Roman Jakobson sinh tại Matxcơva, ông học Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva, và ngay thời sinh viên đã có năng khiếu ngôn ngữ học. Jakonson tích cực thúc đẩy việc thành lập câu lạc bộ Ngôn ngữ học Matxcơva năm 1915. Câu lạc bộ này liên hệ chặt chẽ với hội OPIAZ (Hội ngôn ngữ thơ ca của Lêningrad) và đặt nhiệm vụ đi sâu phân tích thơ ca và những vấn đề thi học. Jakobson có nhiều liên hệ với các nhà thơ Nga phái chủ nghĩa hình thức, như: Khmlevnikov, Polivanov, Maiakovskij…
Jakobson rời nước Nga năm 1920 cùng lúc với N. Trubetskoy. Ít lâu sau, ông giảng dạy ở Trường Đại học Bruno, và năm 1930 ông bảo vệ luận án tiến sĩ ngôn ngữ học. Cùng với Mathesius, Trubetskoy và một số nhà ngôn ngữ học Tiệp Khắc, Jakobson tham gia thành lập Câu lạc bộ ngôn ngữ học Praha năm 1926, mà ông và Trubetskoy trở thành các nhân vật chính của trường phái này với học thuyết âm vị học nổi tiếng. Chính các luận đề câu lạc bộ Praha do Jakobson dự thảo đã được trình bày tại Đại hội quốc tế lần thứ nhất các nhà ngôn ngữ học tại La Hayơ năm 1928, tại Đại hội quốc tế lần thứ nhất các nhà ngữ văn học ở Praha (1929), tại Đại hội ngữ âm học quốc tế lần thứ nhất (12/1930), tại Hội nghị ngữ âm học Amstecdam (1932) và tại các đại hội quốc tế khác của các nhà ngôn ngữ học họp ở Giơnevơ (1931), Rôma (1933), Côpenhagơ (1936).
Năm 1930, khi Đức quốc xã tràn vào Tiệp Khắc, Jakobson tời Tiệp, sang Mĩ giảng dạy tại Trường Cao học tự do mới (tư thục) tại Niu-oóc. Năm 1947, Jakobson trở thành giáo sư Trường Đại học Côlumbia, và năm 1949 chuyển sang dạy tại Trường Đại học Havớt.
Là nhà ngôn ngữ học bách khoa, Roman Jakobson bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu ngôn ngữ học từ việc phân tích thơ ca và văn học. Ông cũng bàn tới lí thuyết ngữ pháp, hệ thống cách và biến cách trong tiếng Nga. Sau này, khi ở Mĩ, Jakobson còn nghiên cứu những vấn đề của các nhà khoa học khác liên quan tới ngôn ngữ, như: lí thuyết thông tin, bệnh lí ngôn ngữ, nhân chủng học, chứng mất tiếng, ngôn ngữ của người và của máy v.v… Song sự đóng góp lớn lao và có ý nghĩa nhất của Jakobson thuộc lĩnh vực âm vị học. Các công trình đã xuất bản của Jakobson có trên 475 đề mục, được phân ra làm hai loại: loại công trình thực sự ngôn ngữ học và loại những vấn đề khác liên quan đến ngôn ngữ học.
Lí thuyết thi học của Jakobson chịu ảnh hưởng của chú nghĩa hình thức thơ ca Nga lúc bấy giờ. Jakobson đã từng nêu năm 1920: “Thủ pháp – đó là chủ nhân duy nhất của văn học”. Trong tiểu luận quan trọng Ngôn ngữ học và thi học xuất bản năm 1960, Jakobson đưa ra câu châm ngôn: “Chức năng thơ ca được thể hiện bằng tiêu của thông báo vì lợi ích của chính nó”. Tính tới năm 1930, có tới ba phần tư các công trình của ông viết về thi học và phân tích thơ ca trên cái nhìn âm vị học và ngữ pháp học, các bài thơ tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Bồ Đào Nha…, giới thiệu truyền thống thơ ca của các ngôn ngữ Slavơ va Ấn Độ… Sự nghiệp thi pháp của Jakobson ảnh hưởng sâu sắc đến phê bình văn học hiện đại, tới "văn nghệ tiền phong", đặc biệt là ở Pháp.
