Trong tiếng Việt, các từ Hán-Việt làm thành một lớp với những đặc điểm ngữ pháp riêng. Các từ tổ Hán-Việt tuy cũng chứa đựng những mối quan hệ cú pháp (đẳng lập hoặc chính phụ) rõ rệt không kém các từ tổ thuần Việt nhưng mối quan hệ cú pháp này chặt chẽ hơn nhiều. Mà một trong những nguyên nhân chính là cách đặt từ ngược (phụ trước, chính sau) so với các từ tổ thuần Việt. Có thể nêu ra một cặp ví dụ điển hình:
+ Xạ thủ Nguyễn Văn Ba | (1) |
+ Người bắn Nguyễn Văn Ba | (2) |
Rõ ràng ở đây, (1) chỉ có thể được hiểu theo một cách còn (2) lại có hai cách hiểu.
Qua đó, chúng ta có thể thấy, từ Hán-Việt không gây mâu thuẫn trong cách hiểu, còn từ thuần Việt, nếu không có ngữ cảnh xác định thì dễ gây hiểu nhầm. Do tính chất chặt chẽ của mối quan hệ cú pháp này của từ Hán-Việt nên chúng thường được dùng làm từ ngữ chuyên môn hay thuật ngữ khoa học…
Đặc điểm của loại hình đơn lập âm tiết tính của tiếng Hán và tiếng Việt đã cho phép tiếng Việt tiếp thu các yếu tố gốc Hán không những với tư cách là đơn vị từ vựng mà còn cả với tư cách là những công cụ ngữ pháp. Theo GS. Nguyễn Tài Cẩn, trong số các hư từ tiếng Việt hiện nay có tới 1/3 là hư từ gốc Hán. Ví dụ:
+ Hán-Việt: nhân, tuy, do…
+ Hán-Việt Việt hoá: cùng – cộng (共); bèn – tiên (便); vì – vi (為)…
Theo thống kê khảo sát số lượng hư từ gốc Hán theo âm Hán-Việt hiện đang hoạt động trong tiếng Việt thì có 97 phó từ, 20 giới từ và 30 liên từ.
1. Phó từ
Có thể chia các phó từ thành các tiểu loại sau:
1.1. Phó từ chỉ trình độ
Biểu thị mức độ cao của một trạng thái hoặc tính chất nào đó của sự vật (hay, phó từ trình độ biểu thị ý nghĩa quan hệ về trình độ). Nó có vai trò hạn định cho tính từ trong câu: tối, tuyệt, cực, quá, thực, thậm, quả…
1.2. Phó từ chỉ phạm vi
Biểu thị ý nghĩa quan hệ phạm vi của hành động, tính chất của sự vật: chỉ, thuần, nhất luật, nhất nhất, cơ hồ, tự (tựa) hồ, độc, duy, bất quá, chuyên…
1.3. Phó từ thời gian
Ví dụ: đương, lập tức, tức khắc
1.4. Phó từ biểu thị sự tiếp diễn, sự lặp lại
Ví dụ: tái, thường, thường thường…
1.5. Phó từ ngữ khí biểu thị ngữ khí nghi vấn hoặc ước đoán.
Các phó từ này thường đi kèm động từ hoặc tính từ để nhấn mạnh hành động, tính chất. Ví dụ: khả, há, lẽ nào…
1.6. Phó từ chỉ các ý nghĩa tình thái biểu thị tình thái chủ quan, khách quan hoặc diễn biến bất thường
Ví dụ: đương nhiên, dĩ nhiên, hiển nhiên, hốt nhiên, bỗng nhiên, đột nhiên…
1.7. Phó từ khẳng định và phủ định
Ví dụ: bất, bất tất, vị tất, tất nhiên, nhất định, quyết…
2. Giới từ
– Giới từ chỉ nơi chốn: tại (ở)
– Giới từ chỉ thời gian: từ
– Giới từ chỉ phạm vi: trừ
– Giới từ chỉ nguyên nhân, mục đích: do, vị (vì), tại (bởi)
– Giới từ chỉ phương tiện, công cụ, chất liệu: dụng (dùng)
– Giới từ chỉ đối tượng: đối vu (đối với)
3. Liên từ
Liên từ dùng để biểu thị các quan hệ cú pháp giữa thực từ và hư từ, dùng để nối các từ, các kết hợp từ, các câu và các đoạn văn có quan hệ cú pháp. Có thể phân loại các hư từ Hán-Việt như sau:
– Liên từ biểu thị sự lựa chọn: hoặc – hay; hoặc giả – hay là…
– Liên từ biểu thị quan hệ nhân quả: Sở dĩ… là vì…
– Liên từ biểu thị quan hệ giả thiết: giả sử → giá như; thảng hoặc
– Liên từ biểu thị quan hệ điều kiện: trừ phi, bất luận, vô luận…
– Liên từ biểu thị quan hệ đối lập (giữa hai hành động, hai trạng thái, hai tính chất): tuy, tuy nhiên
– Liên từ biểu thị quan hệ liệt kê: thí như → thí dụ
Quá trình tiếp xúc 2 ngôn ngữ Việt – Hán là một quá trình lâu dài và sâu rộng, thể hiện qua sự hiện diện các từ gốc Hán trong tiếng Việt. Có thể thấy các từ gốc Hán có chức năng là công cụ ngữ pháp chiếm tỉ lệ cao trong tiếng Việt, điều này chứng tỏ rằng ngữ pháp tiếng Hán đã có ảnh hưởng lớn đến ngữ pháp tiếng Việt.