• Bỏ qua primary navigation
  • Skip to main content
  • Bỏ qua primary sidebar
  • Bỏ qua footer

ngonngu.net

Ngôn ngữ học và Tiếng Việt

  • Ngôn ngữ học
    • Các vấn đề chung
      • Đại cương
      • Đối chiếu
      • So sánh lịch sử
    • Từ vựng
    • Ngữ âm
      • Ngữ âm học
      • Âm vị học
      • Chữ viết
    • Ngữ pháp
    • Ngữ nghĩa học
    • Ngữ dụng học
    • Ngôn ngữ học xã hội
    • Khuynh hướng
  • Tiếng Việt
    • Lịch sử
    • Phương ngữ
    • Hiện tại
  • Chuyên đề
    • Tiếng Việt & CNTT
    • Tài liệu tham khảo
    • Thông tin tổng hợp
  • Ngày này năm xưa
  • Dự án S
  • Liên hệ & Hỗ trợ
Bạn đang ở:Trang chủ / Ngôn ngữ học / Các vấn đề chung / Đại cương / Cụ tượng (Iconicity)

Cụ tượng (Iconicity)

31/01/2007

ngonngu.net
31/01/2007Chuyên mục:
  • Đại cương

Do quan niệm tín hiệu và cơ chế điều khiển tín hiệu là cơ giới và máy móc nên suốt trong một nửa thế kỉ, bản chất võ đoán của ngôn ngữ được đề cao.

Võ đoán là tính không có lí do của mối liên hệ giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện trong một tín
hiệu
.

Không có lí do nghĩa là giữa mặt biểu hiện và được biểu hiện không có mối liên quan tất yếu nào.

Như vậy là, ngôn ngữ là một tập hợp của các yếu tố mà mối liên hệ giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện không bao giờ được sử dụng để giải thích ngôn ngữ. Những thành viên trong cộng đồng nói năng bỗng dưng được cấp cho một phương tiện giao tiếp là ngôn ngữ và họ mặc nhiên sử dụng nó một cách hoàn toàn vô ý thức với thực tại. Nếu hiện thực là một thể thống nhất liên tục giữa thế giới – ngôn ngữ – con người thì một tiền giả định coi ngôn ngữ võ đoán về bản chất là một sự thể hiện duy tâm chủ quan về thế giới khách quan. Nếu ngôn ngữ là võ đoán giữa vật chất (hình thức) và tinh thần (ý nghĩa) thì chúng ta không thể có một phép nối liên tục và tự nhiên giữa chúng ta với thế giới xung quanh.

Hạt nhân của việc coi tính võ đoán là bản chất cao nhất của ngôn ngữ là sự phá vỡ thế giới xung quanh chúng ta và chính chúng ta. Và đó là một nhận thức hết sức sai lầm và nguy hiểm.

Vì thế, từ những năm 70 của thế kỉ XX trở lại đây, ngôn ngữ học hiện đại rất ít nhắc đến tính võ đoán trong ngôn ngữ.

Càng ngày chúng ta càng phát hiện ra có một mối quan hệ hữu cơ và tự nhiên giữa ngôn ngữ (sản phẩm sáng tạo của con người) và chính con người – chủ thể sử dụng sản phẩm sáng tạo đó.

Ví dụ: Các ngôn ngữ trên thế giới có rất nhiều điểm chung nhau, một trong những phổ niệm đó là tất cả những ngôn ngữ của loài người đều có một vốn từ mô tả âm thanh tự nhiên và những từ đó về hình thức ngữ âm là tương tự nhau. Những từ tượng thanh chính là sự mô phỏng lại các âm thanh có trong tự nhiên: tiếng nước chảy, tiếng động trong tự nhiên và đặc biệt là những mô phỏng âm thanh của tiếng kêu. Số lượng các từ này ở trong mỗi ngôn ngữ là khoảng 400 – 500 từ.

Bất kì ngôn ngữ nào trên thế giới cũng có từ láy, đó là sự lặp lại một phần nào đó trong cấu trúc từ và âm tiết nhằm mục đích phủ định hay khẳng định khi nói về sự lặp lại của một hiện tượng theo tần số khách quan mà yếu tố gốc của láy không có khả năng miêu tả.

