chọn sử dụng ngôn từ phù hợp với từng phong cách, ngữ vực trong ngữ cảnh cần thiết.
Nhạy cảm về văn hoá cũng là một mặt quan trọng trong tiêu chí “nhanh nhạy” của người phiên dịch. Như nhiều dịch giả đã nhấn mạnh, người phiên dịch phải là một cầu nối về văn hoá giữa những người nói những ngôn ngữ khác nhau. Thiếu kiến thức, thiếu nhạy cảm về văn hoá, người phiên dịch khó có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, hoặc có thể dẫn tới những vấn đề đáng tiếc. Xin lấy một ví dụ (rất xin lỗi độc giả cũng như người có tên như sau): một từ trong ngôn ngữ này có thể trùng với một từ “huý” hay “tục” trong ngôn ngữ kia và ngược lại, chẳng hạn như cái tên Căn trong tiếng Việt. Những lúc gặp trường hợp phải giới thiệu một người có tên Lê Văn Căn, chúng tôi phải đọc chệch đi trong tiếng Anh một chút như Can (trong I can speak English). Một trường hợp khác, diễn giả nước ngoài đã nhầm lẫn và nhắc đi nhắc lại là This project was implemented in 2 provinces of Nha Trang and Khanh Hoa – Dự án này được triển khai ở 2 tỉnh Nha Trang và Khánh Hoà trong khi thực tế phải là Phú Yên và Khánh Hoà, vì Nha Trang là thành phố thuộc tỉnh Khánh Hoà chứ không phải một tỉnh riêng. Trường hợp đó buộc phiên dịch phải có sự nhạy cảm và điều chỉnh sơ suất của diễn giả cho đúng với thực tế.
Còn có thể dẫn ra nhiều trường hợp khác đòi hỏi người phiên dịch phải nhanh nhạy và có phản ứng kịp thời. Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng đối với việc tuyển chọn sinh viên phiên dịch, cần phát hiện và lựa chọn đúng những sinh viên có khả năng này, hoặc chí ít là có tiềm năng đào tạo được (potential “trainability”) để đảm bảo thành công của công tác đào tạo phiên dịch, và cần chú trọng rèn luyện, củng cố khả năng này của họ trong quá trình đào tạo.
Kĩ năng tốc kí
Mặc dù người phiên dịch buộc phải có trí nhớ tốt, song trong khi nghe cũng cần phải ghi chép lại những từ quan trọng, những điểm mấu chốt giúp cho việc tổ chức ý tưởng và tái tạo phần trình bày của diễn giả một cách suôn sẻ, đầy đủ. Trong quá trình phiên dịch, chúng tôi thấy việc nghe, hiểu, nhớ và chuyển dịch các con số từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại không phải là việc dễ dàng. Đặc biệt, có những con số mà cách thức diễn đạt của hai ngôn ngữ rất khác biệt, chẳng hạn: năm 1900 tiếng Việt nói là một ngàn chín trăm trong khi tiếng Anh lại hay nói là nineteen hundred – mười chín trăm; hoặc fifteen hundred students attended the meeting – mười lăm trăm sinh viên tham dự cuộc mít tinh trong khi tiếng Việt phải nói một ngàn rưởi/một ngàn năm trăm sinh viên tham dự cuộc mít tinh. Ngược lại, tiếng Việt thường có cách nói Hơn hai mươi vạn quân Tưởng kéo vào miền Bắc Việt Nam trong khi tiếng Anh phải dùng đến từ hàng trăm – Hơn hai trăm ngàn quân Tưởng kéo vào miền Bắc Việt Nam – Over two hundred thousand Chiang Kai-sek troops drew into the North of Vietnam. Sự vênh nhau về số đếm giữa tiếng Việt và tiếng Anh: một bên là một nghìn năm trăm, một bên làmười lăm trăm;một bên làhai mươi vạn, một bên là hai trăm ngàn không ít lần làm chúng tôi hết sức lúng túng.Vừa nghe, lại vừa phải ghi thật nhanh không chỉ các con số mà còn cả từ ngữ, luận điểm – điều đó đòi hỏi người phiên dịch phải có kĩ năng tốc kí (stenography). Như vậy, rất cần phải đưa kĩ năng tốc kí vào thành một môn học trong chương trình đào tạo phiên dịch.
