Hệ thống chữ viết chỉ chung hệ thống kí hiệu dùng đề ghi lại ngôn ngữ. Nếu ngôn ngữ là hệ thống kí hiệu thì chữ viết là hệ thống kí hiệu của kí hiệu. Chữ viết có quan hệ mật thiết với ngôn ngữ nhưng không thể đồng nhất ngôn ngữ và chữ viết. Người ta có thể không biết chữ nhưng vẫn có ngôn ngữ như thường. Về mặt lịch sử, ngôn ngữ xuất hiện cùng với xã hội loài người trong khi đó cho tới nay nhiều ngôn ngữ vẫn chưa có chữ viết. Con người có mặt trên trái đất hàng chục vạn năm, nhưng mãi tới giai đoạn cao của xã hội loài người mới có chữ viết. Engels đã viết: "Giai đoạn này bắt đầu với việc nấu quặng sắt và chuyển qua thời đại văn minh với việc sáng tạo ra chữ viết có vần và việc sử dụng chữ đề ghi lời văn"(1).
Đối với lịch sử phát triển của xã hội loài người, chữ viết có một vai trò rất to lớn. Ngôn ngữ, cái công cụ giao tiếp chủ yếu của con người, dầu sao vẫn có những hạn chế nhất định. Vì vỏ vật chất của ngôn ngữ là âm thanh cho nên nếu ở xa nhau không thể nghe nhau nói được bởi vì khả năng của tai người là hữu hạn. Ở cùng một chỗ, có thể nghe nhau nói được lại có những hạn chế khác. Các cụ ta thường nói: "Lời nói gió bay". Mỗi lời nói chỉ được thu nhận vào lúc nó phát ra, sau đó không còn nữa. Như vậy, ngôn ngữ cũng không vượt qua được cái hố ngăn cách về thời gian. Nhưng liệu người ta có thể hiểu được lời nói của nhau, khi gián cách về không gian và thời gian, bằng con đường truyền miệng hay không? Hiển nhiên là có, nhưng rất hạn chế. Khả năng nhận thức của mỗi người khác nhau và trí nhớ của con người cũng có hạn nên tình trạng "tam sao thất bản" không thể nào tránh khỏi. Với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, hiện nay người ta đã dùng điện thoại, vô tuyến điện, radio v.v… nhưng những biện pháp đó không phải là phổ biến, rộng rãi khắp mọi lĩnh vực.
Trong tình hình như vậy, chữ viết có giá trị rất to lớn. Vì chữ viết dựa trên ấn tượng về thị giác cho nên có thể thắng được không gian, thời gian và làm hạn chế đi nhiều hiện tượng "tam sao thất bản". Nhờ có chữ viết, chúng ta mới hiểu lịch sử quá khứ của nhân loại. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi thời kì có chữ viết trong quá trình phát triển của loài người là giai đoạn lịch sử còn thời kì trước đó là giai đoạn tiền sử hoặc dã sử. Ngày nay chúng ta làm sao hiểu Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du v.v… nếu không có Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều v.v… Nhiều người trong chúng ta có vinh dự được trực tiếp nghe đọc lời di chúc của Bác Hồ, nhưng nhờ có chữ viết, những lời di chúc thiêng liêng ấy có thể đến với tất cả mọi người dân Việt Nam, tất cả nhân dân thế giới. Bản di chúc đó sẽ còn mãi mãi với các thế hệ con cháu chúng ta sau này.
Đọc Tam quốc chí, mọi người còn nhớ câu chuyện giữa Khổng Minh và Nguỵ Diên. Khổng Minh biết Nguỵ Diên sớm muộn thế nào cũng làm phản, nhưng không thể nói trước tất cả những gì chưa xảy ra. Cho nên, trước khi chết, ông còn để lại cho Khương Duy một "cẩm nang" đợi khi Diên làm phản mời được giở ra xem. Về sau Nguỵ Diên làm phản thật. Giở cẩm nang thấy Khổng Minh dặn – bằng chữ viết – hãy thách Nguỵ Diên đứng trước ba quân hô lớn 3 lần: "Ai dám giết ta! Ai dám giết ta! Ai dám giết ta!". Quả nhiên, chưa nói dứt lời Nguỵ Diên đã bị Mã Đại từ đằng sau xông lên chém rơi đầu. Mẩu chuyện trên đây chứng tỏ rằng, chữ viết chẳng những thắng được không gian và thời gian mà còn phát huy được tác dụng trong những hoàn cảnh giao tiếp không dùng ngôn ngữ bằng lời được. Với sức mạnh đó, chữ viết thực sự là một động lực phát triển của xã hội loài người. Nó thực sự giúp cho con người có thể kế thừa và học tập lẫn nhau trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ lĩnh vực văn hoá, lịch sử đến lĩnh vực khoa học kĩ thuật. Trong phạm vi một ngôn ngữ nhất định, chữ viết còn có tác dụng thúc đẩy quá trình thống nhất ngôn ngữ, chuẩn hoá ngôn ngữ nữa.
