2. Chuẩn hoá các từ ngữ thông thường
Đối với các từ ngữ thông thường, nổi lên là vấn đề cách viết và các đọc. Trường hợp có nhiều biến thể ngữ âm khác nhau, cách viết và cách đọc nên theo những quy định của Hội đồng Chuẩn hoá chính tả và Hội đồng Chuẩn hoá thuật ngữ năm 1983, như sau:
a. Khi thói quen đã làm cho mặt ngữ âm của từ biến đổi và ít nhiều có khác với từ nguyên (gốc Việt hoặc gốc Hán), thì cần phải căn cứ vào thói quen mà xác định chuẩn chính tả, bởi vì thói quen của đại đa số trong nhân dân là một tiêu chí có ý nghĩa quyết định. Ví dụ:
– chỏng gọng (so sánh với chổng gọng)
– đại bàng (so sánh với đại bằng)
b. Khi thói quen chưa làm rõ một hình thức ngữ âm nào có tính chất ổn định thì nên dựa theo tiêu chí về từ nguyên để xác định chuẩn hoá chính tả, tiêu chí này có ý nghĩa quan trọng về mặt văn hoá, đáng được coi trọng. Ví dụ:
– trí mạng (so sánh với chí mạng)
Tuy nhiên, cần tránh truy từ nguyên một cách tuỳ tiện.
c. Khi trong thực tế đang tồn tại hai hình thức chính tả mà chưa xác định được một chuẩn duy nhất thì có thể chấp nhận cả hai hình thức ấy. Ví dụ:
– eo sèo – eo xèo
– sứ mạng – sứ mệnh…
Hội đồng lưu ý rằng, trong các trường hợp trên, khi chuẩn chính tả đã được xác định, thì cần nghiêm túc tuân theo, đặc biệt ở sách giáo dục.
Khi đọc, giáo viên và học sinh cần cố gắng dựa vào chuẩn chính tả mà phát âm. Trong ngôn ngữ nói thì chưa yêu cầu cao về phát âm chuẩn bởi vì chuẩn hoá và thống nhất phát âm là một công việc phức tạp và lâu dài.
Trường hợp phát âm thống nhất nhưng chữ viết khác nhau, nên theo quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục năm 1980 như sau:
Các âm tiết có nguyên âm i ở cuối thì viết thống nhất bằng i, trừ uy (như: duy, tuy, quy…), ví dụ: kì dị, lí trí, mĩ vị… Chú ý: i hoặc
y đứng một mình hoặc đứng đầu âm tiết vẫn viết theo thói quen cũ, ví dụ: ý nghĩa, y tế, ỉ eo, ầm ĩ, im, yêu…
(Đọc thêm: Quan điểm của ngonngu.net đối với một số vấn đề về chính tả)
Đối với các từ ngữ thông thường, chuẩn hoá về mặt ngữ nghĩa được đặt ra đối với những sáng tạo mới (từ mới, nghĩa mới, cách dùng mới) chỉ được coi là hợp chuẩn khi nó bắt nguồn từ cơ cấu nội tại, từ xu hướng phát triển của bản thân tiếng Việt. Chúng ta có thể nói các phương tiện thông tin đại chúng thì cũng có thể nói các phương tiện giao thông đại chúng; máy đẻ, có thể coi là hợp chuẩn vì mô hình cấu tạo chúng đã có trong tiếng Việt: máy khoan, máy giặt…
Theo Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 2002, trang 321–322.