Riêng trong tiếng Việt, người ta có thể khuôn lại 2 mô hình từ láy quan trọng sau đây:

A B
đo đỏ bập bõm
tim tím trục trặc
nho nhỏ đỏ đắn
xinh xinh phẳng phắn
sành sạch vừa vặn

Ta có thể khái quát hoá 2 khuôn A và B lại theo các
cơ chế hình thức như sau:

<A>

ÂT1 ÂT2
Hình thức:
– ÂT1: thanh bằng
– ÂT2: bất kì thanh nào
– ÂT2: được nhấn mạnh
– ÂT2: gốc thực từ (từ đơn – hình vị độc lập có nghĩa)
____________
Nội dung:
– diễn tả một thực thể, tính chất không xác định
Ý nghĩa: mức độ chưa đạt chuẩn mà yếu tố từ vựng trong ÂT2 đã xác định

 

<B>
ÂT1 ÂT2
Hình thức:
– ÂT1: bất kì thanh nào
– ÂT2: có thanh điệu phụ thuộc thanh điệu ÂT1 (cùng âm vực):

 Âm vực cao  1 – 4 – 5 – 7
 Âm vực thấp  2 – 3 – 6 – 8

– ÂT1: được nhấn mạnh
– ÂT1: mang nghĩa từ vựng
____________
Nội dung:
– diễn tả một thực thể, tính chất rất xác định
Ý nghĩa: chuẩn đến mức phải khuôn lại trong một phạm vi nhỏ hơn

Có một phổ niệm trong các ngôn ngữ thế giới là trong sự sắp xếp các dãy yếu tố của một phát ngôn thì yếu tố đi trước hoặc ở phía trước của phát ngôn bao giờ cũng bị coi nhẹ hơn, còn những yếu tố đi sau, nhất là phần cuối cùng của phát ngôn, thường là tiêu điểm (forcus) của chú ý đối với người tiếp nhận. Chính vì thế, các yếu tố đi trước bao giờ cũng có trường độ ngắn hơn, phát âm nhẹ hơn, xu hướng xác định các phạm trù ngữ nghĩa từ vựng học nhẹ hơn so với yếu tố đi sau. Có thể lược bỏ đi rất nhiều các yếu tố ở phần phía trước trong một phát ngôn mà không làm ảnh hưởng đến ý nghĩa của phát ngôn.

Mặt khác, các thông tin cú pháp mà một phát ngôn đưa lại thường dựa trên các đặc điểm ngữ điệu (lên/xuống giọng, nhấn mạnh, nói lửng…) lại phải sử dụng phần cuối của phát ngôn để thể hiện.

Nói cách khác, các đặc điểm ngữ điệu quan trọng của phát ngôn nhằm hướng lực ngôn trung tới người nghe là phần cuối. Chính vì vậy, các phát ngôn có thành phần mạnh ở cuối câu, các cấu trúc có thành phần mạnh ở cuối là những dấu hiệu để nhận biết ra tính tự nhiên của ngôn ngữ loài người. Người tiếp nhận không phải cố gắng cũng có thể nắm được nội dung chính của thông điệp, hoặc nắm được ý nghĩa chính của một cấu trúc ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ hiện đại, người ta gọi đó là kết cấu (cấu trúc) không đánh dấu để phân biệt với cấu trúc bị đánh dấu, tức là các loại cấu trúc bất thường, cần sự cố gắng của người nghe (Cao Xuân Hạo gọi đây là các kết cấu hữu trưng).

Vì khuôn A là khuôn cấu trúc tự nhiên, không bị đánh dấu trong tiếng Việt nên trong so sánh các từ dùng để xác định chuẩn cho việc "phân cắt thế giới tự nhiên" thì khuôn A được phép thể hiện các đối tượng có trong thế giới tự nhiên chưa xác định một cách rõ ràng (chưa được phạm trù hoá) hoặc chưa đạt đến chuẩn của phạm trù. Ngược lại, khuôn B là một khuôn bất thường nên số lượng trong vốn từ láy tiếng Việt là ít hơn nhiều so với khuôn A và phải được chức năng hoá cho các phạm trù chỉ sự bất thường và ít xuất hiện trong thực tế khách quan. Trong trường hợp cụ thể này, nghĩa của khuôn B thể hiện sự đứt đoạn của thế giới, dùng để chỉ những thực tế khách quan nào có chất lượng hơn so với những thực tế khác mà chúng ta thường gặp. Khuôn B gây sự chú ý cho người nghe ngay từ đầu. Sự chú ý đó có tiền giả định rằng người nghe đang tiếp xúc với một cấu trúc ít xuất hiện, tức là một cấu trúc bất thường.

Đó chính là hai khuôn rất hay gặp trong thực tiễn ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau.

Có thể gọi khuôn A là trật tự xuôi, còn khuôn B là trật tự ngược. Khuôn xuôi dùng để chỉ những hiện tượng nhiều lần, phổ biến biểu thị các hiện tượng khó xác định và không thể khuôn lại trong một phạm trù cụ thể. Trong khi đó, khuôn B là khuôn bất thường dành cho một số ít đối tượng. Chúng ta có một sự đồng hình, đẳng cấu (isomorphism) giữa mặt hình thức, trong sự sắp xếp các yếu tố, với mặt nội dung là các ý nghĩa thực từ thể hiện. Tính đồng hình và đẳng cấu như vậy được gọi là tính cụ tượng của các tín hiệu ngôn ngữ trong các từ láy đôi của tiếng Việt.