Chữ viết là sáng tạo kì diệu của con người, nhưng sản phẩm kì diệu đó không phải được đẻ ra một cách dễ dàng mà phải trải qua một quá trình phát triển lâu dài.
Những chữ viết cổ nhất không ra đời một cách ngẫu nhiên, đột ngột mà đều trên những cơ sở nhất định, tức là có nguồn gốc của nó. Từ xưa tới nay con người luôn luôn sử dụng những biện pháp giao tiếp bổ sung. Nếu như ngôn ngữ dựa vào ấn tượng thính giác thì các phương tiện giao tiếp bổ sung thường dựa vào ấn tượng về thị giác. Hình thức của chúng là hiện vật và hình vẽ. Nhà sử học Herodotus đã kể rằng, các bộ lạc vùng Hắc Hải đã gửi cho hoàng đế Ba Tư Đari một "lá thư" gồm những con ếch, chim, chuột và một bó tên. Nội dung của nó đại khái là: "Nếu các người, những người Ba Tư, không biết bay như chim, không biết nhảy trên đầm lầy như ếch, không biết chui xuống đất như chuột thì các người hãy đợi cái chết bởi những mũi tên của ta".
Chữ Kipu
Bộ lạc Iucơ ở Peru có một hệ thống giao tiếp bổ sung đặc biệt gọi là Kipu. Đó là một sợi dây lớn có đeo nhiều dây nhỏ ở trên đó có những nút buộc. Số lượng, cách sắp xếp và màu sắc của những dây nhỏ và những nút buộc sẽ thông báo những nội dung khác nhau. Chẳng hạn: màu đỏ là lính, màu vàng là vàng, màu trắng là bạc, màu xanh là lúa, một nút đơn là 10; 2 nút đơn là 20; 1 nút kép là 100 v.v… Người Iucơ đã dùng hình thức này để ghi nhớ lịch sử của bộ lạc mình.
Một số bộ lạc khác ở chây Mĩ lại có hình thức gọi là Vampum. Đó là nhưng bộ vỏ sò, vỏ hến có màu sắc và cách sắp xếp khác nhau được xâu và đeo vào thắt lưng để ghi nhớ sự việc.
Ở Việt Nam, hiện tượng dùng hiện vật để thông báo hiện nay vẫn có thể tìm thấy, chẳng hạn, việc đốt lửa làm hiệu, treo cành cây trước nhà báo hiệu gia đình có điều kiêng kị, đeo băng đen hay chít khăn trắng để tang.
Hình thức giao tiếp bổ sung thứ hai là hình vẽ. Người ta đã tìm thấy trên các mảnh xương, các tảng đá, các vách đá… những bức tranh cổ xưa. Những bức vẽ này vừa là những công trình nghệ thuật cổ xưa, vừa là những hình thức thông báo đầu tiên bằng hình vẽ. Chúng ta còn tìm thấy những bức tranh phức tạp hơn, bao gồm nhiều hình vẽ, mỗi hình diễn đạt sơ lược một sự vật, hiện tượng thực tế, kết hợp các hình vẽ đó có thể truyền đạt những thông báo khác nhau. Thí dụ, người Anhđiêng ở Bắc Mĩ có bức vẽ: 5 thuyền chở đầy người, trên hình có 5 con vật là rùa, ưng, báo, rắn, bồ câu; một người cưỡi ngựa, bên góc có 3 vòng tròn. Nội dung của nó đại ý là: một tù trưởng dẫn một đoàn người thuộc 5 bộ lạc đi săn (5 con vật tượng trưng cho 5 vật tổ của các bộ lạc) qua hồ, đi trong 3 ngày.
Một bức tranh khác là lá thư gửi người yêu của một cô gái: một con gấu – vật tổ của mình, một con chó – vật tổ của người yêu, đường thẳng chỉ đường đi, cái lều vải chỉ nơi gặp gỡ và mặt trăng chỉ giừo hò hẹn.
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam cũng có câu chuyện về một bức thư băng tranh của một anh lính xa gửi một người bạn về cho vợ gồm 4 con chó, một cái hình bát quái, hai con dê và một cái chũm choẹ. Nội dung của nó được giải thích như sau: bốn con chó là tứ cẩu, cẩu là cửu, tứ cửu tam thập lục, là ba mươi sáu. Bát quái có tám cạnh, bát bát vị cho lục thập tứ, là sáu mươi tư. Sáu mươi tư với ba mươi sáu là một trăm chỉ số tiền anh lính gửi kèm theo cho vợ. Hai con dê chỉ ngày tết Trùng dương, tức là ngày 9 tháng 9, bởi vì Trùng dương nghĩa đen của nó là hai con dê. Còn cái chũm choẹ thì… chỉ anh ta sẽ về hàn huyên với vợ vào cái ngày tết Trùng dương ấy.
