1. Những nguyên tắc chung
Vấn đề cải cách giáo dục, sự phát triển của tin học… trong những năm gần đây yêu cầu phải có sự nhất quán ngày càng cao trong viết lách cũng như trong in ấn. Một trong những yêu cầu đó là cách ghi dấu thanh của tiếng Việt. Dấu thanh và thanh điệu có liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng chữ viết nói chung và dấu thanh nói riêng cũng có những nguyên tắc riêng và độc lập nhất định của nó. Vị trí của các dấu thanh ghi trong chữ viết của các ngôn ngữ có thanh điệu đều mang tính quy ước của từng hệ thống chữ viết. Tuy nhiên, tính quy ước này, theo chúng tôi, không phải là tuỳ tiện, mà dựa trên một số nguyên tắc nhất định của chữ viết như:
1.1. Nguyên tắc biểu trưng ngữ âm (1)
Nếu hệ thống chữ viết dùng các dấu phụ để biểu thị thanh điệu, thì vị trí của các dấu thanh thường được đặt ở trên hoặc dưới yếu tố đỉnh âm tiết, tức là nguyên âm hay âm hạt nhân. Sự định vị đó chính là xuất phát từ nguyên tắc biểu trưng ngữ âm, bởi lẽ nguyên âm là yếu tố mang những đặc trưng ngữ âm cơ bản của thanh điệu trong âm tiết. Ví dụ: gà, ngã, đặc, tính…
1.2. Nguyên tắc hợp lí
Xuất phát từ đặc điểm riêng, mỗi ngôn ngữ có một cách thể hiện thanh điệu khác nhau. Chẳng hạn, trong tiếng H’mông, do âm tiết hầu như chỉ có cấu trúc mở nên các chữ cái được dùng để thể hiện thanh điệu, và được đặt ở cuối âm tiết (2) nhằm, một mặt tránh lầm lẫn với các tổ hợp phụ âm đầu, mặt khác, đảm bảo cho thao tác viết và đánh máy cũng như in ấn được thuận lợi. Tiếng Việt thì khác, âm tiết ngoài cấu trúc mở còn có cấu trúc không mở, cho nên, nếu dùng chữ cái để thể hiện thanh điệu như tiếng H’mông thì sẽ gây nhầm lẫn với các phụ âm cuối, bởi vậy, để hợp lí và thuận lợi cho viết lách, in ấn, tiếng Việt đã dùng các dấu phụ để thể hiện thanh điệu…
1.3. Nguyên tắc thẩm mĩ
Chính là cách ghi dấu thanh sao cho cân đối, thuận mắt. Chẳng hạn, cùng một nguyên âm đôi nhưng dấu thanh có thể được đánh khác nhau: mía – miến; chúa – chuối. Thậm chí, có nhiều trường hợp, vì lí do cân đối, dấu thanh lại không nhất thiết đánh ở đỉnh âm tiết. Ví dụ: khỏa, húy, xòe… Sự cân đối này cũng có mức độ và theo những nguyên tắc khác nhau trong việc ghi dấu thanh:
– Hoặc thuần tuý dựa vào trật tự của các con chữ, đánh dấu vào chữ cái ở giữa của các âm tiết kiểu:
ÂĐ + NÂ đôi. Ví dụ: thìa,lựa…(3)
– Hoặc theo cả hai nguyên tắc cân đối và biểu trưng ngữ âm, dấu thanh được đánh ở nguyên âm trong những âm tiết kiểu:
ÂĐ + NÂ đơn + ÂC. Ví dụ: nhẵn, tép, sỏi…
– Hoặc dấu thanh được đánh ở con chữ thứ 2 trong tổ hợp chữ cái ghi nguyên âm đôi trong các âm tiết không mở:
ÂĐ + NÂ đôi + ÂC. Ví dụ: thiền, lưỡi, cuống…
– Hoặc dấu thanh được đánh ở nguyên âm trong các âm tiết bắt đầu bằng âm đệm:
Bán NÂ + NÂ đơn + ÂC. Ví dụ: uế, oản, uất…
2. Tình hình dấu thanh trong cách viết hiện nay
Qua tìm hiểu "Từ điển chính tả tiếng Việt" (4) (TĐCTTV) và Từ điển tiếng Việt (TĐTV) chúng tôi thấy, các dấu thanh thường được định vị như sau:
2.1. Trong TĐCTTV và TĐTV, vị trí của các dấu, về cơ bản, được đặt ở nguyên âm,tức đỉnh âm tiết. Ví dụ: gà, nhỡ, bảng, nhíp, mận…
Nếu đỉnh âm tiết là một nguyên âm đôi được biểu hiện bằng các con chữ ia, ưa, ua hay iê, ươ, uô thì dấu thanh được đặt ở những vị trí khác nhau, hoặc ở yếu tố đầu (đối với âm tiết mở) hoặc ở yếu tố thứ hai (với các âm tiết không mở). Ví dụ: mía – miến; bùa – buồng; lựa – lượt
