• Chuẩn mực hoá ngôn ngữ và văn hoá mới, con người mới • Tiếp nhận từ của ngoại ngữ trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ • Nhu cầu mượn từ • Đồng hoá từ mượn • Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết • Nhất quán và không nhất quán
Nhu cầu mượn từ
Hành động mượn từ có thể chẳng có lí do gì chính đáng, chẳng đáp ứng một nhu cầu thực sự nào về ngôn ngữ, mà nhiều khi, chỉ là biểu hiện của ý thức không tôn trọng, không nghiêm túc đối với ngôn ngữ của dân tộc. Ở đâu cũng có sự tình này. Ở ta, rõ ràng là có khi đã như như thế. Thực ra, cái cớ lúc đầu là chưa có sẵn từ trong bản ngữ để đáp ứng ngay một nội dung mới, còn có tính chất ngoại. Thí dụ, chừng nửa thế kỉ trước, cái xe đạp là một trường hợp như thế và có người đã gọi nó là tự hành xa! Thí dụ này đáng chú ý, vì trước đây có lắm người thông tiếng Hán hễ gặp một nội dung mới từ phương Tây đến (đặc biệt là khái niệm trừu tượng về văn hoá, chính trị… nhưng cả khi là sự vật cụ thể cũng thế) thì một mặt, cự tuyệt chất liệu Pháp; mặt khác cũng không chịu tìm chất liệu Việt mà sẵn sàng dùng ngay chất liệu Hán, tức Hán Việt. Sự tình này, như đã nói, có nguyên nhân lịch sử trong quá trình tiếp xúc quá dài giữa tiếng Việt và “chữ Hán”, tức là dạng ngôn ngữ viết của tiếng Hán được tiếp tục dùng ở Việt Nam, từ khi nước ta thoát khỏi ách thống trị của Trung Hoa. Sự tình ấy đã ảnh hưởng khá rõ đến trạng thái chung của từ vựng tiếng Việt. Mặc dù thế, nếu dùng lạm từ Hán Việt, tức là mượn gốc Hán là vẫn gây ra phản ứng chống đối của người Việt Nam. Tự hành xa đã tự lúc đầu tỏ ra là một sự kém cỏi học giả, không chấp nhận được và đã nhanh chóng bị thay thế bằng xe đạp. Từ mượn gốc Pháp cũng có thể gây ra phản ứng đó. Tủ lạnh đã được hoan nghênh để thay thế fri-gi-de. Ti vi chắc chắn rồi sẽ chịu số phận như fri-gi-de và tự hành xa thôi.
Những thí dụ trên đây về sự thay thế từ mượn bằng từ Việt chứng tỏ rằng bản ngữ là một nguồn chất liệu hình thức để thay thế, và xu hướng sử dụng chất liệu đó, một cách triệt để và sáng tạo, có ý nghĩa và tác dụng quan trọng trong sự chuẩn mực hoá bản ngữ. Tuy vậy, những thí dụ như thế trong tiếng Việt còn cho thấy là, tự khi mượn nó tới khi không mượn nữa, tức là tới khi thay thế được từ mượn bằng bản ngữ, thường là có thời gian, để nội dung đủ mức đi sâu vào đời sống và để tìm ra hình thức bản ngữ đáp ứng nội dung đó một cách đáng hài lòng. Sự thực, có khi phải tiếp tục dùng từ mượn, vì lẽ đơn giản là chưa có khả năng thay thế. Không dẫn thí dụ nhưng rất dễ thấy là trong tiếng Việt, có những bộ phận của cái xe đạp hay xe máy đã được gọi bằng từ sẵn có, hoặc từ đặt ra để thay thế từ mượn, hoặc từ mượn đồng hoá, nhưng rõ ràng là còn có những bộ phận phải tiếp tục gọi bằng từ mượn. Đó là những sự vật cụ thể. Khi là những khái niệm, những tư tưởng thì sự thay thế lại càng không phải đơn giản.
Cho nên, trong hành động mượn từ, và thái độ tiếp tục dùng từ mượn, còn phải thấy rằng có trường hợp, nhu cầu là thực sự.
Thường có hai nhu cầu chính: nhu cầu định danh chính xác và nhu cầu gợi cảm.