Sau này, khi con người đã sáng tạo ra chữ viết, biện pháp giao tiếp bằng hình vẽ vẫn được sử dụng. Những tranh vẽ trong các sách vỡ lòng, tập đọc và sách giáo khoa cho trẻ em, những tranh vẽ kèm theo trong một số cuốn từ điển v.v… là những bằng chứng cụ thể.
Đặc trưng của các hình thức giao tiếp trên đây là không gần gì với ngôn ngữ tiếng nói của con người cả. Những sự vật, những hình vẽ này không liên quan gì tới các đơn vị cũng như kết cấu của ngôn ngữ. Chúng là những hình thức giao tiếp độc lập, không có quan hệ gì với ngôn ngữ.
Với tư cách là những phương tiện giao tiếp bổ sung, những sự vật và hình vẽ kể trên có rất nhiều hạn chế. Nội dung của những phương tiện giao tiếp ấy không phải ai cũng dễ dàng hiểu được. Thường thì ai đặt ra thì người ấy hiểu thôi. Trở lại lá thư gửi cho vợ của anh lính ở trên. Chính vì không hiểu được nội dung của lá thư mà người bạn tham lam đã rắp tâm chỉ giao cho vợ anh lính lá thư và bốn chục quan tiền, còn sáu chục quan thì đút túi. Chính vì nội dung quy ước của lá thư chỉ hai vợ chồng anh lính hiểu thôi cho nên khi kiện lên quan, quan cũng không biết thế nào để phân xử! Hiển nhiên, các hiện vật, các hình vẽ và quan hệ giữa chúng cũng có thể biểu trưng đến mức nào đó những sự vật, hiện tượng và quan hệ trong thực tế, nhưng chúng không thể nào diễn đạt được tất cả mọi nội dung, nhất là những nội dung trừu tượng. Đối với hình thức giao tiếp bằng hiện vật còn có một hạn chế khác là các hiện vật không thể tồn tại lâu bền được.
Một số người gán cho thuật ngữ "chữ viết" một nội dung quá rộng. Họ cho các hình thức giao tiếp kiểu trên cũng là chữ viết. Như vậy, theo họ chữ viết phải hiểu là tất cả các kiểu giao tiếp của con người nhờ các tín hiệu thị giác, tức là các tín hiệu thu nhận được bằng mắt. Số khác gạt những hình thức giao tiếp bằng hiện vật ra khỏi chữ viết, nhưng vẫn thừa nhận chữ hình vẽ hay còn gọi là chữ tượng hình.
Thực ra cả hai hình thức giao tiếp trên đây chỉ là những hình thức tiền thân của chữ viết. Nói đến chữ viết là phải nói đến mối liên hệ của nó với ngôn ngữ. Chỉ những tín hiệu nào liên hệ với các hình thái của ngôn ngữ mới được xem là chữ viết. Khái niệm “chữ viết có vần” hay “chữ để ghi lời văn” của Engels là vậy.
Nhưng hình thức giao tiếp bằng hiện vật và hình vẽ là nguồn gốc của “chữ viết có vần”, của “chữ để ghi lời văn”. Chữ viết và những hình thức giao tiếp đó có cùng một bản chất tín hiệu như nhau. Nếu như sự giống nhau giữa chữ viết và hình thức giao tiếp bằng hiện vật chỉ có bấy nhiêu thôi thì hình thức giao tiếp bằng hình vẽ còn mách bảo cho con người cách đặt hình chữ như thế nào. Như chúng ta đã biết, hình chữ của những chữ viết đầu tiên thường cũng là những hình vẽ. Sự khác nhau chỉ ở chỗ một bên là hình vẽ không liên hệ với các hình thái ngôn ngữ còn một bên là hình vẽ có liên hệ với các hình thái ngôn ngữ.
* Theo Nguyễn Thiện Giáp. Dẫn luận ngôn ngữ học. Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 276–281.
(1) F. Engels. Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và nhà nước. Nxb Sự thật, H., 1961, trang 36.
Đọc thêm:
- Đặng Đức Siêu. Chữ viết – Một trong những thành quả lớn lao nhất của nền văn minh nhân loại. In trong Almanach những nền văn minh thế giới. Nxb Văn hoá Thông tin, H., 1999, trang 798–804.
- Vai trò của chữ viết và một vài nhận xét về các kiểu chữ viết