Ông khách thông gia chỉ nói được tiếng Trung nên câu chuyện cứ phải gián đoạn vì phiên qua dịch lại, nhưng mối giao hảo không vì thế mà kém phần vui vẻ.
Ông giới thiệu về gia thế nhà mình:
– Ông cụ nhà tôi sinh thời là đại phu.
– Úi giời ơi quý hoá quá. Cụ làm quan to ở triều đình cơ ạ?
– Không, chỉ là lang trung thôi mà.
Bà quay sang tôi tươi cười:
– Lang trung thì cũng là quan to chứ ông nhỉ? Tôi nghe ngày xưa cụ Nguyễn Công Trứ cũng làm chức ấy.
Nhìn ông bạn Trung Quốc đỏ mặt lúng túng, tôi hiểu ông sợ bị hiểu lầm nên bảo là:
– Không phải thế đâu bà ạ. Ông cụ làm nghề thầy thuốc thôi. Tiếng của họ dùng hai chữ ấy để gọi thầy thuốc mà.
Bà "à" một tiếng, liếc nhanh sang cô phiên dịch chắc có ý oán cô làm bà hiểu lầm.
Ông chuyển sang nói về sự quen biết của con ông và con trai bà. Ông bảo:
– Cậu con bà là một chàng trai lỗi lạc.
Bà ngượng nghịu:
– Ông quá khen chứ nó làm gì mà giỏi khác thường?
– Không, tôi biết đánh giá người mà, cậu ấy "lòng dạ ngay thằng" lắm. Lại là một tài tử nữa.
– Trời! Sang bên đó nó lại đi diễn kịch, làm phim hay sao hả, ông?
Tôi lại phải nói để bà yên lòng:
– Chắc không phải thế đâu. Ông ấy khen cháu nhà bà có tài đấy thôi. Mà nó học giỏi lại biến đàn ca như thế cũng là người có tài thật.
Thây bà đã vui trở lại, ông tiếp thêm:
– Mà đáo để dã tâm lắm.
Ông lúng túng im bặt khi thấy bà trợn mắt lên, mặt tái lại. Tôi phải bảo bà:
– Bà hiểu lầm rồi. Ông khen con trai bà rất nhiều tham vọng đấy, không phải chê trách đâu.
Nghe cô phiên dịch nói lại ông mới hiểu là mình đã làm bà bạn hiểu lầm. Ông vui vẻ bảo:
– Thưa bà, tôi rất vui vì tình bạn của con tôi. Tôi bảo nó cứ toàn quyền. Nhưng tôi cũng bảo nếu quá trớn là tôi thủ tiêu ngay.
Cô phiên dịch phải đưa tay đỡ lấy bà khi thấy bà gần như xỉu đi. Tôi cười bà cô:
– Tại cháu đấy, chữ "thủ tiêu" người Hán đâu có dùng theo nghĩa "giết ngầm" như ta. Họ dùng với nghĩa "bỏ, bỏ đi, huỷ bỏ" tức là huỷ bỏ cái toàn quyền của con gái ông ta thôi. Cháu nên rút kinh nghiệm có nhiều chữ Hán Việt nhưng nghĩa khác hẳn ở tiếng Việt đấy.
Cô nghe ra, quay lại giảng giải và xin lỗi bà bạn tôi. Còn ông thông gia người Trung Quốc chắc cùng được dịp để biết rằng không phải là chữ nghĩa nào khi mượn, người Việt cũng cứ phải trung thành với nghĩa gốc Hán như nhiều người nghĩ.
* Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 10 (2004), trang 43