Rèn luyện Đạo đức Nghề nghiệp
Nghề nào cũng có những chuẩn đạo đức hay quy tắc ứng xử (professional ethics hoặc code of conduct) riêng của nó. Nghề phiên dịch cũng vậy. Hiện nay có khá nhiều bộ chuẩn đạo đức phiên dịch như bộ chuẩn của Cục Nhập cư và Tị nạn Canada (Immigration and Refugee Board of Canada), CALS (Community access and language service) của Anh, Hội đồng Dân tộc thiểu số Bắc Ai-len (Northern Ireland Council for Ethnic Minorities), Toà án tiểu bang Washington của Hoa Kì, v.v.
Trong những tài liệu như trên, có rất nhiều yêu cầu, quy tắc bắt buộc người phiên dịch phải tuân thủ. Tựu trung lại, những bộ chuẩn đạo đức/quy tắc ứng xử này chú trọng sự trung thành của người phiên dịch đối với ngôn bản và ý tưởng, thái độ của người nói, sự không thiên vị (impartiality) đối với các bên đối thoại và đặc biệt không được thêm thắt các bình luận, nhận xét hay thái độ của cá nhân người phiên dịch vào lời dịch. Phiên dịch là phiên dịch, chứ không phải một bên tham gia cuộc đối thoại, tranh luận đang diễn ra đó. Đôi khi chúng tôi cũng gặp trường hợp phiên dịch “quên” mất vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình và đứng ra tranh luận như một đại biểu tham dự cuộc họp, hoặc “uốn” lời của diễn giả theo ý mình mà không truyền đạt trung thành lời nói của diễn giả. Bản thân chúng tôi nhiều lúc phải “nén mình” lại để thực hiện đúng chức trách của phiên dịch, mặc dù có nhiều điều rất bức xúc hoặc muốn đóng góp. Một trường hợp khác: có lần chúng tôi được mời đi phiên dịch cho một dự án ở một tỉnh, mặc dù ở tỉnh đó đã có phiên dịch chuyên nghiệp tại chỗ. Lí do đơn giản chỉ là vì trong một số cuộc họp trước, hai bên Việt Nam và nước ngoài có những điều không hiểu nhau, bên nước ngoài có những lời lẽ có thể gọi là “mắng” bên Việt Nam, và phiên dịch ở đó đã không dịch đúng nguyên bản bởi người bị “mắng” là xếp của anh ta và đương nhiên không thể “dám mắng xếp” mà phải đứng về phía xếp. Rốt cuộc là hai bên không đi đến thống nhất.
Sự trung thành và không thiên vị của người phiên dịch đặc biệt quan trọng trong những phiên toà. Một vài đồng nghiệp của chúng tôi đi phiên dịch cho toà án và cảnh sát ở Vương quốc Anh luôn luôn phải kí cam kết về những yêu cầu này và không được phép bênh vực cho bị can, bị cáo, mặc dù đó là những đồng bào của mình. Họ cũng có những biện pháp kiểm soát chất lượng của phiên dịch, và nếu phiên dịch vi phạm những quy tắc ứng xử nghề nghiệp thì sẽ bị xử lí thích đáng, hoặc đơn giản là mất việc – đồng nghĩa với việc mất “cần câu cơm”.
Trong quá trình đào tạo sinh viên phiên dịch, chúng tôi thiết nghĩ phải giới thiệu những bộ quy tắc ứng xử/chuẩn đạo đức nghề nghiệp này và đòi hỏi sinh viên phải liên tục rèn luyện nếu họ muốn thực sự trở thành một người phiên dịch chuyên nghiệp theo đúng nghĩa của nó.
Trên đây là một vài đề xuất và lưu ý của chúng tôi đối với việc tuyển chọn và đào tạo sinh viên phiên dịch. Hi vọng những tiêu chí và lưu ý này sẽ được các thầy cô, anh chị em đồng nghiệp và các bạn sinh viên say mê nghề phiên dịch quan tâm và áp dụng nếu thấy hợp lí và hữu ích.
Tài liệu tham khảo
- Interpreting Asia, Interpreting Europe. Dự án Asia Links, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), 2005.
- Code of Conduct for Interpreters, truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2007.
- Code of Conduct, truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2007
- Nicem Code of Conduct for Interpreters, truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2007
- Comments on the Code of Conduct, truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2007
___________________
(1) Thứ tự này không phản ánh trật tự ưu tiên từ quan trọng nhất tới kém quan trọng hơn mà chỉ để quý vị tiện theo dõi.