2.2. Nếu nguyên âm của âm tiết biểu hiện bẳng chữ "ă" thì TĐCTTV và TĐTV đều đặt tất cả các dấu trên dấu phụ "˘", dấu nặng dưới chữ cái mang dấu phụ "˘". Nhưng nếu nguyên âm của âm tiết được biểu hiện bằng chữ cái có dấu phụ, thường được gọi là dấu mũ "^" thì:
– TĐCTTV đánh dấu huyền, dấu hỏi bên trái dấu mũ, dấu sắc đánh bên phải dấu mũ, dấu ngã đánh ở đỉnh dấu mũ, dấu nặng đánh dưới chữ cái mang dấu mũ. Ví dụ:…
– TĐTV đánh dấu huyền bên trái dấu mũ, dấu sắc bên phải dấu mũ, dấu hỏi và dấu ngã đánh ở đỉnh dấu mũ, dấu nặng đánh dưới chữ cái mang dấu mũ. Ví dụ: lần, lẩn, lấn, lận…
2.3. Nếu đỉnh âm tiết là nguyên âm đơn mà đứng trước nó là âm đệm được biểu hiện bằng con chữ "o" hoặc "u" thì các đánh dấu có phần phức tạp hơn. Có thể phân loại như sau:
– Nếu trước âm đệm "u" là "q" thì TĐCTTV và TĐTV nhất loạt đánh dấu thanh ở nguyên âm, tức đỉnh âm tiết. Ví dụ: quả, quờ, quý…
– Nếu "u" đứng trước các nguyên âm trừ nguyên âm /i/ được ghi bằng chữ cái "y", thì TĐCTTV và TĐTV nhất loạt đánh dấu thanh ở nguyên âm. Ví dụ: huệ, thuở, tuấn…
– Nếu "u" đứng trước nguyên âm được biểu thị bằng chữ cái "y" (tức nguyên âm /i/) thì:
+ TĐCTTV đánh dấu thanh ở âm đệm "u" trong âm tiết mở, và ở nguyên âm "y" trong các loại hình âm tiết còn lại. VÍ dụ: thủy, húy, uỳnh, uỵch…
+ TĐTV nhất loạt đánh dấu thanh trên nguyên âm "y" trong mọi loại hình âm tiết. VÍ dụ: thuỷ, huý, uỳnh, uỵch…
– Nếu âm đệm "u" đứng trước nguyên âm đôi được biểu hiện bằng tổ hợp chứ cái "yê" thì cả TĐCTTV và TĐTV đều nhất loạt đánh dấu thanh trên yếu tố thứ hai của nguyên âm đôi. VÍ dụ: huyền, tuyết, luyện…
– Nếu âm đệm được biểu hiện bằng chữ "o" thì:
+ TĐCTTV đánh dấu thanh ở "o" (tức ở âm đệm) trong các âm tiết mở. Trong các âm tiết không mở, dấu thanh được đánh ở nguyên âm. Ví dụ: hòe, xõa, khoảng, khoét…
+ TĐTV nhất loạt đánh dấu thanh ở nguyên âm, trong các loại hình âm tiết. Ví dụ:hoè, xoã, khoảng, khoét…
Có thể khái quát sự đánh dấu thanh của TĐCTTV và TĐTV trong các âm tiết có âm đệm như sau:
TĐCTTV | TĐTV | |||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
||||||||||
|
|
|||||||||
|
|
3. Một số nhận xét và đề nghị
3.1. Nhìn chung TĐCTV và TĐTV gần như thống nhất với nhau về cách ghi dấu thanh. Về cơ bản, dấu thanh được đánh ở nguyên âm, tức đỉnh âm tiết. Điều đó chứng tỏ rằng: cách định vị dấu thanh của tiếng Việt chủ yếu dựa vào nguyên tắc biểu trưng ngữ âm.
Cách định vị dấu thanh trong các âm tiết có nguyên âm đôi, theo chúng tôi là thoả đáng, bởi lẽ nó thể hiện được hài hoà giữa nguyên tắc biểu trưng ngữ âm và nguyên tắc thẩm mĩ.
Sự khác nhau rất nhỏ trong cách đánh dấu thanh giữa TĐCTTV và TĐTV là ở các vần "uy, oa, oe". Trong các vần này, TĐTV nhất loạt đánh dấu thanh trên nguyên âm, TĐCTTV cũng đánh dấu trên nguyên âm nhưng trong các âm tiết mở thì đánh trên "u" hoặc "o". Sự phức tạp này của TĐCTTV có lẽ xuất phát từ nguyên tắc thẩm mĩ mà cơ sở của nó là sự cân đối về vị trí của dấu thanh trong âm tiết. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, nguyên tắc thẩm mĩ đã phức tạp hoá việc định vị dấu thanh trong cách viết. Nhận thức và lí giải cho được các quy tắc đánh dấu đúng một cách có ý thức, thật không phải là đơn giản và dễ dàng, đặc biệt là đối với học sinh phổ thông cơ sở. Ví dụ: quý – huý…
Việc đánh dấu hỏi trong các âm tiết có nguyên âm mang dấu mũ "^" của TĐTV, theo chúng tôi là hợp lí hơn, so với cách đánh dấu của TĐCTTV, bởi lẽ, cách đánh dấu của TĐTV thể hiện được tính thẩm mĩ và thuận tiện.
