2.d. Đối với các nguyên nhân ngoài ngôn ngữ làm cho một từ bị triệt thoái thì trước hết phải tính đến nguyên nhân lịch sử và xã hội.
Khi những sự vật, hiện tượng, chức vị, quan hệ… trong đời sống xã hội mà bị mất đi bởi những lí do lịch sử, thì tên gọi của chúng cũng giảm dần vị trí tích cực, rồi mất đi theo. Chúng, hoặc là bị rơi rụng hẳn khỏi đời sống giao tiếp hàng ngày hiện tại, hoặc là vẫn cong để lại hình bóng của mình đâu đó mà rất ít được đề cập, sử dụng. Chẳng hạn, các từ: bẩm, lạy, cấm thành, tử cấm thành, long cổn, hốt, hài, mộc, giáo, hoả hổ, thần công, thượng hoàng,… đã rút lui khỏi tiếng Việt ngày nay bằng con đường như thế.
Các nguyên nhân xã hội so với nguyên nhân lịch sử, đa dạng và phức tạp hơn. Có thể do thói quen sử dụng, sự ưa thích hoặc tiện lợi, thậm chí kể cả "mốt" nói năng cũng đủ làm cho một từ nào đó chiếm ưu thế hơn hẳn so với từ hoặc ngữ đang tranh chấp với nó. Tình hình này có thể được minh hoạ bằng những cặp từ như: ra-đi-ô — đài… của tiếng Việt, hoặc table napkin — serviette; radio — wireless… trong tiếng Anh. Trong mỗi cặp như thế, nếu một từ được xã hội chấp nhận và ưa dùng hơn thì từ kia sẽ phải thoái lui khỏi vị trí vốn có của nó.
Sự kiêng kị, nói tránh tên là một lí do về mặt xã hội khiến cho một từ (tên gọi) nào đó rất dễ bị mất đi. Trên thế giới, hầu như nơi nào cũng có hiện tượng kiêng kị, tránh gọi tên một vài sự vật, hiện tượng, hành động… nào đó. Ngư dân Việt Nam phần nhiều không gọi cá voi mà gọi cá ông hoặc (cá) ông voi. Khi gặp cá voi chết, người ta bảo rằng: (ông) luỵ. Trong rất nhiều ngôn ngữ dòng Baltic, Slave, German, không thấy có một cái "tên cúng cơm" của con gấu. Người ta đã gọi chệch đi bằng những tên khác nhau: медбедв – người ăn mật (tiếng Nga), bär – màu nâu, màu hung (tiếng Đức), lokys – kẻ liếm láp (tiếng Latvia)… Nhiều ngôn ngữ Slave khác cũng gọi giống tên gọi trong tiếng Nga. Trong khi đó, cái "tên cúng cơm" nguyên thuỷ của con vật này từ thời ngôn ngữ Ấn-Âu chung, vẫn được bảo lưu trong các ngôn ngữ khác như: ursus (tiếng Latin), ours (tiếng Pháp), orso (tiếng Italia), oso (tiếng Tây Ban Nha), arktos (tiếng Hi Lạp), rksah (tiếng Ấn Độ cổ), arša (tiếng Ba Tư cổ), aji (tiếng Armenia), ari (tiếng Albania), art (tiếng Ireland). Sự quên lãng trong các ngôn ngữ nêu trên chỉ có thể giải thích hợp lí bằng lí do là sự kiêng kị.
Trong cuộc sống của thế giới văn minh bây giờ, sự kiêng kị cũng vẫn còn chưa hết. Người ta kiêng, tránh một từ nào đó, thay thế nào bằng một từ khác, có thể vì nó động chạm đến một niềm sùng tín, dị đoan; hoặc cũng có thể chỉ vì một sự xấu hổ, ngại ngùng nào đó mà từ có thể gây nên. Ví dụ:
Ở nước Anh, nhiều người hay dùng passing way hơn là dying (đang sắp chết, hấp hối) và dùng maligmant growth hơn là dùng từ cancer (bệnh ung thư). Còn người Mĩ, người ta lại muốn tránh dùng từ lavatory (vốn ban đầu chỉ có nghĩa là nơi tắm rửa). Họ muốn thay thế nó bằng comfort station hoặc powder room; hoặc littler girl’s room. Một người Việt nếu muốn tỏ ra mình không phải là kẻ thô lỗ, thì anh ta nói nước tiểu, nước giải thay cho nước đái; nói đi tiểu, đi giải thay cho đi đái…
Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 204–207.
Đọc tiếp:
Những biến đổi trong chiều sâu của từ vựng
Đọc thêm: Phân lớp từ ngữ tích cực và tiêu cực