Tất nhiên, hoàn toàn không có căn cứ để nói rằng từ bản ngữ không đủ sức đáp ứng nhu cầu định danh chính xác. Tuy vậy, có những trường hợp, những phạm vi, khi nội dung có tính chất đặc biệt thì mượn, do chỉ có một nghĩa nên đáp ứng được tốt nhất đòi hỏi phải gọi tên cái nội dung ấy mà không gây ra lẫn lộn. Đó là, chẳng hạn trường hợp từ công-tây-nơ dẫn ra ở trên trong tiếng Việt: từ mượn này, vốn ở tiếng Anh là “container” chỉ cái chứa, cái đựng nói chung, và chỉ một loại thùng đặc biệt chuyên dùng trong vận tải; nếu thay thế nó bằng từ thùng cho đơn giản thì không thoả mãn nhu cầu định danh nói trên, bởi vì không phải loại thùng nào cũng là công-tây-nơ cả. Giống như trường hợp từ can cũng có nghĩa như là thùng và gốc ở tiếng Anh là từ “can”; nhưng để đựng dầu hoả của người này là cái can bằng kim khí hay bằng nhựa hẳn hoi, mà của người khác có thể tạm bợ một cái thùng nào đó không gọi là can được. Cái khác nhau là: chuyện can, chuyện đời sống bình thường, còn chuyện công-tây-nơ quan trọng hơn nhiều; đây là chuyện vận tải hàng hoá, theo tiêu chuẩn quốc tế của một ngành hoạt động kinh tế. Từ mượn công-tây-nơ là một thuật ngữ khoa học, một danh từ chuyên môn hay chuyên danh.
Thiết nghĩ đối với thuật ngữ thì giá trị định danh chính xác mà nó phải có là một yêu cầu cần để lên hàng đầu. Điều mà các nhà khoa học trong các ngành khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật và khoa học xã hội đều muốn tránh, là tình trạng một khái niệm được định danh bằng những từ khác nhau, và một từ dùng để định danh những khái niệm không giống nhau. Cho nên, một mặt, nhà khoa học không thể không thấy yêu cầu của xã hội là chớ làm cho ngôn ngữ khoa học trở thành một thứ ngôn ngữ quá tách biệt khỏi ngôn ngữ chung của dân tộc; nhưng mặc khác, xã hội cũng không thể không thấy yêu cầu của nhà khoa học là chớ gây ra, bằng một quan niệm quá dễ dãi về thuật ngữ, những sự hiểu lầm có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của khoa học. Trong tình hình hiện nay, ngành khoa học nào cũng có trình độ chuyên môn hoá sâu của nó cho nên tiếng nói quyết định trong việc xây dựng hệ thống thuật ngữ của mỗi ngành nói chung, và nói riêng, việc nên hay không nên dùng từ mượn, thay thế hay không thay thế từ mượn bằng từ của bản ngữ cần được dành cho các nhà khoa học của mỗi ngành. Tất nhiên, các nhà khoa học nên có sự cố gắng nhìn đến các nguyên tắc chuẩn mực hoá ngôn ngữ, trong khuôn khổ chuẩn mực hoá từ vựng.