Jakobson có nhiều đóng góp vào việc xây dựng bộ môn âm vị học Praha. Âm vị học luôn luôn được Jakobson quan tâm, dù trong từng giai đoạn ông có đi sâu và các lĩnh vực khác nữa. Có thể tạm chia ra làm hai giai đoạn nghiên cứu âm vị học của R. Jakobson: a. thời kì trong nhóm ngôn ngữ học Praha; b. thời kì ở Mĩ, khi ông cùng Fant và Halle thiết lập một nền âm vị học theo khuynh hướng của ông (thời kì này không còn ảnh hưởng qua lại giữa ông và Trubetskoy).
Một điều khá độc đáo là Jakobson thường đứng ở vị trí âm vị học để xem xét nhiều lĩnh vực khác: thơ ca, ngôn ngữ trẻ em, bệnh lí ngôn ngữ… Các công trình nghiên cứu về âm vị học của Jakobson được in rải rác trong Các công trình của câu lạc bộ ngôn ngữ ngữ học Praha và ở Mĩ. Đặc biệt nổi tiếng là các bài Nhận xét về tiến trình âm vị học của tiếng Nga so sánh với các ngôn ngữ Slavơ khác bằng tiếng Pháp năm 1929, và Những nguyên lí âm vị học lịch sử bằng tiếng Đức năm 1931.
Từ năm 1950, Jakobson đặt việc phân tích âm vị học lên hàng đầu và nêu ra lí thuyết "tính tương ngôn ngữ học". Ông tiếp tục khẳng định: “người ta nói cốt để cho người khác hiểu được mình. Phải lấy chức năng giao tiếp làm cơ sở để giải thích những quan hệ giữa âm (son) và nghĩa (sens) trong các ngôn ngữ. Cái cần xem xét không phải là mặt vật chất của âm, mà là mặt "giá trị ngôn ngữ" của chúng, xem chúng khu biệt nghĩa của từ như thế nào”.
Nhấn mạnh chức nưng khi biệt của các âm vị, Jakobson đưa ra phương pháp đối lập âm vị học. Bằng cách này có thể xác định các hệ thống âm vị học cho một số lớn ngôn ngữ.
Trong các công trình về hệ thống cách và biến cách của tiếng Nga, Jakobson dựa vào thực nghiệm âm vị học để xem xét. Ông xây dựng một hệ thống về những thế đối lập có – không trong phân tích hệ thống ngữ pháp và áp dụng hệ thống này vào việc phân tích một số phạm trù ngữ pháp về danh từ và động từ tiếng Nga.
Công trình Ngôn ngữ trẻ em và bệnh mất tiếng năm 1969, tiếp tục chiều hướng có tính lí thuyết khai phá của Jakobson về ngôn ngữ trẻ em, điều mà ông đã trình bày tại Hội nghị quốc tế các nhà ngôn ngữ học lần thứ V ở Bruxen năm 1939. Trong bài viết Hai phương diện của ngôn ngữ và hai kiểu bệnh mất tiếng, năm 1956, Jakobson cho rằng chỉ có hai kiểu rối loạn ngôn ngữ: những rối loạn phát sinh từ sự phá huỷ khả năng lựa chọn các đơn vị ngôn ngữ học trong hệ thống (rối loạn về hệ dọc), và những rối loạn phát sinh từ sự phá huỷ kết hợp các đơn vị ấy trong chuỗi (rối loạn về hệ ngang). Jakobson cùng với một số cộng tác viên khoa học, y học, kĩ sư… đi xa hơn tới những vấn đề có thể gắn liền với ngôn ngữ được, như: bệnh lí ngôn ngữ, quan hệ giữa ngôn ngữ của người và máy…
Trong lĩnh vực bệnh lí, Jakobson đã gây được một sự khởi động mạnh mẽ đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, tính đơn giản quá đáng của mô hình giải thích không hoà nhật với thực tế của bệnh lí.
Jakobson là một nhà hoạt động khoa học tài năng và là một nhà bác học có tri thức bách khoa, thích khai phá. Song như G.Mounin nhận xét (trong La Linguistique de XXe siècle, 1975): “Jakobson không phải là người của những công trình tổng hợp lớn, ông thích hỗn hợp hơn là tổng hợp, thích xung động hơn là chế định và cuối cùng, thích khám phá hơn là kiểm tra tỉ mỉ, thấu triệt”.
Nguồn: Ngôn ngữ học: Khuynh hướng • Lĩnh vực • Khái niệm (tập 1). Nxb KHXH, H., 1984, trang 186
Đọc thêm: một bài viết ngắn bằng tiếng Anh