W. von Humboldt
(22/6/1767–08/8/1835)
Wilhelm von Humboldt, cùng với em là Alexander von Humboldt (1769–1859), là những đại biểu có tên tuổi của thời đại khai sáng Đức. Ông là người đương thời của các hệ thống triết học lớn của Đức, từ Karl đến Hegel. Ông có quan hệ mật thiết với F. Bopp trong trào lưu ngữ pháp học so sánh và có tham vọng nghiên cứu chẳng những các ngôn ngữ Ấn-Âu, mà là tất cả các ngôn ngữ thực tế đang được sử dụng trên hành tinh chúng ta. Là một nhà hoạt động chính trị và từng làm đại sứ ở Italia, ở Anh, W. von Humboldt đã xây dựng Trường Đại học Đức, và có những đóng góp độc đáo trong ngôn ngữ học, cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị thời sự.
W. von Humboldt nhận thấy ở ngôn ngữ một khái niệm về lực tác động đến các hoạt động khác, và một khái niệm về tính chất được thể hiện dưới hình thức một phong cách, nói lên nội dung ý nghĩa.
Nhận một chuyến đi Tây Ban Nha, qua xứ Basque năm 1800, ông phát hiện một xứ sở, một dân tộc, và một nền văn hoá ăn sâu vào nếp sống và lịch sử, bổ sung cho nhau và quy tụ xung quanh một ngôn ngữ. Ông cho đây là một vấn đề nhân chủng học, mà trung tâm là ngôn ngữ đang nói, và phạm vi ảnh hưởng là sự giao tiếp phổ quát giữa những người nói. Giữa hai phạm trù đó, là màng lưới của những sự trao đổi qua lại, thể hiện lao động không ngừng của xã hội.
Ông để tâm suy nghĩ đến ngôn ngữ ngay trong những năm hoạt động chính trị bận rộn (1810–1820), nhưng chỉ thực hiện được ý đồ nghiên cứu của mình trong mười lăm năm cuối đời (1820–1835). Trong tập sách đầu tay "Về việc nghiên cứu ngôn ngữ học so sánh" (1820), Humboldt đặt cơ sở cho một học thuyết so sánh khái quát, phát triển trên hai bình diện, bình diện so sánh giữa những ngôn ngữ khác nhau, và bình diện nhận hiểu, đi sâu vào một lí thuyết ngôn ngữ học đại cương. Hai bình diện này, về nguyên tắc, rõ ràng không thích ứng với nhau… Giữ vững phương hướng chung đó, ông có xét lại quan điểm của mình, và sửa đổi lại trên ba điểm:
Trước hết, đó là sự can thiệp của một khâu trung gian giữa hai bình diện đã nêu, một hình thức nội tại lên khái niệm sử dụng, và một nội dung nói lên cái "lực" khi phân tích ngôn ngữ.
Tiếp theo là mối quan hệ qua lại liên tục giữa cái dạng nhìn thấy được của sự phát triển lịch sử (những khác biệt ngôn ngữ, dấu hiệu, tài liệu,…), với mặt giấu kín của cấu trúc ngữ pháp (hệ thống ngữ âm, từ vựng, cú pháp).
Và cuối cùng là sự bổ sung cho nhau giữa nhân chủng học và ngôn ngữ học: ngôn ngữ học thể hiện một nhân chủng học tiềm tàng, còn nhân chủng học đưa vào một ngôn ngữ học ứng dụng.
Với nhận thức nói trên, ông viết hai công trình lí luận ngôn ngữ học:
- "Về sự hình thành các hình thức ngữ pháp và ảnh hưởng của chúng đối với sự phát triển tư duy" (Über das Entstehen der grammatischen Formen und ihren Einfluss auf die Ideenentwicklung) (1820);
- "Về sự khác biệt của thiết chế ngôn ngữ loài người (Über die Verschiedenheit des menschlichen Sprachbaus) (1830–1835).
Tư tưởng ngôn ngữ học Humboldt xoay quanh ba điểm lớn:
- Ngôn ngữ chẳng những là một phương tiện giao tiếp mà còn là sự phản chiếu trí tuệ con người, cũng như nghệ thuật và khoa học. "Ngôn ngữ là sự thể hiện hình thức mà qua đấy cá nhân nhìn nhận thế giới, và chuyển nó vào nội tâm của mình".
- Về phương diện xã hội, mỗi ngôn ngữ phản ánh những cách tư duy của dân tộc dùng nó, đồng thời cũng tác động đến tư duy đó. Ngôn ngữ tổ chức và hướng dẫn thế giới quan của người nói. Thế giới quan ấy làm thành "hình thức bên trong của ngôn ngữ", trong lúc "hình thức bên ngoài" là cấu trúc ngữ âm, ngữ pháp, v.v…
- Ngôn ngữ không phải là một "công trình" đã hoàn thành và bất di bất dịch, mà là một hoạt động đang diễn ra. Trí tuệ làm việc không ngừng để thích ứng âm thanh, chất liệu ngữ âm, với sự thể hiện của tư duy. Chính hình thức ngôn ngữ, với những quy tắc hình thái và cú pháp, cho phép và nâng đỡ "lao động đó của tư duy".
Chính điểm 3 này là chỗ dựa cho nguyên tắc tạo sinh mà Chomsky đề cập đến khi muốn làm sáng tỏ khái niệm "năng lực" và "sự thực hiện" ngôn ngữ.
Marx và Engels thừa nhận cách hiểu ngôn ngữ theo quan điểm động của Humboldt (ngôn ngữ phát triển thường xuyên), chú ý đến việc phải luận giải theo quan điểm duy vật hai bình diện của ngôn ngữ (hình thức ngữ âm thuộc bình diện vật chất; và nội dung tư duy thuộc bình diện tinh thần); nhưng bác bỏ ý kiến của Humboldt cho rằng ngôn ngữ là cái phản ánh quan điểm chủ quan của con người đối với thế giới xung quanh; hoặc ngôn ngữ là biểu hiện đặc biệt của linh hồn dân tộc (ảnh hưởng của học thuyết Kant).
Tư tưởng ngôn ngữ học của Humboldt tuy có những nét duy tâm cần phê phán, những đã đặt ra những vấn đề nghiêm túc về thực chất ngôn ngữ, cần được suy nghĩ và thảo luận sâu sắc để tìm ra hạt nhân hợp lí của vấn đề.
Theo Nguyễn Quang. Wilhelm von Humboldt. In trong Ngôn ngữ học: Khuynh hướng • Lĩnh vực • Khái niệm (tập 1). Nxb KHXH, H., 1984, trang 183–186.