Giá trị định danh chính xác của thuật ngữ, hiện nay, cũng có ý nghĩa quốc tế. Một trong các hoạt động của “Hội thuật ngữ học quốc tế” là thu thập thuật ngữ mới, của một số thứ tiếng trên thế giới (trong đó có tiếng Việt) để so sánh và phát hiện những hiểu lầm có thể sinh ra giữa các nhà khoa học ở những nước khác nhau nhưng hoạt động trong cùng một ngành. Tuy vậy, ở diện quốc tế, vấn đề thống nhất hoá hay quốc tế hoá thuật ngữ lại có một khía cạnh tư tưởng đáng chú ý là một số nước đã đi những bước trước trong một ngành khoa học nhất định, có ý muốn dùng thuật ngữ của nước mình là cái cơ sở cho thuật ngữ của những nước khác. Thí dụ, không ít người cho rằng các khái niệm của điều khiển học đã sinh ra và được hoàn chỉnh hoá trước ở Mĩ, cho nên đồng bộ thuật ngữ của ngành này ở bất cứ nước nào cũng nên mượn của Mĩ. Quan điểm ấy không phải đã được tán thành một cách dễ dàng, và cũng không ít người ở những nước khác, những nước có vai vế như Mĩ về mặt khoa học, cho rằng sự tràn lan của những “americanisme” ấy là vô lối, và cần phải nhìn lại. Những quan niệm như thế ở góc độ này hay ở góc độ kia, ở góc độ nào cũng thể hiện quan điểm tư tưởng, với ít hay nhiều màu sắc dân tộc chủ nghĩa, thậm chí sô-vanh chủ nghĩa. Vì thế, một nước đang phát triển về khoa học và đang làm công tác thuật ngữ học, như nước ta, không nên mắc vào sự tranh cãi như thế, và trong trường hợp cần phải dùng từ mượn làm thuật ngữ thì mượn của tiếng nào là chủ động lựa chọn theo tiêu chuẩn về tính chất hệ thống có thể đạt được trong tiếng Việt và theo quan điểm, như đã nói, về sự tiếp xúc ngôn ngữ càng ngày càng rộng mở giữa tiếng Việt với các thứ tiếng khác…
Về nhu cầu gợi cảm, cũng cần thấy rằng không phải chỉ từ mượn có khả năng đáp ứng, mà trái lại, ưu thế ở mặt này nói chung thuộc về từ bản ngữ. Nhưng thế nào là sự gợi cảm của từ? Có thể tạm nói rằng từ mà có sức gợi cảm là khi mà ngoài chức năng định danh, nó còn có thể tạo nên những mối liên hệ đặc biệt giữa ý thức với thực tế, trong một hoàn cảnh nhất định. Như vậy, nhu cầu gợi cảm một từ cũng có thể xem là nhu cầu về phong cách ngôn ngữ, và cũng có thể nhận thấy rằng trong những hoàn cảnh nhất định, từ mượn cũng có tác dụng riêng.
Chẳng hạn, trong tiếng Việt, thường có cách khai thác tác dụng gợi cảm của từ mượn gốc Hán, tức là từ Hán Việt. Thí dụ, từ nguyệt không phải “quốc âm” mà rất Đường thi ấy đã được Nguyễn Trãi dùng năm trăm năm trước, trong một câu thơ mà đọc lên ta cảm thấy không những có trăng, có rượu mà còn có tâm tư, có cả phong độ của một con người: “Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng nghiêng chén”. Ngày nay, vẫn còn cách dùng từ nguyệt như vậy trong những câu thơ có ánh trăng, tất nhiên với sự thành công không giống nhau, và cả những lí do kĩ thuật có khác nhau, nhưng đều với cái ý thức của nhà thơ là muốn dùng một chất liệu hình thức ngoại, đã có phần đồng hoá, nhưng chưa hoàn toàn, và do đó mà chất liệu nội dung cũng có màu sắc riêng.
Ở những hoàn cách khác hẳn, cũng có thể thấy tác dụng gợi cảm của từ mượn. Thí dụ, trong nhiều ngôn ngữ, ở những hoàn cảnh có nói đến thể thao, đến việc ăn, việc mặc là cứ thấy cái thế mạnh khá rõ của từ mượn, của những từ như: gôn, pê-nan-ti… hay rô-ti, mằn thắn, va-li-de… Thực ra, những từ như thế đã rất gần với từ ngoại.
Trong phong cách khoa học, thì từ mượn dùng làm thuật ngữ do không có tác dụng gợi cảm riêng của nó, nên chính vì thế mà tạo cho phong cách này tính chất trung hoà, túc là ít gợi cảm, là đặc điểm của nó, so với phong cách thơ, phong cách nghệ thuật.
Nếu nói riêng về phong cách báo chí thì có thể khác, bởi vì phong cách này, có khi, cần phát huy tác dụng chiến đấu và thông tin, tức cũng là tác dụng gợi cảm, gợi nhiều mối liên hệ, cho nên loại từ mượn có tính chất thuật ngữ và gần với từ ngoại có thể có giá trị riêng. Thí dụ, nói lại gần như trích dẫn theo bài báo của bọn phản động quốc tế là “nhân quyền”, là “đề-tăng” (hoặc détente) thì thiết tưởng, do khác về chất liệu hình thức, nên khác về chất liệu nội dung, so với quan điểm và cách nói của ta là quyền con người, là làm dịu căng thẳng…
Đọc tiếp: Đồng hoá từ mượn