Như vậy, cụ tượng là mối liên hệ trực tiếp giữa mặt biểu hiện và mặt được biểu hiện của tín hiệu không thông qua bất kì một phép ẩn dụ hoặc hoán dụ, hoặc một quá trình nhân tạo nào (nhân tạo ở đây được hiểu là trái với tự nhiên, giả tự nhiên). Khi không có tính cụ tượng hoặc bằng chứng chứng minh cho tính cụ tượng thì người là gọi là biểu trưng (symbolicity).

Định nghĩa trên có ý nghĩa quan trọng là kéo phần ngôn ngữ trở về với hiện thực và thực tại, tức là trở về với thế giới tự nhiên, nơi con người là một bộ phận không thể tách rời của thế giới đó.Vì con người là một sản phẩm của thế giới tự nhiên nên những gì mà con người sử dụng, sáng tạo đều thuộc về thế giới tự nhiên. Chính vì thế mối liên hệ giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện trong một tín hiệu ngôn ngữ, đầu tiên và trước hết, phải là tính cụ tượng. Những yếu tố võ đoán có trong một hệ thống tín hiệu ngôn ngữ, suy cho cùng, chỉ là ở chỗ chúng ta chưa biết được mối liên hệ giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện ở tín hiệu đó đã xảy ra như thế nào. Hiểu được theo ý nghĩa trực tiếp mối liên hệ cái biểu hiện – cái được biểu hiện như vậy, chúng ta có thể quan sát hàng loạt các yếu tố ngôn ngữ mang tính cụ tượng. Đó là phần mạnh nhất của bất kì ngôn ngữ nào để tạo nên tính nhân bản của một ngôn ngữ cụ thể mà
một cộng đồng nói năng hay sử dụng.

* Nói thêm về thuật ngữ "cụ tượng" – iconicity

Cụ tượng là thuật ngữ được Đào Duy Anh sử dụng trong cuốn từ điển của mình (1935) để phân biệt với khái niệm trừu tượng (abstractness). Trừu tượng là phải trải qua chiết xuất, vì vậy, trừu tượng là không tính tới đặc điểm cụ thể.

Hiện nay, trong Việt ngữ học, có tác giả dịch iconicity là phỏng hình; hình tượng; hình ảnh; kí hiệu… Tuy nhiên, những thuật ngữ này là không đạt nếu đối chiếu với định nghĩa về iconicity mà ngôn ngữ học và tín hiệu học thường dùng. Vì, các thuật ngữ này không nói lên được nghĩa đen của thuật ngữ iconicity là mối liên hệ trực tiếp giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện. Nghĩa là ngôn ngữ được nhúng (embeded) vào trong thực tại khách quan. Trong khi đó, các thuật ngữ vừa nêu mới chỉ là sự phản ánh gián tiếp của ngôn ngữ.

Chia sẻ:

  • Nhấn vào chia sẻ trên Facebook (Mở trong cửa sổ mới) Facebook
  • Nhấp để chia sẻ trên X (Mở trong cửa sổ mới) X
  • Nhấp để chia sẻ trên WhatsApp (Mở trong cửa sổ mới) WhatsApp
  • Bấm để chia sẻ lên LinkedIn (Mở trong cửa sổ mới) LinkedIn

Điều hướng bài viết

Bài trước Ngôn ngữ học Đại cương
Bài tiếp theo Phù hiệu ngôn ngữ

Sidebar chính

Mục lục

  • Ngôn ngữ học
    • Các vấn đề chung
      • Đại cương
      • Đối chiếu
      • So sánh lịch sử
    • Từ vựng
    • Ngữ âm
      • Ngữ âm học
      • Âm vị học
      • Chữ viết
    • Ngữ pháp
    • Ngữ nghĩa học
    • Ngữ dụng học
    • Ngôn ngữ học xã hội
    • Khuynh hướng
  • Tiếng Việt
    • Lịch sử
    • Phương ngữ
    • Hiện tại
  • Chuyên đề
    • Tiếng Việt & CNTT
    • Tài liệu tham khảo
    • Thông tin tổng hợp
  • Ngày này năm xưa
  • Dự án S
  • Liên hệ & Hỗ trợ

Footer

Đăng kí theo dõi

Nhập địa chỉ email của bạn để nhận thông báo khi có bài mới.

Liên kết

  • Nhóm Facebook
  • Dự án S – Công cụ tiếng Việt
  • Paratime Studio

Tìm kiếm

Liên hệ và Hỗ trợ

  • Giới thiệu
  • Liên hệ

© 2025 ngonngu.net