3.2. Căn cứ vào những nguyên tắc và những nhận xét đã nêu trên, chúng tôi xin đề nghị: Nguyên âm, tức đỉnh âm tiết là yếu tố quan trọng mang những đặc trưng tiêu biểu của thanh điệu, bởi vậy, dấu ghi thanh cần được định vị ở âm hạt nhân của âm tiết. Cách đánh dấu này sẽ đảm bảo cho cách viết được nhất quán, đơn giản và thuận tiện, đặc biệt trong các âm tiết có âm đệm. Ví dụ: cá, quỷ, hoãn, quạ… Viết là hoá, huỷ, thuỷ… như TĐTV chứ không viết là hóa, húy, thủy như TĐCTTV.
Cách định vị dấu thanh như vậy sẽ càng tăng sức biểu hiện tương phản của chữ viết. So sánh hai cách viết "thúi/thuý …" trên quan điểm chữ viết, sự khác biệt giữa hai từ theo cách đánh dấu thứ nhất chỉ thể hiện ở "i" và "y". Nhưng cách đánh dấu thứ hai làm cho hai từ khác nhau không phải chỉ ở "i" và "y" mà còn ở vị trí dấu thanh.
Nếu đỉnh âm tiết là nguyên âm đôi thì vị trí của dấu thanh vẫn cần được xác định theo cách viết hiện hành: mía " miến; lúa " luồng; vừa " vườn
Tóm lại, âm và chữ, thanh điệu và các dấu ghi thanh có liên quan chặt chữ với nhau. Ý kiến của chúng tôi dựa trên cơ sở sự vận dụng một số nguyên tắc của chữ viết trong mối quan hệ với đặc trưng ngữ âm của thanh điệu nhằm định vị các dấu thanh một cách nhất quán, thuận tiện, hợp lí và đơn giản hơn trong cách viết. Đây mới chỉ là sự tìm hiểu bước đầu về một vấn đề cần được quan tâm mà chúng tôi muốn trao đổi với các đồng nghiệp đang giảng dạy tiếng Việt trong cách trường phổ thông, nhằm góp phần xác định một trong những chuẩn mực của chữ viết. Điều này hết sức cần thiết và quan trọng, bởi lẽ nó không những chỉ có ý nghĩa trường quy mà còn là vấn đề văn hoá của chữ viết và cách viết. Chúng ta không thể và không nên tuỳ tiện trong cách đánh dấu ghi thanh của tiếng Việt. Cũng có thể nghĩ rằng, thanh điệu là dấu hiệu hay thuộc tính ngữ âm của toàn bộ âm tiết tiếng Việt, do đó dấu ghi thanh được đánh ở đâu mà chẳng được. Phải chăng đó là một sự nguy hiểm cho tính tự do, cẩu thả trái với chuẩn mực của chữ viết, trái với mục đích trau giồi tiếng Việt trong nhà trường. Bên cạnh tính đa dạng cần được tôn trọng đúng mức, thiết nghĩ tiếng Việt, chữ viết và cách viết cần phải có những chuẩn mực nhất định, đảm bảo tính thống nhất, tính văn hoá, tính trong sáng của nó, mà trong bài viết này chúng tôi chỉ dám mong góp phần suy nghĩ về một khía cạnh rất nhỏ, như đã trình bày.
_____________
(1) Chúng tôi dùng cách diễn đạt này chỉ với ý nghĩa là dấu thanh cần được đặt ở yếu tố tạo nên những đặc trưng cơ bản của
thanh điệu trong cấu trúc của âm tiết.
(2) Nguyễn Văn Lợi, Một số nét về tiếng Mèo ở Việt Nam, trong "Tìm hiểu ngôn ngữ các dân tộc thiểu sổ ở Việt Nam",
tập 1, Hà Nội 1972.
(3) ÂĐ: âm đầu; NÂ: nguyên âm; ÂC: âm cuối
(4) Hoàng Phê (chủ biên). Từ điển chính tả tiếng Việt. Nhà xuất bản Giáo dục, 1985.
Hoàng Phê (chủ biên). Từ điển tiếng Việt. Nhà xuất bản giáo dục, H., 1994.
(5) DT: dấu thanh; "u", "o": /-w-/
ÂT: âm tiết; "y": /i/; "yê": /ie/